Gần 90 năm kể từ ngày thành lập, trại phong Qui Hòa - Qui Nhơn luôn có bóng dáng của các nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ. Các chị hiện diện để đồng hành, chăm sóc và sẻ chia nỗi đau với những con người mang trên mình căn bệnh phong quái ác.
Đài tưởng niệm cha Maheu do các anh chị em trong trại phong cùng nhau dựng nên
Bước chân khai phá
“Một buổi sáng đẹp trời, một chiếc thuyền cập bãi Bến Cát, chở theo một cái giường gỗ, một cái bàn, mấy cái ghế, một máy dĩa phono, rất nhiều sách, một nhà tu hành gầy gò có bộ râu dài, cặp mắt sáng quắc, đó là linh mục Paul Maheu, hiến dâng đời mình cho người cùi” - bác sĩ Le Moine, nguyên Giám đốc bệnh viện Qui Nhơn, người cùng thành lập trại phong Qui Hòa với cha Maheu đã tường thuật lại cơ duyên hình thành của trại năm 1929 trong Nhật ký như vậy.
Do nhu cầu người bệnh tìm tới ngày một đông, trong khi nguồn nhân sự lại thiếu và yếu chuyên môn, cuối năm 1930, Đức cha Tardieu, Giám mục Đại diện Tông tòa GP Qui Nhơn, gõ cửa Nhà dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ ở Rôma (dòng khi đó đang đảm trách nhiều trại phong trên toàn thế giới) để “cầu cứu”. Ngày 23.9.1932, 5 nữ tu do chị Marie Gisèle làm trưởng đoàn lên tàu và cập bến Sài Gòn gần một tháng sau đó rồi tức tốc ra Qui Hòa.
Cha Maheu (đội nón) với các bệnh nhân phong đầu tiên
Đến nhiệm sở, mọi vật dụng thiếu thốn, chỗ ở còn chưa được yên bề nhưng các chị đã mau mắn bắt tay vào việc. Mỗi ngày, họ săn sóc, băng bó cho gần 200 người bệnh. Để ổn định đời sống bệnh nhân, các chị khai quang, mở rộng và quy hoạch giúp trại phong trở nên ngăn nắp: phía bờ biển dành cho nhà thờ, nhà chẩn bệnh, điều trị; bên trong là làng bệnh nhân, giữa làng có chợ. Người bệnh sau khi điều trị, được cùng với gia đình ở từng nhà riêng, mỗi nhà mang kiểu dáng theo sở thích… Những con người “thân tàn ma dại” trước đây sống vật vờ, bị mọi người xa lánh thì nay nơi trú thân đó với họ như một “thiên đường”.
Sau 10 năm rời khỏi trại phong do thời cuộc, ngày 6.7.1955, 5 chị Phan Sinh gồm 2 chị ngoại quốc và 3 chị Việt Nam trở lại Qui Hòa. Nữ tu Nguyễn Thị Nghi, nay đã 91 tuổi nhớ lại: “Khi trở về, mọi cơ sở đều xiêu vẹo đổ nát. Lúc này, một chị phụ trách nhà thương, một chị thì lo việc phát thuốc, một chị băng bó cho người bệnh, còn hai chị người Pháp đảm nhận giấy tờ sổ sách. Công việc luôn bù đầu, trong khi mọi thứ đều thiếu thốn nhưng không thấy một ai than vãn, vì biết rằng, những người mang bệnh phải chịu khổ hơn mình nhiều lần”.
Làng phong Qui Hòa nhìn từ trên cao
Trong thời gian dài, không đêm nào các chị được ngon giấc vì tối đến lại túc trực bên cạnh giường bệnh, sẵn sàng thò tay móc bông băng đầy máu mủ mà người bệnh nhét vào đâu đó. Nhật ký của nữ tu Phùng Thị Khóa (mất năm 2001) ghi lại: “Có thời điểm, bệnh viện lên đến cả ngàn bệnh nhân mà chỉ có 10 nữ tu phục vụ. Có hôm các nữ tu phải vắng nhà đi “khất thực” cho bệnh nhân, ở nhà chỉ còn hai người, một trực giải quyết công việc, một lo cộng đoàn. Sợ lắm! nhưng rồi mọi sự cũng được hoàn tất tốt đẹp. Các anh chị em bệnh nhân được huấn luyện và được cổ võ để giúp nhau trong nhiều công việc mà các nữ tu không thể bao quát”.
