Trước đấy bố mình sản xuất bút máy gia công, bị quy là sản xuất trái phép , nhà nước cho công an đến tịch thu hết máy móc và cho bố mình vào tù. Khi ra tù, chẳng còn gì để làm ăn, bố mình làm nghề sữa chữa bút máy rong ngoài vỉa hè. Lúc ấy mẹ mình bán dẹp nhựa rong ngoài bờ Hồ ( tên của hồ Hoàn Kiếm, hồ Gươm )
Nhà cô mình ở ngõ Vũ Hữu Lợi, vợ chồng cô làm nghề chụp ảnh ngoài công viên Thống Nhất ( sau đổi thành công viên Lê Nin). Có lúc mình ngồi cạnh xem bố sửa chữa kính , bút. Có lúc mình chơi ở nhà cô.
Bố ngồi sửa chữa rong một thời gian ngắn thì thôi, bố chuyển sang cung cấp phụ kiện cho những người sửa chữa khác. Nhưng bố để mình ở lại nhà cô, cô chú mình không có con , vì thế bố để mình lại đó với cô chú. Ngày ấy ngõ Vũ Hữu Lợi ban ngày vắng đến nỗi không một bóng người, có những cây bàng to cao, mình hay nhặt bàng rơi ở đó ăn. Ở với cô được ăn ngon hơn ở nhà, nhưng mà nhớ mẹ , nhớ lắm. Cô chú lại nghiêm khắc, dạy từng li, từng tí. Mình ăn cơm vớ phải hạn sạn nhè ra, cô bảo phải nhằn hạt sạn ra cửa miệng rồi lấy đũa hứng và đặt nhẹ nhàng xuống mâm. Rồi người lớn nói phải dạ , vâng. Muốn nói gì phải thưa gửi.
Hàng ngày cô chú mình ra công viên chụp ảnh, có em trai của chú ở nhà làm những việc vặt và học tráng phim. Chú ấy hình như lúc đó chưa đầy 20 tuổi thì phải.
Một hôm mình chơi ở cái cầu trượt đặt giữa ngõ, mình đã nói là hồi đó ngõ ấy vắng lắm, vắng đến độ người ta đặt cái cầu trượt cho trẻ con chơi giữa ngõ. Đang chơi mình nhớ mẹ, mình quyết định đi về nhà.
Năm đó mình 5 tuổi, mình nhớ khá rõ. Đầu tiên mình đi ra phố Yết Kiêu, rẽ sang hồ Thuyền Quang, dọc phố Quang Trung rồi đến nhà thờ lớn rẽ ra báo Nhân Dân, rẽ tiếp Bảo Khánh ra hồ Gươm, ra chỗ bán nộm rồi vào hàng Thùng, ra hàng Bè, đi hết hàng Bè là về đến ngõ Phất Lộc. Mình có bị mắc chút ở chỗ nhà thờ lớn, vì theo mình nghĩ đến đó phải thấy hồ Gươm luôn, nhưng không có, mình hỏi thăm một cô, cô ấy chỉ cho mình ra lối Bảo Khánh. Lúc gặp Hồ Gươm thì không lo, vì mẹ mình bán dép rong quanh hồ nên mình nhớ đường về.
Lúc về đến gần nhà, thấy trước cửa có nhiều người đứng ầm ĩ, mình len vào nghe xem chuyện gì , thấy cô mình đang khóc, vừa khóc vừa nói gì đó, rồi tiếng mấy ông hàng xóm xôn xao. Nghe một tí mới biết là mọi người đang hối hả bảo đi tìm mình, người thì nói phải đi đăng báo tìm trẻ lạc. Mình mới ngẩng đầu lên nói.
- Ơ , cháu đây cơ mà.
Mọi người rú lên, cô nhìn mình với vẻ ngạc nhiên đến độ quên cả mừng.
Vào nhà mọi người bắt mình kể đi về thế nào, mình kể đi thế nào, nghĩ thế nào làm ai cũng lắc đầu. Cuối cùng cô và bố mình đồng ý với mình là mình thôi không ở nhà cô nữa. Chắc cô và bố sợ mình lại bỏ về lỡ gặp chuyện gì trên đường.
