Trong kinh Tin Kính Công đồng Nixê Contantinôpôli, chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa “Vì Loài Người Chúng Ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế”. Lời tuyên xưng này nói lên mối tương quan sâu xa giữa Thiên Chúa là Tình Yêu và con người phải chết vì tội lỗi, qua Trung gian Duy nhất là Đức Giêsu Kitô, Người là cầu nối trung gian của mối giao hảo này. Với đề tài “Chúa Giêsu, Đấng kết nối tình thương”, người viết chia sẻ hai điểm dưới đây.
Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập thể giao hoà chúng ta với Thiên Chúa
Lý do Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập thể giao hoà chúng ta với Thiên Chúa là vì loài người chúng ta sa đoạ và phải chết vì tội lỗi, vì đã đánh mất sự tương giao nghĩa thiết với Thiên Chúa. Dầu vậy, Thiên Chúa vẫn không bỏ mặc loài người, và Ngài đã biểu lộ tình thương đối với chúng ta bằng cách “sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.” (x.1Ga 4,9; Ga 3,16). Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu độ chúng ta, mặc lấy thân phận con người, chia sẻ và thông cảm nỗi buồn vui của cuộc đời nhân thế.
Ngôi lời đã làm người để chúng ta được thông phần bản tính với Thiên Chúa (x. 2Cr 1,4). Thánh Tôma Aquinô, trong Tiểu phẩm 57 về ngày lễ Thánh Thể 1, cho biết: “Con Một Thiên Chúa, bởi muốn cho chúng ta được thông phần Thiên tính của Người, nên đã mang lấy bản tính của chúng ta, để vì đã làm người, Người biến chúng ta thành thần thánh.” Đức Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật trong cùng một Ngôi vị Duy nhất. Người là Thiên Chúa để giúp con người đến gặp gỡ Đấng Tối Cao. Người là con người để Thiên Chúa kết thân với thụ tạo. Khi Nhập thể, Con Thiên Chúa đã “kết hợp với tất cả mọi người” (GS 22,2). Như vậy, Đức Giêsu Kitô chính là Đấng Trung gian Duy nhất, là cầu nối tình thương giữa Thiên Chúa và con người.
Chúa Giêsu, Đấng tự hiến để cứu độ chúng ta
Tiếp theo lời tuyên xưng Con Một Thiên Chúa “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế” là lời tuyên xưng “Đức Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá dưới thời Phongxiô Philatô, Người chịu khổ khổ hình và mai táng.” cũng vì loài người chúng ta. Như vậy, ý định của Thiên Chúa là giải thoát loài người chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi nhờ cái chết của Đức Giêsu, Đấng mà ngôn sứ Isaia gọi là Người Tôi Tớ Đau Khổ, Đấng Công Chính (x.Is 53,11).
Khi trao nộp Con của người vì tội lỗi chúng ta, Thiên Chúa cho thấy ý định yêu thương của Người đi trước mọi công trạng của chúng ta “bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, là Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là tội nhân.” (Rm 5,8).
Đức Giêsu Kitô chịu chết vừa là hy tế Vượt Qua hoàn tất chung cuộc cứu độ loài người (x. Ga 8, 34-36), vừa là hy tế của Giao Ước Mới (x.1Cr 11,25) cho con người hiệp thông với Thiên Chúa nhờ “máu được đổ ra cho muôn người được tha tội “(x.Mt 26,28). Cũng nhờ cái chết của Đức Giêsu, con người được nên công chính (x. Rm 5,19), và con người có khả năng được thông phần vào Mầu nhiệm Vượt Qua của Người (GS 22,5).
Tạm kết
Đức Giêsu Kitô là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Vì thế, hầu hết các lời nguyện trong Thánh lễ và Phụng vụ Các Giờ Kinh đều kết thúc bằng chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô. Quả vậy, “Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã thực sự trở thành Đấng mà chúng ta kêu gọi. Nơi Ngài, Thiên Chúa mãi mãi đi vào trong cuộc sống của chúng ta.” (Xc. Hồng Y Ratzinger, Đức Tin Kitô giáo, hôm qua, và hôm nay, tr.136). Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa đang ở đây, ở giữa chúng ta và trở nên gần gũi với con người “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9). Qua Đức Giêsu và nhờ Người, chúng ta có thể thân thưa với Chúa Cha như người con thảo tâm sự với cha hiền.
Nguyễn Giới, O.P. (daminhvn.net)