PHẦN HAI
ĐỊA CHÍ LA VANG
I. ĐỊA DANH LA VANG
Có hai cách giải thích địa danh La Vang:
1. LA VANG = LA + VANG
"La Vang là tiếng kêu om sòm, thường người ta hay đặt tên chỗ này hay chỗ kia bằng cách lấy tên cái khe suối, cái cây cổ thụ hay tên người nào trước đó mà đặt tên chỗ. Song đây thì lấy tiếng La Vang mà đặt tên cũng lạ. La Vang là tiếng la, tiếng đuổi thú dữ. La Vang là tiếng rao truyền. La Vang là tiếng khi người ta đặng sự vui mừng quá bội, hoảng hốt mà kêu la, hay là tiếng quở trách. Tưởng rằng ý định đã xui cho người ta dùng tiếng La Vang mà đặt tên chỗ này cho ứng nghiệm về việc xảy ra bấy lâu nay và sau này nữa."[1]
"Tên La Vang là vì xưa ở nơi đó có nhiều cọp, xóm Trí Bưu vào làm chòi ở lại làm gỗ, vỡ đất nên đêm nào cũng đánh mõ, la lối để đuổi cọp. Vì thế xóm chung quanh nhà thờ gọi là La Vang... Ban đêm phường La Vang không có sự thinh lặng. Đêm nào người ta cũng la lối om sòm, họ đánh mõ, đánh thùng rộn ràng để đuổi các thú dữ như heo rừng, voi, cọp... Từ rú xanh ra phá hoại khoai sắn, lúa... nên người ta gọi là phường La Vang."[2]
2. LA VANG = LÁ VẰNG
"Xóm La Vang xưa có vô số cây tên gọi 'Lá Vằng'. Các cây xung quanh như sim, tre, hóp... đều bị cây lá vằng leo đầy cả. Vì vậy tục danh kêu xứ đó là Lá Vằng. Lâu ngày nghe không rõ người ta đọc trại đi thành La Vang."[3]
“Khi hết cơn bắt đạo rồi thì bổn đạo Trí Bưu vào La Vang lập một phường gọi là xứ La Văng. Gốc tích tên La Văng trong bộ (địa bạ) Trí Bưu viết hai chữ Lá Vằng. Bởi vì chính nơi họ lập vườn Đức Mẹ và nhà thờ thì có cây lá vằng nhiều lắm, nên họ đặt tên là Lá Vằng, nhưng khi nói chuyện thì nói nhẹ tiếng nên ra La Vang..."[4]
Có lẽ cả hai cách giải thích trên đều dễ thương và dễ chấp nhận, nhưng xét trên bình diện khoa học cũng như tập quán dân gian thì cách giải thích thứ hai (La Vang = Lá Vằng) hợp lý hơn. Linh mục Philipphê Lê Thiện Bá luôn bảo vệ quan điểm này. Theo ngài nếu La Vang = La + Vang "thì trong bộ (địa bạ) Gia Long làng đã viết La Vang. Nhưng không, ngược lại làng đã viết Lá Vằng. Tại sao vậy? Là vì tại vườn Đức Mẹ có vô số cây lá vằng. Lúc tôi còn đang năm, sáu tuổi (1896) vào La Vang hái hột lá vằng ăn đen cả miệng. Các cây xung quanh vườn Đức Mẹ như hóp, sim, tre... đều bị cây lá vằng leo đầy cả. Vì vậy mà tục danh kêu xứ đó là Lá Vằng. Lâu lâu kêu không rõ rồi ra La Vang cho dễ nói."[5]
Vả lại, một tập quán ngôn ngữ cần được lưu ý, ủng hộ quan điểm của Linh mục Philipphê Lê Thiện Bá, người Quảng Trị không nói La Vang mà nói La Văng.
II. NGUỒN GỐC LÀNG (THÔN) LA VANG
1. SỰ LIÊN HỆ GIỮA LÀNG CỔ VƯU VÀ LA VANG
Trong Ô CHÂU CẬN LỤC (1553) không thấy tên làng Cổ Vưu. Vì thế có thể quả quyết làng Cổ Vưu chỉ có thể được thành lập sớm nhất cũng vào thời kỳ Chúa Nguyễn vào Nam.
