Tìm Kiếm

30 tháng 6, 2021

Tình Nguyện Viên Song Thao

Cả thế giới đang chú tâm vào chuyện chích vaccine ngừa Covid-19. Trên Facebook, nhiều người tại Mỹ khoe giấy chứng nhận chích ngừa đủ hai mũi. Tôi thấy niềm vui của những người này có thể hiểu được. Họ đã tương đối an toàn trên xa lộ, trút được phần nào nỗi lo âu Covid thăm hỏi. Các bạn tôi bên Mỹ, thuộc loại hiếm quý vì sống lâu, đi hàng đầu trong loại được bảo vệ. Ông bạn học xưa, sau khi hân hoan vạch tay áo hai lần đầy đủ, đã ưu ái hỏi tôi. Thành thực mà nói, tôi nghe bạn hỏi thăm mà ít vui. Tại Canada chúng tôi, vì thiếu thuốc, chính phủ quyết định chích cho nhiều người được một mũi sẽ ngừa dịch tốt hơn là người hai mũi người không có mũi nào. Vậy là tôi mới chỉ được lụi có một mũi, bốn tháng sau mới lụi mũi thứ hai.

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, kẻ trồng…vaccine mà chúng ta đang vui mừng được lụi chính là những nhà khoa học đã ngày đêm miệt mài trong phòng thí nghiệm. Đó là những nhân vật số một mà chúng ta phải mang ơn. Tìm ra thuốc nhưng không phải bê nguyên con từ phòng thí nghiệm ra chích vào thịt dân chúng. Cần phải thử. Đầu tiên thử trên thú vật. Thường mấy chú chuột là vật hy sinh trong gia đoạn thử nghiệm đầu tiên. Thấy ngon rồi mới tiến tới việc thử trên người. Người không phải chuột nên phải cẩn thận. Toi mạng chuột còn xí xóa được, toi mạng người coi bộ phiền phức. Mà chẳng chỉ một mạng mà cần tới cả chục ngàn mạng. Ai dám chơi dại đây? Những tình nguyện viên!

Bác sĩ Katherine O’Brian, chuyên gia của tổ chức Y Tế Thế Giới WHO, đã giải thích về các giai đoạn thử nghiệm cho vaccine ngừa Covid-19 trong chương trình “Science in 5” (Khoa Học trong 5 Phút). Khi một loại vaccine mới hoàn thành giai đoạn phát triển trong phòng thí nghiệm, các khoa học gia sẽ thử nghiệm trên một số động vật. Nếu mọi sự tiến triển tốt đẹp, người ta sẽ thử nghiệm trên người, qua ba giai đoạn.

Giai đoạn một được tiến hành trên nhóm người trẻ và khỏe mạnh. Chỉ khoảng dưới một trăm tình nguyện viên. 

Mục đích số một của giai đoạn này là đánh giá và tìm ra liều lượng chuẩn của vaccine. 

Mục đích thứ hai, các nhà khoa học đánh giá xem vaccine có tạo ra được phản ứng miễn dịch mong muốn hay không.

 Mục đích thứ ba là tập hợp các dữ liệu về sự an toàn của vaccine.

Nếu mọi chuyện OK thì qua thử nghiệm giai đoạn hai. Giai đoạn này cần nhiều tình nguyện viên hơn. Các tình nguyện viên của giai đoạn này được chọn thuộc lứa tuổi mà vaccine nhắm tới. Mục đích của giai đoạn này là kiểm tra đáp ứng miễn dịch trên số lượng người nhiều hơn, kiểm tra chi tiết hơn về đáp ứng miễn dịch do vaccine tạo ra và chứng minh được về sự an toàn của vaccine trên số lượng người lớn hơn.

Nếu giai đoạn hai tiến hành ngon lành, vaccine sẽ được thử nghiệm qua giai đoạn ba, giai đoạn quy mô nhất. 

Mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của giai đoạn này là tiếp tục tích lũy bằng chứng về sự an toàn của vaccine.

 Mục đích thứ hai là để biết vaccine có thực sự bảo vệ con người trước bệnh dịch hay không. Các tình nguyện viên được chia ra thành hai nhóm. Một nhóm được chích vaccine và một nhóm được chích giả dược (placebo). Các tình nguyện viên hoàn toàn mù tịt không biết mình thuộc nhóm nào. Sau đó người ta so sánh tỷ lệ mắc bệnh trên nhóm thứ nhất và thứ hai. Qua tỷ lệ này, người ta có thể biết vaccine được thử nghiệm có giúp phòng ngừa được bệnh dịch hay không. Nghe đã thấy ngại. Không biết mình thuộc vào loại được chích vaccine thiệt hay giả. Bác sĩ Katherine O’Brian phủ dụ: “Tôi thực sự muốn nhấn mạnh rằng đây là một thực hành chuẩn và hoàn toàn bình thường trong thử nghiệm lâm sàng”.

