Nguyên lý: Hệ thống thần kinh của con người chạy cùng khắp thân thể,
chỗ nào cũng có, từ đầu cho tới ngón tay, ngón chân. Tuy nhiên, theo
hình vẽ về hệ thần kinh được treo tại các phòng mạch Tây, Đông Y, ta
thấy chùm dây thần kinh đi từ sau ót tỏa ra cánh tay, xuống lưng, qua
xương sống, tới hông, đùi, rồi chân (trông như một bó dây điện) là
chùm quan trọng nhất.
Nếu bị “kẹt” đâu đó, thì đau. “Kẹt” trên cổ có thể gây đau ra cánh
tay, bàn tay. “Kẹt” thấp xuống dưới thì đau bắp thịt lưng, đau thắt
lưng, “kẹt” ở chỗ thắt lưng lại gây đau ở đùi, chân... Cho nên, khi bị
đau quá vì xương thoái hóa hay vì đụng xe, mà phải giải phẫu, bác sĩ
sẽ cân nhắc rất kỹ. Mổ ở thắt lưng, nếu “xui”chạm giây thần kinh, có
thể bị liệt chân mà thôi, nếu mổ ở cổ mà bị “xui”, có thể liệt cả
người! Vì thế, chỉ những trường hợp đau cổ chịu hết nổi, bắt buộc phải
giải phẫu thì phải ký giấy chấp nhận 50/50, một là khỏi, hai là đời xe
lăn. Hên thì cũng có thể phải ghép một cây sắt vào trong cổ. Đôi khi
phải mổ lại..
Chỉ còn cách Tập Luyện, cho thư giãn thần kinh chỗ gây đau, cho mạnh
bắp thịt chỗ đau, cho khớp xương được chuyển động dịu dàng trở lại,
kích thích chất nhờn đầu khớp xương phục hoạt, điều chỉnh lại những
chỗ lệch lạc xương cốt, thì sẽ .. bớt đau (không phải HẾT đau, vì hễ
ngưng tập một thời gian, có thể đau lại).
A- CHỮA ĐAU CỔ, ĐAU VAI, ĐAU TAY:
1- Xoay cổ trái phải: nhìn thẳng trước mặt, xoay cổ từ trái sang phải
chầm chậm, mắt vẫn nhìn ra đằng trước, từ từ hít vào. Từ từ trả cổ trở
lại phía trước, rồi xoay sang bên phải, mắt vẫn nhìn ra đằng trước,
thở ra. Nhớ xoay cho hết cỡ, tới khi không xoay được nữa thì thôi. Làm
10 lần.
2- Gập cổ: ngửa cổ lên chầm chậm cho tới hết cỡ, từ từ hít vào. Chầm
chậm gập cổ xuống ngực, hết cỡ, thở ra. Làm 10 lần.
3- Bẻ cổ: Mắt nhìn thẳng đằng trước, bẻ cổ nghiêng xuống đầu vai trái,
hít vào. Từ từ thở ra, bẻ cổ qua đầu vai bên kia. (Khác với xoay cổ
trái phải: ở đây, khi bẻ đầu xuống vai thì đầu vai có hơi nhô lên cho
chạm với đầu, còn xoay cổ trái phải thì chỉ quay đầu vào khoảng trống
sau vai mà thôi). Làm 10 lần.
4- Xoay cổ vòng tròn: Dùng điểm tựa là cổ, xoay vòng đầu chung quanh
cổ, từ phải sang trái 10 lần rồi từ trái qua mặt 10 lần.
B- CHỮA ĐAU CÁNH TAY, BÀN TAY:
1- Xoay vai: hai tay buông thỏng, dùng đầu vai làm điểm tựa, xoay vai
theo một vòng tròn chạy chung quanh đầu vai ( không phải nhô lên, hụp
xuống) từ sau ra trước, rồi từ trước ra sau. 10 lần. Trong khi xoay
vai, vẫn hít thở đều đặn.
2- Lắc bàn tay: giơ cánh tay ra trước mặt, cùi chỏ ép hai bên thân
mình, giữ nguyên cổ tay và cánh tay, hai bàn tay để trước mặt, lòng
bàn tay hướng vào phía ngực. Lắc từ trên xuống dưới (như giũ giũ bàn
tay) thật mạnh 10 lần. Đổi hướng, cho mu bàn tay lên trên, lòng bàn
tay hướng về mặt đất, giũ mạnh bàn tay từ trên xuống dưới. 10 lần. Đổi
hướng, hai lòng bàn tay quay vào nhau, giũ mạnh bàn tay từ trái qua
phải, từ phải qua trái. Những người thư ký đánh máy, làm “neo”, thợ
may.... phải tập bàn tay thường xuyên, nếu không, có thể bị mổ cổ tay
vì khớp xương cổ tay bị cứng khô lại.
