Tất cả chúng ta đều sống với một vài tổn
thương, thói quen xấu, nghiện cái gì đó, và những khuyết điểm về tính
khí, vốn thâm căn cố đế đến nỗi dường như chúng là một phần trong di
truyền của chúng ta vậy. Và do đó chúng ta có khuynh hướng mang một khao
khát thầm lặng muốn chữa lành chúng.
Kinh nghiệm cho chúng ta thấy ra điều
này. Có những nhận thức đôi lúc trong đời rằng các tổn thương và khiếm
khuyết đang kéo chúng ta xuống, là những thứ không thể nào đơn thuần dẹp
bỏ được. Sức mạnh ý chí và các giải pháp tốt, vẫn không đủ cho việc
này. Làm sao để có được giải pháp cho bản thân không bao giờ nổi nóng
lần nữa? Không có, cơn giận cứ triền miên trở lại. Làm sao để có giải
pháp cho bản thân từ bỏ một vài thói quen lệ thuộc, dù lớn hay bé? Không
có, chúng ta sớm thấy mình bị nó cám dỗ lần nữa. Và làm sao để cố gắng
thay đổi một vài tính khí xấu mà chúng ta có sẵn trong di truyền hay
tiếp thu từ thưở bé? Không có, tất cả mọi giải pháp và suy nghĩ tích cực
trên thế giới, thường chẳng thay đổi được bản chất của chúng ta.
Vậy thì chúng ta phải làm gì? Cứ sống
với các tổn thương và khiếm khuyết của mình, cũng như những bất hạnh và
nhỏ nhen mà nó đem lại hay sao? Hay chúng ta có thể chữa lành chúng? Làm
sao chúng ta có thể tẩy sạch sự yếu đuối của mình?
Có nhiều cách để chữa lành: Tâm lý học
bảo chúng ta rằng, liệu pháp và tư vấn tốt có thể giúp chữa các tổn
thương, khiếm khuyết và chứng lệ thuộc của chúng ta. Liệu pháp và tư vấn
có thể cho chúng ta sự tự nhận thức tốt hơn và có thể giúp thay đổi
hành vi của chúng ta. Nhưng tâm lý học cũng thừa nhận rằng chuyện này
cũng có những giới hạn. Biết được tại sao chúng ta làm một việc gì đó,
không phải lúc nào cũng cho chúng ta sức mạnh để thay đổi hành vi của
mình. Xã hội học cũng có những thấu suốt đáng để tìm hiểu: Parker Palmer
nói rằng, có một liệu pháp của đời sống chung. Sự dự phần lành mạnh với
gia đình, bạn bè, cộng đồng, và giáo hội có thể là một điều vững vàng
tuyệt vời trong đời giúp chúng ta vượt ra khỏi những tổn thương cô đơn
và các khiếm khuyết bẩm tại.
Chương trình Phục hồi 12 bước cũng thật
đáng giá: Các chương trình này dựa trên tiền đề rằng sự tự nhận thức và
sức mạnh ý chí tự thân thường vô dụng trong việc thực sự thay đổi hành
vi của chúng ta. Cần phải có một sức mạnh cao hơn nữa, và đó chính là
nghi thức, sự nâng đỡ qua lại, sự thành thật tận căn, thừa nhận mình vô
lực, và hướng về một Đấng Nào Đó vượt trên chúng ta có thể làm cho chúng
ta những gì chúng ta không thể tự thân làm được. Các chương trình phục
hồi này thật vô giá, nhưng cũng không phải là câu trả lời cho tất cả mọi
vấn đề của chúng ta.
Cuối cùng, nhưng không kém quan trọng,
là các luận thuyết và thực hành về chữa lành trong linh đạo. Cách này
nhấn mạnh về việc đi nhà thờ để được chữa lành, nhấn mạnh bí tích hòa
giải, cầu nguyện và suy niệm, cũng như chỉ bảo những thực hành khổ chế,
mời gọi mọi người đến với những nơi thánh, để cho các nhóm hay một thầy
chữa lành đức tin cầu nguyện cho mình, và dấn thân vào những giai đoạn
được linh hướng với một thầy dạy có trường lớp.
Các giá trị của những cách này này, và
có lẽ là của một sự chữa lành trọn vẹn cho các khiếm khuyết tính khí,
các thói xấu, chứng lệ thuộc, hay một vết thương sâu, hệ tại ở việc rút
lấy nước trong lành từ các nguồn giếng này. Tuy nhiên, ngoài danh sách
đơn giản này, tôi muốn đưa ra một thấu suốt của nhà thần nghiệm vĩ đại,
Gioan Thánh Giá, dành cho sự chữa lành về tâm lý, tinh thần và tâm linh.
Trong quyển sách cuối cùng của mình, Ngọn lửa Sống động của Tình yêu,
thánh Gioan đưa ra một luận thuyết cũng như tiến trình chữa lành. Về
căn bản có thể phát biểu như sau: Với thánh Gioan, chúng ta chữa lành
các tổn thương, khiếm khuyết tinh thần, chứng lệ thuộc, và thói quen xấu
của mình bằng cách lớn lên trong đường nhân đức, đến một mức đủ trưởng
thành về nhân văn để không còn chỗ trong đời cho những hành vi cũ vốn
thường lôi kéo chúng ta xuống. Nói ngắn gọn, chúng ta từ bỏ sự lạnh
lùng, cay đắng, và nhỏ nhen trong lòng bằng cách thắp lên một ngọn lửa
đủ ấm để đốt cháy sự lạnh lùng và cay đắng đó. Công thức có lẽ là thế
này: Chúng ta càng lớn lên trong sự trưởng thành, quảng đại, và sinh
sôi, thì các tổn thương cũ, các thói quen xấu, tính khí tồi và chứng lệ
thuộc cũ sẽ biến mất, bởi sự trưởng thành thâm sâu hơn của chúng ta
không còn chỗ cho chúng trong đời nữa. Sự phát triển tích của của cõi
lòng chúng ta, như một cây sum suê, cuối cùng đã át đi đám cỏ dại. Nếu
bạn đến với Gioan Thánh Giá và nhờ ngài giúp bạn giải quyết một thói
quen xấu trong đời, thì ngài sẽ không tập trung vào việc nhổ trừ thói
xấu đó. Nhưng, ngài sẽ tập trung vào việc phát triển các nhân đức của
bạn: Bạn làm tốt được việc gì nào? Bạn có phẩm chất tốt nào? Sự tốt lành
nào trong bạn cần được thổi bùng lên thành một ngọn lửa trọn vẹn?
Bằng cách phát triển những gì tích cực
trong chúng ta, cuối cùng, chúng ta trở nên những tâm hồn đủ lớn để
không còn chỗ cho những thói xấu cũ. Con đường chữa lành, chính là vun
tưới cho các nhân đức của chúng ta, để các đức tính đó tự thân sẽ là
ngọn lửa đốt sạch các tổn thương mưng mủ, các chứng lệ thuộc, các thói
quen xấu, và các khiếm khuyết tính khí lâu nay đang nhuốm bệnh cho đời
sống chúng ta và giữ chúng ta chim trong sự yếu đuối và nhỏ nhen, thay
vì bước đi trong trưởng thành, quãng đại và sinh sôi.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch (phanxico.vn)