Vào ngày này, các bạn trẻ thi đua mặc những bộ đồ kỳ quái tự sáng chế hay được may sẵn để vui chơi và cũng để “nhát ma” người khác. Ở nhiều nơi, các người tham dự lễ hội không mặc những đồ ma quái, mà thay vào đó là những bộ cánh của các nhân vật xuất hiện trong phim ảnh như Batman, Superman, Peter Pan v.v.. hay đơn giản hơn là những trang phục giả làm các thứ rau quả trái cây hay những con thú. Dù gì đi nữa, ngày lễ đang dần thu hút sự quan tâm của giới trẻ vì nó khuyến khích giới trẻ sáng tạo để vui chơi giải trí. Nhiều người không thích lễ hội này vì họ đã từng kinh nghiệm những cảnh rùng rợn hay bị kinh hãi quá độ vì những trò nhát ma. Có lẽ nhiều người đã không biết về nguồn gốc tôn giáo của lễ hội này, và họ chắc phải ngạc nhiên lắm khi thấy lễ hội đã đi quá xa cái nguồn cội của nó.
Halloween là từ rút gọn của “All Hallows Eve” trong tiếng Anh, nghĩa là “ngày vọng trước ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ”. Từ “hallow” ở đây đồng nghĩa với holy = thánh. Trước thế kỷ X, Lễ Các Thánh được cử hành vào ngày 13 tháng 5 trong mùa Phục Sinh. Thời đó, dân xứ Celtic mừng ngày đầu năm mới vào ngày 1 tháng 11, lúc họ đã thu hoạch xong mùa màng và chuẩn bị cho mùa đông tới. Như dân Việt Nam mừng Tết Nguyên Đán, họ cũng có hội hè long trọng và những nghi thức tưởng nhớ những người đã khuất. Vào năm 835, Giáo hội mới dời ngày lễ các thánh tới ngày 1 tháng 11 với chủ ý biến ngày lễ hội đầu năm của người Celtic thành một ngày lễ Công Giáo.
Việc cầu nguyện cho người chết và niềm tin phục sinh thật ra đã có trong thời Cựu Ước (2 Macabê, 44-46). Khi ấy, dân Do Thái đã tin rằng việc cầu nguyện và dâng hiến lễ vật sẽ làm đẹp lòng Chúa và giúp cho người chết được sống lại. Tập tục đó vẫn được tiếp tục qua thời Tân Ước, khi cộng đoàn các tín hữu tập hợp lại, cử hành nghi thức bẻ bánh và đồng thời nghe lại những câu chuyện sống đạo anh hùng của các thánh tử đạo, hay còn gọi là những chứng nhân anh dũng của đức Tin (từ ‘martyr’ trong tiếng Hy Lạp nghĩa là chứng nhân), dù đã chết nhưng vẫn không tách rời khỏi Nhiệm Thể Chúa Kitô. Dần dần, các cộng đoàn mở rộng việc tưởng nhớ đến những tín hữu đã tử vì đạo nhưng không được biết tới, và đến những tín hữu là chứng nhân sống Tin Mừng nhưng không tử đạo mà sau này thánh Phanxicô Salê gọi họ là các thánh nhân.
Riêng về Lễ Cầu Cho Các Linh Hồn, năm 1048, một tu viện trưởng đã đề xướng cử hành lễ này vào ngày 2 tháng 11 như một liên kết và một nối dài hợp lý hợp tình cho Lễ Các Thánh Nam Nữ. Trước đó, các giáo hội địa phương không có một thánh lễ cầu chung cho các linh hồn, nhưng chỉ cử hành thánh lễ hằng năm vào ngày lễ giỗ cho một người nào đó đã qua đời. Chỉ bắt đầu vào thế kỷ thứ VII, các tu viện mới có lệ cử hành thánh lễ cầu hồn hằng năm cho tất cả những tu sĩ đã chết và lệ đó đã phổ biến ra giáo dân. Vì thế ngày nay, giáo hội dùng hai lễ này để nhắc nhở cho tất cả các tín hữu, còn sống hay đã chết, được hợp nhất với nhau trong một nhiệm thể, và ngày lễ vọng cho hai Lễ Các Thánh và Lễ Các Linh Hồn chính là ngày lễ hội Halloween.
