Dẫn nhập
Đức Thánh Cha viết: “Không phải tất cả những tranh luận đạo lý, luân lý hoặc mục vụ đều phải được giải quyết với sự can thiệp của huấn quyền”, vì đối với một số vấn đề “tại mỗi vùng miền có thể tìm kiếm những giải pháp hợp văn hóa hơn và chú ý đến những truyền thống cũng như những thách đố địa phương”. Thực vậy “các nền văn hóa rất khác nhau và mỗi nguyên tắc chung… cần được hội nhập vào văn hóa địa phương, nếu muốn được tuân giữ và áp dụng”. Nguyên tắc hội nhập văn hóa này thực là quan trọng cả trong cách thức đặt vấn đề và hiểu các vấn đề.Đức Thánh Cha nói rằng cần ra khỏi sự đối nghịch vô bổ giữa một bên là lo lắng vì thay đổi và bên kia là sự áp dụng đơn thuần các quy luật trừu tượng. Ngài viết: “Các cuộc thảo luận nơi các cơ quan truyền thông hoặc trong sách báo và thậm chí giữa các thừa tác viên của Giáo Hội đi từ một ước muốn vô độ thay đổi mọi sự mà không có suy tư đầy đủ hoặc nền tảng, tới thái độ chủ trương giải quyết mọi sự bằng cách áp dụng các quy luật tổng quát hoặc rút ra những kết luận thái quá từ một số suy tư thần học”.
Chương I: Dưới ánh sáng Lời Chúa
Đức Thánh Cha trình bày suy tư về Thánh Vịnh 128, trong đó Kinh Thánh “nói đến những gia đình, các thế hệ, các câu chuyện yêu thương và khủng hoảng của gia đình”. Từ dữ kiện ấy, người ta thấy rằng gia đình không phải là lý tưởng trừu tượng, nhưng được diễn tả một cách dịu dàng tinh tế, và ngay cả tội lỗi khi mối tương quan tình yêu biến thành sự thống trị. Khi ấy Lời Chúa “không phải như những luận đề trừu tượng, mà như người bạn đồng hành với các gia đình đang gặp khủng hoảng khổ đau, và Lời Chúa chỉ cho họ đích đến của hành trình”.Chương II: Những thực tại và các thách đố của gia đình
Đức Thánh Cha suy xét tình trạng hiện nay của các gia đình với nhiều thách đố: từ hiện tượng di dân, đến ý thức hệ phủ nhận sự khác biệt phái tính; từ nền văn hóa tạm bợ, đến não trạng bài trừ sinh sản và ảnh hưởng của các kỹ thuật sinh học trong lãnh vực truyền sinh; từ tình trạng thiếu nhà ở và công ăn việc làm, đến nạn dâm ô và lạm dụng trẻ em; từ sự quan tâm người khuyết tật, đến sự tôn trọng người già; từ sự phá hủy gia đình bằng luật pháp, cho đến nạn bạo hành phụ nữ. Đức Thánh Cha nhấn mạnh tính cụ thể và thực tiễn.Đức Thánh Cha khẳng định rằng “có một điều lành mạnh là hãy để ý đến thực tại cụ thể, vì nhu cầu hiện tại và tiếng gọi của Chúa Thánh Thần cũng vang dội cả trong những biến cố lịch sử”. Qua đó “Giáo Hội có thể được hướng dẫn để hiểu biết sâu xa hơn về mầu nhiệm khôn lường của hôn nhân và gia đình”. Đức Thánh Cha nhận xét: cá nhân chủ nghĩa thái quá làm cho con người ngày nay khó hiến thân cho tha nhân một cách quảng đại. “Người ta sợ cô đơn, muốn được bảo vệ và chung thủy, nhưng người ta lại không dám cam kết trong tương quan bền vững”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: cần dành chỗ cho việc huấn luyện lương tâm các tín hữu. Chúa Giêsu đã đề nghị một lý tưởng cao sâu về tình yêu nhưng “Ngài không bao giờ đánh mất sự gần gũi cảm thương với những người yếu đuối như người phụ nữ xứ Samaria hoặc người phụ nữ ngoại tình”.
Chương III: Nhìn lên Chúa Giêsu: ơn gọi của gia đình
Chương này trình bày một cách cô đọng trong 30 đoạn về ơn gọi của gia đình theo Tin Mừng, nhất là về đề tài bất khả phân ly, tính chất bí tích của hôn phối, sự truyền sinh và giáo dục con cái.Đối với các gia đình bị tổn thương, cần luôn luôn nhắc nhớ nguyên tắc tổng quát: “các vị mục tử hãy biết rằng, vì lòng yêu mến sự thật, các vị có nghĩa vụ phải phân định kỹ lưỡng các hoàn cảnh”. Cấp độ trách nhiệm không đồng đều trong mọi trường hợp, và có thể có những yếu tố hạn chế khả năng quyết định. Vì thế, trong khi cần trình bày đạo lý một cách rõ ràng, cần tránh những kiểu phán đoán không để ý đến sự phức tạp của hoàn cảnh, và cần chú ý đến cách thức con người đang sống và đau khổ vì tình trạng của họ.
…
(Đọc tiếp)
Tứ Quyết tóm lược từ vi.radiovaticana.va
Bản tiếng Anh đầy đủ về Tông Huấn
Bình luận từ BBC