Giáo hoàng sẽ thay đổi Vatican – Hay Vatican sẽ thay đổi Giáo hoàng?
Việc Đức Phanxicô nhấn mạnh đến việc
phục vụ người nghèo hơn là tăng cường giáo lý đang khơi lên nhiều niềm
vui và lo lắng trong người Công giáo.
National Geographic – Robert Draper
Khi khoảng 7000 người lần đầu tiên gặp
ngài, họ đầy kinh ngạc đến kinh hoàng, ngài lúc đó chưa là giáo hoàng –
nhưng như một giáo hoàng trong kén chờ ngày phát tiết. Ngay lúc đó đã có
một sự gì đó thật phi thường trong con người này.
Ở sân vận động Luna Park, thành phố
Buenos Aires, Argentina, những người Công giáo La Mã và Kitô giáo phái
Phúc âm quy tụ trong một sự kiện đại kết. Trên sân khấu trung tâm, một
mục sư mời tổng giám mục thành phố lên nói đôi lời. Mọi người phản ứng
với sự kinh ngạc, bởi người đang bước lên, đã ngồi ở hàng ghế sau từ đầu
buổi đến giờ, suốt hàng tiếng đồng hồ, như một người không có gì quan
trọng. Dù là một hồng y, ngài không mang thánh giá đeo trước ngực theo
truyền thống của giám mục, mà chỉ mặc một áo sơ mi linh mục màu đen và
cây thánh giá nhỏ gắn trên, trông như một linh mục bình thường. Ngài gầy
và lớn tuổi, với vẻ mặt đượm buồn, và cùng thời điểm này 9 năm về trước
thật khó để hình dung một người Argentina nhún nhường và trầm mặc như
thế, một ngày nào đó được toàn thể thế giới biết đến như một con người
rạng rỡ và lôi cuốn.
Ngài mở lời bằng tiếng Tây Ban Nha mẹ đẻ
của mình, lúc đầu khá nhẹ nhàng dù vẫn toát ra khí chất vững vàng. Ngài
không cầm theo giấy. Tổng Giám mục không nói gì đến những ngày tháng mà
ngài cũng như nhiều linh mục Công giáo Mỹ La tinh xem phong trào phái
Phúc âm như một escuela de samba, buổi tập dượt điệu samba vô thưởng vô
phạt. Thay vào đó, người Argentina quyền lực nhất Giáo hội Công giáo,
vốn luôn tự xem mình là giáo hội Kitô đích thực độc nhất, nói rằng với
Thiên Chúa, những phân biệt giáo phái chẳng có ý nghĩa gì.
‘Thật tốt đẹp khi anh em chung hiệp, khi
anh em một nhà cầu nguyện với nhau. Thật tốt khi thấy rằng không một ai
phải thỏa hiệp lịch sử của mình trên đường đức tin, khi chúng ta nhiều
vẻ nhưng có mong muốn, và đã bắt đầu, là một sự sự đa dạng tương hiệp.’
Ngài đưa đôi tay lên, và gương mặt đột
nhiên sống động, lời ngài rung lên với xúc động, kêu lên Chúa: ‘Cha ơi,
chúng con đang chia rẽ. Xin hiệp nhất chúng con!’
Những người biết vị tổng giám mục này
đang hết sức kinh ngạc, bởi ngài có vẻ ngoài cứng rắn đến độ mang các
biệt danh như ‘Mona Lisa’ và ‘Carucha’ (vì cái cằm giống chó bull).
Nhưng một điều nữa đáng nhớ ngày hôm đó, là việc diễn ra ngay sau khi
ngài dứt lời. Ngài chậm rãi quỳ gối, trên sân khấu trung tâm, xin những
người tham dự cầu nguyện cho mình. Sau một khoảng nín lặng sửng sốt,
những người tham dự đã làm theo ý ngài, đi đầu là một mục sư phái Phúc
âm. Hình ảnh tổng giám mục quỳ gối giữa những người kém địa vị hơn mình,
hành động nài xin của ngài vừa mềm yếu vừa phi thường, sẽ chiếm lấy
trang nhất các báo ở Argentina.
Trong số các báo như thế, có Cabildo,
một nhật báo của những người Công giáo bảo thủ cực đoan. Đăng cùng với
hình ảnh, câu chuyện, là dòng tít với một từ giật gân chói tai: apóstata
(bội giáo). Hồng y phản bội đức tin của mình.
Và hồng y đó là Jorge Mario Bergoglio, Giáo hoàng Phanxicô tương lai.