Khi phong trào Cải Cách bắt đầu vào thế kỷ XVI, những người Tin Lành đã dần bác bỏ tín điều các thánh thông công và tập tục cầu nguyện cho người chết. Từ đó, ngày vọng Lễ Các Thánh Nam Nữ (Halloween) không còn cái ý nghĩa nguyên thủy của nó nữa. Halloween đã bị thương mại hóa và biến thành một lễ hội trần tục như Lễ Giáng Sinh. Lễ hội đã mất tính thánh thiêng và người tham dự lễ hội không còn biết đến những vị thánh tốt lành, những mối tương quan gắn bó giữa người sống và người chết cũng như vận mệnh của con người. Lễ hội Halloween ngày nay đã khoác một hình thức mới vang vọng âm hưởng của những ma thuật hay những tập tục mê tín dị đoan về người chết đã có trước thời Kitô giáo.
Bởi thế, các bậc cha mẹ lo lắng khi thấy con mình đang rục rịch chuẩn bị cho ngày hội Halloween. Có nên cho phép hay cấm cản chúng đi chơi với bạn bè trong ngày lễ hội này? Có nên để chúng giả trang thành ma quỷ hay những nhân vật quái đản để hù dọa hay làm kinh hãi người chung quanh? Đã có những ý kiến của các chuyên gia, chẳng hạn cha Joan Maria Canals (L'Osservatore Romano, số báo 30/10/2009), cho rằng lễ hội Halloween ngày nay bằng phim ảnh, đồ trang trí, quần áo hoá trang đang đầu độc giới trẻ bằng cách đưa chúng tiếp cận những hình ảnh phù thủy, thần tiên và một thế giới đầy ma thuật với những cảm giác kinh hãi và chết chóc. Giáo hội Công Giáo tại Ý đã kêu gọi tẩy chay cái lễ hội cổ vũ cho văn hoá tử thần và đã bị thương mại hoá, đồng thời kêu gọi các tín hữu về nguồn bằng cách có những hoạt động lành mạnh hơn và đúng với ý nghĩa của hai ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ và Lễ Các Linh Hồn.
Thế nhưng thật là khó cho cha mẹ để nói không với con cái mình khi chúng muốn tham gia lễ hội Halloween, vì đối với chúng lễ hội thật là vui, thật là cuốn hút với những trò chơi vui nhộn, và những lối trang điểm hay mặc trang phục thật lạ mắt, đầy sáng tạo tuy đôi lúc cũng làm cho chúng sợ. Quyết định cho các con tham dự hay không tham dự là tuỳ vào cha mẹ và tuỳ vào hoàn cảnh của từng gia đình, cũng như nội dung của các hoạt động được tổ chức trong ngày đó. Tuy nhiên, điều quan trọng trước tiên mà Cha mẹ cần làm là hướng dẫn cho các con ý nghĩa đích thực của ngày lễ này. Tiếp đến, dạy cho chúng biết cách sống đạo trong mối liên hệ với Thiên Chúa, và dạy cho chúng về sự khác biệt giữa văn hoá sự sống và văn hoá tử thần, về sự hiện diện và hoạt động của ma quỷ. Hãy dạy cho chúng tránh xa những hành động xúc phạm đến Thiên Chúa như cúng kiến quỷ ma, hay cầu cơ lên đồng.
Nhiệm vụ của Cha Mẹ là giữ cho con trẻ được an toàn, giữ sao cho chúng khỏi bị tổn thương tinh thần vì những cảnh quá kinh hãi. Thêm vào đó, cha mẹ có thể giúp con cái lựa chọn những trang điểm, trang phục thích hợp và những nơi có các hoạt động lành mạnh cho ngày lễ này. Lễ hội Halloween được tổ chức mỗi nơi mỗi khác, vì thế, các bậc cha mẹ có thể lâm vào những hoàn cảnh không biết phải quyết định sao, trong trường hợp đó, hãy cầu nguyện cùng Chúa Thánh Thần và đừng quên hỏi ý kiến các linh mục hay người thân quen có kinh nghiệm và uy tín.
Lucas Khổng Kim Quang