Bẩy tuổi mình theo mẹ về quê ngoại. Bà ngoại sống một mình ở quê.
Chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 cây nhưng đã là quê thật sự.
Quê có ruộng, ao, rặng tre và một con sông đầy ắp nước xanh trong, nước chảy cuồn cuộn. Có lối đi xuống bằng gạch đỏ xây nghiêng. Mọi người hay tắm giặt ở đấy.
Nhà bà ngoại ở cuối làng, đến đầu đoạn rẽ mình và mẹ gặp bà ở ruộng rau muống. Bà đang hái rau, bây giờ mình vẫn nhớ như in dáng bà gầy còng còng lúi húi dưới ruộng , rồi ngẩng đâu lên gọi
- Mẹ con nhà mày về đấy à?
Ở quê chơi mấy ngày hè, ở quê nhiều cây nên có nhiều bóng mát. Nhất là rặng tre góc nhà toả bóng kín cả sân. Nhà gỗ mái giant, nền đất nện rất mát. Buổi chiều ăn cơm ngoài hiên cũng bằng đất nện khô nứt toác.
Con chó nhà bà lại gần mâm cơm, cái con chó đen gầy nhẳng. Mình với cái chổi sể đập cho một nhát. Nó bị bất ngờ ẳng một tiếng vùng ra, rõ là ăn vạ, nó chả đau tí nào. Bà bảo.
- Đừng đánh nó phải tội.
Mình ngơ ngác , không hiểu phải tội là gì. Lúc đó cũng chẳng hỏi bà, chỉ biết như thế là không nên làm. Đấy là lần đầu tiên mình nghe câu ấy hoặc chú ý đến câu ấy.
Lớn một tí, lúc tầm 10 tuổi phải nấu cơm cho cả nhà. Mẹ dạy cách nấu cơm, mẹ bảo.
- Người ta vất vả lắm mới làm được hạt gạo, mình có để ăn là may, nếu không nấu ngon mà khê hay nhão không ăn được. Phải tội lắm con ạ, của trời cho để nuôi con người.