‘Tôi
thực sự cần phải thực hiện thay đổi ngay lúc này,’ Giáo hoàng nói với
vài người bạn Argentina của mình, vào một buổi sáng khoảng 2 tháng sau
khi 115 hồng y trong Mật nghị Vatican bầu ngài từ vô danh lên ngai tòa
giáo hoàng. Với nhiều quan sát viên – một số vui mừng, số khác khó chịu –
thì tân giáo hoàng dường như đã thay đổi mọi thứ, và dường như làm việc
đó chỉ trong một ngày ngắn ngủi. Ngài là giáo hoàng gốc Mỹ La tinh đầu
tiên, giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên, là người đầu tiên sau 2000 năm không
sinh trưởng tại châu Âu, và là người đầu tiên nhận danh hiệu Phanxicô,
chiến sỹ vì người nghèo thành Asissi. Không lâu sau khi ngài được bầu
lên vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, vị lãnh đạo mới của Giáo hội Công giáo
xuất hiện trên ban công Vương cung Thánh đường thánh Phêrô trong máu áo
trắng tinh, không có áo choàng màu đỏ truyền thống, hay dải băng đỏ
thiếp vàng quanh cổ. Ngài chào đón đám đông phấn khích bằng sự đơn sơ
đến giật mình: “Fratelli e sorelle, buona sera— Chào buổi tối, các anh
chị em.” Và ngài khép lại buổi trình diện bằng lời yêu cầu, một dấu ấn
của ngài mà nhiều người Argentina đã biết: ‘Xin cầu nguyện cho tôi.’ Khi
rời đi, ngài không dùng chiếc limousine đang chờ sẵn, nhưng lên xe buýt
đi cùng các hồng y vừa bầu ngài làm đấng bề trên.
Sáng hôm sau, giáo hoàng ra trả hóa đơn
tại khách sạn mà ngài đã ngụ lại trong thời gian mật nghị. Không dọn đến
căn hộ giáo hoàng truyền thống trong Dinh thự Tông Đồ, ngài chọn sống
trong căn hộ 2 phòng ngủ tại Nhà trọ thánh Martha, nhà khách của
Vatican. Trong buổi gặp gỡ đầu tiên với báo chí quốc tế, ngài tuyên bố
tham vọng hàng đầu của mình: ‘Tôi những ước mong một Giáo hội nghèo khó
và vì người nghèo! Và thay vì cử hành thánh lễ đêm ngày Thứ năm Tuần
thánh (tưởng niệm Tiệc ly) tại vương cung thánh đường và rửa chân cho
các linh mục theo truyền thống, ngài đến làm lễ tại một nhà tù thanh
thiếu niên, rửa chân cho 12 phạm nhân, trong đó có cả phụ nữ và người
Hồi giáo. Lần đầu tiên một giáo hoàng làm như thế. Và tất cả mọi chuyện
này diễn ra chỉ trong những tháng đầu tiên của ngài trên cương vị Giám
mục thành Roma.
Các bạn người Argentina của ngài hiểu
được ngài muốn nói gì khi dùng từ ‘thay đổi.’ Dù ngay cả cử chỉ nhỏ nhất
của ngài cũng có sức nặng đáng kể, nhưng con người mà họ biết sẽ không
hài lòng khi chỉ truyền tải các biểu tượng. Ngài từng là một porteño,
người sống thực tế trên từng nẻo đường của thành phố cảng Buenos Aires.
Ngài muốn Giáo hội Công giáo làm nên một sự khác biệt lâu dài trong đời
sống của mọi người, ngài muốn Giáo hội trở nên một bệnh viện sau chiến
trận, nhận hết những ai bị thương, bất kể họ thuộc phe nào. Theo lời
giáo sỹ Abraham Skorka, người bạn Argentina của Đức Phanxicô, thì khi
theo đuổi mục tiêu này, ngài có thể là ‘một người rất ngoan cường.’
Dù với thế giới bên ngoài, Giáo hoàng
Phanxicô dường như đã đốt cháy cả bầu trời như một cơn mưa sao băng sáng
rực, thì trong nhà mình, ngài là một con người đạo đức lừng danh và có
khi đầy tranh cãi. Là con trai của một kế toán nhập cư từ vùng Piedmont,
Bắc Ý, Bergoglio đã xác định được bản thân từ thời khắc vào chủng viện
năm 1956 ở tuổi 20, sau khi đã từng làm việc chuyên ngành trong phòng
thí nghiệm và có thời gian làm bảo vệ cho quán bar. Không lâu sau đó,
ngài chọn Dòng Tên đầy trí thức làm con đường linh mục của mình. Theo
lời cha Joan Carlos Scannone, giáo sư của ngài, thì thời là học viên tại
Colegio Maximo de San José vào năm 1963, ngài có cả ‘nhận định thần
loại và kỹ năng chính trị đều cao độ,’ nên nhanh chóng trở thành người
cố vấn thiêng liêng cho các sinh viên lẫn giáo sư. Ngài dạy các cậu bé
bất kham, rửa chân cho các tù nhân, đi du học. Ngài trở thành hiệu
trưởng Colegio Maximo và cũng là một người rong ruổi trên các khu ổ
chuột khắp Buenos Aires. Và ngài vươn lên trong hàng ngũ Dòng Tên, ngay
cả khi phải đi qua nền chính trị tăm tối của một thời đại phải chứng
kiến Giáo hội Công giáo bắt tay đầy nguy hiểm với trước hết là Joan
Peron và sau là chế độ độc tài quân phiệt. Ngài bị thất sủng trước các
bề trên Dòng Tên, rồi được giải cứu khỏi thời kỳ lưu đày nhờ hồng y của
Buenos Aires, người ái mộ ngài và đưa ngài làm giám mục vào năm 1992.
Sau đó ngài là tổng giám mục năm 1998, hồng y năm 2001.
