Tìm Kiếm

10 tháng 7, 2015

Từ gia đình đến xã hội – Bài học yêu thương và dung nạp


Giáo hoàng Phanxicô ôm bà Imelda Caicedo, đại diện cho liên hiệp nông dân ven biển Ecuador, sau bài diễn văn của bà

Sự kiện công chúng cuối cùng trong ngày là buổi gặp với cộng đồng dân sự của Ecuador trong nhà thờ thánh Phanxicô ở Quito. Nhà thờ này được ví là El Escorial của Tân Thế giới, bởi vẻ nguy nga về nghệ thuật và kiến trúc, và đây là nhà thờ Công giáo được xây dựng lâu đời nhất ử châu Mỹ La tinh. Chính từ đây, nơi cho ngài ‘cảm giác như ở nhà,’ Đức Phanxicô trình bày một trong những giáo huấn truyền thống của huấn giáo xã hội Kitô giáo là: tư hữu không phải là quyền tuyệt đối.
Đức Phanxicô nêu ra điểm này bằng cách so sánh giữa gia đình và xã hội.

Giáo hoàng Phanxicô trong buổi gặp với cộng đồng dân sự của Ecuador trong nhà thờ thánh Phanxicô ở Quito

‘Trong gia đình, cha mẹ, ông bà và con cái, cảm nhận là mình đang ở nhà, trong mái ấm, không một ai bị loại trừ. Nếu ai đó có vấn đề, dù là nghiêm trọng, ngay cả khi người đó tự chuốc lấy, thì toàn thể gia đình đều giúp đỡ, ủng hộ cho người đó. Mọi người đều cảm nhận niềm vui và nỗi buồn của nhau. Lại hiện về trong tôi hình ảnh những bà mẹ, người vợ mà tôi thấy ở Buenos Aires, xếp hàng dài vào những ngày thăm nom, để được gặp người con hay người chồng tay nhúng chàm của mình. Họ không bỏ rơi con cái, hay chồng mình, bởi người đó là gia đình của họ.

Xã hội không phải cũng nên như thế hay sao? Vậy mà các quan hệ trong xã hội và đời sống chính trị của chúng ta lại thường đặt trên sự đối chọi và nỗ lực hạ bệ đối thủ của mình, trên sự chia bè phân cánh. Vị thế của tôi, quan niệm của tôi, và kế hoạch của tôi sẽ được tiến lên nếu như tôi có thể thắng thế người khác và áp đặt được ý muốn của mình. Chính điều này tạo nên một văn hóa thải loại trên nhiều chiều kích mang tầm vóc toàn cầu. Gia đình có như thế hay không?

Trong gia đình, tất cả mọi người chung tay cho mục đích chung, tất cả mọi người làm việc vì lợi ích chung, không chối bỏ cá tính của mỗi người nhưng là khích lệ và nâng đỡ nó. Mọi người đều cảm nhận niềm vui và nỗi buồn của nhau. Đây chính là ý nghĩa của gia đình! Giá mà chúng ta có thể xem đối thủ chính trị hay người lân cận mình theo cách như thế, theo cách chúng ta nhìn con cái, người vợ, người mẹ, người cha của mình! Chúng ta có yêu xã hội của mình không? Chúng ta có yêu đất nước mình, yêu cộng đồng mà chúng ta đang cố xây dựng không? Chúng ta có yêu theo kiểu mơ hồ, lý thuyết suông hay không? Trong Linh thao, thánh Inhaxiô đã nói rằng tình yêu được thể hiện trong hành động hơn là trong lời nói. Chúng ta hãy yêu bằng hành động hơn là lời nói!’

Nói về cảm nghiệm gia đình, Đức Phanxicô nhắc lại rằng, ‘Trong gia đình, chúng ta tìm thấy các giá trị nền tảng của tình yêu, tình huynh đệ, và tôn trọng lẫn nhau, vốn được chuyển dịch thành các giá trị căn bản của toàn xã hội, là biết ơn, đoàn kết và phân quyền bổ trợ. Các bậc cha mẹ biết rằng tất cả con cái mình đều được yêu thương như nhau, cho dù mỗi đứa con đều có đặc nét riêng của chúng. Nhưng khi con cái từ chối chia sẻ những gì chúng ta đã được nhận nhưng không, thì mối quan hệ này đổ vỡ. Đôi khi tôi hỏi các trẻ em, ‘nếu con có hai cây kẹo, và bạn của con đến, thì con sẽ làm gì’ Hầu hết các em đều nói rằng: ‘Con sẽ cho bạn ấy một cái.’ Rồi tôi lại hỏi: ‘và nếu con chỉ có một?’ Có em nói: ‘Con sẽ cho bạn bạn ấy.’ Em thì nói, ‘Con sẽ chia.’ Em khác lại nói, ‘Con cất kẹo vào túi …’ Đó đó Chính tình yêu của cha mẹ giúp trẻ em vượt được tính ích kỷ, và học biết sống với người khác, biết nhường nhịn và kiên nhẫn. Trong đời sống xã hội lớn hơn, chúng ta phải thấy được rằng ‘sự biết ơn’ không phải là một điều phụ trợ, nhưng là điều tiên quyết cần thiết cho công bằng.