Thời kỳ Chúa Nguyễn mở mang Thuận Hóa, huyện Hải Lăng chia làm 5 tổng: Hoa La, An Thư, An Dã, An Khang, Câu Hoan. Tổng Hoa La có 19 xã, 2 phường, 1 thôn trong đó có tên Cổ Bưu, không có tên Lá Vằng.[6]
Từ năm Gia Long thứ tư (1805) đến năm Minh Mạng thứ mười sáu (1836), nhà Nguyễn cho lập địa bạ có quị mô và nhất quán trên toàn quốc. Bộ địa bạ này gọi là Bộ Gia Long hay Châu Bộ, vì được nhà vua phê chuẩn, đóng dấu son.
Những năm đầu của thế kỷ XX, khi danh tiếng Đức Mẹ La Vang đã lừng lẫy, Linh mục (sau là Giám mục) Đ. Hồ Ngọc Cẩn đã dành nhiều thời gian tìm kiếm tư liệu địa bạ La Vang nhưng ngài quả quyết: "Làng La Vang hẳn thật là không có trong Châu Bộ..."[7]
Tuy nhiên, theo Linh mục Philipphê Lê Thiện Bá, một người quê quán Trí Bưu, rành rõi địa bạ Trí Bưu thì: "Khi hết cơn bắt đạo rồi thì bổn đạo Trí Bưu vào La Vang lập một phường gọi là xứ La Vang."[8]
Thật ra, hai quan điểm trên không hề chống đối nhau nếu "phường", "xứ" ở đây được hiểu đúng nghĩa của nó là phe, giáp, xóm, "là địa bàn dân cư do làng mới khai phá và ở cách xa làng."[9]
Vậy phường Lá Vằng có thể đã xuất hiện vào thời Gia Long quản tu địa bạ, nhưng không thể có địa bạ riêng vì chưa phải là đơn vị làng, mà chỉ là một xóm nằm chung trong địa bạ làng Cổ Vưu.
2. LÀNG LA VANG BIỆT LẬP KHỎI LÀNG CỔ VƯU
Mãi đến thời Bảo Đại (1925 - 1945) làng La Vang mới xuất hiện trong DANH SÁCH XÃ THÔN TRUNG KỲ, theo đó phủ Hải Lăng chia làm 5 tổng: Cu Hoan, An Thơ, An Nhơn, An Thái và Văn Vân. Tổng An Thái có 20 xã (làng), trong đó có Cổ Bưu xã được đổi tên là Trí Bưu xã. Cùng tồng An Thái có La Văng xã[10]. Vậy, có thể xác định La Vang chỉ được biệt lập khỏi Cổ Vưu để trở thành đơn vị làng (thôn) vào thời vua Bảo Đại với tên gọi La Văng xã.
La Văng xã thuộc tổng An Thái, phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Dưới chính thể VNCH, nền đệ nhất Cộng Hòa, chính phủ cho đổi đơn vị hành chánh “phủ" thành "huyện " (phủ Hải Lăng → huyện Hải Lăng), "tổng " thành "xã" (tổng An Thái → xã Hải Phú), "xã" thành "làng, thôn " (La Văng xã → làng La Vang).
Làng La Vang thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Dưới chính thể nền đệ nhị Cộng Hòa, chính phủ đổi đơn vị hành chánh "huyện” thành "quận". Cắt một phần đất quận Hải Lăng thành lập quận Mai Lĩnh.
Làng La Vang thuộc xã Hải Phú, quận Mai Lĩnh, tỉnh Quảng Trị.
Sau 30.04.1975, chính phủ lâm thời CHMNVN đổi đơn vị "quận " thành "huyện " như cũ. Quận chỉ dùng ở thành phố lớn. Trả quận Mai Lĩnh về huyện Hải Lăng. Đồng thời dựa vào tình hình thực tế, một số thôn làng được nhập chung, trong đó La vang được nhập chung với Phú Long, gọi tên mới là thôn Phú Long. La Vang trở lại thời kỳ trực thuộc.
La Vang thuộc thôn Phú Long, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Ngày 01.05.1976, chính phủ CHXHCNVN cho nhập ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên thành tỉnh Bình Trị Thiên. Đồng thời cho nhập hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng thành huyện Triệu Hải.
La Vang thuộc thôn Phú Long, xã Hải Phú, huyện Triệu Hải, tỉnh Bình Trị Thiên.
