Một nữ tu đã đặt câu hỏi sau đây: trong mục tìm hiểu giáo luật về Dòng tu, cha đã giải thích các từ ngữ Dòng tu, tu hội, tu đoàn, nhà dòng,…; nhưng không thấy nói tại sao ở Việt Nam các nữ tu được gọi là bà xơ?
Ở Việt Nam có câu tục ngữ rằng “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Sở dĩ tôi chưa dám bàn tới các danh xưng về các tu sĩ trong mục tìm hiểu giáo luật là tại vì chưa biết rõ nên chưa dám thưa thốt. Nhưng nếu đã có người hỏi thì đành bạo miệng nói càn một vài suy luận và giả thuyết; nếu ai mà thấy sai thì làm ơn mách bảo. Thực ra, ở Việt Nam, các nữ tu không phải chỉ được gọi là bà xơ, mà còn có nhiều từ khác nữa: thí dụ bà phước, dì phước, bà mụ. Từ đâu có những tiếng đó? Chúng ta bắt đầu bằng tiếng bà xơ. Trong tự điển tiếng Việt do Trung tâm từ điển ngôn ngữ xuất bản ở Hà nội năm 1992, “bà xơ” được định nghĩa là “bà phước”, còn bà phước thì được định nghĩa là “nữ tu sĩ đạo Thiên Chúa, thường làm việc trong các bệnh viện hoặc trại nuôi trẻ mồ côi”. Nếu ai chưa thỏa mãn với định nghĩa đó, thì có thể lật qua chữ “xơ”, và họ sẽ thấy rằng xơ như là danh từ có 2 nghĩa:
1). “sợi đai lẫn trong phần nạc của một số rau, củ hoặc trong phần vỏ của một số quả” (xơ rau muống; sắn nhiều xơ; xơ mướp).
2). bản dẹt nằm chen từng đám giữa các múi mít (xơ mít).
Tiếp theo đó, từ điển còn cung cấp một lô những tiếng ghép: xơ cua, xơ gan, xơ hóa, xơ múi, xơ rơ, xơ xác. Nhưng mà không thấy giải nghĩa gốc gác của “bà xơ”. Phải chăng chúng ta đã viết sai chính tả? Thế thì chúng ta hãy lật qua vần “S” để tra chữ “sơ” thử coi. Danh sách rất dài: từ “sơ bộ, sơ cấp, sơ chế”, cho tới “sơ hở, sơ khai, sơ nhiễm, sơ mi, sơ sài, sơ sót, sơ sơ, sơ suất, sơ ý, sơ yếu..”, nhưng vẫn không thấy điều mà chúng ta muốn tìm.
Thực ra đây là một thiếu sót đáng kể, bởi vì trong tiếng Việt đã có từ “ông sơ, bà sơ” để chỉ ông bà cố tổ ba đời (nghĩa là bà nội của bà nội thì gọi là bà sơ).
Dĩ nhiên, khi gọi các nữ tu là bà sơ thì chắc là không ai muốn tôn lên ngang hàng với bà tổ của mình. Dù viết là bà xơ (chữ x) hay bà sơ (với chữ s), một vài cuốn từ điển cũng đã chịu khó chua thêm là nó gốc từ chữ “soeur” tiếng Pháp.
Tôi xin các nữ tu đừng có mặc cảm là mình chưa được Việt hóa, vì hai lý do sau đây:
1). Từ điển tiếng Việt vừa cho ta thấy có những tiếng Pháp đã đi vào ngôn ngữ của mình mà không cần phải dịch ý, thí dụ: lốp “xơcua” và áo “sơmi”.
2). Trong Phật giáo, các nữ tu được gọi là “ni” hay “ni cô”; đây là một từ gốc tiếng Phạn (bhiksuni) chứ không phải gốc Việt, nhưng không ai có mặc cảm ngoại nhập cả.
Sau khi giáo đầu hơi dài dòng như vậy, bây giờ chúng ta có thể đặt lại câu hỏi: tại sao các nữ tu được gọi là bà xơ? Tôi xin tạm xoay lại câu hỏi như thế này: tại sao người Pháp gọi các nữ tu là soeur? Nó có ý nghĩa gì không?