Có thiên hướng rụt è, Bergoglio, tự nhận
mình là một callejero – người lang thang ngoài đường, thích đồng bạn
với người nghèo hơn là những người có thế giá. Những thú vui của ngài
chỉ có vài thứ: văn học, bóng đá, nhạc tăng gô, và bánh gnocchi. Với tất
cả sự đơn sơ của mình, chàng porteño này là một con thú thành thị, một
nhà quan sát xã hội sắc bén, và một cách âm thầm, là một lãnh đạo bản
năng. Ngài biết cách để chiếm trọn một thời khắc, dù là vào năm 2004,
khi mạnh mẽ quở trách nạn tham nhũng trong bài diễn văn có sự tham dự
của cả tổng thống Argentina, hay tại sân vận động Luna Park vào năm
2006, khi ngài quỳ gối nhận lời cầu nguyện. Cha Carlos Accaputo, một cố
vấn thân thiết của ngài từ năm 1992, nói rằng, ‘Tôi nghĩ Chúa đã chuẩn
bị cho ngài, suốt toàn bộ sứ mạng mục tử, để cho thời khắc này.’
Hơn nữa, cương vị giáo hoàng của ngài
không phải là chuyện may mắn tình cờ. Massimo Franco, nhà báo Roma, cho
biết, ‘Việc bầu ngài xuất phát từ một chấn thương’ từ một sự đột ngột,
khi sau gần 6 thế kỷ, giáo hoàng đương vị Bênêđictô XVI thoái vị, và còn
từ một cảm nghĩ ngày càng tăng trong các hồng y cấp tiến cho rằng tâm
thức cổ hủ và trọng Âu châu của Tòa Thánh đang làm mục rữa Giáo hội Công
giáo từ bên trong.
Một buổi sáng, ngồi trong phòng khách
căn hộ của mình, giáo hoàng thừa nhận với các ông bạn già về những thách
thức đang chờ ngài. Sự hỗn loạn về tài chính trong IOR, hay ngân hàng
Vatican. Sự tham lam quan liêu đang làm hại quản trị trung ương là Giáo
triều Roma. Những vạch trần không ngừng về các linh mục ấu dâm được bao
che. Đức Phanxicô nhanh chóng đi từ vấn đề này qua vấn đề khác, và theo
lời của mục sư học giả Norberto Saracco bạn cũ của giáo hoàng thì, ‘ngài
đang gây thù chuốc oán với nhiều người. Ngài không ngây thơ, OK?’
Mục sư Saracco nhớ lại những lời mình
nói về sự táo bạo của giáo hoàng. ‘Jorge, chúng tôi biết là cha không
mặc áo chống đạn. Mà có quá nhiều người điên khùng ngoài kia đó.’
Đức Phanxicô bình thản trả lời, ‘Chúa
đặt để tôi ở đây. Ngài sẽ canh chừng cho tôi.’ Dù không muốn được làm
giáo hoàng, nhưng theo lời ngài, thì khi tên ngài được xướng lên giữa
mật nghị, ngài cảm thấy một sự bình an khôn cùng. Và bất chấp những oán
thù mà ngài có thể gánh chịu, ngài vẫn bảo đảm với các bạn mình, ‘Tôi
vẫn cảm thấy một sự bình an như thế.’
Nhưng Vatican cảm nhận thế nào là một chuyện khác.
Khi Federico Wals, nhiều năm làm phụ tá
báo chí cho Đức Bergoglio, đi từ Buenos Aires đến Roma hồi năm ngoái để
gặp ngài, ông lần đầu gặp cha Federico Lombardi, viên chức truyền thông
thâm niên của Vatican, với công việc cũng hệt như của Wals chỉ khác là ở
tầm mức lớn hơn rất nhiều. Wals hỏi, ‘Vậy cha cảm nhận thế nào về sếp
cũ của tôi?’ Nở một nụ cười, cha Lombardi trả lời, ‘Rối loạn mơ hồ.’
Cha Lombardi đã làm phát ngôn viên cho
Đức Bênêđictô, một con người của chất Đức chính xác từng li từng tí.
Theo lời cha Lombardi, thì sau khi gặp gỡ với một nguyên thủ, Đức
Bênêđictô sẽ cho ra một tổng kết rõ ràng. Và cha nói với giọng tiếc
nuối: ‘Thật phi thường. Đức Bênêđictô quá rõ ràng. Ngài sẽ nói, ‘Chúng
tôi nói về những chuyện này, tôi đồng ý với những điểm này, tôi sẽ lập
luận chống lại những điểm kia, mục tiêu của buổi hội kiến kế tiếp sẽ là
điểm này,’ chỉ trong vòng 2 phút, là tôi đã rõ về nội dung buổi gặp gỡ
rồi. Còn với Đức Phanxicô thì, ‘Đây là một người khôn ngoan, ông ấy có
những kinh nghiệm thú vị.’
Cười với vẻ có đôi chút bất lực, cha
Lombardi thêm rằng, ‘Ngoại giao với Đức Phanxicô không phải là chiến
lược, nhưng là ‘Tôi gặp người này, chúng tôi có một mối quan hệ riêng,
hãy để chúng tôi làm việc tốt cho mọi người và cho giáo hội.”
