Tại Ciudad Juarez – Mễ Tây Cơ
Vừa đến nơi, Đức Phanxicô liền đến cầu nguyện trước hàng rào đánh dấu biên giới Hoa Kỳ – Mễ Tây Cơ. Nhiều người ở El Paso, cố gắng vươn qua hàng rào để được chạm đến Đức Thánh Cha. El Paso, thuộc bang Texas, đối diện với Ciudad Juarez bên kia biên giới. Sau đó, Đức Giáo hoàng cử hành thánh lễ ở ngay khu vực tiếp giáp, bàn thời chỉ cách đường biên giới 90m. 230.000 người tham dự thánh lễ bên này biên giới Mễ Tây Cơ. Và thêm 50.000 người nữa ở bên phía El Paso, Hoa Kỳ. Đức Giáo hoàng Phanxicô kết thúc chuyến tông du Mễ Tây Cơ ở một nơi biểu tượng cho sự di dân, ở ngay hàng rào mà nhiều người mơ ước băng qua để kiếm tìm một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình.
Có hơn 30 triệu người gốc Mễ đang sống ở Hoa Kỳ. Tổng số tiền lao động Mễ gởi về nước chiếm xấp xỉ 3% GDP của Hoa Kỳ.
Trong thánh lễ, Đứ Phanxicô dùng mục trượng vừa được các phạm nhân tặng lúc ban sáng, khi ngài đến thăm nhà tù.
Nhắc lại chuyện ông Giôna, người đã giúp dân Niniveh nhận ra tội của mình, người tìm kiếm những ai có thể sám hối và khóc thương, Đức Giáo hoàng nói với người dân Mễ Tây Cơ:
‘Khóc vì bất công, khóc vì tham nhũng, khóc vì đàn áp. Đây là những giọt nước mắt dẫn đến sự biến đổi, những giọt nước mắt làm mềm lòng người, những giọt nước mắt tẩy sạch cái nhìn của chúng ta và cho chúng ta có thể nhìn ra vòng tròn tội lỗi mà chúng ta đang chìm đắm. Những giọt nước mắt có thể làm nhạy bén cái nhìn và thái độ của chúng ta, vốn bị chai đá và trơ ra trước đau khổ của người khác. Những giọt nước mắt có thể xuyên phá chúng ta, có thể mở chúng ta ra với sự hoán cải.
Nước mắt, là tiếng vang vọng mãnh liệt giữa chúng ta ngày nay, là tiếng kêu trong hoang địa, kêu mời chúng ta hoán cải. Trong Năm Lòng thương xót này, cùng với anh chị em, cha nài xin lòng Chúa thương xót, cha mong mỏi nài xin ơn biết khóc, ơn hoán cải.
Ở Ciudad Juarez, cũng như ở các vùng biên giới khác, có hàng ngàn người nhập cư từ Trung Mỹ và các quốc gia khác, cũng như nhiều người Mễ Tây Cơ, đang tìm cách để băng qua ‘phía bên kia.’ Mỗi một bước trong hành trình, bị đè nặng bởi bất công là nạn nô lệ, giam giữ và bóp nặn tiền bạc, biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta bị rơi vào nạn buôn người.
Không thể làm ngơ trước tình trạng này, chúng ta không thể giả mù được. Chúng ta không thể chối bỏ cuộc khủng hoảng nhân đạo trong những năm vừa qua, với hàng ngàn con người, bằng đường xe lửa hay đường bộ, hay thậm chí là đi bộ, đã vượt hàng trăm cây số qua núi đồi, hoang mạc và các vùng nguy hiểm. Làn sóng nhập cư, hiện tượng toàn cầu thời nay, là một bi kịch nhân đạo khủng khiếp.
Cuộc khủng hoảng này, có thể ước tính theo con số và thống kê, nhưng cha muốn nhìn nhận nó với những cái tên, với những cuộc đời, những gia đình. Họ là những anh chị em, bị đẩy khỏi quê hương do bởi khó nghèo và bạo lực, nạn buôn thuốc phiện và các tổ chức tội phạm. Đối mặt với những tình cảnh mà pháp luật là con số không, họ bị rơi vào một mạng lưới đang chờ chực chụp lấy và hủy hoại những người nghèo nhất. Họ không chỉ chịu đau khổ vì nghèo đói, mà còn phải chịu đủ mọi loại bạo lực.
Bất công đang cực đoan hóa giới trẻ, họ là những ‘thùng thuốc nổ,’ họ bị đàn áp và đe dọa khi cố gắng thoát ra khỏi vòng xoáy bạo lực và địa ngục thuốc phiện. Còn có nhiều phụ nữ bị cướp mất cuộc đời.
Chúng ta hãy cùng nhau xin Chúa, Chúa chúng ta, xin ơn hoán cải, ơn biết khóc, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta những trái tim mở rộng như dân thành Niniveh, mở ra với lời kêu gọi của Ngài trên những gương mặt đau khổ của vô số người. Không còn sự chết! Không còn bóc lột! Vẫn còn thời gian để thay đổi, vẫn có cách và có cơ hội để thực hiện, vẫn có thời gian để nài xin lòng thương xót Chúa.
Cũng như thời ông Giôna, thời nay, chúng ta cũng cần hoán cải, mong sao chúng ta trở nên dấu chỉ thắp sáng con đường và công bố ơn cứu độ. Cha biết có rất nhiều tổ chức tự phát của người dân làm việc để hỗ trợ cho quyền của người di dân. Cha cũng biết rất nhiều giáo dân, linh mục, tu sỹ nam nữ làm việc dấn thân để đồng hành với người di dân và bảo vệ sự sống. Họ là những người ra tiền tuyến, thường mạo hiểm cả mạng sống của mình. Bằng chính cuộc sống của mình, họ là ngôn sứ của lòng thương xót, họ là trái tim đang đập và đôi chân bước đi của một Giáo hội mở rộng vòng tay nâng đỡ.
Cha mong nhân dịp này, khi đứng ở đây, chào đón những người anh chị em thân thương của chúng ta bên kia biên giới. Mark Seitz. Nhờ công nghệ hỗ trợ, chúng ta có thể cùng nhau cầu nguyện và ca hát, cùng nhau cử hành tình yêu thương xót mà Chúa đã ban cho chúng ta và là điều mà không một đường biên giới nào ngăn được chúng ta chia sẻ. Cảm ơn anh chị em từ El Paso, cảm ơn vì đã làm cho chúng tôi cảm nhận được một gia đình Kitô hiệp nhất.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch (phanxico.vn)