1. Một thực tại ba chiều
Trong thế giới loài người, một đối tượng của nhận thức – bất kể vật thể hữu hình hay vô hình, phàm tục hay linh thánh – đều được tiếp cận theo 3 chiều kích: thiên nhiên, nhân văn, và tâm linh. Mỗi một lãnh vực có thẩm quyền tự lập – nhưng không đối kháng hoặc mâu thuẫn – đối với các lãnh vực khác trong việc truy tầm và diễn đạt chân lý về cùng một thực tại. Tổng hợp cả 3 chiều kích, sẽ có một tri thức toàn diện – tương tự như một hình ảnh 3 chiều – về đối tượng. Ngược lại, hình ảnh của một thực tại chỉ dựa vào thông tin từ một chiều kích là hình ảnh phiến diện và bất toàn.
Đơn cử một thí dụ về “bữa ăn”. Dưới góc độ khoa sinh học, “bữa ăn” đơn giản là việc cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe và lẽ sống còn của con người. Do đó, điều cần quan tâm là lựa chọn các loại thịt, cá, rau, củ, quả, kết hợp với gia vị thích ứng tối ưu với khả năng hấp thụ, tiêu hóa của con người.
Đưa sang lãnh vực nhân văn, “bữa ăn” chiếm một vị trí bất khả chuẩn chước trong tương quan xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa. Một bữa cơm gia đình không chỉ còn là việc nạp năng lượng cho các thành viên trong gia đình để tiếp tục sống và lao động sản xuất. Trái lại, đó là một cuộc gặp gỡ, một buổi đoàn tụ giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái và anh chị em quanh mâm cơm – thường là tuyệt tác gia chánh đầy tự hào của người vợ, người mẹ, người chị hoặc người bà – với những món ăn ngon khôn tả đã đi vào văn học và mãi mãi còn đeo bám ký ức của mỗi con người cho đến cuối cuộc đời. “Bữa ăn gia đình” là môt thành tố bất khả phân ly của trọn gói đời sống gia đình. Tiệc cưới đánh dấu ngày hạnh phúc của đôi nam nữ, ngoài mâm trầu cau kính báo tổ tiên, nhất thiết phải có “cỗ bàn” thiết đãi quan viên hai họ mới thực sự trọn tình, trọn đạo. “Cỗ bàn”, từ khi con người nâng cao tầm mức nhân văn của các tương quan xã hội, trở thành yếu tố song hành bất khả chuẩn chước của cặp đôi “lễ lạt”. Điều này càng hiển nhiên khi “bữa ăn” được diễn ra trong khung cảnh trang trọng của những mối quan hệ ngoại giao, chính trị, trong dịp đó, các nguyên thủ ký kết nhiều kế sách, hiệp ước có tính quyết định trên vận mạng một triều đại, một quốc gia, một dân tộc. “Quốc yến”, vì lý lẽ nêu trên, đóng vai trò quan trọng không phải ở những món sơn hào hải vị, nhưng là do đã được nhìn nhận dưới góc độ “văn hóa bang giao quốc tế”. Một khi đã trở thành yếu tố nhân văn, chất dinh dưỡng của “bữa ăn” cung cấp cho con người không còn đơn giản là năng lượng nuôi sống, bồi bổ sức khỏe thể lý, nhưng chính yếu là cảm hứng sinh động, là sức sống mãnh liệt cho các giá trị nhân bản, các truyền thống văn hóa.
Từ nền tảng ý nghĩa và công dụng thiên nhiên cũng như nhân văn của “bữa ăn” – với hai giá trị dinh dưỡng và tương quan liên vị – Kitô Giáo xây lên “bữa tiệc Thánh Thể”, buổi họp mặt của các tín đồ Chúa Kitô, trong đó, họ được mời gọi đến hiệp thông, trở nên một xương một thịt, một đời sống, một thân phận, một tương lai bất tận với Người, khi họ lãnh nhận, ăn Thánh Thể và uống Bửu Huyết của Người.[1] Tuy vẫn có những yếu tố tự nhiên và nhân văn của một “bữa ăn”, “Tiệc Thánh Thể” không còn là đối tượng của nhận thức trong lãnh vực tự nhiên và nhân văn, nhưng đã trở thành đối tượng tiếp cận, nghiên cứu, học hỏi, truyền đạt như một tín điều của tôn giáo, theo các tiêu chí về phương pháp, đường hướng, động lực và mục đích – thậm chí cả thuật ngữ – riêng biệt, tương thích với giá trị linh thánh của truyền thống Kitô Giáo.
