“DẦU CHÁ KUẢY”
Nhạc Phi – Tần Cối và truyền thuyết về Dầu Chá Kuảy
Nhạc Phi, nhà quân sự nổi tiếng trong lịch sử quân sự Trung Quốc (1103 – 1142), bị vợ chồng Tần Cối và Vương thị hãm hại.
Người Trung Quốc muốn nguyền rủa hai vợ chồng nhà này, bèn làm hai viên bột mì hình người dính vào nhau đem rán trong dầu , được gọi là “Du gia quỷ” hay “Dầu chá kuảy” hàm ý mong cho cặp vợ chồng kẻ phản nghịch bị nấu trong chảo dầu ở địa ngục. Âm “Kuảy” có nghĩa là quỷ mà cũng trùng âm là “Cối” tức dầu chiên Tần Cối .
Xin nói thêm một chi tiết để thấy người dân bất kỳ nước nào cũng vô cùng căm giận và khinh bỉ bọn bán nước: mộ Nhạc Phi bên bờ Tây Hồ ở Hàng Châu có đúc tượng vợ chồng Tần Cối, Vương Thị bằng gang, hình dáng quỳ bên mộ tạ tội, người tới viếng mộ Nhạc Phi thường nhổ nước bọt hoặc cầm dùi đập vào đầu tượng cho hả giận.
Vợ chồng gian thần Vương thị – Tần Cối
Gần một nghìn năm trước, chiếc bánh quẩy này có một lịch sử huy hoàng, không phải ai muốn ăn cũng có mà phải chờ đợi, xếp hàng. Thời ấy người ta ăn cháo quẩy không phải vì ngon mà là muốn nhai kẻ thù trong miệng, nghe tiếng bánh quẩy rán dòn vỡ trong miệng mà tưởng là xương của tên Tể tướng, một kẻ Hán gian, bán nước vỡ vụn dưới hàm răng.
Chuyện kể rằng: thời nhà Tống bên Tàu có một người họ là Tần, tên Cối. Tần Cối xuất thân con nhà quan lại, thời trẻ cũng là người có tài, học giỏi, sau được trọng dụng cất nhắc dần lên tới chức Tể Tướng. Thế nhưng vì thiếu lòng trung với nước, lại có mấy năm bị khiếp sợ do bị phương Bắc bắt giữ mà dần dần bị tha hóa , bán thân cho ngoại bang (nước Kim), cam tâm làm một kẻ tay sai, đại diện cho nước ngoài ngay tại triều đình nước mình.
Thời ấy, cũng có Nhạc Phi xuất thân từ một gia đình nghèo khó, do học giỏi, võ nghệ cao cường, tính tình cương trực mà dần dần trở thành một vị tướng nổi tiếng của triều Tống. Nhạc Phi dẫn binh chống lại quân Kim, được nhân dân cả nước tín nhiệm yêu quý. Vì Nhạc Phi chủ trương kiên quyết kháng Kim, mà ông đã trở thành chướng ngại lớn nhất trong kế hoạch cầu hòa, bán nước của Tần Cối.
Tần Cối đã không từ một thủ đoạn nào để lập mưu hãm hại Nhạc Phi. Hắn không ngừng tấu với cấp trên (Vua Cao Tông) rằng Nhạc Phi đã xúc phạm tới gia pháp tổ tông của Tống triều. Thấy danh tiếng của Nhạc Phi vượt qua mình, Tần cối căm tức lắm. Hắn tâu lên rằng : thiên hạ bách tính đều biết có Nhạc Phi chứ không biết còn có Hoàng đế…Cuối cùng do âm mưu thâm độc của Tần Cối và vợ là Vương Thị mà Nhạc Phi và con là Nhạc Vân cùng nhiều tướng lĩnh khác bị mang ra xử chém. Sau cái chết của Nhạc Phi, lòng dân khắp nơi oán hận, căm thù Tần Cối…
Ở kinh thành, có người bán bánh rong, trong lúc ế khách lấy bột ra nặn 2 chiếc bánh hình người, một hình đàn ông là Tần Cối, một hình đàn bà là Vương Thị vợ hắn. Nặn xong, 2 cái bánh bị ném vào chảo mỡ sôi sùng sục. Ông rán chiếc bánh như đang hành hình hai kẻ bán nước hại dân để thỏa lòng căm tức.
Dân chúng đi ngang qua, thấy lạ bèn đặt làm vài chiếc. Một đồn mười, mười đồn trăm, món bánh này ngày một lan rộng. Ngày nào cũng có người đến xếp hàng để chờ rán và ăn ngay tại chỗ.
Chuyện đến tai Tần Cối, hắn cho quân lính đến bắt cửa hàng bán bánh nọ. Nhưng do binh lính cũng đồng tình với lòng dân nên họ cố tình trùng trình đánh động để người bán bánh trốn thoát. Họ trốn khỏi kinh thành và tiếp tục bán bánh kiếm ăn. Nhưng do ở trong tình thế bị săn đuổi, phải cảnh giác ngó trước ngó sau, nên họ không còn đủ thời gian nặn bánh thành hình người như trước nữa mà chỉ còn vê hai thỏi bột dài rồi quấn vào nhau, giả làm 2 vợ chồng Tần Cối.
Thấy bánh dễ làm, lại ăn ngon, món đó được lan truyền rộng rãi khắp nước. Tên của món bánh đó là “Du Gia Quỷ” tức là Con Quỷ bị chan (gia) dầu (Du) lên người, cũng có nơi gọi là “du thiêu quỷ” , “dầu thiêu quỷ” … đều có nghĩa là con quỷ bị chiên trong vạc dầu. Món bánh này phổ biến sang tận Việt nam và “Du Gia Quỷ” được đọc thành “Dầu Cháo Quẩy”, có người gọi tắt là “cháo quẩy” hay ngắn gọn là “quẩy”. Người Trung quốc ngày nay rất hay ăn kèm món này với cháo, ta thì hay ăn với Phở.
Đến đời Tống Minh Tông, mọi chuyện sáng tỏ, Nhạc Phi được minh oan, được đem hài cốt về chôn và lập miếu tại Hàng Châu. Người ta cũng làm 2 pho tượng sắt theo hình vợ chồng Tần Cối đặt quỳ ở trước mộ, trong khuôn viên miếu Nhạc Phi.
Mấy trăm năm đã trôi qua, lòng căm thù chưa nguội. Mặc dù ngay phía trên tượng, chính quyền có bảng khuyến cáo không xâm phạm di tích lịch sử nhưng hôm tôi đến thăm miếu này ở Hàng Châu vẫn thấy nước bọt của dân vương trên đầu, trên vai, trên mặt tượng kẻ bán nước.
Ngàn năm sau nữa món Quẩy chắc vẫn còn tồn tại và câu chuyện về chiếc bánh, nỗi nhục của một kẻ bán nước như Tần Cối thì muôn đời không gột rửa được.
Tần Cối – kẻ bán nước hại dân, dù có chết đi, ngàn năm sau vẫn bị người đời phỉ nhổ.