Ngày 30.06.1989, chính phủ CHXHCNVN cho tách tỉnh Bình Trị Thiên làm ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
La Vang thuộc thôn Phú Long, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
3. LA VANG – VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
La Vang nằm ở trung độ của hình thể nước Việt Nam từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Cách thành phố Huế 58 cây số về hướng Bắc. Cách thành Dinh Cát cũ 10 cây số về hướng Nam. Cách thị xã Quảng Trị 6 cây số về hướng Nam Tây Nam. Cách làng Trí Bưu 7 cây số về hướng Tây Nam. Cách quốc lộ la hơn 2 cây số về hướng Tây.
1 TỪ Ý ĐỊNH TỐT CỦA CỤ NGUYỄN HỮU BÀI...
Cụ Nguyễn Hữu Bài - vị đại ân nhân của giáo phận Huế, người con cưng quý của Đức Mẹ La Vang và các thánh Tử Đạo Việt Nam - luôn thao thức về một La Vang lớn lao nhằm tôn vinh Đức Mẹ, xứng đáng với nơi Đức Mẹ hiện ra. Theo cụ Bài, đã đến lúc La Vang phải trở thành Trung Tâm Thánh Mẫu Quốc Gia Việt Nam và Đông Dương.
Muốn thế, La Vang phải là một đơn vị độc lập cả về chính quyền lẫn giáo quyền, không như hiện nay, dù đã phát triển mọi mặt, La Vang vẫn lệ thuộc hoàn toàn vào Trí Bưu.
Vấn đề chỉ có thể giải quyết tốt đẹp nếu La Vang được "xuất phường " .
Vả lại, rút kinh nghiệm từ sự thành công đáng tự hào về làng Phước Môn - một trong "ngũ phước" của cụ - từ một vùng đất hoang vu, rừng thiêng nước độc trước đây nay đã trở thành làng mạc trù phú và giáo xứ phồn thịnh có cha sở trông coi. Phước Môn lại giáp ranh La Vang, nếu hai đơn vị này nhập chung thì nhà Mẹ sẽ lớn hơn, thuận lợi hơn trong kế hoạch phát triển. Vấn đề còn lại là làm sao được sự đồng thuận của làng Trí Bưu.
Chủ ý "xuất phường " của cụ Bài được số đông giáo dân La Vang ủng hộ. Cha sở Phước Môn Mathêô Nguyễn Thanh Bạch cũng ủng hộ. Cha Bạch vừa là người hoạch định giỏi, vừa là người rất thân tình với hoàng đế Khải Định sẳn lòng giúp đỡ. Vì thế năm 1922, đại diện La Vang là hai ông Lê Văn Quế (anh ruột cha PX Lê Văn Định) và Lê Hưng, cùng là người Trí Bưu cư ngụ ở La Vang đệ đơn xin xuất phường gởi Bộ Hộ, mà người đứng đầu bấy giờ không ai khác hơn là cụ Nguyễn Hữu Bài. Mọi việc tường như quá dễ dàng!
Nhưng phía Trí Bưu thì hầu như không ai đồng ý chuyện xuất phường cả, bởi không chỉ vì La Vang là đất đai mà tiền nhân họ đã khai phá, là nơi có ruộng vườn mồ mả tổ tiên họ, mà còn vì ở đó Đức Mẹ đã hiện ra với cha ông họ. Rõ ràng là Đức Mẹ muốn con cái Trí Bưu phụng tự Mẹ, nay Mẹ chưa từ bỏ con mà con nỡ nào từ bỏ Mẹ! Nên nhớ Trí Bưu đã là làng toàn tòng từ năm 1895.