2. Bầu trời thiên nhiên
Đây là toàn thể tạo thành được Sách Sáng Thế mô tả một cách sống động như một “Thảo Cầm Viên” vĩ đại, nơi có núi rừng trùng điệp, trời cao biển rộng bao la bát ngát, đất đai mầu mỡ, cỏ cây trĩu nặng hoa trái, chim trời, cá biển và muôn loài động vật – trong đó con người chiếm vị trí thượng đẳng[2] – hiện diện, sinh sống và hoạt động hài hòa theo quy luật tuyệt đối hoàn hảo, bất di bất dịch do chính Đấng Thiên Chúa Tạo Hóa thiết lập.[3]
Thế giới thiên nhiên – hoặc tự nhiên – được Thiên Chúa trao cho con người canh tác và bảo vệ.[4] Cùng với việc ủy quyền kỳ vĩ này, Thiên Chúa ban cho con người năng lực tri thức, tích lũy qua quan sát và thử nghiệm, nhận biết các đặc tính của muôn loài muôn vật và quy luật sinh sống, phát triển của chúng. Tiến bộ không ngừng và thần tốc của khoa học kỹ thuật – đặc biệt ở thế kỷ XX và XXI – chứng minh tiềm năng gần như vô hạn của tri thức con người.
Nhờ khoa học tự nhiên, vũ trụ càng lúc càng mở rộng hơn, phô diễn nhiều nét diễm kiều hơn, và đồng thời cống hiến cho con người nhiều tiện ích phong phú và đa dạng hơn. Chính nhờ bản chất chuẩn xác thuần hậu, hồn nhiên và khách quan của khoa học tự nhiên – trong phương pháp tiếp cận đối tượng, trong các công cụ kỹ thuật trợ lực nghiên cứu, trong kinh nghiệm thuthập và lưu truyền tri thức, và trong vốn liếng đặc ngữ mô tả phong phú – con người vừa có một cách thức tự khẳng định về khả năng nhận thức vạn sự vạn vật, đúng như hình hài và tư thế chúng hiện diện trong vũ trụ càn khôn, vừa tích cực và hữu hiệu tôn vinh Thiên Chúa Tạo Hóa với lòng yêu kính vô hạn và tâm tình tri ân sâu xa.
Tường thuật của Sách Sáng Thế xác nhận quyết định của Thiên Chúa ủy thác cho con người thẩm quyền lẽ ra chỉ dành riêng cho Người là cứ xem mặt mà đặt tên cho muôn vật muôn loài.[5] Suốt chiều dài lịch sử tiến hóa của vũ trụ, từ thời còn sống chui rúc trong hang động cho đến khi chễm chệ giữa những dinh thự xa hoa tráng lệ, con người chứng tỏ bản lãnh phi thường trong việc chu toàn một cách cần mẫn nhiệm vụ được Thiên Chúa chỉ định, tiếp tục khám phá và dán nhãn cho thiên hình vạn trạng của cõi tạo thành. Vốn bản chất hồn hậu, vui tính và yêu thích cảnh trí đa dạng đa diện, muôn màu muôn vẻ của một vũ trụ hài hòa, nhất quán và quy củ do chính Người thiết kế, Thiên Chúa hẳn rất hài lòng và tự hào vì đã không sai lầm khi sở cậy con người làm nốt phần trang trí và làm đẹp công trình sáng tạo với bao phát minh khoa học kỹ thuật kỳ diệu.
“Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng!
Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan,
Những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.
Này đại dương bát ngát mênh mông,
Nơi muôn vàn sinh vật to nhỏ vẫy vùng,
Nơi tàu bè cỡi sóng và thủy quái tung tăng,
Là vật Chúa tạo thành để làm trò tiêu khiển”.[6]
Tuy nhiên, vũ trụ vật thể hữu hình, khả giác, khả nghiệm của vũ trụ càn khôn này cũng chính phạm vi đã được ấn định nghiêm cẩn của khoa học tự nhiên. Do đó, khoa học tự nhiên luôn có uy tín và phẩm chất tự lập được tôn trọng một cách hiển nhiên khi nào khoa học còn biết tự nguyện khép mình trong phạm vi ấy.