Trên nguyên tắc thận trọng, nếu có ai tham gia thử nghiệm lâm sàng mà có biểu hiện triệu chứng hoặc bị ốm - bị mắc một bệnh không lường trước hoặc có tính chất nghiêm trọng thì thử nghiệm lâm sàng sẽ phải dừng lại. Lý do dừng lại là cần phải tiến hành đánh giá để tìm hiểu xem có phải do người đó đã được nhận vaccine hay không nhận được vaccine khi họ ở trong nhóm nhận giả dược; liệu triệu chứng hoặc căn bệnh đó có liên quan hoặc không liên quan đến sản phẩm họ đã nhận trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Vì vậy, theo đại diện của WHO, đây là việc bình thường trong một quy trình thử nghiệm lâm sàng và cũng cho thấy thử nghiệm lâm sàng được tiến hành tuân theo các tiêu chuẩn cao nhất về đánh giá độ an toàn và bất kỳ vấn đề nào liên quan đến an toàn đều được xem xét sớm, xem xét một cách thực sự nghiêm túc.

Ba loại vaccine chống Covid-19 được chấp thuận đầu tiên là của các công ty dược phẩm Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson. Họ theo lộ trình thử nghiệm này ra sao? Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba của Pfizer được tiến hành trên 30 ngàn người, trong độ tuổi từ 18 đến 85, tại 120 địa điểm trên toàn cầu.

Moderna tiến hành thử nghiệm trên người trong giai đoạn một vào tháng 3/2020 với 45 tình nguyện viên khỏe mạnh từ 18 tới 55 tuổi.

 Họ được chia thành ba nhóm và được chích với các liều vaccine 25 micrograms, 100 micrograms và 250 micrograms. 

Đúng 28 ngày sau, họ được chích liều thứ hai với số lượng tương tự. 

Sau mũi chích thứ nhất, lượng kháng thể bắt đầu xuất hiện. Người được chích liều cao có nhiều kháng thể hơn. 

Sau mũi chích thứ hai, lượng kháng thể của các tình nguyện viên cao hơn lượng kháng thể của phần lớn các bệnh nhân đã nhiễm Covid. Không có phản ứng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận.

 Ba tình nguyện viên được chích liều mạnh nhất, phản ứng nghiêm trọng hơn nên các nhà khoa học quyết định bỏ liều 250 micrograms.

Trong giai đoạn ba, Moderna tuyển 30 ngàn tình nguyện viên ngay tại Mỹ gồm nhiều loại: ít tuổi và nhiều tuổi, khỏe mạnh và đang có bệnh mãn tính, người gốc da trắng, gốc Phi, gốc Á châu, gốc Latin.

Johnson & Johnson, loại vaccine rất dễ chịu vì chỉ phải chích có một mũi, thử nghiệm giai đoạn ba với 44 ngàn tình nguyện viên tại Mỹ, Nam Phi và một số nước thuộc châu Mỹ La Tinh.

Như vậy, đã có tổng cộng tới 117 ngàn tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn ba gồm 43 ngàn người cho thử nghiệm của Pfizer, 30 ngàn cho Moderna và 44 ngàn cho Johnson & Johnson.

Trong số các tình nguyện viên này có đủ các sắc dân. Màu gì cũng có: trắng, đen, vàng, nâu. Chúng ta thuộc sắc vàng. Có nhiều thứ vàng, chúng ta thuộc loại da vàng mũi tẹt. Nếu bây giờ tôi hay bạn được mời tham gia làm tình nguyện viên, chúng ta tính sao? Đừng làm khó nhau chứ! Chúng ta vốn e dè trong cách sống, nhất là khi phải sống lưu vong nơi xứ người. Thân ăn nhờ ở đậu, chuyện gì cũng lơ đi cho chắc ăn, đất nước mình đâu mà phải kê vai gánh vác. Hầu như chuyện chi chúng ta cũng đánh bài lùi. Chuyện chích thử nghiệm vaccine vào người, coi bộ còn lùi mạnh hơn nữa. Nghe thiệt ốt dột nhưng chẳng nên trốn tránh sự thực. Không biết bạn làm sao chứ tôi chắc lắc đầu. Đang khi không rước cái bất an vào người, dại chi! Suy nghĩ của con người phần lớn phụ thuộc vào xã hội họ sống. Chúng ta đã sống gần hết đời người nơi một đất nước đầy bất trắc. Vậy nên chúng ta thường thủ thế. Nghĩ tới mình trước hết. Nếu gọi là một lối sống ích kỷ, ít nghĩ tới tha nhân, thì cũng chẳng sai. Chúng ta vơ vào chứ không thả ra. Nhưng được cái an ủi là các anh vàng kia cũng họ hàng với chúng ta, ngại…hy sinh.