Có thể trả lời như thế này. Trong tiếng Pháp, Soeur có nghĩa là chị hay là em gái. Thoạt tiên xem ra đây là một tiếng rất thân mật và gia đình, khi coi người nữ tu như là một người chị em. Tuy nhiên đằng sau cái nghĩa thân tình ấy còn có một nghĩa thần học nữa. Trong từ ngữ giáo luật trước đây, soeur tiếng Pháp (hay sister tiếng Anh) dịch từ tiếng La-tinh soror. Soror không phải chỉ đối lại với frater (frère, brother: anh hay là em) tức là các nam tu sĩ, mà còn đối lại với monialis nữa. Monialis là các nữ tu có lời khấn trọng (đại khái là các nữ tu dòng kín), còn soror là nữ tu chỉ có lời khấn đơn, đa số gồm các nữ tu đi hoạt động tông đồ, nhất là các hoạt động bác ái từ thiện.
Sự đối chọi giữa monialis với soror đưa chúng ta đi ngược lên thời Trung cổ khi mà các Dòng hành khất (Đaminh, Phanxicô) không coi mình là monacus (đan sĩ) nữa mà là frater. Sự đối chọi giữa monacus với frater không phải chỉ vì các đan sĩ thì không có làm việc tông đồ, nhưng còn vì muốn thay đổi cả một hệ thống tổ chức nội bộ đời tu trì nữa. Chúng ta biết rằng thánh Biển đức quan niệm đan viện như một gia đình, trong đó gia trưởng được gọi là viện phụ (abbas, cha). Các dòng hành khất cũng muốn coi tu viện như một gia đình, nhưng mà trong đó các tu sĩ đối xử với nhau như là anh em theo tinh thần Phúc âm; từ nay người đứng đầu tu viện được gọi là anh cả (anh hai, prior) mà thôi, bởi vì tất cả chỉ có một cha duy nhất trên trời. Quan niệm về tổ chức cộng đồng như vậy cũng đưa tới chỗ là anh hai (anh cả) được cử lên có thời hạn, chứ không làm gia trưởng suốt đời như trong các đan viện nữa.
Nói tóm lại, từ ngữ frater (frère) và soror (soeur) không phải chỉ muốn nói lên tình thân mật khi tiếp xúc với các giáo dân, nhưng tiên vàn là một quan niệm về tình huynh đệ trong đời sống cộng đoàn dựa trên tinh thần Phúc âm. Ngày nay, một số dòng đã ý thức như vậy, nên gọi mỗi cộng đoàn là fraternité. Điều trớ trêu là các nữ tu cũng gọi là fraternité (huynh đoàn) thay vì gọi là sororité (tỉ đoàn) cho đúng văn phạm. Bên Mỹ, các bà ý thức điều đó nên đổi thành “sisterhood”.
Thế thì sao không gọi đại là các “chị” cho rồi, mà còn cứ dùng tiếng “bà xơ”?
Như vừa nói trên đây, ta đừng nên mặc cảm là xài đồ ngoại nhập khi gọi các nữ tu là bà xơ. Nhưng gọi họ là ”ma xơ” thì là chuyện khác, nhất là khi muốn hù mấy đứa con nít vẫn còn tin có ma. Dù sao, xin nhắc lại rằng những gì tôi đang nói toàn là giả thuyết cần được kiểm chứng. Tôi nghĩ rằng tiếng bà xơ mới được xài ở Việt Nam từ khi có các nữ tu người Pháp sang nước ta phục vụ. Cách đây không lâu lắm, gia đình tôi chỉ dành tiếng bà xơ để gọi các nữ tu người Pháp, còn các nữ tu người Việt thì gọi là các dì. Tại sao kêu là các dì? Dì có nghĩa là chị hay là em gái của mẹ; đối lại với chú là em của cha.
Bây giờ chúng ta thử lý luận như thế này. Trong cách tổ chức nhà chùa, ta thấy có hai cấp chính: đó là sư (tục gọi là thầy chùa) và chú (chú tiểu). Khi các nhà truyền giáo tây phương qua giảng đạo thì họ cũng muốn hoạ theo quy chế đó; vì thế mà ta có các thầy giảng, và các chú (còn đang học trường La-tinh). Các linh mục thì gọi là thầy cả, hay cụ (tương đương với sư cụ đứng đầu nhà chùa). Như vậy, bên nam coi như xong; còn bên nữ thì sao?
