Lòng thương xót là gì ?
Hôm Chúa Nhật 17/3/2013, lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện ở cửa sổ của tòa nhà giáo hoàng. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin đầu tiên này, sau khi được bầu 4 ngày, Đức Thánh Cha đã diễn tả về đoạn Tin Mừng của ngày, người phụ nữ ngoại tình. Ngài tập chú vào lòng thương xót : « Những ngày qua, tôi đã đọc cuốn sách của một Hồng y về lòng thương xót. Và cuốn sách này mang lại nhiều ích lợi cho tôi ». Cuốn sách này là của Hồng y Kasper. Đức Thánh Cha nói tiếp : « Một chút lòng thương xót làm cho thế giới bớt lạnh lùng hơn và công chính hơn. Chúng ta cần hiểu rõ lòng thương xót này của Thiên Chúa, vị Cha đầy lòng thương xót vốn có một sự kiên nhẫn như thế… »
Thiên Chúa là Tình Yêu
Nhưng thế nào là lòng thương xót ? « Chủ đề này rất trọng tâm trong Thánh Kinh và rất thiết yếu đối với thế giới hôm nay, lại hầu như không được đề cập trong các từ điển và thủ bản của thần học tín lý », ĐHY Kasper lấy làm tiếc. Thế mà, lòng thương xót là « thuộc tính thần linh vốn chiếm chỗ hàng đầu », là « sự biểu lộ chính hữu thể của Thiên Chúa vốn là Tình Yêu », « diễn tả hữu thể của Thiên Chúa, Đấng đã nhân từ cúi xuống trên con người và thế giới ».
Theo Đức cha Albert-Marie de Monléon, nguyên Giám mục giáo phận Meaux, « Thánh Augustin đã định nghĩa lòng thương xót như là trái tim trắc ẩn đối với sự khốn khổ của người khác và những phương thế để nỗ lực trợ giúp ». Đức Cha cho biết : « Khi lấy lại những gì mà nữ tu Faustine và Đức Gioan-Phaolô II đã nói về lòng thương xót, thì tôi nhìn lòng thương xót như là tình yêu đang hành động để chặn đứng sự dữ…. »
Nuôi dưỡng, đón tiếp, loan báo
Theo ĐHY Kasper, « từ ‘misericordia’ trong tiếng Latinh có nghĩa là ‘có trái tim (cor) dành cho người nghèo (miseri); có trái tim đập cho người nghèo’”.
Từ lâu đời Giáo Hội đã thăng tiến « các công việc thương xót » : ngôn ngữ có thể xem ra quá xưa, nhuưng nó bào hàm những điều rất cụ thể : cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đậu nhà, đón tiếp những người hành hương và những người túng thiếu, viếng kẻ liệt, loan báo Tin Mừng cho các tù nhân, chôn xác kẻ chết…
Sự gần gũi
Để nói về lòng thương xót, tiếng Hy bá trong Thánh Kinh dùng từ « rahanim », lòng dạ. Chính Thiên Chúa đã động lòng trắc ẩn. ĐHY Kasper viết : « Thiên Chúa là một vị Thiên Chúa nhìn thấy nỗi khốn khổ của dân Ngài và nghe tiếng kêu của họ. Ngài không phải là kẻ chết hay câm điếc, Ngài là một vị Thiên Chúa hằng sống quan tâm đến sự cùng quẫn của con người, Ngài nói, hành động và can thiệp, Ngài cứu và giải thoát ».
ĐHY nhấn mạnh : « Phê bình nghiêm trọng nhất vốn có thể tác hại đến Giáo Hội là lời khiển trách rằng thường xuyên, bề ngoài, ít hành động đi theo lời nói, Giáo Hội nói nhiều về lòng thương xót của Thiên Chúa đang khi nhiều người nhận thấy Giáo Hội là nhiệm nhặt, cứng nhắc và thiếu lòng thương xót ».
Nhân từ và sự thật
Không phải tình cờ mà Năm Thánh lại trùng khít với biến cố kỷ niệm 50 năm kết thúc Công đồng Vatican II mà Đức Gioan XIII đã khai mạc và nhấn mạnh rằng Giáo Hội « nại đến phương thuốc lòng thương xót, hơn là giơ ra những vũ khí nghiêm khắc ».
ĐHY cảnh giác : « Thực hành lòng thương xót mà không có chân lý là thiếu lòng lương thiện ; điều đó chỉ có thể mang lại một an ủi rất tồi và cuối cùng chỉ là một sự ba hoa vô ích ». Ngài cũng lấy làm tiếc rằng từ « thương xót » ngày nay được dùng « để chỉ một nền mục vụ và linh đạo ‘mềm’ hay là một thái độ phóng túng, mà không có hiệu quả lẫn sự bền vững ».
Dựa vào thánh Tôma Aquinô rằng « công lý mà không có lòng thương xót chỉ là một sự tàn bạo, lòng thương xót không có công lý là mẹ của sự trụy lạc », ĐHY đã kêu gọi Giáo Hội « đừng bóp méo ý nghĩa khách quan của lề luật viện cớ đến một lòng nhân từ bị hiểu sai », nhưng « có một phán đoán công minh, vốn không sắc bén như một máy chém, nhưng để một lối vào cho lòng thương xót, tức là cho phép người khác – nếu họ thiện chí – được có một xuất phát mới ».
(st)