Khi Tí Hớn tầm 5 tuổi, cô cứ thấy bố con mình là nhớ chuyện cũ, cô chửi.
- Tiên sư thằng bố mày, nó bằng tuổi mày làm cho bà hết hồn, bà tưởng muốn chết khi không thấy nó.
Năm 2004 mình đến hỏi mượn cô tiền để làm ăn. Cô bảo không có tiền, nhưng cô có 7 chỉ vàng mình lấy đi. Mình bảo cần tiền mặt vì đang thi công cho cái cửa hàng làm nội thất, không cần vàng. Cô bảo đằng nào cũng phải cần lâu, cứ bán đi mà làm vốn đỡ cho yên tâm làm ăn.
7 chỉ vàng giờ là bao nhiên tiền , mình không biết, chắc nó khoảng tầm 1000 euro.
Mấy năm sau cô nhắc món nợ, chỉ là nhắc thôi chứ không đòi gì cả. Đến năm 2009 mình bị bắt vụ in và phát tán áo Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam, cô và chú ngã ngửa ra khi biết mình là Người Buôn Gió. Hoá ra chú suốt ngày ngồi với mấy ông bạn nói chuyện, cũng nhắc đến Đại Vệ Chí Dị. Khi ở tù ra, mình đến cô chú đón tiếp mình vồn vã, như thằng cháu là một anh hùng, vì chú mình rất uất chuyện bọn Tàu xâm lược biển đảo.
Mà chả ai đi đòi nợ thằng cháu anh hùng cả, từ đó chẳng bao giờ cô nhắc đến món nợ ấy. Đã 14 năm rồi, dường như cô chú đã cho mình 7 chỉ vàng đó vào cái ngày mình ra khỏi trại giam B14 vì tội in áo. Không những thế, gặp ai trong họ hàng cô chú đều khen mình, nói mình làm thế là đúng. Do đó nhà mình chẳng ai phê phán mình như trước đó nữa, mọi người nhìn mình với quan điểm khác.
Người Đức cấp cho mình học bổng 5 năm, mỗi tháng được 1800 euro tiền mặt để tiêu. Nhà cửa và bảo hiểm họ đã lo. Chỉ ngồi ăn và viết và đi học không mất tiền thì tiêu sao hết ngần ấy. Mỗi tháng mình dư ra đến 1 nghìn. 5 năm là 60 nghìn euro. Sau này mình mới hiểu, người Đức họ cấp cho học bổng như thế, để mình có thời gian viết và làm quen với nước Đức .Khi kết thúc học bổng mình đã có số tiền làm vốn và ít tiếng Đức để sống dễ dàng.
60 nghìn ấy nay đã thành công ty Nguoi Buon Gio Sushi.
Nếu mình phải trả món nợ 100.000 euro ngay một lúc, mình bán công ty và trả dễ dàng, việc trả nợ ấy chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của mình. Vì mức tiêu của mình luôn khiêm tốn so với mức mình kiếm được.
Nhưng mình không dám hỏi cô mình về món nợ 1000 euro ấy, thực sự là mình không dám nhắc đến chuyện trả cô. Cô là người duy nhất mình sợ từ bé đến giờ, không phải vì cô cho nợ tiền, mà sợ từ khi cô bắt khi ăn phải thế nào, gặp người lớn phải thế nào.
Mình luôn phải gắng sống vững vàng, đó là cách trả nợ cô chú tốt nhất. Một cuộc trả nợ đầy gian nan và dai dẳng, lúc nào nản lòng, mình lại nhớ mình phải phải trả nợ cô chú mình, món nợ ấy 1 nghìn euro của 14 nắm trước đấy giờ không còn tính bằng tiền, mà nó tính bằng ý thức sống của mình hàng ngày.
Có những món nợ không bao giờ mình trả cho người đã cho mình vay, chỉ có thể trả cho đời mà thôi, người cho vay họ không cần mình trả.
Đó là những món nợ mang hạnh phúc cho những người mang nó.
Phải may mắn lắm, mới có được những món nợ như thế trong đời.
Bùi Thanh Hiếu