Biết được tin giáo dân La Vang gởi đơn lên Bộ xin xuất phường, lý trưởng Trí Bưu kiêm trùm hạt Dinh Cát Lê Thiện Hiển cùng các chức sắc làng Trí Bưu vội vã đến gặp cha sở của mình nhờ giúp đỡ. Cha Lemasle (cố Lễ - sau làm Giám mục) sợ mang tiếng thiên vị không muốn can dự, vì giáo dân Trí Bưu hay giáo dân La Vang đều là con chiên của ngài cả. Lại nữa, hơn ai hết, ngài biết đây là một vụ kiện mà chân lý thuộc về cả hai bên. Mới nhìn tưởng đây là vụ tranh chấp đất đai thông thường, nhưng thực chất là sự tranh chấp quyền được phụng tự Đức Mẹ tại nơi mà Đức Mẹ đã chọn để hiện ra. Tuy nhiên, trách nhiệm của một Linh mục quản xứ không cho phép ngài làm ngơ trước một sự kiện có liên quan tới giáo xứ mình, ngài bèn viết thư cho cha sở Di Loan Cadière (cố Cả) nhờ giúp. Cố Cả vốn đã từng là cha sở Trí Bưu (1904 - 1911), ủng hộ lập trường của Trí Bưu, song ngài thấy không tiện ra mặt can thiệp, không muốn bênh ai bỏ ai vì bổn đạo Trí Bưu hay bổn đạo La Vang đều là cựu con chiên của ngài cả. Vì vậy cố Cả bèn dạy cha phó Di Loan là cha Philipphê Lê Thiện Bá can thiệp giúp đỡ làng Trí Bưu.
Cha Philipphê Lê Thiện Bá vốn là người Trí Bưu, biết rõ ngọn nguồn đất đai Trí Bưu và La Vang. Ngài lại là một nhà nghiên cứu, nắm trong tay đầy đủ chứng từ địa bộ, bằng khoán ruộng đất của cả hai nơi. Trong đơn từ và chứng lý trình Bộ ngài ghi rõ: "Làng (Trí Bưu) vào phở đất (La Vang) đặng 40 mẫu thục điền, trong 120 năm. Còn ngoài làng chỉ có 50 mẫu mà dân đông. Bấy lâu dân làng cũng ăn ruộng phần trong La Vang và cày cấy trong ấy."
Đơn từ xong xuôi, hai ông Lê Đình Thoại (thường gọi là ông xã Thoại), cựu lý trường Trí Bưu và ông Lê Thiện Hiển (chú ruột cha Lê Thiện Bá), đương chức lý trưởng, ra Di Loan nhận về rồi theo trình tự nộp lên tỉnh, tỉnh chuyển lên Bộ. Bộ đồng ý theo đơn không phê việc "xuất phường".
Ít lâu sau, việc "xuất phường" lại rộ lên ở La Vang. Có người bày kế cho phường La Vang kiện lên Bộ nói rằng 40 mẫu thục điền ở La Vang hiện có là do cha ông họ khai phá, đúng lẽ phải là ruộng tư của họ, không biết vì lý do gì trước kia làng (Trí Bưu) lấy, biến thành ruộng công? Nay họ là con cháu xin được thừa kế 40 mẫu ruộng tư ấy.
Nhận đơn, trong Bộ tưởng thật không cần kiểm tra đã cho "xuất phường ". La Vang đang chuẩn bị cho một đơn vị hành chánh mới ra đời.
Cha Phihpphê Lê Thiện Bá hay tin tức tốc vào Trí Bưu, xin lý trưởng Lê Thiện Hiển là chú ruột ngài mở hòm hồ sơ địa bộ ra coi thì phát hiện 40 mẫu thục điền ấy là đất đai của nhiều người Trí Bưu khai phá trước kia, kẻ bảy tám sào, người đôi ba mẫu... Tất cả cộng lại được 40 mẫu. Chủ sở hữu của 40 mẫu
ruộng ấy đã đồng thuận cúng lại cho làng.
Nắm chắc chứng lý, ngài làm đơn khiếu nại để làng gởi lên Bộ, trong đó ngài ghi đầy đủ tên tuổi người cúng, ngày tháng năm cúng, sơ đồ vị trí ruộng cúng….
Nhận được đơn khiếu nại Bộ chưa tin hẳn, gởi thông tư ra làng yêu cầu làng bổ sung châu bộ và các giấy tờ liên quan của người cúng ruộng. Làng lục tìm đủ bằng chứng đem vào trình Bộ. Bộ cho là đầy đủ chứng lý, rút lại quyết định "xuất phường La Vang". Đồng thời cho điều tra, bắt giam mấy người ở La Vang đứng đơn xin xuất phường về tội man khai, nhưng chỉ giam cảnh cáo mươi ngày chi rồi tha.
Lần thứ hai làng Trí Bưu thắng kiện. Năm 1924, bề trên địa phận cho khởi công xây dựng ngôi nhà thờ lớn La Vang. Toàn thể giáo dân Trí Bưu không phân biệt làng (Trí Bưu) hay rú (La Vang) đều nhiệt liệt hưởng ứng, quên đi chuyện “xuất phường", tập trung sức lực cho công cuộc xây dựng đền thờ Đức Mẹ.
