Tìm Kiếm

12 tháng 1, 2016

Chuyện cái toilet


Nhiều khi, thấy toilet cũng như ái tình, ai không có thấy đời khổ sở. Nhưng người ta ngưng ái tình không sao, còn ngưng toilet thì... Đối với nhiều người, một trong những mối quan tâm hàng đầu khi đến bất cứ nơi đâu là toilet. Thiện cảm hay ác cảm với địa điểm đó có sự góp phần không nhỏ của nơi rồi ai cũng muốn viếng thăm. Ra nước ngoài, có người cẩn thận đến mức học thuộc cách gọi toilet bằng tiếng địa phương để đề phòng “bất trắc”.
Nhắc đến toilet, có lẽ ai cũng có thiện cảm với những chiếc bồn cầu tự dội ở Singapore. Nhỡ người sử dụng có quên thì chúng cũng không phụ phàng người đến sau. Sự chu đáo này đã giúp Singapore đạt danh hiệu xanh sạch toàn cầu, được các nước học hỏi. Còn ấn tượng khó phai nhất đến giờ này với người viết có lẽ là cầu cá tra “nước chảy huê trôi, cái hạc bay lên vút tận trời” miền Tây nước ta. Rồi tới lúc đi Tây, từng khấp khởi mơ mòng rằng toilet Tây đương nhiên tuyệt vời, nào ngờ thực tế không phải vậy. Toilet Tây cũng có cái sạch cái dơ và hiếm cái nào miễn phí. Tây là thế, 1-2 euro không nhiều nhưng họ nhắc mình phải có trách nhiệm với nơi công cộng. Nhưng chắc chắn một điều là dù sang trọng hay bình dân thì toilet Tây thường xuyên có giấy. Còn với mấy nước Hồi giáo, một trong những đồ vật không thể thiếu trong toilet là cái vòi xịt. Họ có quy ước “tay phải cho vào, tay trái cho ra” nên không bốc thức ăn bằng tay trái và không cầm vòi xịt bằng tay phải. Cũng vì mê cái vòi xịt mà toilet của người đạo Hồi thường xuyên lênh láng nước. Nhưng danh hiệu toilet đẹp nhất thế giới cũng thuộc về cộng đồng Hồi giáo. Ai đã đến thánh đường Sheikh Zayed Grand ở Dubai đều phải trầm trồ vì con đường vào toilet trải thảm Ba Tư, có thang cuốn hai chiều và không gian toilet như resort với chỗ ngồi nghỉ chân, các tay nắm cửa, vòi nước và gương soi đều được làm từ men quý, cẩn vàng tinh xảo. Và, đất nước chủ trương toilet phải là restroom chính là Nhật Bản. Đối với một dân tộc mà cái đẹp được nâng lên hàng Đạo, toilet không chỉ là nơi giải quyết vấn đề tế nhị mà từng chi tiết trong không gian nhỏ này đầy tính nhân bản, từ hệ thống tia nước, sấy khô, phát nhạc trong bồn cầu đến máy hong tay, kệ sách, lọ hoa và mùi tinh dầu thoang thoảng. Có lẽ Nhật là quốc gia đứng đầu thế giới trong việc khảo sát ý kiến người tiêu dùng về toilet, phân tích các mong mỏi cải tiến chất lượng cũng như đưa ra các tiêu chuẩn về toilet sao cho an toàn nhất đối với phụ nữ.
Dĩ nhiên, ai cũng hiểu rằng không thể đòi hỏi nơi nào cũng nuông chiều nhu cầu bài tiết của con người như Nhật Bản hay Dubai nhưng ít ra đừng biến toilet thành cơn ác mộng. Mà người Trung Quốc rất giỏi vụ này. Hai mùi mà nhiều người thừa nhận rất sợ hãi khi đến Trung Quốc là dầu mỡ và toilet. Nước nôi tưng bừng, mùi mẫn vang lừng là đặc thù của toilet Trung Quốc, bất kể là Thiên An Môn, Vạn Lý Trường Thành, Từ Hy Viên, Trung Hoa Cẩm Tú hay chợ Đông Môn. Nhà nước Trung Quốc hiểu rõ dân mình nên hầu hết các nơi công cộng đều lắp hố xí bệt để tránh cảnh người người “thượng” nguyên đôi dép lên thành bồn cầu. Dù đã lắp cần gạt nước sát mặt đất để thuận tiện dùng chân nhưng dân Trung Quốc vẫn hồn nhiên “gửi gió cho mây ngàn bay” sau khi ghé nơi tế nhị.
Khi sang Hồng Kông, tôi sốc thật sự vì vào bất cứ toilet nào trong các trung tâm thương mại sang trọng ở phố mua sắm cũng thấy khóa cửa im ỉm. Tới chừng gặp một phụ nữ từ bên trong “webcam” thư thái đi ra, tôi mừng rỡ chạy vào thì bị bà ngăn lại. Bà rút xâu chìa khóa to đùng ra vặn trái cửa ngọt xớt. Tôi xin giúp đỡ thì bà chỉ tay ra đường, còn khoe là toilet ở đây chỉ dành cho tiểu thương và nhân viên. Trời ạ, còn thượng đế thì sao!
Lúc đó mới thấy thương Vincom, Diamond, Kumho Asiana... ở Việt Nam. Tôi phàn nàn với hướng dẫn viên thì chị ấy xoa dịu: “Em đừng giận người Hồng Kông, trước đây họ không như vậy. Từ khi sáp nhập Trung Quốc, người Hồng Kông mới ích kỷ. Họ khóa cửa vì hễ người đại lục vô toilet nào là nơi đó mất liền cuộn giấy và “vàng rơi thu mênh mông” liền. Thật không thỏa đáng với cách giải thích “buồn vương cây ngô đồng” này. Sao lại lấy một vài trường hợp cụ thể nào đó để xây dựng những luật lệ vô cảm, đánh đồng con người ở mức thấp nhất? Và chợt hiểu ra vì sao McDonald’s nào ở Hồng Kông hay Trung Quốc cũng đều chật kín người xếp hàng ở toilet. Tại sao không để thùng đóng góp tự nguyện và phát giấy trực tiếp như toilet Mã Lai, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc...? Tại sao không vừa thu phí vừa mở cửa vừa cất cao tiếng hát như nhân viên vệ sinh ở Myanmar?
Nhưng có lẽ Trung Hoa dân quốc cũng chưa khiến tôi “stress” bằng nước Lào thân thương. Từ Lao Bảo sang Savannakhet hơn ba trăm cây số, vậy mà “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” cũng chưa thấy nơi nào có thể “mưa xa khơi”. Thế là chẳng còn con đường nào khác, đành giúp cây đời mãi xanh tươi. Mong sao Chính phủ Lào hiểu được nỗi niềm này mà lắp đặt nhà vệ sinh công cộng thu phí dọc đường. Cũng may là người viết chưa trải qua cảnh xách cuốc đại đồng chan chứa với thiên nhiên tại các miền quê xa xôi của Ấn Độ - nơi mà danh sách sính lễ thách cưới có hẳn mục “một cái nhà vệ sinh có cửa”.