Theo BS Trần Văn Năm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP. HCM, không chỉ tô điểm cho mùa xuân thêm sắc, nhiều loài hoa cỏ còn giúp tăng cường sức khỏe và xử lý được nhiều bệnh tật.
Hoa hướng dương: Không chỉ mang đến vẻ đẹp rực rỡ cho mùa xuân, cây hoa này còn rất hữu dụng bởi bộ phận nào cũng chứa nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe, từ hoa, hạt, thân, lá và rễ. Hạt hướng dương chứa nhiều axít amin, axít béo no và chưa no, các vitamin A, D, E… Hoa chứa bêta carotene, cryptosanthin, taraxanthin, lutei, quercimeritrin. Lá chứa axí t ascorbic, axí t citric, axí t malic, carotene…
Hoa hướng dương rất hữu dụng bởi bộ phận nào cũng chứa nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe |
Do vậy, mỗi bộ phận của cây đều được dùng để hỗ trợ sức khỏe. Cụ thể, hoa có tác dụng trị bệnh huyết áp cao, đau đầu, chóng mặt, ù tai, hoa mắt. Rễ và lõi thân giúp lợi tiểu, chống viêm đường tiết niệu, sỏi thận. Lá giúp hạ sốt. Hạt cung cấp chất dinh dưỡng, dùng cho người chán ăn, mệt mỏi…
Hoa mai trắng - hoa mai vàng: Không chỉ báo hiệu mùa xuân phương Nam, hoa mai còn được dùng làm thuốc khá phổ biến. Hoa mai trắng có tác dụng kích thích tiêu hóa, loãng đàm, an thần, tiêu độc nên thường được dùng phối hợp các vị thuốc khác để trị bệnh mất ngủ, chán ăn, viêm họng, viêm phế quản, sởi, thủy đậu… Với hoa mai vàng, bộ phận dùng làm thuốc là vỏ của thân cây với tác dụng kích thích tiêu hóa.
Cúc vạn thọ: Còn có tên là vạn thọ kép, dùng được cả hoa, lá và rễ với công dụng giảm ho do viêm họng, viêm phế quản; trị mụn nhọt, đau mỏi cơ -khớp…
Hoa đào: Hoa có tác dụng hạ nhiệt, lợi tiểu, nhuận trường, giải độc, loãng đờm, giảm đau nên thường được dùng để trị các bệnh: phù thủng, táo bón, sỏi thận, đau lưng cơ năng, mụn nhọt…
Hoa cúc vàng: Còn gọi là kim cúc, hoàng cúc, dã cúc, cam cúc. Loài hoa của mùa thu hiện được trồng rất nhiều để làm đẹp cho mùa xuân. Bộ phận dùng làm thuốc là hoa, vị cay, đắng, tính ấm, có tác dụng hạ huyết áp, bền thành mạch, chống viêm, kháng khuẩn… nên thường được dùng để điều chỉnh huyết áp cho người bệnh tăng huyết áp; trị mụn nhọt, dị ứng da, giảm thị lực, mất ngủ…
Cây cỏ mực: Còn gọi là cỏ nhọ nồi, rất dễ tìm trong vườn nhà ở vùng ngoại thành, trong vườn rau, nơi có đất ẩm và bóng mát. Cỏ mực có vị ngọt, chua, mặn, tính mát; dược tính rất tuyệt vời nhờ chứa nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe. Cụ thể, cỏ giúp giải độc gan, kháng khuẩn, giải độc tố nhờ chứa hoạt chất wedelolactone. Hoạt chất eclalbosaponins trong cỏ lại giúp làm đẹp tóc, chống tăng sinh tế bào. Giúp kháng virus, kháng ung thư có hoạt chất dasyscyphin C. Cỏ còn giúp hạ cholesterol, giảm đau nhờ chứa thành phần ecliptalbine, verazine. Cỏ mực cũng rất hữu hiệu trong việc cầm máu.
Rễ cỏ tranh: Phần rễ có vị ngọt, tính hàn; thân rễ chứa glucoza, fuctoza và axít hữu cơ. Rễ cỏ tranh có tác dụng hạ nhiệt, hoạt huyết, lợi tiểu; được dùng để chữa nội nhiệt phiền khát, tiểu khó khăn, tiểu có máu, thổ huyết, chảy máu mũi.
Cỏ mần trầu: Còn gọi là cỏ vườn trầu, cỏ màn trầu, cỏ dáng; có thể dùng toàn cây. Cỏ có rất nhiều công dụng và được dùng khá phổ biến để trị tăng huyết áp, lao phổi, ho khan, sốt về chiều, lao lực, tiểu vàng và ít; phụ nữ có thai bị táo bón, động thai, nhức đầu, nôn mửa, tức ngực, sốt nóng. Cỏ còn được dùng để uống trị các chứng mụn nhọt, tưa lưỡi ở trẻ em.
Theo y học cổ truyền của Trung Quốc, cỏ mần trầu được dùng để đề phòng chứng viêm não truyền nhiễm, thống phong, viêm gan, vàng da, viêm ruột, lỵ, viêm niệu đạo, viêm thận, viêm tinh hoàn, trị chấn thương, cầm máu.
BS Trần Văn Năm lưu ý, Việt Nam có nhiều loại cây - hoa dùng làm thuốc. Tuy nhiên, đã là thuốc trị bệnh thì ít nhiều sẽ có tác dụng phụ nên phải dùng đúng liều, đúng bệnh. Vì vậy, trước khi sử dụng cần tham khảo ý kiến thầy thuốc về cách thu hái, chế biến, bảo quản… để bảo đảm chất lượng cũng như tính an toàn của dược liệu.