Thứ Bảy, 24 tháng Mười Một năm 2015
Tác Giả: Phạm Ngọc Cương
1- Thiện nguyện
Tháng nào thằng bé cũng mang về cái thư của trường báo có ngày sinh hoạt cộng đồng không bắt buộc: đi xem kịch, bảo tàng, triển lãm nghệ thuật, di sản văn hoá, thảo cầm viên, vườn thú...
Nếu bố mẹ đồng ý cho con đi thì ký vào giấy, nếu cháu nào thích đi mà gia đình không có khả năng trả tiền vé thì nhà trường sẽ cấp vé cho cháu miễn phí.
Phụ huynh nào có nhã ý tham gia đi theo thiện nguyện giúp thầy cô giáo trông các em cùng thì phải ghi danh trước và tự trả tiền vé cho mình.
Sẵn lòng đi giúp không công, tự chi trả cho mình mà vẫn còn hồi hộp vì lúc nào cũng có quá nhiều người sẵn sàng giống mình;
nhiều khi trường phải cho những người thiện nguyện bốc thăm chọn, và chỉ lấy bốn người cho mỗi lớp 25 cháu.
Khó thay để được làm thiện nguyện ở xứ sở được mệnh danh là thiên đường của “vị kỷ” và “cá nhân chủ nghĩa” nầy!
2- Stop Sign
67 là tuổi nghỉ hưu. Nhiều người già không muốn cho phần đời còn lại vô nghĩa xin thành phố cho làm việc thiện nguyện. Việc của họ có thể là cầm cái biển "STOP" sign, ra trực các ngã tư để dẫn học sinh qua đường lúc 8-9h sáng; 12-1h trưa và 3-4h chiều là giờ các cháu học xong đi về nhà. Mùa Hè ấm áp thì học sinh được nghỉ hè.
Thân già, giữa mùa Đông tuyết giá ra đứng đường trông trẻ là cả một cố gắng.Cuộc sống thật có ý nghĩa hơn khi nó không phải chỉ cho mình.
3- Dọn nhà
Mấy năm trước tôi dọn đến ở khu vực cũ kỹ của thành phố. Trên trăm tuổi đã được coi là lâu đời vì Canada cũng mới có 145 tuổi. Dọn về đây vì tôi thấy thú mỗi khi nhìn cái toà thị chính cũ bé tí tẹo, chả nhỉnh gì hơn cái nhà dân thường trong khu. Trong khi đó các trường cấp 1, 2, 3 là các tòa lâu đài thật đồ sộ, vật vưỡng to gấp cả trăm lần tòa thị chính. Nhà thờ tuy to thứ hai sau trường học mà cũng chỉ bằng 1/20 khuôn viên trường. Các ngân hàng, cửa tiệm không bằng cái móng tay so với trường. Mỗi nhà dân chỉ được xây cất xấp xỉ ½ diện tích đất của mình vậy mà tổng diện tích cây xanh, công viên, hồ, đường xá bên ngoài vẫn chiếm tới 70% toàn khu vực. Cảm ơn các tiền nhân Canada đã mở mắt cho kẻ hậu bối thật nhiều điều.
4- Chapters
Là cửa hàng sách. Một toà nhà cổ lộng lẫy ở một vị trí cực kỳ đắc địa là nơi cung học liệu cho toàn bộ học sinh mấy trường phổ thông. Ai qua đây cũng có ba việc có thể làm là mua sách, ngắm sách hoặc là lấy bất kỳ cuốn nào, mới tinh, thơm mùi mực in, ra ngồi ở bất kỳ cái ghế bọc da hay nỉ êm ái nào trong cửa hàng, và nghiền đến lúc nào xong rồi trả sách lại về giá rồi ra về. Nếu chưa đọc xong mai cửa hàng mở cửa lại ra ‘‘đọc chùa’’ tiếp. Xin mời cứ tự nhiên, vô tư. Yêu khu vực dân cư mà những toà nhà lớn nhất là trường học, bệnh viện, thư viện bao nhiêu thì càng thấy yêu sự tế nhị và hào hiệp trong nghiệp kinh doanh của Chapters bấy nhiêu. Tri thức cũng như thương mại là cái không phải cứ ép mà được.