Theo bài báo “Racial Diversity within Covid-19 Vaccine Clinical Trials: Key Questions and Answers” của bốn tác giả Samantha Artiga, Jennifer Kates, Josh Michaud và Latoya Hill, thì mấy anh da vàng sống tại Mỹ quả có lùi thiệt. Họ thống kê cho thấy dân da trắng chiếm 73,6% dân số, có số người tình nguyện cho vaccine Pfizer là 81,9% và cho Moderna là 79, 4%. Tỷ lệ tình nguyện nhiều hơn tỷ lệ dân số. Dân da đen, tỷ lệ dân số 12,3%, tình nguyện cho Pfizer 9,8% và cho Moderna 9,7%. Dân da vàng gốc Á châu, tỷ lệ dân số là 5,9%, tình nguyện cho Pfizer 4,4% và cho Moderna 4,7%. Yếu thấy rõ!

Khi chúng ta được chích vaccine thì đã được bảo đảm về sự an toàn. Nhưng khi các tình nguyện viên được chích, sự an toàn còn mang dấu hỏi. Vậy mà họ sẵn sàng vén tay áo chích. Họ không màng lợi ích cho cá nhân nhưng sẵn sàng hy sinh, gánh sự bất an, để cho nhân loại có được vaccine ngăn chặn đại dịch. Nhiều cơ quan báo chí và truyền thanh truyền hình đã gọi họ là “anh hùng”, chắc ai trong chúng ta cũng đồng ý như vậy. Trong một thời gian ngắn, chúng ta có tới hàng chục ngàn anh hùng, sống vì người khác, sẵn sàng chịu hiểm nguy cho sự an toàn của những người khác, không quen biết, không họ hàng, không dây mơ rễ má. Người ta cần sự hy sinh của tất cả mọi chủng tộc trong đó có người gốc Á, vậy nên trong cộng đồng người Việt chúng ta cũng có những tình nguyện viên. Bao nhiêu người, tôi không có con số rõ ràng. Họ thuộc lớp người thứ hai, những người được giáo dục tại đất nước chúng ta tạm cư.

Cô Nina Hòa Bình

Do một tình cờ đọc được trên Facebook chuyện nói qua lại giữa những người bạn trẻ, tôi được biết là Nina Hòa Bình, con gái của Trần Dạ Từ và Nhã Ca, đã tình nguyện thử vaccine của Johnson & Johson. Khi viết bài này, tôi đã text nói chuyện với cháu Hòa Bình. Cháu cho biết là thấy cái quảng cáo cần tình nguyện viên của Johnson & Johnson trên Facebook, cháu đã điện thoại và được hẹn phỏng vấn. Họ cho biết rất cần những người gốc thiểu số và giải thích kỹ lưỡng tiến trình tham gia. Đại khái là việc theo dõi các tình nguyện viên sẽ kéo dài hai năm, mỗi tuần sẽ phải điền vào “nhật ký điện tử” cho họ. Trong ba tháng đầu sẽ phải thử máu mỗi sáu tuần. Sau đó mỗi hai tháng. Sau một năm thì mỗi ba hoặc sáu tháng tùy từng người.

Tôi hỏi Nina suy nghĩ sao mà quyết định…hy sinh, cháu trả lời: “Cháu có vài người bạn thân, thường đi bộ với nhau. Một người là bác sĩ và cô thường hay có những show nói về Covid trong suốt thời gian pandemic nên tụi cháu hay bàn về dịch bệnh và quan tâm về sự phát triển của thuốc chích ngừa. Bạn cháu giải thích lợi hại và sự cần thiết trong việc tham gia, nhất là đối với sample từ các cộng đồng ethnic khác nhau, và nói rằng most likely là an toàn, và cả ba người tụi cháu đều ghi danh tham gia cùng lúc. Cháu có về nhà nói, và em gái của cháu là Vành Khuyên và her husband cũng tham gia. Gia đình không ai ngăn cản gì. Một số bạn bè thì lại cho rằng không nên. Khi cháu hỏi câu hỏi trên facebook của clinical trial, có vài người bạn của cháu vào khuyên không nên tham gia vì nguy hiểm, có cô bạn còn nói là sao tự dưng lại đi làm việc tế thần. Khi cháu vào interview thử nhìn xung quanh thấy chỉ người da trắng, 1 hay 2 người da đen mà không thấy người Á Châu nào nên cháu quyết định tham gia”.Như vậy có ba “bộ nhân” và ba người trong gia đình Hòa Bình tham gia. Sau đó có thêm Doãn Quốc Hưng, con của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nhập bọn. Hai bạn trẻ khác cũng ghi tên nhưng không được chấp nhận vì lý do sức khỏe. Trong bảy người tình nguyện có sáu người tham gia vào group của Johnson & Johnson và một người vào group của Pfizer.

