Một em bé tị nạn vừa đến Áo
Hiện nay Âu Châu đứng trước cơn khủng
hoảng di dân rất lớn, cơn khủng hoảng lớn nhất từ năm 1945 đến nay và
trong những ngày gần đây, nhiều nước ở Âu Châu, đặc biệt là nước Đức và
nước Áo đã đón nhận hàng ngàn người di dân. Đức Phanxicô trong buổi Kinh
Truyền Tin chúa nhật 6 tháng 9, đã kêu gọi giáo dân làm một “hành vi cụ
thể” thể hiện lòng thương xót khi tiếp nhận người tị nạn. “Đứng trước
thảm kịch người tị nạn trốn cái chết vì chiến tranh và nạn đói, họ đang
trên đường đi tìm một hoặc cho cuộc sống, Phúc Âm nhắc chúng ta phải gần
với những người bé nhỏ nhất, những người bị bỏ rơi. Cho họ một hy vọng
cụ thể. Chúng ta không thể nào chỉ nói “can đảm lên, kiên nhẫn thêm!…”
Niềm hy vọng là sức chiến đấu với lòng kiên trì của người quyết tâm đi
đến đàng trước, với một mục đích chắc chắn”.
Như thế trong Năm Thánh của Lòng thương
xót, Đức Giáo hoàng kêu gọi “mỗi giáo dân, mỗi cộng đoàn tôn giáo, mỗi
tu viện, mỗi đền thánh của toàn Âu Châu hãy đón nhận một gia đình tị
nạn, bắt đầu bằng giáo phận Rôma”. Đức Phanxicô nhấn mạnh, đây là một
“hành vi cụ thể để chuẩn bị cho Năm Thánh” sẽ bắt đầu vào ngày 8 tháng
12 sắp tới. Lòng thương xót Chúa phải được hiển hiện “qua các công việc
của chúng ta”, ngài nhấn mạnh khi nhắc đến chứng từ của Mẹ Têrêxa
Calcutta, mà ngày thứ bảy 5 tháng 9 vừa qua là ngày tưởng niệm ngày chết
của Mẹ. Đức Giáo hoàng loan báo, trong những ngày sắp tới “Giáo xứ
Vatican sẽ đón hai gia đình tị nạn”, hướng trực tiếp về các giám mục Âu
Châu, các “mục tử đích thực,” ngài mong trong “giáo phận của mình, các
giám mục sẽ hỗ trợ lời kêu gọi này và nhớ là lòng thương xót là tên gọi
thứ nhì của tình yêu”.
Sáng chúa nhật hôm nay, hàng ngàn người
tị nạn mới đã đến Đức, họ đến từ Hungari qua ngả nước Áo. Chỉ một ngày
thứ bảy, đã có 8000 người di dân đến Đức. Ngày thứ sáu 4 tháng 9, nước
Đức và nước Áo đồng ý nhận các người tị nạn đã bị kẹt từ nhiều ngày nay ở
Hungari. Tuần sau, ông Jean-Claude Juncker Chủ tịch Hội đồng Âu Châu sẽ
tuyên bố một đề nghị mới ở Strasbourg để “tái định chỗ” trong toàn Âu
Châu cho thêm 120.000 tị nạn hiện nay đang ở Ý, Hy Lạp và Hungari. Ngày
thứ bảy, bà Federica Mogherini, đứng đầu ngoại giao Âu Châu đã yêu cầu
28 thành viên của Hội đồng Âu Châu “đoàn kết và hành động một cách hiệu
quả. Chúng ta đứng trước một sự kiện bi thảm và sự kiện này sẽ còn kéo
dài lâu.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch (phanxico.vn)