5- Kỳ thị
Mark sinh ở Chicago. Từng rất cố gắng làm việc từ bồi bàn, dọn dẹp, bán hàng để góp thêm tiền trả học phí đại học và sau đó là... bảo vệ hai bằng tiến sỹ. Một âm nhạc và một về nhân chủng học. Hai hướng đi chả có gì gần nhau nhưng đó là ý thích của anh từ bé muốn hiểu rõ về giống người và âm thanh. 13 năm cuộc đời để làm hai cái Ph.D. rồi chàng yêu và lấy một cô Canada. Hiện nay, người trung niên da trắng gốc Mỹ ấy là giáo sư của hai trong ba đại học ở Toronto. Vợ bảo lĩnh anh sang Canada theo diện hôn thê. Mark mới nói với tôi là anh thật hạnh phúc vì cuối cùng bộ công dân và di trú Canada đã hết nghi ngờ anh và anh vừa nhập quốc tịch. Một minh chứng sống cho việc không phải chỉ vài sắc dân Á Châu bị nghi ngờ tìm cách vào Canada theo con đường hôn thê dởm.
6- Giáo viên
Chưa yên tâm hành nghề giáo sư đại học; từ khi có con, Mark mới thấy là mình thích thành giáo viên. Để làm giáo viên ở Ontario thì dù là giáo sư anh vẫn phải đi học thêm một năm sư phạm nữa. Nhiều khi gặp các thầy cô ở trường phổ thông hỏi họ trước làm nghề gì. Nhiều người nói là tiến sỹ, bác sỹ, kỹ sư cao cấp...
Động cơ nào khiến họ từ bỏ công việc thu nhập cả vài trăm ngàn, học lại ra làm giáo viên với lương chỉ 50-80 ngàn đồng một năm khoãng 50-80 dollars ở Hoa Kỳ. Tiền bạc không thể lý giải nổi thì chắc động cơ chỉ còn là niềm đam mê.
Khi tới Canada định cư, ở sân bay tôi được phát tờ quảng cáo của chính phủ hướng dẫn là có ba nghề rất được tin cậy và tôn trọng ở đây là giáo viên, cảnh sát và bác sỹ. Vào quốc tịch cần có người biết mình từ ba năm trở lên chứng nhận, và danh sách hàng đầu những người có thể ký chứng nhận không phải là tiến sỹ hay giáo sư nọ kia ... mà là ba nhóm người giáo viên, cảnh sát và bác sỹ.
7- Răng đẹp
Canada không cho phép tư nhân hoá y tế cơ bản. Không có bệnh viện tư, y tế không mất tiền. Tuy nhiên, y tế công không bao thẩm mỹ. Và răng lợi được coi là làm đẹp nên phải tự trả tiền túi hoặc bảo hiểm trả.
Làm giáo viên ở Ontario có chế độ bảo hiểm răng thật trên mức tuyệt vời. Khi đi khám nha sỹ rất thích đè thầy cô ra chữa răng, miệng. Lo cho thầy cô luôn có hơi thở thơm tho, nụ cười được nở trên mặt cùng hàm răng đều trắng trẻo sẽ giúp các thầy cô thêm tự tin và duyên dáng trước các công dân tí hon của đất nước. Xứ “giẫy chết” và “bóc lột” là vậy, còn sự chu đáo của xứ “triệu lần hơn” thì tầm vóc nhỏ nhoi của mình sao mà tưởng tượng ra nổi?
8- Vui
Hôm nào đón con đi học về tôi cũng hỏi là ở trường hôm nay thế nào? Vui lắm bố ạ. Cô giáo của con năm nay thế nào? Cô giỏi lắm bố ạ. Sao năm nào con cũng khen cô giỏi, thế không có ai kém à? Không! Họ đều giỏi theo những cách khác nhau.