Cho tới nay, vaccine cũng đã được chuẩn thuận dùng cho trẻ em từ 12 tới 16 tuổi. Còn dưới 12 tuổi thì sao? Họ đang thử nghiệm. Tham gia cuộc thử nghiệm cho lứa tuổi dưới 2 tuổi có một bé gốc Việt: bé Nathan Galvan ở Houston, 17 tháng tuổi. Dĩ nhiên với số tuổi chỉ biết ngậm bình sữa, bé Nathan không tự mình quyết định tham gia thử nghiệm. Người quyết định là mẹ của bé: Bác sĩ Như Thảo Nguyễn Galvan. So với Nina Hòa Bình và các bạn tự quyết định tham gia thử nghiệm thì quyết định của người mẹ cho đứa con còn trứng nước muôn phần khó khăn hơn. Sự khó khăn giảm bớt phần nào khi người mẹ là người trong nghề, có kiến thức vững chắc về sự chính xác của khoa học. Bác sĩ Như Thảo là giáo sư ngành giải phẫu ghép nội tạng tại Đại học Baylor College of Medecine, Houston, đồng thời là bác sĩ tại bệnh viện Texas Chidren’s Hospital ở Houston, một trong những bệnh viện nhi đồng được coi là tốt nhất thế giới. Chồng bà cũng là một bác sĩ. Trả lời phóng viên Kalynh Ngô của báo Người Việt về lý do bà quyết định cho con tham gia thử nghiệm, bà nói: “Tôi đã chứng kiến nhiều đứa trẻ khỏe mạnh phải chết trong đại dịch. Đối với tôi, nguy cơ một hoặc hai ngày bị sốt (sau khi chích) không đáng kể gì với việc tôi mất con vì covid-19, hoặc con tôi bị lây nhiễm, rồi lại lây nhiễm cho ông bà, cho thầy cô giáo mỗi khi bé ôm họ… Có lẽ vì là bác sĩ nên tôi dễ dàng quyết định hơn những người khác. Tôi muốn những đứa trẻ của mình lớn lên, được ôm những người bạn của chúng, được nói chuyện, được giao tiếp với mọi người theo đúng như cách bình thường mà chúng ta từng được có”.

Bác sĩ Như Thảo là con gái một gia đình thuyền nhân Việt Nam, được sanh ra và giáo dục tại Mỹ nhưng cũng được dưỡng dục theo truyền thống dân tộc trong gia đình. Quyết định của người mẹ trẻ này được gia đình phản ứng ra sao, bác sĩ Như Thảo cho biết: “Không chỉ bà ngoại, mà vài người khác trong gia đình tỏ vẻ không muốn tôi làm thế. Nhưng họ không thật sự ngăn cản. Mọi người muốn tôi suy nghĩ thật kỹ về quá trình chích vaccine. Tôi và chồng tôi nói chuyện rất nhiều về điều này. Anh ấy cũng theo dõi và nghiên cứu rất kỹ các dữ liệu về virus và vaccine. Sự đánh đổi của một, hai ngày bị tác dụng phụ sau khi chích với việc những đứa trẻ bị lây nhiễm là điều quyết định.”

Bé Nathan Galvan đã được chích mũi vaccine thứ nhất vào ngày 28/4 vừa qua cùng với 15 bé khác tại Houston. Phóng viên Kalynh Ngô đặt câu hỏi: “Nếu người ta gọi bác sĩ là “A Hero Mom” thì bà nghĩ sao?”. Bà trả lời với một nụ cười: “Nathan và các bé kia mới thực sự là hero!”.

Tôi chỉ được biết một số “hero” Việt Nam góp mặt trong việc làm tình nguyện viên thử nghiệm vaccine. Tôi tin người Việt chúng ta còn có nhiều “anh hùng” khác. Dù con số các tình nguyện viên gốc Việt nhiều hay ít, chúng ta cũng hãnh diện với những đóng góp của những ruột thịt của chúng ta.

Theo thăm dò có tới một phần ba dân Mỹ vẫn không chịu chích vaccine vì nhiều lý do trong đó có lý do sợ vaccine không an toàn. Nhiều người khác đã chích một mũi nhưng không chịu chích mũi thứ hai vì sợ bị hành. Thấy vậy mới biết sự hy sinh của những tình nguyện viên. Cứ như xông pha vào nơi trận tiền với lòng can đảm vô biên!


05/2021

Song Thao