Mang trong mình niềm đam mê nghiên cứu vì con người, đem lại sự sống cho những sinh linh bé nhỏ, chàng trai du học sinh người Việt năm nào giờ đây đã trở thành nhà phát minh đồng thời là một doanh nhân thành công trên đất Nhật.
Chàng sinh viên xứ Huế trên đất Nhật
Ông Trần Ngọc Phúc (tên tiếng Nhật: Kazufuku Nitta) sinh năm 1947 trong một gia đình khá giả ở Huế. Về sau, gia đình ông chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông sang Nhật theo học ngành hóa công nghiệp tại Đại học Tokai năm 1968 bằng chi phí của cha mẹ.
Ông Trần Ngọc Phúc (tên tiếng Nhật: Kazufuku Nitta).
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1974, ông nhận được học bổng dành cho nghiên cứu sinh của hội The Asian Students Cultural Association và xin vào thực tập tại hãng chế tạo thiết bị y khoa Senko Medical Instrument Manufacturing. Ông dự định mang những kiến thức mình đã học hỏi được về áp dụng cho Việt Nam.
Ban đầu, sau khi sang Nhật ông thường liên lạc với gia đình ở Việt Nam qua điện thoại. Nhưng chiến tranh tiếp diễn, sau năm 1975 ông hoàn toàn mất liên lạc với gia đình tại Sài Gòn. Vốn được sinh ra trong một gia đình khá giả ở Việt Nam, cha mẹ chiều theo mơ ước của ông, gửi ông sang học tại Nhật và ông luôn mang trong mình tâm niệm sẽ mang những điều mình học hỏi được quay trở về xây dựng quê hương. Bởi vậy, việc mất liên lạc với gia đình đã khiến tinh thần của ông bị khủng hoảng trầm trọng. Ông nghĩ rằng mình đã mất quê hương và sẽ chẳng bao giờ có cơ hội trở về.
Những suy nghĩ tiêu cực bủa vây lấy ông, đến nỗi ông phải tránh đến gần cửa sổ trong các toà cao ốc, vì chỉ e trong lúc phẫn chí sẽ đi tìm cái chết. Sau hơn một tháng bế tắc và khủng hoảng, nhờ sự khích lệ của bạn bè, ông quyết định ở lại Nhật và tiếp tục làm việc.
Đam mê nghiên cứu vì sinh mạng con người
Quyết định ở lại Nhật Bản, ông hiểu rằng không phải ai cũng dễ dàng sống được ở một vùng đất mới. Để tạo chỗ đứng trên mảnh đất xứ Phù Tang, ông muốn tìm cho mình con đường chưa ai từng đi, làm việc chưa ai từng làm.
Khi ông vào phòng hồi sức cấp cứu của trẻ em, nhìn những đứa trẻ bé bỏng trong lồng kính ông nghĩ: “đây là thiên thần xuống trần gian nhưng bị gãy cánh” và ông muốn giúp các thiên thần có thể sải đôi cánh của mình khi đến thế giới này. Vì vậy, ông đã quyết định dấn thân vào con đường chế tạo máy hô hấp nhân tạo cho trẻ sơ sinh mà không một ai ở Nhật Bản dám làm lúc đó. Theo thống kê năm 1975, tỉ lệ tử vong của các bé sinh non có cân nặng từ 500gr đến dưới 1kg tại Nhật Bản gần 90%, thuộc hàng cao nhất các nước phát triển trên thế giới. Đây vốn là một bài toán hóc búa đối với các bác sĩ, bởi buồng phổi của các bé còn quá yếu ớt.
Nhìn những đứa trẻ bé bỏng trong lồng kính… ông đã quyết định dấn thân vào con đường chế tạo máy hô hấp nhân tạo cho trẻ sơ sinh mà không một ai ở Nhật Bản dám làm lúc đó.
Lựa chọn con đường này, những khó khăn ban đầu không ít. Rất nhiều người phản đối việc làm này của ông vì cho đây là việc không thể. May mắn thay, Giám đốc công ty Senko Ika đã tạo điều kiện cho ông đi học những kiến thức liên quan đến hô hấp ở một trường đại học Y trong khoảng 1 năm, sau đó là thực tập ở một số đại học Y khác. Ông cũng phải tự mày mò học thêm, tự nghiên cứu ngày đêm vì lúc bấy giờ ở Nhật Bản chưa có ai nghiên cứu về ngành này.
