Trong chúng ta không ai được miễn dịch hoàn toàn với mụn cơm, nhưng có
một số người nhạy cảm hơn với những khối u xấu xí trên da này.
Theo PGS.BS về da liễu Adam Friedman ở trường Y và khoa học sức khỏe
George Washington, mụn cơm thường xuất hiện ở trẻ em và trẻ vị thành
niên hay cắn móng tay và những người bị suy giảm hệ miễn dịch.
Mụn cơm gây ra bởi vi-rút và vi-rút này đôi khi có thể lây sang từ
một nơi khác trên cơ thể hoặc từ người này sang người khác. Tuy nhiên,
hệ miễn dịch của mỗi người phản ứng với vi-rút gây mụn cơm khác nhau, vì
vậy không phải ai bị nhiễm loại vi-rút này đều bị mụn cơm.
Có những cách ngăn ngừa mụn cơm lây lan. Friedman khuyên không nặn
hoặc gãi mụn, không sờ vào mụn của người khác. Rửa sạch tay sau khi điều
trị mụn cơm.
Cách khác có thể giúp dự phòng lây lan mụn cơm là đi dép trong nhà
tắm công cộng và khu vực bể bơi. Việc giữ khô mụn cơm ở chân cũng rất
quan trọng, vì ẩm ướt sẽ giúp mụn lây lan.
Phần lớn mụn cơm biến mất mà không cần điều trị trong vòng 2 năm, nhưng có một số cách điều trị có thể loại bỏ chúng sớm hơn.
Có thể sử dụng các thuốc không kê đơn chứa acid salicylic. Trước khi
sử dụng, ngâm mụn cơm trong nước ấm, sau đó chà mụn cơm bằng một cái dũa
móng tay. Cần biết rằng có thể mất vài tháng để có kết quả
Băng keo là một lựa chọn khác. Dán băng keo lên mụn cơm thay băng
cách vài ngày. Làm như vậy có thể lột đi lớp da bị mụn cơm và kích thích
hệ miễn dịch chống lại mụn cơm. Trước khi dùng băng keo, ngâm mụn cơm
vào nước ấm, sau đó chà mụn bằng giũa móng tay. Lột bỏ và dán lại băng
mới sau khoảng 5 tới 6 ngày cho tới khi mụn cơm biến mất.
Hãy đi khám bác sĩ da liễu nếu da xung quanh mụn cơm bị trầy và chảy
máu; không thể loại bỏ mụn cơm; mụn cơm đau, ngứa hoặc rát; có nhiều mụn
cơm; mụn cơm mọc trên mặt hoặc vùng kín, hoặc bạn có những khối u trên
da không bình thường và không chắc đó là mụn cơm, vì có một số ung thư
da nhìn rất giống với mụn cơm.
Theo BS Cẩm Tú/Báo Sức Khỏe Đời Sống