Tìm Kiếm

2 tháng 9, 2016

Tại sao tôi bất an?



Ai trong chúng ta cũng mong muốn mình có một đời sống đầy đủ và sung túc. Một cuộc sống mà cứ chơi vơi chênh vênh, hết lo điều này đến sợ điều khác thì quả là khủng khiếp. Bởi thế, ta luôn cố gắng để có nhiều của cải vì nghĩ rằng chúng có thể đảm bảo cho đời sống vật chất của mình. Có của cải rồi, ta nỗ lực để có chút công danh, hay chỗ đứng trong xã hội, muốn tên tuổi của mình được lẫy lừng và nhiều người biết đến. Những cuộc chạy đua như vậy góp phần làm nên cuộc sống con người. Chúng giúp cho con người được thăng tiến và phát triển. Nhưng chính nó cũng là nguyên nhân mang đến bao nhiêu phiền toái cho con người. Khi người ta nỗ lực làm mọi thứ để đời sống mình được sung túc, giàu sang, người ta lại vô tình tự chuốc lấy vào mình những nỗi bất an khó chịu. Nếu tiền bạc có thể làm nên hạnh phúc thì tại sao người giàu lại khóc? Nếu danh vọng giúp mang đến niềm vui thì cớ sao biết bao người thành công lại buồn sầu? Họ khóc, họ buồn là bởi vì trong lòng họ không có bình an. Của cải và danh vọng chỉ giúp trang điểm cho họ những hào quang bên ngoài, còn khoảng trống to lớn trong lòng thì như đang làm mòn con tim họ.

Nhưng nếu nghèo thì liệu có thể bình an được không? Không có gì ăn, không có gì mặc, bị người ta coi khinh, rẻ rúng, bị người ta ruồng bỏ, chê cười thì bình an sao được. Còn nếu tìm một mức độ đừng quá giàu cũng đừng quá nghèo, thì biết thế nào mới là trung dung vừa đủ? Nhu cầu con người có bao giờ dừng lại đâu. Đáp ứng được nhu cầu này thì nhu cầu khác phát sinh. Con người cứ phải vật lộn tranh đua để thoả mãn nó từng ngày. Hành trình này dường như chẳng bao giờ có điểm đến. Đứng trước sức hấp dẫn của vật chất, ta lúc nào cũng thấy mình thiếu thốn và muốn có nhiều hơn. Cho đến một lúc nào đó, khi thấy lòng bất an, ta bất chợt nhìn lại thì thấy mình đã đi quá xa rồi. Có những điều cần nắm giữ, ta lại để tuột mất; trong khi ta lại sở hữu trong tay mình rất nhiều thứ mà giờ đây chẳng giúp ích được gì cho ta. Tạo Hoá hệt như muốn trêu ngươi con người. Cố gắng làm việc để có thật nhiều hay trở nên nghèo xơ nghèo xác cũng đều không giúp ta thoả mãn được cơn khát bình an. Vậy thì ta phải làm sao?

Bí quyết của bình an hệ ở giây phút hiện tại. Đừng tìm kiếm một hạnh phúc trong quá khứ, cũng đừng mong mỏi một niềm vui ở tương lai xa. Nếu lúc này đây, ta không cố gắng để hưởng nếm những gì đang có, thì mãi mãi ta sẽ chẳng thể nào có được. Quá khứ là cái đã qua rồi, còn tương lai là cái chẳng bao giờ đến. Cái ta đang có chính là những gì Tạo Hoá đang tặng ban cho ta. Nghèo cũng được, giàu cũng được, nhưng đừng đánh mất giây phút hiện tại, ấy là ta đã có bình an rồi. Cái khốn khổ của kiếp con người là khi nghèo, ta hay sống trong mộng tưởng “ước gì”, còn khi giàu có thì lại “giá như”. Cái hoài vọng ấy của cảm xúc chỉ làm ta hao mòn tâm tư và chờ đợi một sự bình an đến từ phép màu của cổ tích. Nếu người giàu có thể khóc thì người nghèo cũng có thể cười mà! Tất cả tuỳ thuộc vào sự lạc quan và cái nhìn của ta về thực tại mà ta đang sống.