3- Vẽ vòng trên đất: đứng rộng chân ra, một tay vịn vào mặt bàn,
nguời nghiêng xuống cho song song với mặt đất, cánh tay buông thỏng,
tưởng tượng như đang cầm một cái que, vẽ một vòng tròn tưởng tượng
thật to trên mặt đất . Vẽ nhanh 10 lần rồi đổi tay. Hít thở đều hòa.
C- CHỮA ĐAU THẮT LƯNG, ĐÙI, CHÂN:
1- Xoay thắt lưng theo vòng tròn: hai tay chống hông, ngón tay để ra
sau lưng, ngón cái phía trước, các ngón tay ấn mạnh vào thắt lưng,
dùng thắt lưng làm điểm tựa, xoay vòng bụng ra trước rồi vòng qua bên
phải (bên trái) ra sau, rồi vòng tới trước. Làm liên tục không ngừng,
khi ra tới trước, thì bụng phải ưỡn ra hết cỡ. Khi ra sau thì thắt
lưng cong lại cũng hết cỡ. Hít thở chầm chậm theo vòng.
2- Gập lưng: cũng như gập cổ, ngửa lưng ra, hít vào, gập thắt lưng
xuống, thở ra. Khi ngửa lên, ngửa hết cỡ, khi gập xuống, cũng gập hết
cỡ.
3- Xoay hông: hai tay buông thõng bên sườn, vặn người qua bên trái
thì hai cánh tay cũng “văng” theo bên trái, nghĩa là không dùng sức
tay, chỉ để cho hai cánh tay “văng” theo mà thôi. Xong, vặn người qua
bên phải. Hai cánh tay lại “văng” theo bên phải. Nhớ khi xoay sang bên
nào thì xoay gót chân bên đó, và bàn chân bên đó nhấc lên, nghĩa là
xoay trên gót chân mà thôi. Mục đích làm cho vòng xoay rộng thêm, nếu
giữ nguyên bàn chân trên mặt đất, vòng xoay sẽ ngắn lại. Hít thở chầm
chậm.
D- CHỮA ĐAU ĐẦU GỐI:
1-Xoay gối trái phải: đứng vừa phải, hai bàn tay đặt trên đầu gối,
thấp người xuống, xoay đầu gối theo một vòng tròn về phía phải (theo
vòng kim đồng hồ) 10 lần rồi đổi hướng quay theo bên trái.
2-Xoay gối trong ngoài: đứng rộng chân ra, hai tay đặt trên đầu gối,
thấp người xuống, xoay đầu gối từ ngoài vào trong rồi từ trong ra
ngoài.
Các thế đầu gối này, mới đầu thì chỉ thấp người xuống một chút, sau
đó, mỗi ngày càng thấp người xuống hơn, công lực sẽ mạnh hơn. Chỉ cần
làm 10 phút, là đã thở mạnh, toát mồ hôi rồi. Người nhức đầu gối ban
đêm phải tập trước khi lên giường ngủ.
Lưu ý:
-Những thế tập này chỉ được áp dụng với người chưa giải phẫu xương lần
nào. Nếu đã giải phẫu cổ thì không được tập cổ. Nếu giải phẫu lưng rồi
mà muốn tập lưng, phải hỏi bác sĩ, xem phim X-ray có trở ngại gì
không..
-Phối hợp vừa châm cứu, vừa mát xa, vừa tập luyện thì rất tốt.
-Trường hợp đau kinh niên vì xương rồi, có thể uống thêm Glucosamine
có bán tại các tiệm thuốc Tây để kích thích chất nhờn đầu xương và
xương.
-Mua một cái máy mát-xa nhỏ cầm tay để chà xát chung quanh chỗ bắp
thịt đau sẽ hiệu nghiệm nhanh hơn.
Vài hàng trao đổi những kinh nghiệm trong suốt mấy chục năm qua, nếu
có chi sai sót, mong cao nhân chỉ điểm thêm. Chúc qúy vị sống lâu,
sống khỏe mạnh, và hạnh phúc.
Chu Tất Tiến