3. Bầu trời nhân văn
Con người thường không muốn và cũng không thể che giấu một bản chất dẫy đầy tham vọng và đammê, mà lại toàn là những tham vọng vô đáy, những đam mê hừng hực lửa không dễ gì dập tắt. Tuy nhiên, không phải mọi tham vọng của con người đều là xấu xa tội lỗi. Tham vọng xây nên vĩ nghiệp hữu ích cho đời phân tranh với tham vọng tiền tài, quyền lực. Đam mê lạc thú thấp hèn trộn lẫn với đam mê nghệ thuật, triết lý cao xa. Trong số các tham vọng và đam mê dễ mến của con người phải nêu bật lên tham vọng và đam mê hiểu biết. Đây chính là nguyên cớ thúc đẩy con người phải tiếp tục lao vào khám phá những chiều kích sâu thẳm, bí hiểm, khôn dò, đầy lôi cuốn, mời mọc khó chống cưỡng, ẩn khuất đàng sau và bên dưới bộ dạng khả giác khả nghiệm của vạn sự vạn vật. Nói khác đi, con người tiếp tục bước thứ hai của hành trình tri thức miên viễn và diệu kỳ, tiến vào thế giới của những ý niệm trừu tượng, phổ quát, chiết xuất khỏi những vật thể cá biệt, từ đó kiến trúc một bầu trời dành cho các khoa học nhân văn.
Từ rất xa xưa, người Hy Lạp đã sử dụng từ ngữ “metaphysics” – vượt qua những vật thể[7] – để vạch một lằn ranh phân cách lãnh vực học thuật nghiên cứu bầu trời nhân văn ra khỏi việc tiếp cận bầu trời thiên nhiên. Từ kinh nghiệm sống trải dài trên mặt đất này sau bao cảnh bể dâu vật đổi sao dời, nhiều câu hỏi quan trọng được con người đặt ra.
Phải chăng tất cả những gì đang hiện hữu chỉ là những hồn ma bóng quế bất tất nay còn mai mất? Trong khi đó, tuy đã có hằng hà sa số những vật thể, những loài sinh linh – gồm cả muông thú lẫn con người – cứ liên tục thay nhau xuất hiện rồi biến mất, nhưng con người vẫn bảo tồn được tri thức về những gì đã một lần tiếp cận, và, hơn nữa, còn có những ký ức luôn tồn tại một cách vô cùng sắc nét, sống động, sau khi vật thể – một hiện hữu hay một sự kiện – đã trở thành quá khứ mịt mờ, đến độ có thể tái hiện những ký ức đó một cách cũng sắc nét, sống động khôngkém, bằng thơ văn, âm nhạc, hội họa hay điêu khắc. Từ thực tại này phát sinh ra một câu hỏi khác: phải chăng, ngoài hoặc cạnh thế giới vật chất hữu hình, bất tất, vẫn có những thực tại phi vật chất vô hình – gọi là bản thể – là trụ đỡ trường cửu thường hằng, hiện hữu bên dưới vô vàn vô số hình dạng tùy thể liên tục biến hóa khôn lường? Sau bao nỗ lực truy tầm dài hơi và gian nan muôn bề, rốt cục, con người khám phá ra một thế giới của các ý niệm, vốn là đối tượng chỉ có thể tương thích với khả năng suy tư của trí tuệ con người.
Khoa học nhân văn, cũng tương tự như khoa học tự nhiên, có uy tín độc sáng được tôn trọng và tham chiếu, nếu như biết giữ đúng giới hạn lãnh vực của mình. Lấn sân can thiệp vào lãnh vực của khoa học nhân văn, khoa học tự nhiên chắc chắn vừa gây tổn thất cho khoa học nhân văn, vừa tự sỉ nhục và đánh mất giá trị của mình. Ngược lại, khi không biết tôn trọng giới hạn của mình và tính độc sáng của khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn chỉ thực hiện một hành vi liều lĩnh và ngu ngốc gần với việc tự sát.[8]
Sách Sáng Thế dạy chân lý này: con người do Thiên Chúa sáng tạo giống hình ảnh của Chúa: thân xác hình thành từ bùn đất, nhưng linh hồn là chính hơi thở sống động của Thiên Chúa.[9] Con người chính là một hợp thể gắn kết thống nhất một cách sâu xa, thiết yếu trên nền móng bản thể giữa hai yếu tố hồn tinh thần và xác thể chất, tuy khác biệt nhau, nhưng lại cần có nhau để tương trợ, bổ túc và hoàn thiện lẫn nhau. Chân lý này của Kitô Giáo được xây dựng vững chắc trên nền tảng Mầu Nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể, khi thiên tính và nhân tính hiệp nhất một cách hoàn mỹ nơi Chúa Giêsu Kitô.[10]
4. Bầu trời tôn giáo
Tuy nhiên, con người mặc dầu được tạo thành từ vật chất, sống nhờ các yếu tố vật chất, bị điều kiện hóa vì môi trường vật chất, nhưng vẫn được Thiên Chúa phú bẩm một đặc ân là bản chất siêu việt – khả năng bứt phá những giới hạn thể chất đang giam hãm mình[11] để nhận xét, lượng định và điều tiết chúng, đồng thời vươn tới các giá trị tự thân thuộc về một trật tự hoàn toàn khác biệt và vượt trên các giá trị cố hữu của cõi đời phàm trần tục lụy này.
