Với người lớn khi ăn phải chất này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí
nhớ, trẻ em ăn thực phẩm có lượng hàn the 1-2 gr/kg thể trọng sẽ bị tử
vong sau 10-12 giờ.
Trả lời về hàn the - chất được sử dụng phổ biến, thậm chí được cho là
nguyên liệu không thể thiếu trong quá trình làm giò, chả, PGS.TS Trần
Hồng Côn - khoa Hóa học - ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội cho
hay, đây chính là muối natri của acid boric. Từ rất lâu, người ta cho
hàn the vào bún, bánh phở, bánh đúc, bánh cuốn, giò, chả và nhiều thức
ăn khác với mục đích tạo độ giòn, giai. Hàn the nếu dùng nhiều sẽ gây
tác hại cho sức khỏe như ảnh hưởng đến trí nhớ, rối loạn nội tiết.
Đồng quan điểm PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh– Viện Công nghệ Sinh học và
Công nghệ thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng cho rằng hàn the rất
độc hại nếu cho vào thực phẩm.
“Hàn the là hóa chất không nằm trong danh mục các loại hóa chất phụ
gia được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong việc bảo quản và chế biến thực
phẩm. Điều đó có nghĩa chúng sẽ có tác động bất lợi cho cơ thể nếu ăn
phải. Thực tế, dùng hàn the liều cao có thể gây ngộ độc cấp, còn với
liều lượng nhỏ tích tụ và gây ngộ đôc gan, thận, rất nguy hiểm cho cơ
thể”, PGS Thịnh nói.
Nghiên cứu về độc tính của hàn the cho thấy, chất này có thể gây nôn
mửa, đau bụng, tiêu chảy, gây ban đỏ, tróc vẩy. Hàn the cũng gây kích
thích dẫn đến trầm cảm, hoặc kích thích màng não. Đặc biệt, hàn the khi
vào cơ thể sẽ tích tụ ở gan, rất khó bị đào thải ra ngoài, khi tích tụ
số lượng đủ lớn chúng sẽ bộc phát ra ngoài gây bệnh mạn tính. Không
những gây tổn thương gan, hàn the còn gây thoái hóa cơ quan sinh dục, vô
sinh.
Theo khuyến cáo trên thế giới, trẻ em ăn phải thực phẩm có lượng hàn
the 1-2 gr/kg thể trọng sẽ bị tử vong sau 10-12 giờ. Ở thể trường diễn,
trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển trí não.
Cách chọn giò chả không hàn the
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm
(ĐH Bách Khoa Hà Nội), để phân biệt một miếng giò có hàn the và không có
hàn the bằng mắt thường rất khó khăn, ngay cả chuyên gia cũng khó có
thể nhận biết.
Do đó, thứ nhất, để mua được giò chả an toàn, người tiêu dùng cần tới
những cơ sở làm giò sạch, có uy tín, được công bố không có hàn the. Thứ
hai, người tiêu dùng có thể sử dụng que thử dạng giấy để nhận biết giò
chả có hàn the hay không khi mua giò chả ngoài chợ.
Một kinh nghiệm khác, khi mua giò chả, người tiêu dùng có thể cắt
riêng ra một miếng nhỏ, sau đó nhỏ 1-2 giọt axit clohydric (HCl) vào mẫu
thực phẩm để tạo môi trường. Nếu mẫu thực phẩm có chứa hàn the, giấy
nghệ sẽ biến sang màu đỏ. Cường độ màu thu được tỷ lệ với hàm lượng hàn
the có trong mẫu. Sau đó, so màu với màu thang chuẩn từ đó biết được hàm
lượng hàn the trong mẫu.
Còn về cách nhận biết bằng mắt thường, PGS Trần Hồng Côn bật mí một
khoanh giò ngon khi ăn sẽ có vị thơm ngọt, giòn, mềm, không có cảm giác
khô rắn, không bị bã và cũng không bị bở song cần cẩn thận với miếng giò
giòn, dai hơn bình thường vì thông thường sẽ bị trộn hàn the.