2. …ĐẾN QUYẾT ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ
Năm 1925 vua Khải Định băng hà, hoàng tử Vĩnh Thụy mới 12 tuổi đang du học ở Pháp chưa thể về chấp chánh được, chính phủ Nam Triều thành lập Hội Đồng Phụ Chánh đảm đương công việc chính phủ. Cụ Nguyễn Hữu Bài đương chức Lại Bộ kiêm Hộ Bộ thượng thư, là một trong tứ trụ đại thần, quyền tương đương thủ tướng.
Ấp ủ hoài bão kiến thiết thánh địa La Vang trở thành Trung Tâm Thánh Mẫu Quốc Gia, xứng đáng với nơi Đức Mẹ hiện ra, cụ Bài không thể không nghĩ đến việc "La Vang xuất phường". Nhưng phải xuất làm sao có được sự đồng tình của dân làng Trí Bưu?
Cụ Bài với tư cách đồng hương, đồng đạo cho mời lý trưởng Trí Bưu Lê Thiện Hiển vào tư dinh để trao đổi. Cụ phân tích lý lẽ La Vang cần phải được "xuất phường" thì việc kiến thiết nhà Mẹ mới thuận lợi. Nếu vì việc xuất phường mà làng Trí Bưu bị thiệt hại thì cụ sẽ đền bù, không chỉ là 40 mẫu thục điền ở La Vang mà cụ sẽ cho lại hàng trăm mẫu đất tư của cụ ở Phước Môn, giáp ranh La Vang, hoặc đất đai ở bất cứ đâu trong phần tư hữu của cụ, nếu làng muốn.
Lý trưởng Lê Thiện Hiển bị đặt trước tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một bên là ý nguyện chính đáng của bậc trưởng thượng muốn kiến thiết nhà Mẹ, một bên là tâm nguyện dân làng muốn được đích thân phụng tự Mẹ. Biết làm sao bây giờ? ông lễ phép:
- "Thưa cụ, con sợ... Con sợ..."
Cụ Bài hỏi lại:
- “Mi sợ chi ? Mi sợ ai ? Mi không tin cụ có đủ quyền hành sao ? Hay là mi sợ chức mi nhỏ cụ sẽ cho mi thăng chức thăng quyền ? Làm ông Tổng, ông Huyện, cụ cho ?..."
- "Dạ thưa cụ, đây không phải vì chuyện đất đai hay chức quyền, mà con sợ vì rõ ràng xưa kia Đức Mẹ đã hiện ra với người Trí Bưu trên đất Trí Bưu. Chúng con tin rằng đó là ý Mẹ muốn người Trí Bưu gần gũi phụng tự Mẹ. Bây giờ Mẹ chưa rời bà con mà con đã tính chuyện từ bỏ Mẹ. Điều này làm cho chúng con ray rứt lo buồn lắm! Thưa cụ, con sợ... Con sợ... Thà có lệnh vua phép nước chia cắt La Vang khỏi Trí Bưu thì chúng con đành chịu, như xưa kia cha ông chúng con đã từng bị chặt đầu moi ruột, còn nếu bảo thuận tình cho việc chia cắt La Vang ra khỏi Trí Bưu thì chẳng khác chi tự cầm dao cắt lìa tứ chi mình. Việc đó chúng con không làm được."[12]
Nghe thế, cụ Bài tỏ vẻ không bằng lòng, nhưng cảm phục chí ý của người trưởng làng, trường hội giáo trung kiên. Năm 1932 vua Bảo Đại về nước chấp chánh. Một thời gian sau, chính phủ thiết lập lại nền hành chánh, phân chia lại lãnh thổ và địa giới thôn làng, theo đó: "Các đơn vị hành chánh thuộc làng (phường, xóm, giáp, phe...) ở cách xa làng mõ đánh không tới, trống đánh không nghe, lửa cháy không thấy..., khi hữu sự không tiếp cứu được nhau thì cho phép xuất phường.