Đứa khác hôm nào tối mịt cũng mới thấy mặt. Hỏi sao con về muộn thế? Bố ơi hôm nào về nhà thấy trời còn sáng con thấy tiếc như mình còn chưa sống trọn vẹn đủ một ngày. Chúng con bây giờ là người Type A tức là người học hết mình nhưng chơi còn hết mình hơn. À ra thế! Nhà trường đã thành công khiến chúng học như chơi và chơi như học.
9- Thời tiết
Để làm quen, dân Anglo-Saxon thường bắt chuyện từ thời tiết. Tôi thích mùa Xuân, vì sau cơn ngủ mùa Đông cây ra cả trăm màu xanh của sự sống dâng trào. Mùa Thu ngắn như người đàn bà hồi xuân khao khát cháy hết những rạo rực còn lại trong đời. Mùa Xuân thong dong như gái mười tám đôi mươi còn dài đường tình. Các danh họa Canada trong Group of Seven thật nổi tiếng nhưng chưa ấn phẩm thu nào của họ sắc nét bằng Golden Autumn của Levitan. Mùa thu nước Nga đã thật mê hồn, nhưng mùa thu Canada còn đầy hấp lực hơn. Vì ở Nga cây chủ đạo là bạch dương trong khi ở Canada cây chủ đạo là cây phong. Mà phong đa dạng hơn bạch dương nhiều lắm. Các lá phong vàng đỏ bay trong gió như những bàn tay nhỏ vẫy chào thế gian đầy lưu luyến. Thật hay là lá còn đang rất tươi và đang độ đẹp đã rời cành? Không đeo bám dai dẳng với quyền lực tới khô đen như nhiều chính trị gia già nua trên thế giới này.
10- Mẹ
Các chuyện “tiếu lâm” dòng chính bên này khai thác chuyện con rể mẹ vợ. Còn bên ta chủ đề hót là mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu.
Ở đâu, dù là mẹ, nhưng chèn vào tự do của con cũng bị chê cười.
11-Khoá cửa
Mấy lần đổi nhà thỉnh thoảng có người hỏi là có thay ổ khoá cửa không? Tôi hỏi thay làm gì nhỉ khi bên này hai cái thượng tôn nhất, quí nhất là quyền tự do và quyền tư hữu thì đều hiện diện và được bảo vệ chu đáo như nhau cả ở trong nhà cũng như ngoài đường.
12- Dân chủ
Ở Châu Âu 70% dân chúng ở nhà thuê. Ở Mỹ người ở nhà của mình là 65,4%. Còn chủ nhà Canada chiếm tới hơn 70% dân số. Tại Ontario các mâu thuẫn của người chủ nhà và người thuê nhà do toà Landlord and Tenant Board giải quyết. Nếu người thuê kiện người chủ, thì người thuê nộp lệ phí toà là $50 và có luật sư miễn phí cãi hộ tại toà. Nếu người chủ thưa người thuê thì lệ phí toà là $150 và phải tự đi thuê luật sư với giá tối thiểu $1000/ngày. Chơi khó người giàu và bao biện người nghèo thế mà sao cái xứ này vẫn để tên cụt lủn là Canada mà không đổi ngay sang là Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Canada cho nó thật “hoành tráng” và xứng tầm thời đại nhỉ?