Trong số các chị em, có một người là kiến trúc sư nên họ đã tổ chức trại phong thành một không gian sống lý tưởng, đường sá ngang dọc thẳng tắp, trong trại có chợ, trường học cấp một, có hội trường, sân bóng giải trí và khoảng 250 căn nhà ở xinh xắn được cất cho gia đình người bệnh, mỗi nhà một vẻ. Ngoài ra, còn có các cơ xưởng như rèn, mộc, đúc gạch bông; cùng các ngành thủ công như dệt vải, dệt chiếu, may, làm xà phòng. “Trại phong lúc này như một khu phố. Bởi bệnh nhân đã phải chịu nhiều đau khổ, thiệt thòi, sống cách biệt nên các nữ tu muốn họ có được cuộc sống như bên ngoài”, dì Nghi kể.
Như người mẹ hiền
Năm 1975, trại phong được giao lại cho nhà nước quản lý. Các dì Phan Sinh vẫn cộng tác với bệnh viện để phục vụ cho bệnh nhân, cùng chăm lo các việc mục vụ hay nâng đỡ tinh thần mỗi khi có người gặp rắc rối về gia đình, đức tin. Các chị còn trở thành cánh tay, là đôi chân của người bệnh qua những việc làm thiết thực.
Những bữa ăn "hoành tráng" để các bệnh nhân được bồi bổ sức khỏe
Trong trại phong trước đó chỉ có một trường cấp 1, nên mọi người sau khi đã khỏi bệnh cũng không dám ra đời vì chưa đủ sự tự tin. Đó luôn là điều khiến các dì suy tư, vì chỉ có tri thức mới giúp cuộc sống con em bệnh nhân thay đổi. Vậy nên cách đây 15 năm, khi các em được ra ngoài đi học nâng cao, các dì đã tận tâm lo liệu. Ngoài giúp về học phí, thấy trường nằm cách xa trại phong, trong khi nhiều gia đình chỉ có mỗi chiếc xe đạp làm phương tiện đi lại, các dì đã thuê một chiếc xe lớn loại 40 chỗ quanh năm đưa đón học sinh. Nhờ hành trình gieo giống đó, tới nay nhiều em đã tốt nghiệp cấp 3, đại học và hiện có được công việc ổn định.
Với quỹ tín dụng 3 triệu đồng mỗi năm được vay từ các dì Phan Sinh, nhiều gia đình có số vốn để chăm sóc đàn heo hay buôn bán nhỏ ngoài chợ… Mỗi tháng, các gia đình trả lại một phần tiền gốc, cộng với số tiền lãi mang tính tượng trưng. “Trả theo từng tháng là cách để khích lệ bà con lao động sinh lời”, nữ tu Magarita Trần Thị Mỹ Khánh, phụ trách cộng đoàn hiện nay giải thích thêm. Tiền vốn thì tiếp tục xoay vòng cho người khác mượn, còn số lãi các dì dành vào việc giúp cho những gia đình cần mua tấm lưới đi biển, mua chục gà để nuôi hay cặp heo giống để lấy vốn…
Các chị trở thành cánh tay, là đôi chân của người bệnh bằng những việc làm thiết thực
Bệnh phong thường để lại những di chứng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời. Riêng bệnh nhân đang trong quá trình điều trị rất cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý mới giúp họ đủ sức chống chọi với bệnh tật. Vậy là mỗi tuần 1 lần, các dì nấu những bữa cơm “chất lượng” cho 450 người đang nằm điều trị. Những người bệnh nặng thì hằng ngày các dì cặm cụi nấu nướng và mang đến bên giường bệnh cho họ. Nhiều con em trong trại lập gia đình nhưng không đủ điều kiện để xây nhà dựng cửa, những chiếc áo dòng lại chạy vạy đó đây để dựng nên những căn nhà ấm cúng, giúp họ yên ổn trong cuộc sống và phát triển kinh tế.
*
Những bệnh nhân nơi đây đều dành cho các nữ tu một sự yêu mến và kính trọng. Chị Bu Sen, người dân tộc Gia Rai xúc động: “Các dì như những người mẹ hiền chăm lo cho đoàn con tật nguyền”.
ĐÌNH QUÝ
Tính đến cuối năm 1974, Qui Hòa đã tiếp nhận trên 10.000 bệnh nhân đến điều trị. Nhận thấy tình yêu thương nơi những con người không quen biết, nên sau một thời gian, các bệnh nhận đều xin được theo đạo, có thời điểm, 100% bệnh nhân đều là người Công giáo. Thi sĩ Hàn Mặc Tử, bệnh nhân thứ 1.135, nhập viện ngày 20.9.1940, sau gần hai tháng điều trị, trước khi mất, đã viết bài thơ bằng tiếng Pháp có tựa đề “La Pureté de l’âme” (Linh hồn thanh khiết) để ca ngợi công việc của các nữ tu. Riêng cha Maheu về sau lâm bệnh nặng, về Pháp chữa trị năm 1930 và qua đời tại Paris ngày 27.2.1931, thọ 62 tuổi. Còn bác sĩ Le Moine không rõ sau đó về Pháp hay được đổi đi nơi khác.
Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc