Nhưng vị linh mục chịu trách nhiệm giám sát tiến trình tuyên thánh cho Mẹ, cho biết, đối với ngài, điểm nổi bật nhất, đó chính là kinh nghiệm đêm tối đức tin trong cuộc đời của Mẹ, điều như lời Mẹ mô tả, chính là cảm giác bị Thiên Chúa bỏ rơi hoàn toàn trong phần lớn cuộc đời của Mẹ.
“Điều quả cảm nhất trong cuộc đời của Mẹ chính là đêm tối xảy ra với Mẹ. Đó là một đức tin tinh ròng, hoàn toàn tinh ròng và trơ trọi” , linh mục Brian Kolodiejchuk, cáo thỉnh viên vụ tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa, đã nói với hãng tin CNA như thế trong một cuộc phỏng vấn. Linh mục Kolodiejchuk là một thành viên của Tu đoàn Linh mục Bác ái, do chính Mẹ Têrêsa sáng lập vào năm 1989.
Phải chịu đựng một đêm tối thê lương kéo dài thế mà vẫn bất chấp điều này, dấn thân cho tha nhân như vậy bất chấp, “đó quả thực là một sự quả cảm đáng phục”, linh mục cho biết.
ĐTC Phanxicô mới đây đã công nhận phép lạ thứ hai và cũng là phép lạ điều kiện đủ để tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa, và đã ấn định ngày tuyên thánh là ngày 04 Tháng Chín 2016 – một ngày trước lễ kính dành cho Mẹ.
Mẹ đã lập ra nhiều tu đoàn, dòng tu: dành cho các tiểu đệ (1950), dành cho các huynh đệ (1968). Tiếp đến là hai dòng chiêm niệm, dòng nữ (1976) và dòng nam (1979). Năm 1989, Mẹ thành lập Tu đoàn Linh mục Bác ái.
Ngoài ra một huynh đoàn thừa sai giáo dân cũng được thành lập vào năm 1984, và một số phong trào thiện nguyện, từ thiện cũng đã được khai sinh từ trong Gia đình Thừa sai Bác ái của Mẹ.
Một trong những bước tiến tới tuyên thánh cho một người, đó là xác định được đức tính phi thường của vị ấy. Linh mục Kolodiejchuk cho biết, Mẹ Têrêsa đã sống trọn đời một cách rất phi thường quả cảm, điều ấy quả không còn cần phải bàn cãi nữa nếu dựa trên những gì mà chính vị linh mục được “tận mục sở thị” cũng như dựa vào những lời chứng của những người khác nữa, dù rằng linh mục mới trở thành thành viên của Tu đoàn Thừa sai Bác ái từ 20 năm nay.
Ngài cho biết, khía cạnh phi thường nhất trong cuộc đời và ơn gọi của Mẹ Têrêsa, đó là hơn 50 năm phải sống trong đêm tối, với cảm giác bị bỏ rơi, kể từ khi Mẹ nhận ra “có một tiếng gọi bên trong thôi thúc Mẹ” rời bỏ dòng Đức Mẹ Lorette để lập dòng Thừa sai Bác ái.
Dù trên hình, nữ tu người Albani này lúc nào cũng rạng rỡ tươi cười, nhưng thực ra Mẹ phải trải qua một cảm giác thê lương, cảm thấy Thiên Chúa ra như câm lặng, Thiên Chúa ra như ruồng rẫy và xa cách.
Trong một lá thư gửi cho cha linh hướng năm 1957, Mẹ Têrêsa viết rằng, “Con kêu gào, con níu kéo, ghì giữ, con khát mong, nhưng chẳng tìm được lời đáp trả nào. Khi con giãi bày những suy tưởng của mình lên trời cao, thì tất cả những gì con nhận được chỉ là trống rỗng hoàn toàn, tất cả những suy tưởng của con lại dằn vặt, chúng như những lưỡi dao sắc cứa vào cõi lòng con” .
“Tình yêu, từ ngữ này chẳng giúp gì được cả. Tôi được nói cho biết rằng, Chúa sống trong tôi – thế nhưng đêm tối, sự lạnh lẽo và trống rỗng lại tỏ ra khủng khiếp quá, đến độ tôi chẳng cảm nhận được gì” , Mẹ đã chia sẻ như vậy.