"Vì thế trong DANH SÁCH XÃ THÔN TRUNG KỲ, Trí Bưu và La Vang tách biệt thành hai đơn vị hành chánh cơ sở: Trí Bưu xã và La Văng xã, cùng thuộc tổng An Thái, phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Dù không nói ra nhưng trong thâm tâm có lẽ nhiều người nghi ngờ về tác động của cụ Bài với chính phủ Nam triều, hay với tân hoàng đế Bảo Đại. Chính cha Philipphê Lê Thiện Bá cũng đã viết trong hồi ký : "Bất đồ cụ Bài xin vua ra luật..."
Thật ra, kể từ khi vua Bảo Đại về nước chấp chánh thì cụ Bài vì tuổi già sức yếu đã dâng sớ xin về hưu. Ngày 02.05.1933, dưới áp lực của toàn quyền Pasquier, người không ưa gì tư tưởng tự chủ của cụ Bài đã buộc hoàng đế Bảo Đại ký sắc dụ số 29, có đoạn: "Kể từ nay là ngày mồng 8 tháng 4 năm thứ 8 triều Bảo Đại, chính ta để cho Quận công Nguyễn Hữu Bài, Hiệp tá Võ Liêm, Tôn Thất Đàn, Phạm Liệu, Vương Tứ Đại về hưu. " Lúc ấy cụ Bài đã 70 tuổi. Hai năm sau (1935) cụ qua đời.
La Vang xuất phường đã rõ là chuyện phép vua, luật nước, dân làng Trí Bưu chẳng nuối tiếc gì chuyện công điền công thổ như cha Philipphê Lê Thiện Bá đã viết trong hồi ký: "Chúng tôi thua, ngồi cười với nhau", nhưng Trí Bưu chỉ nuối tiếc là không đành xa Mẹ, liền gởi đơn khiếu nại lên Bộ: "Chúng tôi thuận tình theo luật nước việc xuất phường La Vang, vì làng xa bảy cây số. Nhưng yêu cầu Bộ xét cho chúng tôi được giữ lại vườn Đức Mẹ và nhà thờ Đức Mẹ La Vang. Hai nơi này là của làng chúng tôi nên chúng tôi quyết không nhượng."
Nhận được đơn khiếu nại, Bộ tư ra rằng: "Vườn Đức Mẹ và nhà thờ Đức Mẹ La Vang không phải là của riêng làng Trí Bưu hay phường La Vang mà là của chung toàn quốc. "
Cả La Vang và Trí Bưu đều thỏa mãn về cách xử công minh của Bộ.
IV. SỰ, HÌNH THÀNH HỌ ĐẠO LA VANG
1. TỪ XÓM ĐẠO LÁ VẰNG ĐẾN GIÁO XỨ LA VANG
+ XÓM ĐẠO LÁ VẰNG
Căn cứ vào bản phúc trình của cha Lorensô Lâu, cha sở tiên khởi Dinh Cát gởi Thánh Bộ Truyền Giáo thì: "Ngày 08.01.1691 trong cuộc viếng thăm các họ đạo vùng Dinh Cát tôi đã tới thăm họ Cổ Vưu. Số giáo dân ở đây gồm có 120 người. Phần đông số giáo hữu họ này đi làm rú, không có mấy người ở nhà…"[13]
Nếu hiểu "rú " đây là rú La Vang thì giáo dân Cổ Vưu đã có mặt ở La Vang từ trước cuối thế kỷ XVII. Theo thói quen giữ đạo ở nước ta, hễ nơi nào có dăm mười người công giáo thì thường vào buổi tối thế nào họ cũng họp nhau đọc kinh chung: Xóm đạo La Vang được định hình.
+ HỌ NHÁNH LA VANG
Năm 1866, Đức cha Sohier Bình mở cuộc kinh lý toàn địa phận. Ngài chỉ thị các Linh mục quản xứ lập báo cáo gởi về Tòa Giám Mục. Dựa vào đó, tháng 08.1867 Đức cha chia địa phận Huế ra làm 26 địa sở với 108 họ đạo. Tại Quảng Trị có 13 địa sở, 58 họ đạo, chia làm 3 hạt: Đất Đỏ, Bái Trời và Dinh Cát. Hạt Dinh Cát có 35 họ đạo, chia ra 6 địa sở: Nhu Lý, Đại Lộc, Bố Liêu, Nhất Đông, Nhất Tây và Cổ Vưu. Cổ Vưu với 5 họ đạo: Cổ Vưu, Hạnh Hoa, An Đôn, Ba Lòng và Ngô Xá[14]. Không có tên họ đạo La Vang.