Sau thời gian học tập, ông trở về công ty cũ làm việc ở bộ phận nghiên cứu gây mê và hô hấp. Ông dành 10 năm để cống hiến cho công ty đã có công đào tạo, giúp đỡ mình.
Năm 1982, ông thuyết phục vợ cùng giúp ông thành lập công ty Metran Co, Ltd. bằng tiền hưu trí, tiền tiết kiệm và vay ngân hàng để theo đuổi mơ ước làm giảm số tử vong của các trẻ sinh thiếu tháng. Ông dồn hết tâm sức vào việc chế tạo “Máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số HFO (High Frequency Oscillatory Ventilation)” thích hợp cho hai lá phổi mong manh của các bé sơ sinh.
Công ty Metran Co, Ltd.
Sau bao nỗ lực và cố gắng cuối năm 1982, ông chế tạo thành công máy HUMMINGBIRD 1. Máy thở này của công ty Metran đã đoạt giải nhất trong cuộc thi do hội The U.S. National Institutes of Health đặt ra tại Mỹ. Đây được xem là điều đã làm nên nền tảng cho công ty của ông.
Máy thở tần số cao “Humming Bird” – Thế hệ đầu tiên.
Từ thành công ban đầu có được, ông cố gắng nghiên cứu, phát minh và phát triển máy đều đặn, hết cái này đến cái khác. Kết quả ông đã thành công trong việc chế tạo máy dùng cho cả trẻ em và người lớn.
Hiện tại, Công ty Metran tại Nhật Bản có khoảng 50 nhân viên. Công ty tuy nhỏ nhưng đối với ông, khi làm việc trong lĩnh vực y khoa, điều cần nhất là trách nhiệm với xã hội và con người.
Bởi “Thi ân mà không cần đáp trả”, đây là điều ông đã học được từ cha mẹ mình.
Công ty tuy nhỏ nhưng đối với ông, khi làm việc trong lĩnh vực y khoa, điều cần nhất là trách nhiệm với xã hội và con người.
Kết quả thống kê tại Nhật cho thấy theo đà hoàn thiện của máy thở HFO, tỉ lệ tử vong của trẻ sinh non tại Nhật giảm dần trong hơn một thập niên qua. Đối với trẻ sinh non cân nặng 900gr, số tử vong năm 1990 là 150 cháu thì đến năm 2005 chỉ còn dưới 50 cháu. Đối với trẻ nặng 600 gam thì tử suất năm 1990 là 400 cháu và năm 2005 chỉ còn 200 cháu. Đặc biệt đối với trẻ nhẹ hơn 400gr thì tử vong từ 1.000 cháu năm 1990 chỉ còn dưới 500 cháu vào năm 2005.
Năm 2007, em bé nhỏ nhất sinh ra tại Nhật Bản chỉ nặng 265gr, có thể nằm trên bàn tay của người lớn. Những đứa trẻ đặc biệt như thế này, nếu dùng máy hỗ trợ hô hấp thông thường thì rất khó cứu sống và để lại nhiều di chứng. Nhưng sử dụng máy hỗ trợ hô hấp do ông nghiên cứu thì tỷ lệ các cháu sống sót mà không để lại di chứng rất cao.
Năm 2007, em bé nhỏ nhất sinh ra tại Nhật Bản chỉ nặng 265gr.
Với những con số như thế, dễ hiểu tại sao thiết bị này hiện được trang bị tại 90% các trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh toàn nước Nhật với hơn 1.400 máy đang vận hành. Ngoài ra, các máy này đã được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Dễ hiểu tại sao thiết bị này được trang bị tại 90% các trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh toàn nước Nhật với hơn 1.400 máy đang vận hành.
Sau rất nhiều kỳ tích mà những chiếc máy hỗ trợ hô hấp của ông tạo ra, ngày 25/11/2017, một đài truyền hình của Nhật Bản đã thực hiện chương trình mà thông qua đó, ông Trần Ngọc Phúc đã gặp được hai cháu bé sinh non nhờ có thiết bị của ông mà được cứu sống và giờ đây đã lớn khôn, khỏe mạnh. Gia đình của hai bé coi ông như ân nhân. Cuộc gặp gỡ đầy niềm hạnh phúc vui sướng cho cả ông và gia đình hai bé. Các cháu biểu diễn kiếm đạo và piano cho ông xem, chia sẻ ước mơ của chúng cho ông nghe. Sản phẩm nghiên cứu của mình đã cứu được những đứa trẻ như vậy, có lẽ đó là một trong những món quà tuyệt nhất đối với ông.