Phát ngôn viên của giáo hoàng xử lý các
tin tức Vatican, trong gian phòng họp báo ở tòa nhà của Vatican Radio,
cách sông Tiber vài bước. Cha Lombardi mang chiếc áo linh mục hơi nhàu,
thật khớp với sự bối rối của mình. Cha cho biết, chỉ mới hôm qua, giáo
hoàng tiếp khoảng 40 lãnh đạo Do Thái giáo tại Nhà trọ thánh Martha, và
văn phòng báo chí Vatican chỉ được biết chuyện này sau khi nó đã diễn
ra. ‘Không một ai biết ngài đang định làm gì. Ngay cả thư ký riêng của
ngài cũng không biết. Tôi phải gọi điện quanh: Người này biết phần này
lịch trình của ngài, người kia thì phần kia.’
Trưởng truyền thông Vatican nhún vai và nhận xét, ‘Đời là thế’
Dưới thời Đức Bênêđictô, một học giả vẫn
tiếp tục viết các sách thần học trong 8 năm trên ngai giáo hoàng, và
dưới thời thánh Gioan Phaolô II, một diễn viên nhạc kịch và nhà ngôn ngữ
học với triều giáo hoàng 27 năm, cuộc sống thật khác. Cả hai người đều
là những người gìn giữ đáng tin cậy cho sự chính thống của giáo hoàng.
Còn giáo hoàng này, với chiếc đồng hồ nhựa và đôi giày chỉnh hình bự
chảng (bởi ngài bị tật nhẹ ở một chân) đi ăn sáng trong nhà ăn tự phục
vụ của Vatican, thì cần mọi người phải tập làm quen dần. Cũng như vậy
với óc hài hước của ngài, vốn rất ngoài khuôn phép. Sau khi một người
bạn cũ từ Argentina, tổng giám mục Claudio Maria Celli, ghé thăm tại Nhà
trọ thánh Martha, Đức Phanxicô nhất quyết tiễn khách đến tận thang máy.
‘Tại sao lại thế?’ Đức cha Celli hỏi. ‘Để chắc là tôi đã đi rồi chứ gì?’
Giáo hoàng đáp ngay lập tức, ‘Và để chắc là cha không thó cái gì theo nữa.’
Khi cố ước đoán xem đường đi nước bước
của giáo hoàng 78 tuổi này, có lẽ nên nhìn vào viên chức thân cận nhất
của ngài, hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh, một nhà ngoại giao kỳ
cựu đầy trọng vọng, và quan trọng nhất là được Đức Phanxicô tin tưởng
bởi, ‘không quá tham vọng và giáo hoàng biết điều này. Với giáo hoàng,
đây là một phẩm chất căn bản.’ Cùng lúc đó, Đức Phanxicô đã giảm mạnh
quyền hạn của phủ Quốc vụ khanh, nhất là về mặt tài chính của Vatican.
Cha Lombardi nói, ‘Vấn đề với chuyện này, là do cơ cấu của giáo triều
không còn rõ ràng. Tiến trình đang diễn tiến, và kết quả cuối cùng thì
chẳng ai biết được. Quốc vụ khanh không phải là trung tâm, và giáo hoàng
có nhiều mối quan hệ trực tiếp với ngài, không qua trung gian.’
Nhấn mạnh sự đảo lộn này, phát ngôn viên
Vatican cho biết, ‘Có thể nói, đây là điều tích cực, bởi trong quá khứ,
có nhiều chỉ trích cho rằng có những người có quyền lực còn hơn cả giáo
hoàng. Còn bây giờ, chẳng ai còn nói thế nữa.’
Cũng
như trong nhiều thể chế khác, Vatican không dễ gì thay đổi một sớm một
chiều, và lại có khuynh hướng nghi ngờ những ai đem lại thay đổi. Từ thế
kỷ XIV, trung ương của Công giáo là thành quốc 110 mẫu bên trong Roma
này. Thành quốc Vatican từ lâu là một điểm đến du lịch, với Nhà nguyện
Sistine và Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, cũng như là nơi hành
hương của 1.2 tỷ người Công giáo toàn cầu. Và có thể nói là cả thế giới
đến với Vatican, chứ không bao giờ ngược lại. Nhưng thiết kế của Vatican
cũng cho thấy điều đó, một lãnh thổ tự đủ, với ban quản trị thành phố
riêng, lực lượng cảnh sát, tòa án, đội cứu hỏa, tiệm thuốc, bưu điện,
cửa hàng bách hóa, báo chí, và cả đội cricket riêng nữa. Vaticanisti,
đội ngũ báo chí của Vatican, giám sát những biến động của thể chế với
chủ nghĩa hoài nghi của các nhà báo thành thị. Lực lượng nhân công
Vatican không phải trả thuế mua bán ở thành quốc này. Bộ máy ngoại giao
của Vatican, cũng có vẻ quan liêu, thiên vị các giám mục được ưu ái,
trong khi bỏ mặc những vùng tương đối ảm đạm khác trên thế giới. Trong
nhiều thế kỷ, Vatican đã vượt qua những cuộc tấn công, dịch bệnh, nạn
đói, chủ nghĩa phát xít, và các tai tiếng. Bức tường Vatican đã đứng
vững ngăn chặn lại tất cả.
