NHÀ VỆ SINH VÀ BỌC NƯỚC PHƠI NẮNG GIỮA TRỜI |
Tôi được phái đi công tác trong chiến dịch OIR, Operation Inherent Resolve, ở Tây Bắc Iraq, đúng vào những tháng Hè nóng oi bức như đổ lửa. Những cơn mưa ở đây không bao giờ xảy ra vào mùa Hè, chỉ vài cơn mưa rào vào mùa Đông, nên không khí như đặc quánh lại, nóng nung người và bụi tung trời. Vì nóng và đổ mồ hôi, người dân ở đây ai cũng phải uống nước nhiều, dù làm việc trong căn phòng máy lạnh hay ngoài trời, đều phải uống nước thật nhiều trên mức bình thường, nếu không, cơ thể sẽ mất nước và không chịu hoạt động nữa, căn bệnh mất nước có thể giết chết bạn một cách dễ dàng mà bạn không ngờ đến.
Bệnh mất nước là căn bệnh khi cơ thể bạn mất đi chất lỏng nhiều hơn lượng chất lỏng mà bạn uống hoặc hấp thụ vào cơ thể. Mất nước có 3 trường hợp: Nhẹ, hơi nặng, và rất nặng. Căn bệnh này có thể gây tử vong khiến các cơ quan trong cơ thể bạn không còn hoạt động hữu hiệu để duy trì sự sống. Khi thiếu nước, máu bạn sẽ đậm đặc hơn làm cho tim bơm máu khó khăn hơn, ảnh hưởng đến thận và tất cả cơ quan khác trong cơ thể. Bộ não trên đầu cũng cần có nước, nếu thiếu, nó sẽ co lại và gây choáng váng, không suy nghĩ được rõ ràng, áp huyết máu tụt nhanh và bạn có thể ngất xỉu. Nếu không kịp đưa vào bệnh viện hoăc chữa trị kịp thời bạn có thể bị liệt hoặc tử vong.
Tôi đến đây từ tháng 3 khi thời tiết đang chuyển dần qua mùa Hè. Bước vào cuối tháng 6, nhiệt độ tăng dần, có ngày lên đến 49 C (120 F), cái nóng chạy lăn tăn trên đầu, trên mặt, trên lưng, tạo cảm giác ngứa ngáy râm ran như những con chí đang gặm nhấm da thịt mình. Vừa mở cửa ra khỏi phòng, cái nóng ập vào mặt như ai bưng nguyên chậu than hồng để trước mặt mình, mồ hôi nhễ nhại, da mặt bỏng rát mỗi khi tôi bước ra ngoài đường phi đạo. Cái nóng ở đây lạ lắm không như cái nóng khô ở nhà, tiểu bang Arizona, không làm bạn đổ mồ hôi. Ở đây, Iraq, cũng là vùng sa mạc, nhưng cái nóng ẩm ướt, nhớp nháp dính vào người; cộng thêm bụi mịt mờ thường xuyên xảy ra do bão cát. Một ngày không tắm, không thể nào chịu nổi.
Khí hậu nóng là nguyên do chính làm cơ thể bạn mất nước mau chóng mà bạn không thể ngờ cho đến khi có những dấu hiệu cảnh báo từ cơ thể nhắc nhở bạn. Có người thông minh, tinh ý nhận ra ngay và có người chậm chạp, lù đù như tôi, phải mất mấy ngày mới hay thì khá muộn màng. Lại còn mấy cái phòng vệ sinh trong trại cũng góp phần làm trầm trọng thêm căn bệnh thiếu nước. Bạn có thể hình dung ra phòng vệ sinh là những cái hộp sắt phơi nắng giữa cái nóng như thiêu đốt giữa vùng đất bạc màu thỉnh thoảng những con chốt xoáy nhỏ thổi gió cuốn tung lên toàn bụi mù. Bồn chứa nước không phải là bồn chứa bình thường mà là những bọc nước bằng vải bố dày được đặt sát ngay bên nhà vệ sinh, cũng phơi mình dưới cơn nóng kinh hồn của mùa Hè vùng bão lửa.