Đặc biệt, tháng 7 năm 2012, công ty của ông đã được Nhật hoàng Akihito lựa chọn để ghé thăm. Nhật hoàng đã cảm ơn vì có những doanh nghiệp như ông đang nỗ lực để bảo vệ trẻ em Nhật Bản. Hàng năm, Nhật hoàng chỉ chọn 3 doanh nghiệp vừa và nhỏ làm điểm đến trong lịch trình bận rộn của mình vì vậy, việc được Nhật Hoàng ghé thăm là một sự ghi nhận đối với những cống hiến của ông trên đất Nhật.
Sau 33 năm thành lập và phát triển, Công ty Metran đã nhận được nhiều giải thưởng lớn của Chính phủ và các địa phương ở Nhật Bản. Năm 2007, Metran được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chọn là một trong 300 công ty có tiềm năng phát triển mạnh nhất. Năm 2012, Metran đạt “Giải thưởng sáng tạo lớn” lần thứ 4 của Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản dành cho “Dụng cụ hô hấp nhân tạo bảo vệ sinh mệnh của trẻ siêu sinh non”.
Công ty Metran đã nhận được nhiều giải thưởng lớn của Chính phủ và các địa phương ở Nhật Bản.
Nối tiếp thành công, tháng 11 năm 2018 ông tiếp tục nhận được huân chương mặt trời mọc tia sáng bạc, phần thưởng cao quý cho nỗ lực của ông suốt 50 năm sống tại nước Nhật.
Triết lý kinh doanh coi trọng đạo đức
Trở thành một nhà phát minh đã khó, làm doanh nhân còn khó hơn. Để đạt được thành công như ngày hôm nay, ông đã từng phải trải qua những giờ phút khó khăn trên con đường đi đến thành công của mình.
Ông luôn tâm niệm “kinh doanh cũng như là tập kiếm đạo”: là đạo nên cách suy nghĩ, đạo đức đều nằm trong đó. Mình phải có sự trung tín, luôn luôn có lòng trung thành với mục đích cao cả, với đạo lý và giữ chữ tín ở đời dù gặp khó khăn thế nào đi chăng nữa.
Năm 1993, một biến cố đã xảy đến khi ông muốn mở rộng quy mô công ty bằng việc niêm yết lên sàn chứng khoán, ông đã mời 3 nhà đầu tư vào làm chung với hy vọng họ sẽ giúp công ty thành công hơn nữa. Nhưng ông đã nhầm, các nhà đầu tư nôn nóng muốn có lợi nhuận nhanh nhất có thể nhưng điều này đi ngược lại với triết lý kinh doanh của ông là phải phát triển một cách bền vững.
Sản phẩm nghiên cứu của ông đã cứu được rất nhiều người.
Không cùng chí hướng, ông quyết định dừng hợp tác với họ. Lúc này, ba đối tác quay ra liên kết với nhau nhằm đánh sập Metran. Đứng trước khó khăn, ông vẫn vững tin vào con đường mình đã chọn, ông vay tiền ngân hàng mua lại toàn bộ cổ phiếu mà người ta đã bỏ vào. Sau biến cố, ông càng nhận thức sâu sắc hơn về đạo kinh doanh, ông cho rằng “vấn đề lợi tức và đạo đức, khi nào cũng phải cân bằng trong đó”.
Tấm lòng luôn hướng về quê hương
Cơ duyên trở về Việt Nam của ông Trần Ngọc Phúc bắt đầu không lâu sau khi ông thành lập Metran. Lúc đó, ông đang cùng Bệnh viện Nhi trung ương quốc gia Nhật Bản nghiên cứu về máy móc thiết bị y tế, ông đã được Bệnh viện Nisseki Hiro liên lạc với Bệnh viện Nhi trung ương quốc gia Nhật Bản về ca mổ tách rời hai cháu Việt – Đức. Vì biết ông Phúc là người Việt Nam nên Bệnh viện Nhi trung ương quốc gia Nhật Bản đề nghị ông tham gia việc này.