Mẹ Têrêsa cầu nguyện thống thiết xin được chia sẻ những đau khổ của Đức Giêsu, và nhiều người, trong đó có cha linh hướng của Mẹ, tin rằng, những cảm giác bị bỏ thí, bị loại trừ mà Mẹ phải trải qua chính là sự phản chiếu lại, chính những kinh nghiệm cô đơn và thống khổ mà Đức Giêsu đã phải trải qua trong cuộc tử nạn và cái chết của Người.
Vì độ thê lương mà Mẹ Têrêsa đã phải trải qua trong sa mạc đức tin, nhiều người khi bàn về chủ đề đêm tối đức tin, đã ca ngợi Mẹ như một nhà thần bí.
Linh mục Kolodiejchuk nói, Mẹ Têrêsa là “một nhà thần bí, nhưng đồng thời Mẹ cũng là con người của thực tế và cụ thể”.
Vị linh mục này đã gặp Mẹ Têrêsa khi ông chạc tuổi đôi mươi, lúc dự lễ khấn của một người chị em tham gia trong một nhánh hoạt động rất tích cực của dòng Thừa sai Bác ái. Một năm sau đó, ngài đã gia nhập Tu đoàn Bác ái dành cho linh mục.
Nhiều người nghĩ rằng “các thánh thì bay bổng đâu đó trên những đám mây kỳ bí”, nhưng cần hết sức để ý rằng, điều ấy không đúng với Mẹ Têrêsa, vì Mẹ vừa rất tâm linh, nhưng đồng thời Mẹ cũng rất quan tâm và tích cực lo cho tha nhân nữa.
Ngay từ lần đầu gặp gỡ, cảm nhận của vị linh mục này về Mẹ, đó là, Mẹ đúng là một hiền mẫu. Và ngài cho biết, làm một người mẹ là điều gì đó rất can hệ với Mẹ, đó là ơn kêu gọi duy nhất của Mẹ và dành cho Mẹ.
Khi người ta bầu Mẹ Têrêsa làm tổng quyền dòng Thừa sai Bác ái, Mẹ có lời đáp từ ngay sau khi được chúc mừng thế này, “Ồ, tước hiệu chẳng nói lên điều gì cả. Không, tôi chỉ muốn làm một người mẹ mà thôi”.
Người nữ tu này đặc biệt nhấn mạnh tới một Thiên Chúa dịu dàng, linh mục Kolodiejchuk cho biết, từ “dịu dàng” còn được Mẹ ưa thích, thậm chí hơn cả từ “thương xót” nữa.
“Mẹ say sưa nói về tình yêu và lòng thương xót dịu êm của Đức Giêsu; về lòng nhân từ, về sự hiện diện, về lòng thương cảm của Người... Mẹ nói rằng thương xót, nhưng là thứ thương xót dịu dàng và đặc biệt tế nhị cơ...” .
“Ngay cả trong đêm tối của mình, Mẹ vẫn trao tặng cho chúng ta quà tặng là tình yêu dịu êm của Thiên Chúa”, vị linh mục cho biết như thế, và ngài dẫn ra một lời cầu nguyện Mẹ Têrêsa thường dạy và bảo người khác lập lại: “Lạy Chúa Giêsu ngự trong lòng con, con tin Chúa trìu mến và yêu con dịu dàng. Con cũng yêu Chúa.”
Mẹ thật xứng đáng trở thành vị thánh bổn mạng của những ai làm công tác thiện nguyện, từ thiện, bác ái. Mẹ trở thành một mẫu gương mạnh mẽ và sống động trong thế giới ngày nay là vì “người ta muốn được nhìn thấy các chứng nhân”, và công việc thiện nguyện là điều cụ thể mà ai cũng cảm nhận được, ai cũng có thể tham gia được, bất chấp họ có thuộc về tôn giáo hay tín ngưỡng nào.
“Mẹ là một người tin vĩ đại vì làm chứng cho sự thật rằng: chúng ta nhận lãnh khi cho đi. Dấn thân làm việc, cống hiến là điều gì đó thật hấp dẫn thú vị. Và khi qua công việc trao ban, cống hiến cho người khác, cũng chính là lúc chúng ta được nhận lãnh lại nhiều điều phong nhiêu” , vị linh mục khẳng định.
Gia đình Thừa sai Bác ái háo hức chờ đợi ngày vị tổ phụ được tuyên thánh. Đó chắc chắn sẽ là một ngày trọng đại.
Elise Harris
(Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh)
http://www.catholicnewsagency.com