Tìm Kiếm

18 tháng 2, 2023

Đậu bắp ăn sống được không?

 Quinhon11


Năm nào mình cũng trồng vài cây đậu bắp bên hông nhà. Trồng để mà trồng, chứ mỗi lần hái trái vào rồi cũng để héo, để già vì làm biếng chế biến theo cách luột, hay nấu canh, do nhà mình ít ăn cơm. Năm nay cũng vậy, ươm lên khá nhiều cây đậu bắp con, nhưng không có đất nên mình chỉ để lại năm cây, số còn lại đem cho bạn bè. Mỗi sáng ra dạo vườn, thấy trái vừa đủ lớn thì mình hái vào. Tuy không nhiều, chỉ chừng 3-4  trái mỗi ngày, nhưng vậy là đủ cho mình.

Nhìn mấy trái đậu bắp mới hái xanh mướt, bắt mắt vậy mà sau vài ngày trong tủ lạnh đã trở nên xỉn màu và mất hẳn độ tươi lúc ban đầu, làm mình tiếc lắm. Một hôm mình thử ăn sống, ăn ngay khi vừa mới hái. Mùi vị đậu bắp sống với mình khá dễ ăn. Dòn, có vị ngọt hậu, không nhớt nhiều.. ăn cứ như ăn dưa leo.

Thế là từ đó mỗi sáng ra vườn, luôn để ý trái vừa ăn là hái thưởng thức ngay. Ông nhà mình thấy mình ăn ngon lành thì cũng bị mình dụ ăn thử. Mình nói dụ, vì ông nhà mình rất ghét ăn rau có chất nhớt. Mồng tơi, mướp, khoai mỡ.. là không có ông. Vậy mà ăn thử một trái, ông gật gù khen ngon và cho là khá dễ ăn so với ăn chín. Từ đấy ông cũng tham gia hội ăn đậu bắp sống với mình.

Tuần rồi mình tới nhà bạn, lúc ra vườn mình thấy mấy trái đậu bắp già, không ai hái, mình tiếc quá hái hết vào. Trong số đó còn 1-2 trái chưa có xơ, còn ăn được . Mình đề cập về việc ăn sống, thế là anh bạn tên Hiếu ăn thử một trái, rồi anh ngạc nhiên thấy quả đúng như mình nói, là dễ ăn chứ không khó như anh và mọi người tưởng tượng. Anh bảo: em biết đậu bắp rất tốt cho sức khỏe nhưng nó nhớt khó ăn quá. Bây giờ em thấy ăn sống thì dễ hơn nhều..

Mấy hôm nay, ông nhà chiều đi làm về, lúc dạo vườn cũng tìm đậu bắp để hái. Buồn cười là buổi sáng mình đã hái rồi. Còn những trái hơi non mình để dành ngày mai. Nhưng ông không biết, lại hái tiếp. Cứ cái đà sáng hái, chiều hái thế này, cây làm sao cung cấp đủ trái ??. Ngẫm lại, ngày nào hai vợ chồng cũng nhai đậu bắp rôn rốt như thỏ ăn cà rốt thế này, không biết lợi hại ra sao đây? Vậy là mình lên mạng tìm hiểu đậu bắp ăn sống có được không? ăn bao nhiêu là đủ?. Và dưới đây là những gì mình sưu tầm được. Xin chia sẻ với các bạn.

Nên ăn đậu bắp còn sống hay đã luộc chín?

Lợi ích:
Lợi ích thì nhiều lắm, Không thể liệt kê hết. Thú thật mình đọc mà cứ như lạc vô mê hồn trận. Thật khó tin những trái đậu bắp bé bé thế mà có ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của chúng ta. Mình chỉ liệt kê dưới đây một số trường hợp chính thôi nhé.

- Đa số mọi người thường chế biến đậu bắp bằng cách luộc, hấp, nướng hay nấu canh, còn việc ăn sống hoặc uống nước ép của đậu bắp thì hầu như không ai chọn. Tuy nhiên, giá trị dinh dưỡng của đậu bắp sẽ cao hơn nhiều, khi bạn uống nước ép đậu bắp hoặc ăn sống nó.

- Những chất có trong đậu bắp giúp xương của bạn chắc khỏe, ngăn ngừa tình trạng loãng xương. Những người dùng không đủ lượng vitamin K có thể dễ bị gãy xương.

- Các chất chống oxy hóa hay Vitamin C có trong đậu bắp vẫn nguyên vẹn và không bị mất đi nếu chúng ta ăn hay uống nước ép sống. Điều này sẽ giúp hệ miễn dịch của bạn khỏe mạnh hơn.

- ngăn ngừa được chứng táo bón vì nó chứa hàm lượng chất xơ cực lớn.

- Bảo vệ tim mạch bằng cách kiểm soát mức Cholesterol, giúp chúng luôn được ổn định.

- Tốt cho người bị tiểu đường vì nó giúp kiểm soát mức đường huyết của bạn.

- Giúp sáng mắt, đẹp da: đậu bắp có chứa nhiều sinh tố A nên giúp phòng ngừa các căn mệnh về mắt và da, giúp duy trì thị lực tốt cũng như mang lại cho cơ thể một làn da tươi nhuận.

- Giúp hạ mỡ máu: ăn đậu bắp thường xuyên góp phần kiểm soát lượng cholesterol xấu trong cơ thể, bởi trong trái đậu bắp có chứa các dưỡng chất thiết yếu có tác dụng làm giảm thiểu cholesterol trong máu.

- Phòng và chữa táo bón và các bệnh về dạ dày...

Tuy nhiên cần lưu ý một số trường hợp: 















- Đậu bắp có tính mát, chứa nhiều fructan - một dạng carbohydrate có thể gây tiêu chảy, đầy hơi ở những bệnh nhân vốn có vấn đề về đường ruột. Những bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích và một số bệnh đường ruột khác, dễ nhạy cảm với thực phẩm có hàm lượng fructan cao.

 Đậu bắp cũng có hàm lượng oxalate cao, trong khi dạng sỏi thận phổ biến nhất hình thành từ calcium oxalate. Theo Viện Tiêu hóa và Thận của Mỹ, thực phẩm giàu oxalate làm tăng nguy cơ sỏi thận loại này ở những người đã từng bị trước đó.

- Đậu bắp có chứa tới 43% vitamin K trong tổng số khối lượng, bạn có thể nấu cháo đậu bắp với gạo và tôm sẽ dễ ăn hơn rất nhiều khi ăn trực tiếp loại quả/hạt này. Tuy nhiên , Ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng vitamin K cao có tác dụng ngược đối với bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu như warfarin - là loại thuốc có tác dụng ngăn ngừa kết tụ huyết khối làm nghẽn đường dẫn máu vào tim hoặc não. Vitamin K cũng bị xem là trợ giúp cho huyết khối hình thành.

Nếu các bạn không ở vào trường hợp cần lưu ý trên thì hôm nào thử ăn đậu bắp sống nhé. Những thực phẩm được quãng cáo như thần được thường có giá  đắt đỏ. Nhưng đậu bắp vừa rẻ vừa tốt thì tại sao ta không thử. Nếu ăn chín khó ăn thì hãy thử ăn sống. Biết đâu thử rồi sẽ ghiền như QN đấy.

Quinhon11