13- Công bộc
Ở Canada nếu thấy xe cảnh sát nháy đèn ngay sau xe bạn thì phải tấp xe vào vệ đường, bật đèn emergency, rút bằng lái và giấy tờ bảo hiểm xe ra, hạ cửa kính bên phía người lái xuống, để hai tay lên vô lăng và ngồi chờ. Cảnh sát sẽ tới, cúi chào bạn trước sau đó xin cho xem giấy tờ rồi họ về xe cảnh sát. Khoảng 15 phút sau, họ quay lại xe bạn trao trả giấy tờ và phiếu phạt. Giải thích nội dung bạn vi phạm và quyền của bạn rồi chào bạn, đường ai nấy đi. Nếu đồng ý mức phạt bạn trả ngay trong vòng 14 ngày. Nếu không bạn ra toà. Ra toà phần đông vì mong cảnh sát vì lý do gì đó không ra thì mình sẽ trắng án. Cậu em tôi cũng thử ra toà. Rủi thay là chàng cảnh sát đó cũng lại ra. Khi toà hỏi cậu có muốn đối chất với cảnh sát xem ai sai không thì cậu thấy chả có gì để nói vì cảnh sát đúng. Vậy mà viên cảnh sát đó (đã thay cảnh phục sang côm-lê đen cà vạt tuyệt đẹp) lại đứng lên nói với toà: “Hôm nay tôi đến đây để muốn xin quan toà cho anh ấy giữ nguyên mức tiền phạt, nhưng không cắt điểm vì trong sổ công tác tôi có ghi chú lại là anh ấy hành sử rất lịch sự lúc nhận phiếu phạt. (Không cắt điểm thì không bị bảo hiểm xe tăng giá)”. Cậu em kể lại và chua thêm sao bọn này nó đào tạo “đầy tớ” tốt mà lại ít thế nhỉ, chỉ cho có mỗi 2 tên đày tớ trên 1000 dân.
14- Chết
Mẹ của cô giáo Doris vừa mất. Ôm chúng tôi, cô khóc kể khi chỉ còn nửa bước nữa là tới cửa thiên đường, cụ bỗng mở mắt, nhìn tám người con nuôi và con đẻ đang không cầm được nước mắt vây quanh giường, cụ bà cười và nói: “Các con, mẹ đã sống một cuộc đời vô cùng hạnh phúc. Sau chiến tranh thế giới II dân miền Nam nước Ý nghèo đói chỉ làm nông nghiệp và băng đảng đã di cư sang Canada. Là một nông dân chỉ quen cày cuốc ít học mà mẹ đã có các con phương trưởng làm giáo viên, bác sỹ, luật sư. Mẹ sắp được gặp bố. Các con phải vui và chúc mừng cho mẹ đi chứ?”
Đúng là:
“Người dưới vực sâu còn cứu kẻ trên bờ
Nếu dưới vực sâu còn dũng khí” (2)
15- Lời hứa
Tôi thường hay tản bộ ra High Park hay Rennie Park. Thiên nhiên mùa nào cũng có bộ cánh tuyệt đẹp. Mùa Xuân rạo rực với cả triệu triệu bông anh đào đua sắc. Mùa Thu thanh thản suy tư cùng đàn thiên nga trắng muốt lượn lờ trong hồ. Hai công viên này có đủ thứ từ vườn thú, sân tennis, bể bơi, sân trượt băng...Và tất cả đều miễn phí. Khởi đầu là hai người giàu có trước khi chết hiến tặng lại gia sản cho thành phố với điều kiện thành phố chỉ được dành cho đại chúng và không được thu phí gì kể cả chỗ đỗ xe. Hàng trăm năm qua thành phố luôn giữ lời.
16- Phương tiện
Hôm nọ có việc phải ngó vào hồ sơ của hai người hành nghề kiểm toán. Chồng báo kiếm $12,000/tháng, vợ $18,000. Ba mươi ngàn $/tháng, nhà trả hết, Visa Master Cards không nợ và... không có ô-tô. Dù rằng bây giờ nhiều hãng cho mua chịu ô-tô trả dần từ 3-5 năm có 0% lãi xuất. Gặp họ, tôi hỏi họ di chuyển như thế nào? Họ nói chúng tôi chỉ dùng xe đạp và đi bộ.
Anh bạn mới sang Canada họp hội nghị khoa học ở trường tổng hợp Toronto vào phòng chủ nhiệm khoa thấy bề bộn sách vở và chình ình giữa phòng là ... cái xe đạp. Ồ ra xứ này đang chuyển giao biểu tượng. Người giàu đi bộ, xe đạp, người nghèo ôtô. “Đổi mới” để làm gì nhỉ? Có minh chứng hùng hồn để rao giảng là từ những năm 80 ta đã có phương tiện ngang tầm dân giàu Canada của tận năm 2012 rồi mà?