Bước vào phòng vệ sinh, âm thanh máy lạnh chạy rào rào giúp căn phòng dễ chịu phần nào, nếu không có nó, chắc không ai dám bước vào cái “hộp sắt” đang hấp thu cái nóng giữa sa mạc. Mở vòi nước rửa tay mà tôi tưởng như đang mở vòi nước nóng ở nhà. Nó nóng đến độ không dám rửa tay lâu vì sợ phỏng tay. Một bữa, sau khi đi ra ngoài về, tôi muốn xối qua tí nước lên đầu cho mát và đỡ nhớp nháp, mở vòi nước, đưa tay vào, tôi vội rụt tay lại và bước ngay ra ngoài, không dám xối nữa vì nước nóng như vừa được đun nấu xong. Nói để bạn thấy rõ vì sao tôi bị bệnh mất nước từ từ mà không hay.
Thêm một yếu tố quan trọng nữa khiến cơ thể tôi mất nước rất chậm mà tôi không hay: Công việc tôi làm 12 tiếng một ngày, hầu hết ngồi trong phòng đèn mờ, máy lạnh chạy hết công xuất luôn được giữ ở 18 C (64 F). Ngồi lâu bị lạnh nên tôi luôn đem theo áo khoác mỏng, và vì lạnh, tôi không cảm thấy khát nên ít uống nước. Thỉnh thoảng cũng bước ra ngoài phi đạo khi có việc cần, lúc đó đem theo chai nước làm vài ngụm cho đỡ khô cổ và đỡ nóng. Cứ tháng này qua tháng nọ, cơ thể tôi cạn nước mỗi ngày mà mình không biết cho đến khi nó báo động bằng những triệu chứng như sau.
Mấy hôm nay tôi chợt thấy cơ thể mình đổi khác, đầu óc cứ lâng lâng, không tập trung được, bước chân cứ nhẹ đi và chông chênh như đang bước trên một con tàu bập bềnh, trôi nổi trên sóng nước. Ngồi làm việc tại văn phòng với máy lạnh chạy rè rè, cơn choáng váng khiến buồn ngủ ập đến gây mệt mỏi dù tối hôm trước đã ngủ hơn 8 tiếng. Triệu chứng kéo dài như thế qua ngày thứ 3 vẫn không giảm.
Tối hôm đó về lại phòng ngủ, tôi mở phone coi Youtube một chút theo thói quen cho mỏi mắt để dễ ngủ. Đột nhiên tôi thấy như có một vệt đen thoáng qua che mắt. Tôi dụi mắt, nhắm lại một vài giây, mở mắt ra tôi thấy căn phòng xoay tròn, đầu nặng trĩu, một cảm giác buồn nôn khiến ánh sáng đèn phòng như tối sầm lại. Mồ hôi lạnh toát ra ướt cả áo thun và hơi thở dồn dập. Tôi tự nhủ không khéo bị stroke thì nguy to.
Nằm nghiêng qua bên trái, nhắm mắt lại không biết bao lâu thì tôi ngồi dậy được, bước xuống tắt đèn. Căn phòng chìm vào bóng tối mà mắt tôi vẫn mở thao láo, không cách nào ngủ được. Cả đêm hôm đó, tôi nửa tỉnh nửa mơ, chập chờn không biết đâu là thực đâu là mơ. Tôi cố gắng ngồi dậy, với tay lấy hộp Tylenol 500mg, bỏ hai viên vào miệng và uống thật nhiều nước, hy vọng thuốc sẽ làm loãng máu để trái tim có thể bơm máu lên não, may ra sẽ hết nhức đầu.
Ngày hôm sau thức giấc, đầu không còn nặng nhưng cảm giác như say sóng vẫn còn. Đến văn phòng, mở laptop coi lại hồ sơ sức khỏe trước khi đi công tác đầu tháng 3. Tôi lướt qua những chỉ số về sức khỏe và tất cả con số khác thì thấy không có gì trầm trọng trừ Cholesterol và Triglycerides hơi cao nhưng bác sĩ có phê một câu “OK for deployment”. Xét lại việc ăn uống, tôi biết tôi vốn không thích kiêng cữ gì, cứ ăn uống thoải mái. Cà phê thì vẩn cho 3 hộp cream nhỏ trong 1 ly, ngày uống 2 lần. Không lẽ vì kiểu ăn uống như vậy mà máu bị mỡ chặn không lưu thông lên đến não? Tôi quyết định không ăn ngày đó và uống cà phê đen không đường coi có đỡ chút nào không. Cả ngày hôm đó đầu óc vẫn quay quay nhè nhẹ.
