Tìm Kiếm

12 tháng 10, 2015

Vật lý trị liệu điều trị thoái hóa khớp

Vật lý trị liệu (VLTL) là một trong những phương pháp điều trị thoái hóa khớp (THK) dễ thực hiện, ít tốn kém, hiệu quả cao.

Tuy nhiên, theo cử nhân Lưu Thị Ngọc Diệp - Khoa VLTL Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, tùy vào tình trạng bệnh sẽ có phương pháp tập khác nhau, tự ý tập luyện có thể gây chấn thương làm bệnh thêm nặng.

Thoái hóa khớp: Bệnh phổ biến ở người có tuổi
Khoảng 40% dân số trên 60 tuổi bị THK. THK là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Bệnh thường gặp ở người thừa cân béo phì, làm việc nặng khiến khớp chịu nhiều áp lực.
Ngoài ra bệnh còn xảy ra ở những người bị chấn thương; viêm, u, loạn sản đầu xương; mãn kinh, tiểu đường, tăng cholesterol máu, bệnh gút…
THK tiến triển chậm theo từng đợt. Lúc khởi phát có biểu hiện đau khớp khi hoạt động, giảm khi nghỉ ngơi. Người bệnh hay bị cứng khớp vào buổi sáng, kéo dài hơn 30 phút.
Khi vận động sẽ phát ra tiếng lạo xạo bất thường ở khớp. Nếu thoái hóa xảy ra ở khớp hông và khớp gối, việc di chuyển sẽ gặp khó khăn vì đau đớn. THK cấp tính sẽ gây sưng và nóng tại khớp. Khi khớp bàn tay bị biến dạng, lệch trục là bệnh đã bước sang giai đoạn muộn.
Điều trị THK có nhiều phương pháp như dùng dụng cụ hỗ trợ (nẹp, đai băng, thun, gậy, nạng…), VLTL, thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc chống THK, tiêm nội khớp corticoid, bổ sung dịch khớp nhân tạo, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, cấy ghép sụn khớp, tiêm tế bào gốc, điều trị laser, phẫu thuật thay khớp…
VLTL không những giúp giảm đau, giảm co thắt cơ mà còn duy trì và tăng tầm vận động khớp, duy trì và gia tăng lực cơ, bảo tồn chức năng, ngăn ngừa biến dạng khớp. Mỗi giai đoạn bệnh có các bài tập, phương pháp điều trị khác nhau.

Vat ly tri lieu dieu tri thoai hoa khop
Vật lý trị liệu điều trị thoái hóa khớp

Cấp tính: Hạn chế vận động
Thông thường khi khớp sưng, đau, khi nằm ngủ bệnh nhân hay có thói quen kê mền hoặc gối dưới khớp bị viêm (thường gặp là khớp gối, khớp tay) nhằm làm giảm cơn đau.
Việc làm này chỉ giúp “giảm đau ảo” khi đang nằm, nhưng sau khi đứng dậy, chân tay sẽ càng đau mỏi, tình trạng sưng viêm càng nặng. Tốt nhất nằm nghỉ ngơi, chân giữ thẳng.

Chườm lạnh sẽ đem lại nhiều tác dụng hữu ích khi THK dạng cấp tính. Bởi việc này có tác dụng co mạch, giảm bớt tình trạng chảy máu tại chỗ bị chấn thương (giảm xuất huyết), giảm dịch tiết tại chỗ, giúp giảm phù nề, giảm đau do làm chậm sự dẫn truyền thần kinh và chậm xảy ra phản ứng viêm tại chỗ.
Điện trị liệu là phương pháp dùng kích thích điện để tăng tuần hoàn, tăng sự chuyển hóa tại các mô, tạo sự co cơ, giảm đau, chống viêm. Hiện trên thị trường có nhiều loại máy quảng cáo có tác dụng tạo xung điện.
Bệnh nhân không nên mua các loại máy này về tự tập. Điện trị liệu cần phải có chuyên gia hướng dẫn và theo dõi vì dễ xảy ra tai biến nguy hiểm. Bệnh nhân dễ bị mất cảm giác vùng điều trị. Người bị bệnh tim, người không chịu được dòng điện xung… không nên áp dụng phương pháp này.
Riêng với người bệnh khớp gối cần hạn chế vận động, tập một số động tác như: nằm thẳng, trượt chân lên xuống trên giường hoặc gồng chân thật cứng. Khi di chuyển nên đeo đai, băng thun khớp gối.

Mạn tính: Tăng cường vận động
Với bệnh nhân THK mạn tính, việc chiếu tia hồng ngoại sẽ mang lại hiệu quả nhất định. Tia sáng này có tác dụng thấu nhiệt nông xuyên qua da khoảng 3mm, làm nóng da tại chỗ, mạch máu và cơ bắp được dãn ra.
Có thể sử dụng đèn hồng ngoại chiếu lên da để làm giảm đau. Lưu ý, thời gian chiếu từ 20-40 phút, ngày chiếu hai-ba lần. Nên điều chỉnh sức nóng vừa phải, chiếu đèn quá nóng không chỉ gây bỏng mà còn gây phản tác dụng, làm cơn đau tăng lên.
Nếu không có đèn hồng ngoại có thể dùng túi chườm nóng. Đèn hoặc túi chườm đều cần tránh áp dụng tại vùng da bị tổn thương, da bị mất cảm giác, da có sẹo lồi.

Điều trị bằng sóng ngắn: sóng ngắn là những bức xạ điện từ sẽ tạo ra nhiệt sâu (làm cơ thể nóng lên), có tác dụng giảm đau, chống viêm, tăng cường lưu thông máu, tăng sự dẫn truyền thần kinh vận động, phục hồi chức năng vận động nhanh.
Siêu âm điều trị là dạng sóng âm thanh có tần số trên 20.000Hz, có tác dụng dãn cơ do kích thích trực tiếp của siêu âm lên các thụ thể thần kinh, kích thích quá trình tái sinh các mô sụn bị hỏng, giảm đau…
Bệnh nhân THK mạn tính cần tăng cường vận động, tập một số bài tập đơn giản như: ngồi lên ghế, cột cục tạ nhỏ vào chân rồi nâng lên hạ xuống; đứng thẳng dựa lưng vào tường rồi trượt lưng lên xuống; đạp xe; lên xuống cầu thang; dùng tay kéo dãn nhóm cơ bị co thắt (dùng tay kéo chân, đá chân, gập người…).
Theo cử nhân Lưu Thị Ngọc Diệp, phòng ngừa THK bằng cách tránh các tư thế xấu trong lao động, sinh hoạt, tránh các động tác quá mạnh, đột ngột và sai tư thế khi mang vác, xách, đẩy, nâng…
Nên ngồi nhiều hơn đứng khi làm việc, khi mang vật nặng sử dụng cả hai tay, sử dụng dụng cụ trượt nhiều hơn tự mang vác, tập thể dục hàng ngày. Người lao động nặng cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm THK.
Điều trị tốt các bệnh lý viêm khớp để làm chậm quá trình thoái hóa. Chữa sớm các tật về khớp (vòng kiềng, chân khoèo) và cột sống (gù, vẹo) để ngăn ngừa THK. 
(st)