17- Chùa
Tháng Chín, 2012, ra sân bay tiễn vợ về Việt Nam, nhìn thấy một em trung tuổi mặt mũi khá sạch nước cản đang gọi điện thoại bằng tiếng Hoa. Hết cú điện thoại bỗng em đon đả bằng tiếng Việt:
- Anh về Sài Gòn? (à ra em là người Việt gốc Hoa).
- Không anh chưa, ra tiễn vợ về Hà Nội thăm nhà thôi.
- Em tưởng anh về dự hội nghị Việt kiều lần II
- Có gì hay ở đó hả em?
- Được xe đưa đón và bao ăn ở khách sạn sang toàn bộ.
- Em sang Canada bao năm rồi?
- 30 năm anh ạ.
- Em làm nghề gì?
- Em làm công ty bảo hiểm.
Trời ạ. Em có công ty riêng, thành đạt ở một xứ giàu có 30 năm về còn hí hửng khoe được bao đi lại và ăn ở. Em không tự lo được nổi cho mình mấy cái vặt vãnh đấy sao?
18- Thủ lĩnh
Canada có ba đảng chính trị tầm vóc quốc gia.
Hữu là Bảo Thủ. Tả là Tân Dân Chủ và khuynh tả là Tự Do. Bảo thủ được coi là đảng của người giàu vì nhiều người giàu là đảng viên của đảng; nhưng phần lớn nông dân và binh sỹ cũng tham gia đảng này.
Đường hướng của đảng này là nhà nước hãy can thiệp ít nhất vào cuộc sống của dân chúng, giảm thuế, cùng giảm sự bao biện của bộ máy công quyền. Stephen Harper - đảng trưởng đảng Bảo Thủ- người đàn ông lên đỉnh cao quyền lực từ năm 2006 khi 46 tuổi theo đánh giá của dân Canada qua 3 lần liên tiếp thắng cử cũng “not too bad” (không quá tệ)!
Về đối nội ông liên tục giảm thuế cho dân chúng và các công ty, dẫn Canada vững bước phát triển qua cơn khủng hoảng kinh tế tồi tệ toàn cầu. Về đối ngoại, ông từ chối tham dự Olympic Bắc Kinh 2008. Mới đây là nước phương Tây đầu tiên dẹp luôn toà đại sứ của mình tại Iran và đuổi toàn bộ nhân viên sứ quán Iran ra khỏi Canada.
Đêm Stephen Harper đắc cử lần đầu, báo chí Canada chạy tít Thủ Tướng Tim Hortons. Tim Hortons là loại cà phê rẻ tiền của Canada (coi như thuộc hạng chè vối của Việt Nam) vì Harper không có tài sản gì đáng kể ngoài cái ô-tô cũ và căn phòng nhỏ. Trong khi người mà ông đánh bại là Paul Martin - thủ tướng tiền nhiệm- là thủ lãnh đảng Thiên Tả Tự Do, lại là chủ hãng vận tải đường biển có tài sản trên 70 triệu đô.
Tài sản và tư tưởng chính trị không hẳn là những giá trị luôn đồng nhất. Nhiều nhà tư bản được bêu riếu là cá mập lại là những người dốc cả tài sản cho từ thiện; còn nhiều lãnh tụ vác danh đại diện cho giới cần lao lại chỉ lao đi vơ vét và đục khoét.
19- O Canada (3)
Khi mới tới đây định cư, cảm giác đầu tiên là sao cái đất này cái gì cũng nhẹ nhàng, thiếu quá chất hào hùng kể cả từ bài quốc ca. Ồ Canada cứ như một khám phá nhỏ dịu dàng đến ngỡ ngàng. Vậy mà ở càng lâu càng thấy sao câu thơ lại chỉ thấy đúng đến thế ở nơi cách xa quê hương của tác giả tới nửa vòng địa cầu lận:
“Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa
Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào
Ta nghẹn ngào...”
Trông người lại ngẫm đến ta... nơi mỗi lần về lại thấy lòng xa quê hơn một chút.
3/11/2015 - Tiến Sĩ Phạm Ngọc Cương - (Toronto, Canada)