Tối trở về phòng ngủ, nằm xuống là cái đầu lại quay mòng mòng. Sợ quá, tôi ngồi dậy thì đỡ. Thử nằm xuống, đầu tôi như một trái cầu thủy tinh tròn đựng thủy ngân, cứ nghiêng qua bên nào là bên đó nặng chịch một bên. Tôi phải quỳ lên và gục đầu xuống phía trước như đang lạy trước bàn thờ và giữ im tư thế đó thật lâu thì thấy đỡ. Đêm hôm đó trở thành đêm dài nhất trong cuộc đời vì tôi cứ phải thay đổi tư thế liên tục. Mồ hôi tiếp tục tuôn lạnh ướt trán và lưng, cơ thể bần thần, xốn xang, khó chịu, mắt mờ đi.
Giữa đêm đen thinh lặng, tôi cố thở đều, bình tĩnh lại để đánh giá tình hình sức khỏe mình coi có thể nguy đến tính mạng hay không. Ở đây là một phi trường dã chiến nên không có bệnh viện với phương tiện đầy đủ trong trường hợp cấp cứu. Tôi chợt nhớ lại triêu chứng hiện nay rất giống với lần tôi đã bị mất nước ở tiểu bang nhà Arizona, cách đây 20 năm. Đó là ngày lễ Độc Lập được nghỉ việc lâu, tôi mua vật liệu về làm căn nhà trên cây (Tree house) cho 2 đứa con. Khí hậu sa mạc tháng 7 rất oi bức. Tôi cố hoàn thành cho xong công việc nên tôi làm cả 3 ngày ngoài trời, uống nước ít, cứ tu ừng ực Coke và Pepsi mỗi khi khát nước. Tôi mất nước trầm trọng mà không hay.
Sau 4 ngày nghỉ, tôi trở lại làm việc. Khi tôi bước chân lên bậc thang của chiếc phi cơ Global Express, tôi có cảm giác chông chênh. Tiếp tục bước cho hết mấy bậc thang, bước vào bên trong, tôi lại thấy choáng váng như chiếc phi cơ đang chao đảo. Tôi ngồi xuống chiếc ghế bành êm ái và tự nhiên buồn nôn. Tôi nhắm mắt dưỡng thần, nhưng cũng không giúp được gì. Cơn buồn nôn lại đến, tôi nuốt ngược trở vô, cổ họng chua lè. Đứng lên, tôi xính vính muốn té. Tôi biết tôi bệnh nặng mà vẫn chưa biết tại sao. Tôi cố đi bộ ghé qua phòng ông xếp, xin phép về nhà. Ông hỏi có cần ai đưa về không vì thấy sắc mặt tôi xanh lè. Tôi lắc đầu.
Đi bộ ra bãi đậu xe mà như đi trong mơ. Tôi lái như bay, chắc cỡ 90 dặm một giờ trên xa lộ để mau về đến nhà. Bước vào cửa, tôi lao vào phòng vệ sinh nôn mửa thốc tháo tới mật xanh. Bụng chợt đau quặn lên, sôi sùng sục và tháo dạ ào ào. Nhớ đến câu “trên thốc dưới tháo”, tôi biết rằng tôi bệnh nặng lắm. Bước ra ngoài, tôi nói vợ tôi kêu 911, rồi tôi nằm lăn ra sàn nhà, chập chờn mê đi, nhưng vẫn còn chút tỉnh táo nghe được tiếng xe cứu thương và tiếng người lao xao đưa cáng tôi lên xe.
Việc đầu tiên tôi nhớ và nghe được bác sĩ nói loáng thoáng “Heat stroke” và “dehydration”. Rồi kim truyền nước biển đâm vào cánh tay, tôi bập bềnh trôi vào vùng lãng đãng, đầu óc mụ mị, chìm vào cơn buồn ngủ nặng nề. Khi tỉnh dậy, thấy vợ con ngồi kế bên, mới hay mình còn sống, đang được tiếp tục truyền nước biển và đang nằm trong bệnh viện. Hôm sau tôi được cho về với lời khuyên “nhớ uống nước nhiều vào”. Vậy mà tôi vẫn chưa học khôn được chút nào sau 20 năm cho đến hôm nay. Tôi biết tôi sẽ phải làm gì vào sáng mai.