Bây giờ, xuất hiện Đức Phanxicô, một con
người bất chấp các bức tường, và là người từng nói với một người bạn
khi đi qua Casa Rosada, dinh tổng thống Argentina rằng: ‘Làm sao họ biết
được những người dân thường muốn gì khi lại đi xây hàng rào bọc kín
mình như thế?’ Theo Franco, tác giả quyển Đức Phanxicô và Vatican,
thì ngài là một ‘giáo hoàng ngay tầm tay, một ngược đời.’ Khái niệm này
dường như đã khiến khuôn mặt đờ đẫn của Vatican tái xanh tái mét.
Ramiro de la Serna, một linh mục dòng
Phanxicô ở Buenos Aires, đã quen biết giáo hoàng hơn 30 năm cho biết,
‘Tôi tin là chúng tôi chưa được thấy các thay đổi thật sự. Và tôi cũng
tin là chúng ta chưa thấy các chống đối thực sự.’
Các viên chức Vatican vẫn đang lượng
định con người này. Họ có khuynh hướng xem những phản ứng mở lòng của
giáo hoàng là bằng chứng rõ ràng thể hiện ngài là một sinh vật thuần bản
năng. ‘Hoàn toàn bộc phát,’ đây là nhận định của cha Lombardi về các
hành vi gây nhiều bình luận của Đức Phanxicô trong chuyến công du Trung
Đông, trong đó có việc ngài ôm một người Hồi giáo, Omar Abboud, và một
giáo sỹ Do Thái, bạn của ngài Abraham Skorka, sau khi cùng nhau cầu
nguyện tại Bức tường Phía Tây. Nhưng thực sự là, theo lời Skorka, ‘Tôi
đã thảo luận với ngài trước khi lên đường đi Thánh địa, tôi bảo ngài,
‘Giấc mơ của tôi là cùng ôm nhau, với cha, và Omar, dưới bức tường này.’
Chuyện Đức Phanxicô đồng ý trước với
mong muốn của giáo sỹ Skorka, không khiến cho hành động này bớt sự thật
tâm chút nào. Nhưng lại là biểu hiện cho việc mỗi một hành động và lời
lẽ của ngài sẽ được phân tích để tìm cho ra những dấu chỉ biểu tượng.
Những người bạn của Jorge Bergoglio, biết rằng sự cẩn trọng luôn có
trong ngài, và họ cười vào ý tưởng nghĩ rằng ngài ngây thơ ngơ ngác. Họ
mô tả ngài là một ‘kỳ thủ’ một người mà mọi ngày sống đều được ‘tổ chức
hoàn hảo,’ trong đó ‘mỗi một bước đi đều được suy tính.’ Chính
Bergoglio, cách đây vài năm, cũng đã nói với 2 nhà báo Ambrogetti và
Sergio Rubin, rằng ngài hiếm khi chú tâm đến những cơn bốc đồng, bởi với
ngài, ‘câu trả lời đầu tiên đến trong tôi thường là sai lầm.’
Ngay
cả trong nhưng thay đổi lối sống quyết liệt mà ngài mang lại, Đức
Phanxicô vẫn có sự nhượng bộ chung với các thực thể ở Vatican. Ngài đề
xuất rằng các vệ binh Thụy Sĩ không cần phải đi theo ngài khắp mọi nơi,
nhưng ngài vẫn chấp nhận việc họ lúc nào cũng theo sát ngài như hình với
bóng. (Ngài thường nhờ các vệ binh chụp ảnh cho ngài với các vị khác,
và đây cũng là một sự nhượng bộ nữa, bởi Bergoglio từ lâu không thích
ống kính máy ảnh.) Dù ngài tránh thường xuyên dùng chuyên xa giáo hoàng
với kính chống đạn, vốn được lắp đặt kể từ sau vụ ám sát Đức Gioan
Phaolô II hồi 1981, nhưng ngài cũng biết là mình không còn có thể đi xe
điện ngầm và đi quanh các khu thị dân như thời còn ở Buenos Aires. Mà
ngài cũng than thở về điều này, 4 tháng sau khi làm giáo hoàng, ngài nói
‘Bạn cũng biết tôi quá thường có ý muốn đi dọc các con phố Roma, bởi ở
Buenos Aires, tôi thích đi rảo bộ trong thành phố. Tôi thực sự thích làm
thế. Có thể nói, tôi cảm giác như mình bị nhốt trong cũi vậy.’
Các bạn bè bảo rằng là lãnh đạo của
Vatican và là một người Argentina, ngài cảm thấy phải có trách nhiệm
tiếp tổng thống nước này, Cristina Fernández de Kirchner, cho dù sự thật
đau lòng vì rõ ràng là bà đã dùng các buổi hội kiến này cho lợi ích
chính trị bản thân. Mục sư phái Phúc âm Juan Pablo Bongarrá, nhận định,
‘Khi Bergoglio tiếp tổng thống một cách thân thiện, thì hoàn toàn là một
ơn huệ. Bà ấy không xứng đáng. Nhưng đó là cách Chúa yêu thương chúng
ta, hoàn toàn là ân sủng.’
