Béo phì có thể dễ gây ra chứng bệnh gan nhiễm mỡ, do đó bạn nên tránh ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ hay đồ ngọt (Ảnh từ fotolia)
1. Gan sợ chất béo
Béo phì sẽ dễ gây ra chứng bệnh gan nhiễm mỡ, trong trường hợp nặng có thể gây xơ hóa gan, sau đó dẫn đến xơ gan hay ung thư gan. Do đó, nên duy trì chế độ ăn uống cân bằng, tránh ăn thực phẩm có nhiều dầu mỡ. Bởi vì những thực phẩm này rất khó tiêu hóa, sẽ làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa, và khi đó gan phải gánh nhiệm vụ chuyển hóa nó thành chất béo. Khi nạp vào cơ thể một lượng chất béo quá lớn, gan không thể chuyển hóa hết sẽ dẫn đến một lượng lớn tích lại gây ra bệnh gan nhiễm mỡ.
Ngoài ra, nên đảm bảo ngủ đủ 6 – 8 giờ đồng hồ mỗi ngày và đặc biệt tránh ngủ ngày thức đêm. Bạn cũng nên hạn chế uống rượu để tránh tích tụ độc tố và làm suy giảm khả năng đào thải các chất độc trong gan.
2. Trái tim sợ mệt mỏi
Làm việc quá sức là “thiên địch” số một của trái tim. Đột tử do bệnh tim không phải là kết quả do mệt mỏi nhất thời, mà là do ảnh hưởng của chế độ sinh hoạt bất thường, hút thuốc, uống rượu nhiều hay thiếu nghỉ ngơi trong thời gian dài, cũng như phải chịu áp lực, trầm cảm hay tâm trạng thất thường…. Tất cả đều có thể dẫn đến tình trạng mảng bám xơ vữa động mạch, dẫn đến chứng huyết khối hay nhiều bệnh cấp tính khác như co thắt động mạch vành hay hẹp động mạch vành nghiêm trọng, thiếu máu cục bộ cơ tim cấp tính và gây ra tình trạng đột tử.
Để đảm bảo trái tim khỏe mạnh, cần phải duy trì lối sống lành mạnh. Mỗi ngày nên đảm bảo ngủ đủ thời gian và giữ tâm thái tốt, duy trì chế độ ăn uống thanh đạm, bỏ uống rượu hút thuốc và vận động nhẹ nhàng. Trong trường hợp phải thức đêm, thì sau đó nhất định phải chú ý bổ sung nhiều trái cây, rau củ và protein cho cơ thể.
Những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch nên thường xuyên đi kiểm tra định kỳ. Với người từ 30-45 tuổi nên đi khám tim ít nhất một lần mỗi năm, còn với những ai trên 45 tuổi nên đi khám hai lần mỗi năm.
3. Dạ dày sợ lạnh
Đối với dạ dày, “lạnh” là khó chịu nhất. Khi dạ dày tiếp nhận đồ ăn lạnh hoặc phải chịu thời tiết lạnh đột ngột sẽ dễ bị co thắt và gây ra tình trạng đau bụng, tiêu chảy hay khó chịu.
Mùa hè oi nóng đang đến gần, có không ít người thích ăn kem và nước đá để giảm nhiệt. Mặc dù khi ăn kem hay uống nước đá có thể cảm thấy mát, nhưng lại khiến dạ dày tê liệt. Sau khi nước lạnh tiến vào đường tiêu hóa, nó không chỉ khiến mạch máu bị co đột ngột làm giảm lưu lượng máu mà còn gây trở ngại cho các nhu động ruột bình thường, dẫn đến rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến quá trình bài tiết.
Vì vậy, để tránh tăng gánh nặng và sự khó chịu cho dạ dày, bạn nên đảm bảo ăn đủ bữa mỗi ngày, nên ăn chậm nhai kỹ, ăn đầy đủ dưỡng chất. Đồng thời cũng nên chú ý thay đổi chế độ ăn uống tùy theo mùa.