Ở thành phố, các trẻ em có sân cỏ nhân tạo và những trái bóng tốt để chơi. Ở thôn quê, sân bóng là một khoảng đất trống, khung thành là hai thanh củi dựng lên, còn trái bóng là quả bưởi khô không ai dùng. Dù là môi trường nào, miễn là các em chơi hết mình, các em đưa mình trọn vẹn vào khoảnh khắc chơi lúc đó, người ta đều có thể nghe được những tiếng cười giòn tan vang lên hạnh phúc. Vào đêm Trung Thu, bố mẹ nào có điều kiện thì mua cho con mình những lồng đèn điện có nhạc hát vui tai; trẻ em ở quê nghèo thì hì hục đi chặt tre, cắt giấy hay lượm những lon bia hoặc lon nước đã qua sử dụng để làm trò vui. Dù hiện đại hay không hiện đại, miễn là người ta hài lòng với những gì mình được tặng ban, ấy là người ta đã tự thắp lên ngọn lửa bình an cho mình.

Càng lớn lên, ta càng cảm thấy mình phức tạp, chứ không đơn sơ như trẻ con. Đã đành ta không thể lúc nào cũng vô tư như bọn trẻ, vì ta còn phải xây dựng cuộc sống, mà chính sự thay đổi của cơ thể cùng những đòi buộc của xã hội không cho phép ta cứ ở mãi trong thế giới tuổi thơ, nhưng một tinh thần đơn sơ và thanh thoát của trẻ nhỏ là điều mà ta cũng cần phải học hỏi. Người lớn chúng ta thường tự đặt ra quá nhiều tiêu chuẩn, điều kiện, mục tiêu… rồi tự mình trở nên mệt mỏi với nó. Đồ ăn phải ngon mới được, quần áo phải đắt tiền mới chuẩn, điện thoại phải thuộc hạng xịn mới ô-kê. Xe thì phải thuộc hàng xế hộp. Nhà thì chí ít phải cỡ biệt thự. Đặt mục tiêu để phấn đấu là điều tốt, nhưng nếu bán mình cho mục tiêu mà đánh mất đi hiện tại thì cũng là đánh mất chính mình rồi.

Tạo Hoá không ban bình an cho con người ở một tương lai xa xôi nào đó. Thiên Đường không phải là một cõi mơ hồ của ngày mai. Lịch sử cuộc đời nằm trong tay mình. Có được bình an hay không cũng tuỳ thuộc ở mình. Cuộc sống này rất phong phú và mỗi người lãnh nhận từ nó những điều khác nhau. Người có nhiều, người có ít. Nhưng hàm chứa trong từng điều nhỏ nhặt mà họ lãnh nhận là mầm mống của bình an. Bất kể điều kiện nào, khoảnh khắc nào, con người cũng có thể làm cho mình hạnh phúc từ những điều mình có. Bình an sẽ đến khi người ta cho rằng những gì mình có là một món quà dồi dào, chứ không phải là những mất mát thua thiệt. Bình an sẽ đến khi người ta mở lòng đón nhận nó, chứ không so đo tính toán, ganh tỵ với người khác. Cuộc hành trình tìm kiếm bình an, cũng giống như chơi một trò chơi thi đua. Mỗi người được Tạo Hoá trao tặng những vật dụng đơn sơ và nhỏ nhắn, người chơi hãy dùng những vật dụng ấy để làm nên những gì khiến mình vui thú nhất.

Vậy đấy, nếu bạn muốn mình hạnh phúc, thì cứ cố gắng mà hạnh phúc đi thôi, còn chờ gì nữa!


Pr. Lê Hoàng Nam, SJ|dongten.net