Với Wals, phụ tá báo chí cũ của ngài,
đường lối thận trọng của Đức Bergoglio với cương vị giáo hoàng hoàn toàn
không có gì ngạc nhiên. Thật vậy, điều này đã được báo trước bởi cách
ngài để trống tòa Tổng giám mục Buenos Aires. Nhận thấy mật nghị có khả
năng sẽ bầu ngài, bởi dù sao ngài là người về nhì sau Đức Ratzinger
trong mật nghị hồng y 2005, nên vào tháng 3, 2013, tổng giám mục lên
đường đi Roma với lời căn dặn Wals rằng, ‘tất cả mọi thư tín phải xong,
tiền bạc đâu ra đó, mọi thứ chỉnh chu hoàn hảo. Và đêm trước khi ngài
lên đường, ngài đã gọi tôi chỉ để rà soát lại từng chi tiết công việc,
và cho tôi lời khuyên về tương lai, như một người biết rằng mình sắp lên
đường cho vận hội mới vậy.’
Và cho dù vẻ ngoài thanh bình, nhưng dù
gì Đức Phanxicô vẫn nhận lấy những trách nhiệm mới với một sức nặng áp
lực cộng hưởng với cá tính tự phản của mình. Hồi năm ngoái, ngài có nói
với một cựu học sinh của mình, giờ là nhà báo Jorge Milia người
Argentina, ‘Cha vẫn tìm quanh trong thư viện của Đức Bênêđictô, nhưng
không thể tìm ra quyển cẩm nang. Vậy nên cha xoay xở điều hành hết sức
cha có thể.’
Và truyền thông xem ngài là một nhà cải
cách. Một người cấp tiến. Một nhà cách mạng. Nhưng ngài cũng chẳng phải
điều gì trong số này. Ảnh hưởng của ngài xa hơn nhiều và không thể gói
hẹp trong tiêu chuẩn này được. Đức Phanxicô đã khơi lên một tia lửa
thiêng trong lòng, không chỉ những người Công giáo, nhưng còn trong Kitô
hữu các phái khác, trong các đức tin khác, và cả trong những người
không tín ngưỡng. Như giáo sỹ Skorka nói, ‘Ngài đang thay đổi lòng đạo
trên khắp thế giới.’ Việc lãnh đạo của Giáo hội Công giáo được nhìn nhận
rộng rãi, là một tin tốt lành cho thể chế vốn suốt vài năm trước đó
toàn nhận tin xấu. Cha Thomas J. Reese, Dòng Tên và nhà phân tích kỳ cựu
của tờ National Catholic Reporter cho biết, ‘Hai năm về trước, nếu bạn
hỏi ai đó trên đường, ‘Giáo hội Công giáo sống vì điều gì và chống điều
gì?’ thì bạn sẽ được câu trả lời, ‘Giáo hội chống hôn nhân đồng tính,
chống kiểm soát sinh sản’ hay đủ thứ tương tự như thế. Còn bây giờ, họ
sẽ nói, ‘Ồ, có giáo hoàng, ngài là người yêu thương người nghèo và không
sống trong cung điện.’ Thật là một thành tựu phi thường cho một thể chế
lâu đời. Tôi hay nói đùa rằng Trường Kinh doanh Harvard có thể mời ngài
về dạy môn tái hình tượng nhãn hàng. Và các chính trị gia ở Washington
sẽ ghen tỵ chết được với tỷ lệ ủng hộ của ngài.
Tất
nhiên, rõ ràng với các viên chức Vatican, thì cảnh tượng mọi người thần
tượng nhân cách của giáo hoàng có vẻ không được hay cho lắm. Với một
vài người này, thì sự nổi tiếng của giáo hoàng là một mối đe dọa. Bởi
như thế sẽ tăng cường cho ủy lệnh mà các hồng y bầu ngài mong muốn có
một lãnh đạo bỏ đi sự xa cách vương giả và biết mở rộng tầm quần chúng
thiêng liêng của giáo hội. Hồng y Peter Turkson của Ghana từng cho biết,
‘Ngay trước mật nghị, khi tất cả hồng y tề tựu, chúng tôi chia sẻ quan
điểm của mình. Có một tâm khí rõ ràng: Hãy thay đổi. Tâm khí này rất
mạnh mẽ từ trong mà ra. Không ai nói là, ‘Không bầu người Ý hay người Âu
châu,’ nhưng trong lòng mọi người cưu mang một khao khát thay đổi.
‘Hồng y Bergoglio về căn bản khá vô danh
với tất cả mọi người hiện diện. Nhưng ngài đứng lên phát biểu, kiểu như
một bản tuyên ngôn của ngài vậy. Ngài khuyên chúng tôi cần phải nghĩ về
một giáo hội lên đường ra các vùng ven, không phải chỉ về mặt địa lý
nhưng là những vùng ven của cuộc hiện sinh nhân loại. Với ngài Tin mừng
mời gọi tất cả chúng ta phải có sự nhạy cảm này. Đó chính là đóng góp
của ngài. Và điều này đem lại một sự tươi mới cho thực hành chăm lo mục
vụ, một cảm nghiệm khác biệt về việc chăm lo cho dân Chúa.’
