Đâu là gốc rễ thực sự của sự cô đơn trong con người? Một sai lỗi trong cấu thành của chúng ta? Sự bất xứng và tội lỗi? Hay, như câu nói trứ danh của thánh Augustino, ‘Ngài đã tạo thành chúng con, lạy Chúa, và lòng chúng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài’
Dù rất giá trị, nhưng câu châm ngôn của thánh Augustino vẫn không đủ. Chúng ta là những linh hồn vô hạn bên trong những cuộc sống hữu hạn, và chỉ một điều này thôi là đã đủ để giải thích cơn nhức nhối triền miên không thỏa của chúng ta, ngoại trừ một điều là linh hồn chúng ta khi đi vào thế giới đã mang lấy sự bất diệt rồi, và điều này cho toàn bộ cơn nhức nhối của chúng ta một sắc thái đặc biệt.
Có nhiều cách để giải thích cho điều này: Ví dụ như, Bernard Lonergan, triết gia và thần học gia đáng trọng, đã cho rằng linh hồn con người không đến thế giới như thể một tabla rasa, một tờ giấy trắng, không tì vết để có thể viết gì lên đó cũng được. Với ông, chúng ta được sinh ra với các nguyên tắc tiên quyết ghi tạc vào trong linh hồn không bao giờ phai. Ý ông là gì?
Thần học và triết học kinh điển, xác định bốn sự mang tính siêu việt, có thể nói là chân tính của mọi sự có tồn tại, chúng là nhất, chân, thiện, và mỹ. Mọi sự tồn tại đều có bốn phẩm chất này. Tuy nhiên các phẩm chất này chỉ hoàn hảo nơi Thiên Chúa. Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng toàn nhất, toàn chân, toàn thiện và toàn mỹ. Nhưng theo Lonergan, Thiên Chúa đã ghi tạc 4 sự này, trong tình trạng hoàn hảo, và cốt lõi linh hồn con người.
Do đó, chúng ta đến trong thế giới, thì đã biết, dù còn mập mờ, về sự toàn nhất, toàn chân, toàn thiện và toàn mỹ, bởi chúng ta đã có sẵn trong chúng ta, một dấu ấn không phai. Như thế, chúng ta có thể phân biệt đúng sai, bởi đã biết sự thật hoàn hảo và sự thiện hoàn hảo trong cốt lõi linh hồn mình, và cũng nhận biết theo bản năng về tình yêu và vẻ đẹp, bởi chúng ta đã biết chúng một cách hoàn thiện trong bản thân mình. Trong đời này, chúng ta không học biết sự thật, mà là nhìn nhận sự thật, chúng ta không học yêu mà là nhận ra tình yêu, và chúng ta không học biết nhưng là nhận ra cái gì là tốt lành. Chúng ta nhận ra được bởi đã có chúng trong cốt lõi linh hồn mình.
Một vài nhà thần nghiệm đã có một mô tả thế này: Linh hồn con người đến từ Thiên Chúa và trước khi đặt linh hồn vào trong cơ thể, điều cuối cùng Thiên Chúa làm là hôn linh hồn đó. Rồi linh hồn đi qua đời sống, vẫn luôn luôn nhớ về nụ hôn đó, một nụ hôn của tình yêu hoàn hảo, và linh hồn xác định mọi tình yêu và nụ hôn trong đời qua nụ hôn hoàn hảo ban sơ đó.
Các nhà khắc kỷ Hi Lạp cũng nói về một điều tương tự. Họ dạy rằng linh hồn đã tồn tại sẵn trong Thiên Chúa, và trước khi đặt linh hồn và trong một cơ thể, Thiên Chúa xóa đi ký ức về hiện hữu của nó. Nhưng linh hồn luôn luôn hướng về Chúa một cách vô thức, bởi khi đến từ Thiên Chúa, linh hồn luôn luôn nhớ về mái ấm đích thực của mình, và khắc khoải mong được về lại.
Người Hi Lạp cho rằng Thiên Chúa đặt linh hồn vào thân xác, chỉ khi đứa bé đã thành hình trọn vẹn trong lòng mẹ. Ngay sau khi đặt linh hồn vào thân xác, Thiên Chúa liền khóa chặt ký ức tiền hiện hữu của nó bằng cách khóa chặt môi đứa trẻ để nó không bao giờ nói về tiền hiện hữu của mình. Đây là lý do vì sao chúng ta có một rãnh lõm dưới mũi, ngay trên môi. Đây là nơi Chúa đặt ngón tay lên để khóa lại. Đây là lý do vì sao bất kỳ lúc nào cố gắng để nhớ chuyện gì đó, chúng ta vô thức đặt ngón tay lên nơi này. Chúng ta đang cố gắng phục hồi một ký ức ban sơ.
Có lẽ, tôi cần đưa thêm một ẩn dụ nữa. Chúng ta thường nói về những sự ‘đúng rõ ràng’ hay ‘sai rõ ràng.’ (ringing true và ringing false.) Nhưng chỉ có chuông mới rung (ring). Trong chúng ta có một chiếc chuông rung lên khi đúng và sai hay sao? Về căn bản, thì có! Chúng ta nuôi dưỡng một ký ức vô thức về một thời từng được biết một tình yêu, sự thiện và vẻ đẹp trọn hảo. Do đó, mọi sự sẽ ngân lên đúng hay sai, dựa vào việc liệu chúng có theo tiêu chuẩn là tình yêu, sự thiện và vẻ đẹp hoàn hảo vốn đã có nơi cốt lõi linh hồn chúng ta hay không.
Và cốt lõi đó, trung tâm đó, nơi đó trong linh hồn chúng ta, nơi chúng ta được ghi dấu với các nguyên tắc tiên quyết và nơi chúng ta ghi nhớ nụ hôn của Thiên Chúa khi chúng ta được sinh ra, với nỗi khắc khoải không ngơi, trong đời này. Như lời Henri Nouwen, thì chúng ta mang một ký ức mơ hồ về một thời từng được âu hiếm trong đôi bàn tay trìu mến hơn nhiều bất kỳ bàn tay nào từng gặp trong đời.
Linh hồn chúng ta mơ hồ nhớ về một thời từng được biết tình yêu hoàn hảo và vẻ đẹp hoàn hảo. Nhưng, trong đời này, chúng ta không bao giờ gặp được sự hoàn hảo đó, dù cho chúng ta cứ luôn mãi đau đáu một người hay một sự nào đó đáp ứng được chiều sâu thẳm này trong chúng ta. Điều này tạo nên trong chúng ta một sự cô đơn tinh thần, một khao khát những gì mà chúng ta xác định là tri kỷ, một người có thể thực sự nhìn nhận, chia sẻ và tôn trọng những gì thâm sâu nhất trong chúng ta.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch (phanxico.vn)