Con người luôn hướng đến tầm mức viên mãn của đời mình, đến chân trời vô hạn của cuộc sống. Con người tự bản chất có khả năng vượt lên trên các vật thể riêng lẻ cá biệt mình nhận thức được, chắc hẳn là nhờ tính rộng mở tới hữu thể bất tận. Xét theo một phương diện nào đó thì linh hồn con người – vì có khả năng tri thức – bao hàm tất cả mọi sự vật: “Tất cả những gì là phi chất thể đều có một bản tính hầu như vô tận, bởi vì chúng bao gồm tất cả mọi điều, hoặc vì do vấn đề yếu tính của một thực tại tinh thần hành xử trong tư cách là khuôn mẫu hoặc phóng ảnhcủa mọi sự vật, như vai trò của Thiên Chúa, hoặc là do thực tại ấy có nét tương đồng với vạn vật, hoặc “trong hiện thể” như các thiên thần, hay “trong tiềm thể” như các linh hồn”.[12]
Chính nhờ được phú bẩm năng lực siêu việt như vậy, con người có thể tiếp cận Thiên Chúa trong một lãnh vực rất cao cả và rất sâu thẳm của các thực tại siêu nhiên, những thực tại tự bản chất vượt quá khả năng tri thức tự nhiên của phàm nhân. Vay mượn ngôn ngữ tin học, khả năng tri thức tự nhiên của con người cần được nâng cấp để có thể tiếp nhận và xử lý các dữ liệu siêu nhiên.
Ngôn ngữ thần học gọi đó là tiến trình đón nhận ơn đức tin để hiểu biết những mầu nhiệm của Thiên Chúa: Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. Nhờ đức tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám. Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ đã được hình thành bởi lời của Thiên Chúa; vì thế, những cái hữu hình là do những cái vô hình mà có.[13]
Suốt tiến trình tiếp cận các giá trị siêu việt xuất phát từ một nguồn cội duy nhất là Thiên Chúa, con người có được kinh nghiệm tâm linh và khả năng ngôn ngữ chuyên biệt[14] để xây dựng một thế giới diệu kỳ, linh thánh – thế giới tôn giáo – khởi đầu từ cái nền bao gồm các giá trị thiên nhiên và nhân văn.[15]
Do tự bản chất là một thực tại có tính thiết yếu quyết liệt, sống còn, đối với ước nguyện đạt tới mức viên thành của ơn gọi làm người – như Thánh Kinh dạy: “Con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”[16] – nên nhu cầu tôn giáo nhất thiết phải được con người diễn đạt một cách thành kính, nghiêm cẩn, chân thành, sống động, sao cho tương xứng chẳng những với uy đức tối thượng của Thiên Chúa, Đấng vô cùng thánh thiện, đáng được muôn loài thờ lạy, tôn vinh, cảm tạ, mà còn với phẩm giá cao cả của con người, được vinh dự nhân danh muôn loài muôn vật thi hành nghĩa vụ tế tự Đấng Tạo Hóa cao cả và cũng là Đấng Thiên Phụ kính yêu.
Trong bầu trời tôn giáo, tựa như biển rộng cho kình ngư vùng vẫy và tựa như trời cao cho cánh bằng tung bay ngang dọc, con người tìm thấy môi trường hoàn hảo nhất để phô diễn trọn vẹn, đầy đủ phẩm giá của mình, chẳng những trong tư cách là “hình ảnh của Thượng Đế”[17] mà còn là “nghĩa tử của Thiên Phụ”.[18]
Trong bầu trời tôn giáo, tựa môi sinh nguyên sơ trong lành và thân thiện của buổi bình minh sáng thế cho muôn loài muôn vật chung sống và triển nở hài hòa, thuận hảo, con người có đầy đủ cơ may để tìm thấy và thực hiện ý nghĩa thật sự và chung cục của đời mình trong mối tương quan mãi mãi sinh động với Thiên Chúa, mang thân phận một thụ tạo giới hạn trăm bề mà luôn tự do ngưỡng vọng tới vô biên; chân còn bước đi giữa vũ trụ vật chất hữu hạn mà lòng đã ký gởi vào cõi thần thiêng trường tồn bất diệt.