Với những người muốn thay đổi như hồng y
Turkson, Đức Phanxicô đã không gây thất vọng. Trong vòng 2 năm, ngài đã
tấn phong 39 hồng y, 24 trong số đó là ngoài châu Âu. Trước bài diễn
văn gây bùng nổ hồi tháng 12 năm ngoái, trong đó ngài chỉ ra các ‘chứng
bệnh’ đang tác hại giáo triều (trong số đó là ‘tự đắc,’ ‘đàm tếu,’ và
‘lợi lộc trần gian’) giáo hoàng đã chọn ra 9 hồng y , trong đó có 7
người ngoài giáo triều, để thực hiện cải tổ thể chế. Ngài gọi hành vi
xâm hại tình dục trong giáo hội là ‘tà phái phạm thượng’ và đã lập Ủy
ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ em với trưởng ban là tổng giám mục Boston,
Seán Patrick O’Malley. Để làm minh bạch tài chính Vatican, giáo hoàng
đưa về một đấu thủ rugby cứng rắn, hồng y George Pell của Sydney, Úc, và
đặt làm giám sự Phòng Kinh tế, một sắp đặt có thể xem Pell ngang hàng
với Quốc vụ khanh. Giữa những việc bổ nhiệm này, giáo hoàng đã có một
hành động làm đẹp lòng các người cận vệ già: Ngài giữ hồng y Gerhard
Müller, tại vị Thánh bộ Giáo lý Đức tin.
Những bước đi này có tầm quan trọng lớn,
nhưng thật khó để nói được là sẽ dẫn đến đâu. Các manh mối đầu tiên chỉ
là những chuyện vừa xa vừa gần với cả những người cải cách lẫn truyền
thống. Ngay cả khi ngài chấp thuận cho một giám mục Hoa Kỳ từ nhiệm,
người đầu tiên bị kết tội đã không báo cáo các vụ tình nghi xâm hại trẻ
em, Đức Phanxicô cũng phong giám mục cho một linh mục Chilê bị cho là đã
bao che cho các vụ xâm hại tình dục của một linh mục khác, và gây nhiều
phản đối trong buổi lễ tấn phong. Hơn nữa, Hội đồng Sơ bộ về Gia đình
mà Đức Phanxicô triệu tập hồi tháng 10 năm ngoái, không đưa ra một thay
đổi giáo lý nào, làm an lòng những người Công giáo bảo thủ vốn đang lo
sợ. Nhưng hội đồng thực sự vào tháng 10 năm nay, có thể có một kết quả
khác. Về vấn đề bỏ lệnh cấm rước lễ đối với những người Công giáo li dị
mà không tiêu hôn, thì cha Scannone, bạn và từng là giáo sư của giáo
hoàng cho biết, ‘Ngài bảo tôi rằng, ‘Tôi muốn lắng nghe tất cả mọi
người.’ Ngài đang chờ đợi hội đồng thứ hai, và ngài sẽ lắng nghe tất cả
mọi người, nhưng chắc chắn là sẵn sàng thay đổi.’ Cũng như vậy, mục sư
phái Ngũ tuần, Saracco, đã thảo luận với giáo hoàng về khả năng bỏ điều
kiện độc thân đối với linh mục. ‘Nếu ngài có thể qua được các áp lực của
giáo hội ngày nay và cả kết quả của Hội đồng về Gia đình vào tháng 10,
thì tôi nghĩ sau đó ngài sẽ sẵn sàng nói về vấn đề độc thân.’ Khi tôi
hỏi liệu giáo hoàng đã nói với ông về chuyện này hay là ông dự đoán, thì
mục sư Saracco mỉm cười ý vị, ‘Đây hơn là ước đoán.’
Một
lần nữa, những lời nói và hành động của giáo hoàng đã trở thành một
biểu hiện để cho những người quan sát có thể diễn giải theo ý mình. Với
một người nói năng và có những thói quen đơn giản, thì điều này có vẻ
thật ngược đời. Nhưng đây cũng không phải là chuyện mới.
Năm 2010, Yayo Grassi, chủ hãng thực
phẩm ở Washington, đã gởi một email cho thầy giáo cũ của mình, tổng giám
mục Buenos Aires. Grassi, một người đồng tính, đã đọc thấy trên báo
rằng ân sư của mình lên án dự luật muốn hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.
‘Cha là hướng dẫn của con, luôn luôn lay động tầm nhìn cho con, cha đã
thành hình nên những khía cạnh cấp tiến nhất trong thế giới quan của
con. Và nghe được tin này từ cha, thật quá thất vọng.’
Tổng giám mục Buenos Aires đã trả lời
bằng email (mà chắc chắn là ngài đã đưa một mảnh giấy viết tay cho thư
ký, bởi cho đến tận bây giờ, ngài vẫn không dùng đến internet, máy tính,
hay ngay cả một chiếc điện thoại cầm tay. Còn văn phòng báo chí Vatican
chuẩn bị các câu tweet cho 9 tài khoản twitter @Pontifex, với 20 triệu
người theo dõi, và gởi chúng đi sau khi được giáo hoàng chấp thuận.)
Ngài bắt đầu nói rằng những lời của Grassi ở trong lòng ngài. Quan điểm
của Giáo hội Công giáo về vấn đề hôn nhân là như cũ. Nhưng, Bergoglio
vẫn đau lòng khi biết rằng mình đã làm học trò cũ phải buồn. Ngài bảo
đảm với Grassi rằng truyền thông đã xuyên tạc quan điểm của ngài. Giáo
hoàng tương lai nói rằng, trên tất cả, trong công việc mục vụ của ngài,
không có chỗ cho thói dị ứng với người đồng tính.
