Hôm 12-02-1958 lãnh tụ vĩ đại Mao Trạch Đông cầm bút ký cái rẹt, thế là sắc lệnh lịch sử được ban ra: Triển khai Chiến dịch diệt chim sẻ (打 麻 雀 运 动 - Đả ma tước vận động).
Chuyện rằng, mùa thu năm 1956 Hội nghị Hiệp hội Động vật học TQ khẳng định thủ phạm gây ra nạn thiếu hụt lương thực chính là các loài chim, đặc biệt là chim sẻ. Đầu têu là thứ trưởng Bộ Giáo dục, nhà sinh vật học Zhou Jian. Ổng ước tính mỗi năm 1 con chim sẻ chén 2,5 kilôgam ngũ cốc, 2,5 tỷ con chim sẻ trên đất nước TQ xơi mất lượng lương thực đủ nuôi sống 35 triệu người. Vậy thì phải diệt chim sẻ!
Nhà điểu học Cheng Tso-sin phản đối gay gắt. Ông khẳng định rằng tận diệt chim sẻ là loại bỏ thiên địch của các loài côn trùng. Mặt khác, chim sẻ có lợi cho nông nghiệp vì thời gian thu hoạch mùa màng cũng là lúc chúng ấp trứng, nuôi con và xơi tái rất nhiều côn trùng gây hại. Hơn nữa, các loài chim sống ở đô thị và rừng rậm hoàn toàn vô hại cho mùa màng và kho thóc. Nhiều nhà khoa học chân chính cũng thấy trước hậu quả khôn lường nhưng ứ dám hé răng. Nói ra để bị chụp mũ “chống đối chủ trương lớn” rồi tù mọt gông à?
Thế là hôm 18-02-1957 tại đại hội ĐCSTQ, ông Zhou Jian đề xuất ra nghị quyết tiêu diệt chim sẻ và chuột để cho nền nông nghiệp TQ phát triển vượt bậc. Ông thuyết phục đại hội là chính Fridrich Đại đế của nước Phổ (1712-1786) đã từng tiến hành chiến dịch tương tự và kết quả thu được rất đáng khích lệ.
Ban đầu người ta đánh bả và đặt bẫy, sau thì nghĩ ra cách làm cho chúng kiệt sức. Học sinh sinh viên, bộ đội, công nhân viên chức được nghỉ học nghỉ làm để đi chiến đấu chống “kẻ thù có cánh”. Thế là tất tần tật nam phụ lão ấu từ tinh mơ đến tối mịt vẫy khăn, gõ chảo, la hét, huýt sáo để lũ chim phát cuồng, bay tán loạn đến kiệt sức, rơi cái uỵch. Học trò được phát súng cao su (còn gọi là giàn thun hay ná) để bắn bất kỳ con chim nào trông thấy. Người ta trèo lên cây và hốc tường phá các tổ chim, giết chim non, đập vỡ trứng. Cả nước vui như hội. Báo chí đăng ảnh từ thành thị đến nông thôn lủ khủ những đống xác chim cao hơn đầu người.
Trong 3 ngày đầu tiên của chiến dịch, riêng tại 2 thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải đã có gần 1 triệu con chim lìa đời. Đến cuối năm 1958 toàn TQ có khoảng 2 tỷ con chim thiệt mạng. Mùa thu năm 1958 bầu trời TQ sạch bóng chim, chỉ còn lác đác ở những vùng xa xôi hẻo lánh.
Vụ mùa năm 1959 bội thu quá trời ông địa. Ai ai cũng phấn khởi.
Chẳng bao lâu, người ta tá hỏa tam tinh trước tình trạng sâu bướm, cào cào châu chấu và vô số loài côn trùng có hại khác lúc nha lúc nhúc, tàn phá hoa màu kinh khủng khiếp. Vụ mùa 1960 thất thu nặng nề. Rất nhiều trường học và nhà máy được nghỉ học và nghỉ làm để đi bắt sâu và cào cào châu chấu.
Chẳng ăn thua gì. Nạn đói kinh hoàng bắt đầu, cả nước hoảng loạn. Theo số liệu chính thức, từ mùa thu 1960 đến mùa hè 1961 có hơn 20 triệu người chết đói và khoảng 10 triệu người nữa trong 5 năm tiếp theo. Xin nhớ là dân số TQ khi đó 650 triệu.
Mao Trạch Đông cầu cứu Stalin. Lập tức 19 toa xe lửa chứa đầy chim sẻ quốc tịch Liên Xô được gửi sang. Tất nhiên là tính tiền. Lũ chim nhập cư này sướng quá thể vì không đâu có nhiều thức ăn tươi roi rói giãy đành đạch đến thế. Canada cũng gửi chim sẻ đến… bán.
Truyền thông TQ ém nhẹm. Cho đến nay, sử sách báo chí TQ chỉ gọi nạn đói này là “Ba năm thiên tai”.
FB Mily Kim