Giáo hoàng Phanxicô được một em nhỏ ôm chào tại buổi nói chuyện với công đồng dân sự Ecuador 08-7
Giáo hoàng Phanxicô được một em nhỏ ôm chào tại buổi nói chuyện với công đồng dân sự Ecuador 08-7

Những gì chúng ta là, những gì chúng ta có, đã được trao cho chúng ta để chúng ta có thể lấy đó mà phục vụ tha nhân. Bổn phận của chúng ta là sinh hoa trái trong những việc tốt lành. Của cải trên thế giới được định cho tất cả mọi người, và cho dù tôi có thu tóm bao nhiêu đi chăng nữa, thì đó vẫn là của cầm cố từ xã hội. Như thế, chúng ta vượt qua được cái công bằng kinh tế vốn dựa trên thương mại, mà hướng đến công bằng xã hội, vốn gìn giữ quyền căn bản của con người là quyền được có một đời sống đúng phẩm giá.

Việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên, vốn rất dồi dào ở Ecuador, không được chỉ tính đến các lợi ích ngắn hạn. Mà chúng ta có trách nhiệm phải coi sóc môi trường và các tài nguyên thiên nhiên. Trong số chúng ta ngày hôm nay, có các anh chị em đại diện cho các dân tộc thổ dân bản xứ ở vùng Amazon Xích đạo. Vùng đất này là một trong những khu vực trù phú nhất về số lượng giống loài và nhất là các loài đặc hữu quý hiếm ít được bảo vệ … vùng này cần được bảo vệ hơn nữa bởi tầm quan trọng vô cùng của nó với hệ sinh thái toàn cầu …

Ecuador, như nhiều quốc gia Mỹ La tinh khác, bây giờ đang trải nghiệm các thay đổi văn hóa và xã hội sâu sắc, các thách thức mới mà mọi phần xã hội đều phải đối diện. Di cư, các thành phố quá tải, chủ nghĩa tiêu thụ, khủng hoảng trong gia đình, thất nghiệp và ngõ cụt của nghèo khổ, tất cả những điều này gây nên bất định và căng thẳng đe dọa sự hòa hợp xã hội. Các luật và quy định, cũng như định hướng xã hội, cần phải nhắm đến sự dung nạp, tạo điều kiện cho đối thoại và gặp gỡ, và bỏ đi mọi loại đàn áp, những kiểm soát quá đáng, hay tước đoạt tự do như trong quá khứ đau thương mà chúng ta từng biết.

Hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn, cần đến việc cho mọi người những cơ hội thực sự, đặc biệt là với người trẻ, hãy tạo công ăn việc làm và bảo đảm tăng trưởng kinh tế được chia đều cho tất cả mọi người (chứ không phải chỉ là chuyện trên giấy tờ, trong các phân tích vĩ mô,) và hãy thăng tiến một sự phát triển bền vững có thể tạo được một kết cấu xã hội vững chắc và cố kết. Tỷ lệ thất nghiệp đang thật đáng báo động, ở các nước châu Âu, 40% người trẻ dưới 25 tuổi, đang thất nghiệp, … và các con số về tỷ lệ tự vẫn trong giới trẻ vẫn chưa được công bố cho đủ. Ngày nay, khi chúng ta không xác định rõ nền văn hóa thải loại này, không chung tay đoàn kết, thì trẻ em là những người đầu tiên bị thải loại, bị vứt đi, các em không được phép ra đời, và ở nhiều quốc gia tỷ suất sinh là 0%.

Cuối cùng, sự tôn trọng người khác, mà chúng ta học được trong gia đình, được thể hiện trong xã hội qua sự phân quyền bổ trợ. Khi nhận ra được rằng các quyết định của chúng ta không nhất thiết là những quyết định chính đáng duy nhất, thì đó chính là một sự thực hành lành mạnh trong khiêm nhượng. Khi nhìn nhận sự tốt đẹp vốn có của người khác, ngay cả khi họ có nhiều hạn chế, chính là chúng ta thấy được sự phong phú hiện diện trong đa dạng và thấy được giá trị của sự bổ túc. Các cá nhân và các nhóm có quyền theo con đường của mình, cho dù đôi khi họ mắc sai lầm. Khi tôn trọng trọn vẹn tự do đó, các cộng đồng dân sự được kêu gọi giúp đỡ từng người và tổ chức xã hội hãy mang lấy vai trò riêng biệt của mình và góp phần cho lợi ích chung. Cần phải có đối thoại, và đây là điều tiên quyết để đạt đến sự thật, vốn là điều chúng ta không thể áp đặt, nhưng phải tìm kiếm chân thành với tinh thần phê phán. Trong một nền dân chủ chung phần, mỗi một nhóm xã hội, dù là người thổ dân, người Ecuador gốc Phi, phụ nữ, các đoàn thể dân sự, và những ai tham gia công vụ, tất cả đều có phần không thể bác bỏ trong đối thoại này.

Các bạn có thể hỏi tôi: Cha ơi, tại sao cha lại nhấn mạnh quá nhiều về những chủ đề này? Đơn giản là bởi thực tế này và câu trả lời cho thực tế này, nằm trong Tin mừng, trong đoạn 25 Phúc âm theo thánh Matthêu, khi Chúa Giêsu nói rằng: ‘Những gì con làm cho người bé nhỏ nhất trong các anh chị em con, chính là con làm cho Ta đó.’
2015-07-08T031618Z_446993268_GF10000152038_RTRMADP_3_POPE-LATAM-ECUADOR

J.B. Thái Hòa chuyển dịch (phanxico.vn)