Hôm sau, khi đi làm, tôi lội bộ qua trạm xá và xin được khám và cho hay có lẽ tôi bị mất nước. Anh lính “medic” trẻ khám, đo huyết áp thì mọi thứ đều bình thường. Anh hỏi tôi diễn tả cảm giác đau đầu, xây xẩm ra sao, nghe xong anh hỏi tôi uống nước bao nhiêu chai một ngày. Tôi trả lời 3, 4 chai (16oz). Anh lắc đầu nói không đủ, ít nhất cũng gấp đôi hay hơn, nếu không cơ thể thiếu nước sẽ bị “shock” gây nguy hiểm. Anh coi mạch và nói các động mạch trên tay chìm là dấu hiệu thiếu nước.
Anh pha cho tôi một dung dịch bột có nhiều electrolyte và pedialyte để uống. Tôi phải nằm lại một giờ để được truyền nước biển (intravenous fluids hay IV). Trong nước truyền gồm có nước, đường, muối và các chất dinh dưỡng sẽ đi thẳng vào mạch máu nhanh hơn để thay thế lượng chất lỏng đã mất.
Trong khi nằm truyền nước biển, anh lính trẻ vui tính giải thích những dấu hiệu làm thế nào nhận ra mình thiếu nước, làm sao để lấy lại nước một cách nhanh chóng, và cách điều trị và ngăn ngừa để không bị mất nước. Trái tim là một bắp thịt, nó làm một công việc quan trong nhất là bơm máu đi nuôi tất cả các cơ quan, ngõ ngách trong cơ thể mình. Dưỡng chất Electrolyte hoạt động như là một giòng điện thông thương và điều hòa nhịp đập của trái tim, thiếu nó, trái tim làm việc kém hiệu quả, có thể gây ra trụy tim, chết người. Vì vậy, uống nước đủ là tuyệt đối quan trọng trong thời tiết nóng nực và khắc nghiệt.
Mayo Clinic khuyên chúng ta nên uống nước đủ: Phụ nữ nên uống đủ 92 fluid onces hay 2.7 lít (11.5 cups), đàn ông 124 oz hay 3.7 lít (15.5 cups) một ngày. Vận động viên hay những người phải làm việc ngoài trời nắng nên uống nhiều hơn dù không cảm thấy khát. Nếu đã bị mất nước khá nặng chưa đến mức vào bệnh viện, bạn có thể tự chữa ở nhà với công thức 1 lít nước, ½ muỗng canh (teaspoon) muối, 6 muỗng canh đường và lắc đều lên xong kiếm chỗ thoáng mát, có máy lạnh càng tốt, từ từ uống và nghỉ ngơi.
Muốn lấy lại nước mau chóng khi không có phương tiện truyền IV như ở bệnh viện, trạm xá, bạn có thể làm công thức như trên tại nhà và uống kèm thêm các loại nước uống thể thao đóng chai như Gatorade, DripDrop, Cerasport có pha các dưỡng chất sau đây: Electrolyte, Pedialyte, Sodium, Potassium, và Coconut water tức nước dừa, và trên hết vẫn là NƯỚC. Tôi vừa thoát nạn lần nữa, đang mỗi ngày có cảm giác khá hơn, mất hơn 5 ngày, không còn bị nhức đầu xây xẩm và học được bài học thứ 2 về cách uống nước.
NƯỚC từ trời rơi xuống đổ đầy sông hồ, ao đầm. NƯỚC từ những mạch ngầm dưới đất tuôn chảy chan hòa nuôi sống nhân loại. NƯỚC là nguồn sống không thể thiếu trong cơ thể con người và cũng là vật chất tuy rẻ như bèo, thua xa vàng ngọc, kim cương mà con người đang tận hưởng nhưng không hề biết mang ơn NƯỚC. Trải qua kinh nghiệm mất nước lần này, tôi xin nhắc nhở mọi người nên uống nước thật nhiều và mỗi lần uống, hãy tận hưởng NƯỚC như một món quà Mẹ thiên nhiên ban tặng để giữ gìn sức khỏe bản thân và thêm ý thức, trân trọng về nguồn NƯỚC.
Tháng 7, 2021. Lễ Độc Lập. Viết tại Al Asad, Iraq.
Nguyễn Văn Tới