Tìm Kiếm

9 tháng 5, 2018

Luân Lê: NHẪN NHỤC LÀ TÂM THỨC NÔ LỆ


Luân Lê 
6 - 5 - 2018 

NHẪN NHỤC LÀ TÂM THỨC NÔ LỆ

Trong câu chuyện nữ giáo viên tiếng Anh chửi bới và xúc phạm người học, một thể nhân đã trưởng thành và là một công dân, ví họ như một con lợn hoặc xưng hô đậm chất đường phố trước mặt rất nhiều người khác một cách đầy thách thức, nếu buồn vì vị giáo viên vô giáo dục và vô văn hoá bao nhiêu thì tôi lại thấy buồn nhiều hơn cho những con người đang cùng ngồi nghe không biết đứng dạy bảo vệ người bạn kia và đồng loạt lên tiếng chống lại thứ giáo dục mà mình phải bỏ tiền với chi phí đắt đỏ ra để học rồi lại để bị nhục mạ, bị khinh bỉ, bị sỉ vả không khác một con vật bấy nhiêu.

Các bạn bỏ tiền ra học để không chỉ học kiến thức mà còn học cả cách để tôn trọng và được tôn trọng cũng như để cùng chung sống với nhau. Cô ta đang là người phải làm thuê và phục vụ cho các bạn chứ không có quyền gì để phát ngôn vô lại và hành xử thô bỉ như vậy, hơn thế đó còn là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi xâm hại đến nhân phẩm, danh dự của cá nhân được luật pháp bảo hộ.

Tôi cũng không thấy ở nơi đâu có lối giáo dục là phạt tiền người học để coi đó là biện pháp kỷ luật hoặc làm cho người học trở nên nghiêm túc, ngoại trừ đó là hành vi tham lam và lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi. Thật khốn nạn là giáo dục lại được tổ chức và thiết kế bằng các chiêu trò mà họ gọi là “biện pháp nghiệp vụ” hoặc “những phương cách cần thiết” để người học trở nên tử tế. Có khi nào phương tiện vật chất xây nên được nhân cách và nhận thức của con người hay không? Hoàn toàn không, mà thậm chí ngược lại, người học còn coi đó là một loại nghĩa vụ và trách nhiệm nặng nề, đồng thời còn tỏ ra xem thường kẻ đứng trên bục giảng khi thực thi những thủ đoạn này. Người học sẽ cố đáp ứng các kiến thức hoặc điều kiện bài tập để tránh bị thiệt hại về vật chất mà nó là gánh nặng và áp lực của chính bản thân họ trên con đường đang tìm kiếm và mưu cầu.

Có lẽ chúng ta từ tấm bé đã được giáo dục theo kiểu “tôn sư trọng đạo” và cách để nhẫn nhịn, cam chịu trước các bất công và coi lễ nghĩa là thứ văn hoá trên dưới, thứ bậc không được phá vỡ. Cũng phải nhắc tới cái lối văn hoá yêu cho roi cho vọt, dùng các biện pháp trừng phạt về mặt tinh thần và thân thể lẫn vật chất để coi đó là cách giáo dục hữu ích khiến cho người học trở nên tốt hơn, trong khi nó hầu hết mang đến sự nô lệ cả về mặt tâm thức lẫn mặt vị thế con người.

Các bạn còn muốn học gì ở một thể trí phát ngôn những lời lẽ tồi bại ấy, khi ngay bản thân họ còn chưa thể học để trở thành một con người?