Thư từ giữa hai người cho chúng ta
thoáng thấy những gì chúng ta nên và không nên kỳ vọng nơi triều giáo
hoàng của ngài. Đến tận cùng, Bergoglio không chối bỏ lập trường của
mình là chống lại hôn nhân đồng tính, vốn ngài đã viết rõ trong email
trên, xem đây là một mối đe dọa đến ‘căn tính và sự tồn tại của gia đình
với cha, mẹ và con cái.’ Không ai trong số hơn chục người bạn của ngài
mà tôi đã phỏng vấn tin rằng Đức Phanxicô sẽ chỉnh lý lập trường của
Giáo hội về vấn đề này.
Nhưng những gì phục hồi lòng kính trọng
mà Grassi dành cho thầy cũ, chính xác là những gì đã hút lấy hàng đám
đông trên quảng trường thánh Phêrô, và chắc chắn là trong cả chuyến công
du Hoa Kỳ tháng 9 này. Đó chính là màu trắng tinh nguyên của bộ áo giáo
hoàng, hiện thể một sự đơn sơ dễ gần. Lòng ham thích đường phố của một
porteño, hợp nhất với niềm tin của Dòng Tên vào sự gắn bó mạnh mẽ với
cộng đồng, tạo nên sự gặp gỡ, vốn vừa đi ra tìm kiếm vừa lắng nghe, một
dấn thân đầy kiên quyết và gian nan hơn nhiều so với việc đưa ra những
sắc lệnh khô khan. Làm được thế cần có lòng dũng cảm của khiêm nhượng.
Đây chính là điều đã thúc giục Bergoglio quỳ gối và xin hàng ngàn Kitô
hữu phái Phúc âm cầu nguyện cho mình. Đây chính là điều đã khiến ngài
bật khóc khi đến thăm khu ổ chuột ở Buenos Aires, nơi từng có người
tuyên bố rằng mình biết tổng giám mục là một người trong số họ, bởi từng
thấy ngài ngồi đằng sau xe buýt. Đây chính là điều buộc ngài, trên
cương vị giáo hoàng, không chịu cho một linh mục Albania hôn kính tay
mình, và thay vào đó là hôn lấy bàn tay con người đã từng bị bỏ tù và
tra tấn vì đức tin này, rồi ôm chầm lấy mà khóc. Và cũng chính điều này
đã khiến ngài cách đây 2 năm, thốt ra những lời đơn sơ mà đánh động, trả
lời cho câu hỏi khó xử về các linh mục đồng tính: ‘Tôi là ai mà phán
xét?’
Điều này cũng có vẻ là sứ mạng của giáo
hoàng: khơi lên một cuộc cách mạng trong lòng Vatican và cả bên ngoài
thế giới, mà không đảo lộn những giáo lý lâu đời. ‘Ngài sẽ không thay
đổi giáo lý,’ De la Serna, người bạn Argentina của ngài nhất quyết như
thế. ‘Điều ngài sẽ làm là đưa giáo hội về với giáo lý đích thực, giáo lý
đã bị lãng quên, giáo lý đặt con người vào vị trí trung tâm. Giáo hội
đã đặt tội lỗi vào vị trí trung tâm quá lâu rồi. Bằng cách đặt đau khổ
của con người, và mối liên hệ với Thiên Chúa, về lại vị trí trung tâm,
thì những thái độ khắc nghiệt đối với đồng tính luyến ái, li hôn, và
những chuyện khác sẽ bắt đầu thay đổi.’
Rồi một lần nữa, con người nói với các
bạn của mình rằng mình cần phải ‘bắt đầu thực hiện thay đổi ngay bây
giờ,’ không có được thời gian đứng về phía mình. Lời nhận định của chính
ngài hồi đầu năm nay, cho rằng triều giáo hoàng của mình sẽ ‘chỉ 4 hay 5
năm’ đã không làm các bạn đồng hương của ngài ngạc nhiên, bỏi họ biết
rằng ngài muốn sống những năm cuối đời nơi quê nhà. Nhưng những lời này
chắc chắn là một xoa dịu với những ‘cây gộc’ trong lòng Vatican, những
người sẽ làm hết sức mình để làm chậm những nỗ lực của Đức Phanxicô mong
muốn cải cách giáo hội, và hi vọng rằng người kế vị ngài sẽ bớt đối
nghịch với họ.
Nhưng cuộc cách mạng này, dù có thành
công hay không, cũng không giống như bất kỳ cuộc cách mạng nào khác. Khi
tân tổng giám mục Buenos Aires, hồng y Mario Poli, đến thăm Đức
Phanxicô tại Vatican, và bình luận về việc thật kinh ngạc khi thấy người
bạn khắc khổ một thời giờ đang có một nụ cười xuất hiện khắp mọi nơi,
thì giáo hoàng ngẫm nghĩ những lời này, như lâu nay vẫn vậy.
Rồi Đức Phanxicô, mỉm cười, chắc chắn mỉm cười, và nói, ‘Thật là thú vị khi làm giáo hoàng.’
_______________________________
Nhiếp ảnh gia Dave Yoder và nhà báo Robert Draper cũng hợp tác trong quyển sách sắp phát hành của National Geographic, Giáo hoàng Phanxicô và Vatican Mới.