Đến năm 1874 "cha sở Gioan Đoạn Trinh Khoan coi địa sở Cổ Vưu và các họ nhánh: Linh địa La Vang, Hạnh Hoa, An Đôn, Ba Lòng, Ngô Xá[15]. Và Cha Gioan Khoan chỉ làm quản xứ Cổ Vưu một năm (1874), qua năm 1875 cha Anrê Trần Văn Doãn đến thay."[16]
Như vậy họ nhánh La Vang có lẽ được thành lập vào năm 1874 dưới thời Đức cha Sohier Bình. Họ nhánh La Vang trực thuộc địa sở Cổ Vưu, hạt Dinh Cát, giáo phận Huế.
+ GIÁO XỨ LA VANG
Đức cha Caspar Lộc là người đã vén bức màn La Vang sau gần một thế kỷ im hơi lặng tiếng, với ngôi nhà thờ ngói đấu tiên khánh thành vào dịp Đại Hội La Vang 1. Nhưng La Vang thời Đức cha Caspar Lộc cũng chỉ là một họ nhánh, một địa điếm hành hương, chưa hội đủ điều kiện để trở thành một giáo xứ.
Năm 1928, sau khi khánh thành ngôi nhà thờ lớn La Vang, Đức cha Allys Lý nhận thầy số giáo hữu hành hương La Vang ngày một đông. Họ muốn được dâng lễ, rước lễ, xưng tội, chầu Mình Thánh Chúa… Vả lại, để nhà Mẹ bớt hoang vu, cần phải có số đông giáo hữu đến định cư bên Mẹ . Điều này sẽ trở nên dễ dàng nếu ở La Vang có Linh mục quản xứ. Vì vậy, năm 1928 Đức cha Allys Lý thành lập giáo xứ La Vang, tách từ giáo xứ Cổ Vưu đồng thời bổ nhiệm Linh mục Phaolô Võ Văn Thới (1878 - 1904 - 1932) làm quản xứ. Đây là cha sở tiên khởi giáo xứ La Vang.
Đáng tiếc, ngày 02.11.1932, cha Phao lô Thới lâm bệnh qua đời. Họ đạo La Vang trở lại thời kỳ họ nhánh thuộc giáo xứ Trí Bưu.
Năm 1943, Linh mục Giacôbê Nguyễn Linh Kinh ra La Vang dưỡng bệnh. Năm 1946 ngài chính thức được bổ nhiệm quản xứ La Vang. La Vang trở lại đơn vị giáo xứ thuộc hạt Dinh Cát, giáo phận Huế.
Năm 1954 giáo dân di cư vào Nam tương đối đông. Tại La Vang, ngoài tu viện MTG Di Loan còn có bốn giáo xứ đến định cư bên Mẹ:
• Cha sở An Bằng Phêrô Trần Văn Điển đưa giáo dân di cư, lập giáo xứ La Vang Hữu với 1402 giáo dân.
• Cha sở An Ninh GB Trương Đình Thắng đưa giáo dân di cư, lập giáo xứ La Vang Tả với 817 giáo dân.
• Cha sở Cổ Hiền GB Bửu Đồng đưa giáo dân di cư, lập giáo xứ La Vang Thượng với 1751 giáo dân.
• Cha sở Ba Ngoạt Phêrô Trương Văn Thiên đưa giáo dân di cư, lập giáo xứ La Vang Trung với 1200 giáo dân.
Giáo xứ La Vang chính và bốn giáo xứ La Vang định cư đều thuộc hạt Dinh Cát, giáo phận Huế.
Năm 1960, ĐGH Gioan XXIII ban phép thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam với 3 tổng giáo phận Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Tổng giáo phận Huế được chia làm 3 tổng hạt[18], 9 hạt[19]. Giáo xứ La Vang chính và 4 giáo xứ La Vang định cư đều thuộc hạt Cát Nam, tổng hạt Dinh Cát, tổng giáo phận Huế.
2. TỪ GIÁO XỨ LA VANG ĐẾN TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG
+ HỘI ĐỒNG GlÁM MỤC MIỀN NAM VỚI TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG.
