Bảo Sơn
Các nhà khoa học khuyến cáo rằng chúng ta phải uống khoảng 2-3 lít nước mỗi ngày. Dĩ nhiên lượng nước còn tùy theo cơ thể và cách sinh hoạt, ví dụ người luyện tập thể thao sẽ cần nhiều nước hơn. Cơ thể không được cung cấp đủ nước sẽ đưa tới nhiều phản ứng được nêu dưới đây.
1. Nhức đầu. Nếu thỉnh thoảng bị nhức đầu không nguyên do, coi chừng cơ thể bị thiếu nước. Các nhà nghiên cứu còn khuyên người bị bệnh đau nửa đầu (migraine) nên xem lại lượng nước uống mỗi ngày.
2. Môi bị nứt nẻ không chỉ đơn thuần là do trời lạnh, nhiều gió hay nắng. Thật ra thiếu nước mới là nguyên nhân chính làm môi nứt nẻ. Ngoài việc dùng các chất mỡ giữ ẩm môi, nên uống đầy đủ nước.
3. Áp huyết thấp. Một số bệnh tim gây ra áp huyết thấp, nhưng thiếu nước cũng làm tuột huyết áp. Trong một số trường hợp, uống đủ nước sẽ giúp giữ áp huyết ở mức bình thường.
4. Sưng bắp thịt. Nước mang lại năng lượng cần cho việc duy trì hoạt động bình thường của cơ bắp. Uống không đủ nước sẽ làm cơ bị yếu và có thể bị sưng.
5. Sốc nhiệt. Cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi hơn để hạ nhiệt khi bị nóng. Điều này làm cơ thể bị mất nước nhanh và dễ bị sốc nhiệt. Triệu chứng gồm ói mửa, sốt và xỉu. Không nên ở ngoài trời nóng quá lâu nếu không uống thêm nhiều nước.
6. Chóng mặt. Khi uống không đủ nước, não sẽ không được cung cấp đủ oxygen làm cho bị chóng mặt. Nếu chóng mặt kéo dài mặc dù đã uống thêm nhiều nước, nên đi gặp bác sĩ để tìm xem có nguyên nhân khác hay không.
7. Cáu kỉnh bực bội. Thiếu ngủ, căng thẳng, quá đói đều làm cho người ta cáu kỉnh, bực bội. Người không uống đủ nước cũng có phản ứng tương tự như vậy.
8. Mệt mỏi. Thiếu ngủ làm người ta mệt mỏi, nhưng thiếu nước cũng gây ra tình trạng tương tự. Khi cơ thể thiếu nước, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm và đẩy máu tới các cơ quan trên toàn cơ thể, vì vậy người ta cảm thấy mau mệt. Nên uống đủ nước trong những ngày nóng và khi vận động cơ thể nhiều.
9. Nước tiểu có màu đậm. Đây là dấu hiệu cơ thể thiếu nước. Màu vàng trong nước tiểu là do chất bilirubin được hình thành trong quá trình phá vỡ hồng cầu bình thường trong máu. Khi cơ thể thiếu nước thì nước tiểu cũng ít đi, vì vậy độ đậm đặc của bilirubin tăng cao nên thấy có màu đậm
10. Táo bón. Nước làm phân trong ruột mềm và dễ thoát ra ngoài. Thiếu nước phân sẽ cứng và gây táo bón.
11. Nhiễm trùng miệng. Thiếu nước sẽ làm lượng nước miếng tiết ra ít hơn, làm cho miệng dễ bị nhiễm trùng và răng cũng dễ bị hư hơn. Nước miếng có tác dụng làm sạch miệng và răng.
12. No hơi, đầy bụng. Chứng này có thể do lo lắng, thực phẩm khó tiêu, nhưng cũng có thể do uống không đủ nước. Thiếu nước làm hệ tiêu hóa không hoạt động bình thường và làm gia tăng chứng đầy hơi.
13. Da nhăn. Cũng như các cơ quan khác của cơ thể, da có cấu tạo với rất nhiều nước. Khi không uống đủ nước, các tế bào không thể hoạt động tốt và da bị khô. Da khô thường có nhiều nếp nhăn hơn người bình thường.
14. Thở có mùi hôi. Khi thiếu nước, miệng sẽ bị khô vì thiếu nước miếng để làm sạch miệng. Vì vậy miệng sẽ có mùi hôi.
15. Lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi khó chịu. Nước giúp thải các chất độc ra khỏi cơ thể. Thiếu nước sẽ làm cơ thể khó có thể chống lại virus và bacteria. Vì vậy thiếu nước đưa đến mệt mỏi, khó chịu như thể bị bệnh.
16. Thèm ăn đường. Ăn đường quá nhiều có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cơ thể lâu dài về sau. Cảm giác thèm đường có thể đơn giản là do uống không đủ nước. Nếu uống nhiều nước mà vẫn thường xuyên thèm ngọt, nên tham khảo với bác sĩ.
Bảo Sơn/ baotreonline