Năm 1988, khi tham gia hỗ trợ cho cuộc phẫu thuật tách cặp song sinh Việt – Đức, ông có nhân duyên gặp gỡ với bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM). Qua những cuộc trò chuyện cùng bác sĩ Phượng, ông biết rõ hơn về tình hình đất nước sau giải phóng vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, nhiều lĩnh vực đang gặp khó khăn, trong đó có y tế. Nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ Phượng, ông đã trở lại thăm quê hương. Ông đoàn tụ cùng gia đình sau một thời gian dài xa cách.
Anh Nguyễn Đức (thứ ba, từ trái sang) cùng vợ con hội ngộ êkíp mổ 30 năm trước.
Lúc ông về Việt Nam đã không còn như xưa, gia đình ông đã mất hết của cải và phải chật vật tìm mọi kế để sinh nhai. Với bổn phận người con trưởng trong gia đình, ông đã đưa các em của mình sang Nhật để chúng có cơ hội học tập và trau dồi kiến thức trong lĩnh vực y khoa và thực phẩm. Các em trai, em gái của ông sau khi về lại Việt Nam đều mang những kiến thức học được vào kinh doanh và cũng tạo được mối tương quan mật thiết với Nhật bản.
Trực tiếp chứng kiến những khó khăn thách thức mà Y tế Việt Nam phải đối mặt, ông đã liên hệ với những người bạn là các bác sỹ trên toàn nước Nhật, xin cung cấp các thiết bị y tế cần thiết để hỗ trợ cho các bệnh viện của Việt Nam. Ông sử dụng sản phẩm do mình nghiên cứu để giúp đỡ những đứa trẻ sinh thiếu tháng, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa. Đồng thời, ông cũng nhờ sự hỗ trợ của những bác sĩ tại Nhật và Mỹ, khi có thời gian cùng ông về Việt Nam. Trước hết, ông tổ chức các buổi giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm cho những bác sĩ trẻ, sau đó là các hội thảo để các bác sĩ Việt Nam hiểu được các cách chữa trị mới trên thế giới. Chỉ sau này, khi Y tế Việt Nam đã từng bước phát triển rõ rệt và có sự hỗ trợ của rất nhiều giáo sư ngoài nước, vì sức khỏe có hạn cũng như muốn dành thời gian cho nghiên cứu khoa học, ông Phúc mới dừng tổ chức các hội thảo sau 13 năm thực hiện.
Ông tổ chức các buổi giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm cho những bác sĩ trẻ, sau đó là các hội thảo để các bác sĩ Việt Nam hiểu được các cách chữa trị mới trên thế giới.
Hiện tại trên cương vị là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, ông Trần Ngọc Phúc mong muốn Hội có thể đưa ra những giải pháp giúp đỡ cộng đồng người Việt có cuộc sống tốt hơn, hỗ trợ cho người Việt trong những tình huống khó khăn… Đồng thời, ông cũng đang ấp ủ ước mơ xây dựng một kênh truyền hình dạy tiếng Việt tại Nhật. Theo ông, người Việt tại Nhật sống rải rác nên nếu mở trường dạy học sẽ không đáp ứng được hết nhu cầu mong muốn dạy tiếng Việt cho các thế hệ thứ 2, thứ 3. Gìn giữ tiếng Việt là gìn giữ cốt lõi bản sắc văn hóa Việt, bởi vậy nhiệm vụ này luôn được ông và Hội người Việt tại Nhật chú trọng.
Trên cương vị Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật, ông mong muốn Hội có thể đưa ra những giải pháp giúp đỡ cộng đồng người Việt có cuộc sống tốt hơn, hỗ trợ cho người Việt trong những tình huống khó khăn.
“Bước đến tuổi 70, tôi muốn dành thời gian cho gia đình nhỏ bé của mình, cống hiến cho cộng đồng, nhưng đam mê nghiên cứu vẫn chưa bao giờ ngừng lại trong tôi. Tôi đang nghiên cứu các thiết bị giúp đỡ cho bệnh nhân tại Việt Nam. Các ý tưởng của tôi luôn muốn phụng sự cho Tổ quốc mình”, ông chia sẻ
Tài năng cùng triết lý nhân sinh cao đẹp mà ông gửi gắm trong các sản phẩm của mình đã và đang cứu sống hàng nghìn trẻ em sinh non trên thế giới. Với đạo đức và nhân cách của một người con đất Việt ông đã mang đến hạnh phúc cho những người làm cha làm mẹ đồng thời góp phần làm rạng danh đất nước hình chữ S.