Ngày 13.04.1961 tại Huế, Hội Đồng Giám Mục Miền Nam gồm giáo tỉnh Huế và giáo tỉnh Sài Gòn đã đồng thanh quyết định chọn La Vang làm TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC. Kèm theo quyết định này HĐGMMN cũng đã chọn thánh đường La Vang làm ĐỀN THỜ TOÀN QUỐC KHẤNG DÂNG TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ.
Ngày 22.08.1961, ngày cuối cùng của Đại Hội La Vang 15, Đức cha Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục, Tổng Giám mục Huế đã long trọng tuyên bố quyết định ngày 13.04.1961 của HĐGMMN: "Kể từ nay La Vang là nhà của Mẹ, đất của Mẹ, là Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc."
+ HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM VỚI TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG
Ngày 01.05.1980 tại Hà Nội, lúc 09 giờ, trong phiên họp toàn thể, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đồng thanh biểu quyết chấp thuận La Vang là TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC…
Sau khi đồng thanh biểu quyết, toàn thể các Đức Giám mục đã đứng lên hát bái Salve Regina rất cảm động
[1] Bài Diễn thuyết ĐỨC MẸ VÀ DÂN TỘC VIỆT NAM của linh mục Phan Phát Huồn. CSsR (Dẫn bút tích của cụ Phước Môn Quận Công Nguyễn Hữu Bài ngày 18.02.1925). Ns. ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP. Số 119. Tháng 04.1959. Tr.106
[2] Bài giảng về ĐMLV của Đức cha Hồ Ngọc Cẩn ngày 15.08.1932. Sách ĐỨC MẸ LA VANG (Lm Lê Văn Thành). Cứu Thế Tùng Thư.1955
[3] SỬ KÝ TỈNH QUẢNG TRỊ. Bản đánh máy. Ngày 26.08.1963. Tr.47
[4] TỰ TÍCH LA VĂNG. Bản hồi ký viết tay của Lm Philipphê Lê Thiện Bá. Tài liệu gia đình của ông Lê Thiện Sĩ
[5] Bài diễn thuyết ĐỨC MẸ VÀ DÂN TỘC VIỆT NAM của Lm Phan Phát Huồn. CSsR (Dẫn bài viết của Lm Philipphê Lê Thiện Bá).Ns. ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP. Số 119. Tháng 04.1959. Tr. 106
[6] LÊ QUÍ ĐÔN TOÀN TẬP. Hà nội 1977. Tr.80
[7] Bài LA VANG TỰ TÍCH của Lm Đ. Hồ Ngọc Cẩn.Tb NAM KỲ ĐỊA PHẬN.Số 1036.Ngày 28.02.1929. Tr.119
[8] TỰ TÍCH LA VĂNG. Bản hồi ký viết tay của Lm Philipphê Lê Thiện Bá. Tài liệu gia đình của ông Lê Thiện Sĩ
[9] Kiến giải chữ phường trong phường Lá Vằng của nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh,giảng viên khoa ngữ văn trường Đại Học Sư Phạm Huế
[10] DANH SÁCH XÃ THÔN TRUNG KỲ. Bản đánh máy. Tr.53
[11] Nội dung từ bài ”TỰ TÍCH LA VANG”, hồi ký chép tay của Lm Philipphê Lê Thiện Bá. Tài liệu gia đình của ông Lê Thiện Sĩ.
[12] Đoạn này trích nguyên văn từ tài liệu gia phả Lê Thiện Tộc, trong tài liệu gia đình của ông Lê Thiện Sĩ.
[13] Dẫn lại LINH ĐỊA LA VANG (Lm Sta. Nguyễn Văn Ngọc). Tr.33
[15] Lm Sta. Nguyễn Văn Ngọc. LINH ĐỊA LA VANG. Tr. 49
[16] TIỂU SỬ CÁC LINH MỤC GIÁO PHẬN HUẾ. Cuốn 1. Tr.108
[17] Lm Sta. Nguyễn Văn Ngọc.LINH ĐỊA LA VANG.Tr.91
[18] Tổng hạt Bên Bộ, tổng hạt Bên Thuỷ và tổng hạt Dinh Cát.
[19] Hạt Bộ Bắc, hạt Bộ Trung,hạt Bộ Nam, hạt Thuỷ Bắc, hạt Thuỷ Biển, hạt Thuỷ Nam, hạt Cát Bắc, hạt Cát Trung, hạt Cát Nam.