Cơ thể kiến ba khoang có chứa pederin, độc tính gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang.
PGS.TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương (Hà Nội), cho hay thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10 đến nay, kiến ba khoang xuất hiện nhiều, ồ ạt. Vì vậy, số lượng bệnh nhân nhập viện do trúng độc của loài côn trùng này tăng lên nhanh chóng.
Trong đó, nhiều ca bệnh có biểu hiện nhiễm trùng nặng ở vết đốt. Thậm chí, nhiều gia đình cả 3 người đều nhập viện vì kiến ba khoang.
Sai lầm khi xử lý vết kiến khoang đốt có thể dẫn tới nguy hiểm tính mạng. Ảnh: Thiên Lam. |
Theo PGS Thường, kiến ba khoang là loài côn trùng có thân thon dài, các khoang đen - vàng cam xen kẽ. Chúng xuất hiện nhiều vào đầu mùa mưa và rất thích ánh sáng đèn ban đêm. Sau những cơn mưa, nước ngập không còn nơi cư trú, chúng bay vào trong nhà theo ánh đèn.
“Mùa thu đông là mùa kiến ba khoang nên lượng bệnh nhân nhập viện vì bị côn trùng cắn tăng mạnh. Nhiều ngày chúng tôi tiếp nhận vài trăm bệnh nhân.
Số lượng bệnh nhân là người lớn rất nhiều, do họ chưa hiểu biết về loài kiến này. Họ thường lỡ tay đập chết, chà xát con kiến nên bị trúng phải chất độc”, bác sĩ Thường cho hay.
Độc kiến ba khoang gây phồng rộp khó chịu, nặng hơn có thể máu mủ, loét, phù nề, gây sốt, thậm chí hoại tử.
TS.BS Lê Hữu Doanh - Phó giám đốc bệnh viện - thông tin thêm: “Chúng tôi đã từng tiếp nhận một bệnh nhân suýt bị hoại tử cơ quan sinh dục. Anh này bị mụn rộp ở cơ quan sinh dục do đã nghiền nát con kiến khoang rồi bôi vào chỗ mụn rộp vì nghĩ theo kiểu lấy độc trị độc. Ngay sau đó, toàn bộ cơ quan sinh dục bị tổn thương nặng nề, nếu không nhập viện kịp thời thì hậu quả khó lường”.
TS Doanh lưu ý trong cơ thể của loài côn trùng này có chứa pederin, độc tính gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang. Tuy độc tính cao, nhưng với lượng tiếp xúc nhỏ và ngoài da nên không đủ để gây chết người như nọc rắn.
Theo các chuyên gia, người dân còn thiếu kiến thức về kiến ba khoang nên dẫn tới những biến chứng nguy hiểm khi bị chúng tấn công.
“Nhiều người không đến khám ngay mà tự ý dùng thuốc, cào gãi mạnh làm cho chất độc lây lan khắp cơ thể”, Tiến sĩ Thường khuyến cáo.
Do đó, những người bị kiến khoang cắn, lỡ tay đập chết, chà xát trên da cần nhanh chóng rửa sạch bằng nước, xà phòng tại phần da nghi ngờ bị độc chất pederin xâm nhập (có thể rửa bằng thuốc tím sát trùng).
Nếu vùng da bị viêm chuyển sang tổn thương loét, người bệnh cần đắp gạc sạch, ướt, mát, vô trùng; có thể xoa thêm dung dịch calamin totion hay kem corticoides ở vết loét.
Khi có dấu hiệu bội nhiễm với các bọng nước dưới da, người bệnh có thể dùng phối hợp với kháng sinh. Triệu chứng viêm da sẽ khỏi trong vòng từ 2-3 tuần. Những trường hợp bệnh nặng cần khám tại chuyên khoa da liễu và sử dụng thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.
(st)
(st)