Kết: Trả lại cho chúng tôi bầu trời tôn giáo
Nếu quyền tự do là quan trọng nhất trong các quyền căn bản của con người, thì quyền tự do thờ phượng Thiên Chúa phải chiếm chỗ tối ưu trong muôn ngàn cách thức con người diễn đạt tự do của mình.
- Đánh mất tự do thân thể, con người trở thành một tên tù.
- Đánh mất tự do tư tưởng, con người trở thành một công cụ.
- Đánh mất tự do tôn giáo, con người trở thành một con thú.
Dân Israel vốn đã chịu cảnh khốn cùng không bút mực nào tả xiết trong thân phận nô lệ dưới ách thống trị tàn ác của Pharaô. Nước mất nhà tan, dân tộc đang trên bờ vực bị tuyệt chủng. Kẻ áp bức thừa biết được nỗi bất mãn của kẻ bị trị và cũng thừa mưu lược để đối phó, nên nới lỏng bàn tay đang siết chặt cái dạ dày của họ. Có miếng ăn và chút quyền tự quản – thực ra chỉ là để tiếp tay cho chế độ thống trị kiểm soát chặt chẽ hơn và bóc lột tàn nhẫn hơn chính những đồng bào của mình – bầy nô lệ tạm thời cam phận trâu ngựa được nuôi sống cầm hơi để kéo cày đạp lúa. Nhưng tự cõi sâu thẳm trong lòng họ, vẫn nung nấu một khát vọng cắt cứa tim óc khôn nguôi. Đúng lúc đó, Ông Môsê được Thiên Chúa tuyển chọn để truyền cảm hứng, để thắp một mồi lửa vào khối nhiên liệu khổng lồ của khát vọng tự do bị dồn nén quá lâu. Ngay tức khắc, ngọn lửa tin tưởng và hy vọng trong lòng người dân bùng lên mạnh mẽ, thiêu rụi mọi thứ sợ hãi, lo âu và do dự. Đoàn người bị áp bức nhất tề đứng lên thét lớn vào mặt bạo quyền Pharaô yêu sách vô cùng linh thiêng và chính đáng của mình: “Hãy thả cho dân Ta đi, để chúng mở lễ kính Ta trong sa mạc”[19]
“Trả Lại Cho Chúng Tôi Bâu Trời Tôn Giáo” Đó là khởi điểm cho một cuộc di dân vĩ đại chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại: Di Dân Vì Lý Do Tôn Giáo.[20]
[1] Xc. Ga 6,54-57
[2] Xc. St 1,28
[3] Xc. Tv 104
[4] Xc. St 2,15
[5] Xc. St 2,19
[6] Tv 104,24-26
[7] Cách dịch “metaphysics” là “siêu hình học” tuy đã trở thành quen thuộc nhưng dễ gây ngộ nhận, vì “siêu hình” dễ khiến liên tưởng đến điều linh thiêng, huyền bí.
[8] Hai thuyết duy vật và duy tâm chống phá nhau một mất một còn, như nước với lửa.
[9] Xc. St 2,7
[10] Thần học về Mầu Nhiệm Ngôi Hiệp (Hypostatic Union).
[11] Thuyết Nhị Nguyên của Ông Plato coi thân xác như nhà tù giam giữ linh hồn.
[12] Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội, số130.
[13] Dt 11,1-3
[14] Gọi nôm na là “ngôn ngữ nhà đạo”
[15] “Ơn sủng không triệt tiêu thiên nhiên, nhưng là hoàn chỉnh nó” (gratia naturam non destruit sed perficit).
[16] Mt 4,4
[17] St 1,27
[18] Rm 8,15
[19] Xc. Xh 5,1
[20] Sách Xuất Hành quả là bản trường ca hào hùng của dân Israel, khi họ cương quyết dứt bỏ mọi hình thức gông cùm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, và chấp nhận trả mọi giá, để’ đòi quyền tự do thờ phượng Thiên Chúa.
(Lm. FX. Nguyễn Văn Nhứt, OP.)