Trong mùa hè khi nhiệt độ môi trường cao, quá trình trao đổi chất nhanh hơn, các chất điện giải cho cơ thể như natri, kali… cũng dễ bị mất cân bằng. Do đó cần ăn uống đủ chất đạm, tăng cường các sản phẩm như thịt, cá, trứng gà hay chế phẩm từ sữa. Nếu cảm thấy ăn không ngon miệng thì có thể tăng cường trái cây, đậu nành hay ăn các món súp đậu, vừa dễ ăn mà lại có tác dụng hạ nhiệt hiệu quả.
4. Phổi sợ môi trường độc hại
Môi trường và không khí trong lành là điều mà phổi yêu thích nhất. Nếu bạn ở lâu trong một môi trường nhiều khói bụi, phổi nhất định sẽ có phản ứng. Bản thân phổi có một hệ thống lọc rất hoàn chỉnh, ngay cả các hạt bụi nhỏ nhất khi bạn hít vào qua các đại thực bào phế nang, thì sau này chúng sẽ vẫn được bài tiết ra ngoài qua đường hô hấp. Tuy nhiên, khi bạn liên tục hít vào các loại hạt vật chất bụi bẩn này, hàng rào phòng thủ của phổi sẽ trở nên suy yếu dần. Các hạt bụi khói lắng đọng trong phổi lâu ngày sẽ dẫn đến bệnh phổi, như rối loạn chức năng hô hấp, viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, trường hợp nặng có thể bị ung thư phổi.
Để giúp phổi khỏe mạnh, một trong những cách hiệu quả nhất chính là uống nhiều nước. Mỗi ngày nên uống từ 6 đến 8 ly nước, đặc biệt ly nước buổi sáng là quan trọng nhất, bởi sau một đêm ngủ dài, cơ thể bị mất nước khá nhiều qua đường hô hấp, như mũi, miệng hay qua da, lớp đờm trở nên dày hơn và khó có thể ho để đưa nó ra ngoài. Uống ly nước vào buổi sáng có thể giúp làm tiêu đờm, giảm cảm giác đau rát họng và giúp hô hấp tốt hơn.
Ngoài ra, cần tuyệt đối tránh hút thuốc lá. Hút thuốc lá có tỷ lệ thuận với khả năng mắc bệnh ung thư phổi. Người hút thuốc với số lượng khoảng 20 điếu/ngày kéo dài trong 20 năm có tỉ lệ mắc ung thư cao hơn. Ngay cả người sống trong môi trường không khí bị ô nhiễm lâu dài cũng là yếu tố gây tổn thương đến phổi.
Buổi sáng ngủ dậy, cũng nên hít một hơi thật sâu, tìm một nơi có không khí trong lành để làm sạch phổi. Đồng thời, hãy luôn giữ cho môi trường sống và làm việc được sạch sẽ, trong lành, thoáng khí.
5. Thận sợ thức khuya và nhịn tiểu
Việc thức khuya có thể làm hư thận, do đó, đối với những người thức khuya, phải chịu nhiều áp lực công việc, thường xuyên uống trà và cà phê sẽ dễ gặp các vấn đề về thận.
Do công việc và học tập bận rộn, nhiều người thậm chí có thói quen nhịn tiểu. Trên thực tế, điều đó rất có hại cho sức khỏe. Nước tiểu ở lại trong bàng quang quá lâu có thể nuôi vi khuẩn, vi khuẩn từ đó sẽ qua niệu quản vào thận, dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm thận bể thận. Một khi những nhiễm trùng xảy ra nhiều lần, chúng có thể trở thành nhiễm trùng mãn tính và không dễ chữa trị.
Do đó, cần chú ý nghỉ ngơi và sinh hoạt điều độ, nếu thấy xuất hiện một số triệu chứng như thiếu máu lâu dài, đau lưng, v.v.., bạn nên đi khám để phát hiện ra bệnh càng sớm càng tốt. Ngoài ra, tần suất đi tiểu nên được tăng lên thay vì cố nhịn tiểu, tốt nhất là cứ 1-2 giờ đồng hồ đi tiểu một lần.
Thanh Xuân (Trithucvn)