Đi sâu vào phân tích chỉ số trên, người ta thấy người dân lo sợ đói nghèo ở nông thôn lớn hơn nhiều so với thành thị, đặc biệt là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và miền Trung. Ở các khu vực này, tình trạng người lao động thất nghiệp ngày càng tăng. Mức chênh lệch giàu – nghèo ở các địa phương ngày một lớn hơn.
Nghèo… bền vững
Nghèo đói vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều dân tộc ở Tây Nguyên
Từ lâu Đồng bằng sông Cửu Long mệnh danh là vựa lúa lớn nhất cả nước, nơi có ruộng đồng thẳng cánh cò bay, người dân không phải lo đến “cái ăn, cái mặc” vì thiên nhiên trù phú, ruộng đồng tốt tươi. Nhưng thực tế những năm gần đây, người dân miền Tây sông nước phải liên tục gánh chịu cảnh mất mùa, đói kém, giá nông thủy sản lên xuống thất thường.
Như đã thành một thông lệ, người nông dân phải gánh chịu cảnh “được mùa thì mất giá” và ngược lại. Tình trạng thương lái chèn ép nông dân, nông sản nước ngoài tràn vào Việt Nam ồ ạt khiến người nông dân điêu đứng. Biết bao gia đình lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất” vì nợ nần, thua lỗ. Suy cho cùng, đó là do cách quản lý và định hướng phát triển nền kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam quá yếu kém, đi vào lối mòn, chưa tạo sự ổn định và hướng ra cho người dân.
Chúng ta đã nói rất nhiều về các vấn đề trên trong các cuộc họp, biên bản đánh giá, tổng kết… nhưng tất cả chỉ là giấy tờ, là mớ lý thuyết suông, hô hào khẩu hiệu. Và rốt cuộc, người dân vẫn lâm cảnh đói nghèo.
Và mối lo ngại về đói nghèo càng được PAPI minh chứng rõ ràng hơn qua chỉ số đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của 14 nghìn người dân được chọn ngẫu nhiên và phỏng vấn trực tiếp từ khắp 63 tỉnh thành. Có 18% người dân tham gia khảo sát chọn đói nghèo là vấn đề hệ trọng nhất mà Nhà nước cần phải tập trung giải quyết.
Mối lo ấy lại lớn thêm từ những tin tức cập nhật: nợ công sắp đụng trần, lạm phát dự báo tăng kèm các loại thuế, viện phí, học phí… rồi tình trạng nhiễm mặn ngày càng gay gắt và biến đổi khí hậu đang rất gần.
Cuộc khảo sát còn cho thấy sự thiếu “công khai, minh bạch” trong việc giải quyết các thủ tục hành chính ngày một tăng. Cụ thể, có tới 46% số người được hỏi cho rằng có những hộ thực tế rất nghèo nhưng không được đưa vào danh sách hộ nghèo. Nhiều hộ gia đình vẫn trong tình trạng “nghèo bền vững” vì không thể nào thoát nghèo.
Tham nhũng bám rễ
Tương tự, ngoài bức tranh khốc liệt ở trên, vẫn còn đâu đó sự “lập lờ” trong các báo cáo không đúng sự thật, không rõ bản chất và trên hết là tình trạng tham nhũng, lạm phát mỗi ngày một tăng. Có những báo cáo đầy con số kỳ vọng, những thống kê đáng mơ ước cho một sự phát triển vững mạnh, nhưng thực tế đất nước đang gặp phải muôn vàn khó khăn.
Báo cáo của PAPI còn cho biết: “Tham nhũng tồn tại dai dẳng và có xu hướng gia tăng ở cấp tỉnh. Quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền và người dân suy giảm qua thời gian”. Tiếp tục cho thấy những bất cập trong công tác quản lý và phát triển đất nước.
Tuy ghét tham nhũng, nhưng chỉ có 3% số người tham gia khảo sát cho biết họ sẽ dám tố cáo hành vi vòi vĩnh của cán bộ với số tiền lên tới gần 25 triệu đồng. Con số 3% đáng để mọi người suy nghĩ, nó xuất phát từ ý thức của chính người dân.
Nói cách khác, trong chính suy nghĩ của người dân đã có tư tưởng “thỏa hiệp” và “chung sống” với tham nhũng. Chính điều này đã tiếp tay cho tham nhũng tồn tại và “phát triển” hơn. Lãnh đạo các cấp thì vẫn chỉ “chống tham nhũng” bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất thể hiện quyết tâm, cam kết không để xảy ra tham nhũng…
Đói nghèo cũng là một trong những hệ quả trực tiếp của tham nhũng. Vì thế, việc người dân có tư tưởng sống chung với tham nhũng đã góp phần vào việc tăng nguy cơ đói nghèo cho đất nước. Những người nghèo vẫn tiếp tục nghèo. Người giàu vẫn ngồi trên bệ phóng lớn. Khoảng cách giàu nghèo mỗi lúc đi một xa hơn.
Những con số tổng kết của PAPI đã vạch ra nhiều thứ. Qua đó, mỗi người cần phải suy nghĩ để có được một nhận thức đúng đắn. Chúng ta đang sống trong thời kỳ hòa bình, trong một xã hội đang đề cao tính dân chủ thì việc ý thức của mỗi người dân có ảnh hưởng rất lớn trong việc phát triển đất nước. Ý thức đúng để hành động đúng đắn, hành động để mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn. Và để cho đói nghèo, tham nhũng không còn là mối quan ngại lớn của người dân Việt.
Nợ công của Việt Nam đã cao ngất ngưởng. Mỗi người dân phải gánh gần 30 triệu đồng nợ công. Đó là một con số khủng khiếp. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới vẫn tin tưởng rằng Việt Nam có thể đủ khả năng trả hoàn toàn 100% nợ công hiện nay.
Châu Việt Vương