Ta thấy đối lại với thầy và chú thì tiếng Việt chỉ có một từ là “cô”, dù đó là cô giáo hay cô em của cha. Phật giáo cũng có tiếng ni cô; nhưng mà tại sao các nữ tu không gọi là cô? Có lẽ vì họ không đi dạy như là các thầy giảng, cho nên không gọi là cô, nhưng mà gọi là dì, một tiếng đâu kém phần thân mật, bởi vì tương đương với em gái của mẹ hay là mẹ kế. Như vậy thay vì dịch soeur là chị, thì người ta dịch là dì.
Tiếng “dì” thường đi kèm với tiếng “phước” thành dì phước. Cha biết tại sao như vậy không?
Lúc nãy tôi có trưng dẫn định nghĩa trong từ điển Việt Nam xuất bản ở Hànội năm 1992 về bà phước như là người đi làm việc phước thiện hay từ thiện (bệnh viện, cô nhi viện). Xem ra có lý, và thậm chí bên Đức và bên Anh, các nữ y tá còn được gọi là sister (schwester), có lẽ vì để nhớ lại hình ảnh của các nữ tu đã xung phong phục vụ trong các bệnh viện. Tuy nhiên, tôi có một giả thuyết khác.
Các vị truyền giáo thiết lập các nhà dòng nữ đầu tiên ở Việt Nam phát xuất từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Ở các xứ này, các phụ nữ dâng mình cho Chúa được phân làm hai loại: monjas, (tức là những nữ tu nhà kín có lời khấn trọng) và beatas, những người trinh nữ sống chung với nhau và chỉ có lời khấn tư.
Tại sao gọi họ là beata (có nghĩa là: nữ chân phước, nữ á thánh)? Lúc đầu có tính cách chế nhạo những phụ nữ loanh quanh ở nhà thờ thay vì lo chuyện bếp núc. Ta thấy các miền Bắc Âu, người ta cũng nhạo mấy bà đó là Béguine. Nhưng dần dần, tiếng beata trở thành phổ thông, và chỉ có nghĩa là phụ nữ dâng mình cho Chúa nhưng không vào dòng kín. Nhà của các bà beata ở thì gọi là beaterio. Đặc biệt là tất cả các nhà dòng nữ lập ra ở Phi Luật Tân và Nam Mỹ đều gọi là “beaterio”. Từ đó ta có thể đoán được rằng dì phước hay nhà phước là dịch từ tiếng Tây Ban Nha beata, beaterio, bởi vì nó hợp với thể chế của các nữ tu Mến Thánh giá và Dòng ba Đaminh trước đây, gồm những người dâng mình cho Chúa với lời khấn tư, chứ không có lời khấn công.
Còn tiếng “bà mụ” thì sao?
Trong từ điển Việt Nam đã dẫn trên đây, “bà mụ” có 4 nghĩa:
1). Ấu trùng của chuồn chuồn, sống ở nước.
2). Bướm nhỏ, ít bay, thường bò từng đôi một trên cây.
3). Người đàn bà đỡ đẻ ở nông thôn ngày trước; nữ thần nặn ra hình đứa trẻ và chăm nom, che chở cho trẻ, theo mê tín.
4). Nữ tu sĩ đạo Thiên Chúa, thuộc một dòng tu riêng của Việt Nam.
Dĩ nhiên, người ta sẽ đặt ra câu hỏi: tại sao các nữ tu gọi là bà mụ? Nó có gắn liền với các nghĩa 1 (ấu trùng của chuồn chuồn), 2 (bướm nhỏ), 3 (bà đỡ đẻ) hay không?
Thú thực chúng ta không thấy có ý tưởng nào liên hệ giữa các nữ tu với 3 nghĩa đó cả. May thay, nếu lật sang từ “mụ” chúng ta còn thấy có hai nghĩa khác nữa:
1/. người đàn bà có tuổi (hàm ý coi khinh: mụ chủ cay nghiệt; con mụ đáng ghét).
2/. từ người chồng già gọi thân mật người vợ già khi nói với nhau.
Thế thì có phải đời xưa các người đi tu đã già cho nên gọi là “bà mụ” không? Tôi không nghĩ như vậy, và trộm đưa ra giả thuyết sau đây. Trong tiếng Pháp, các nữ tu cũng được gọi là “nonne” (và trong tiếng anh “nun”). Gốc bởi đâu? Một số từ điển Pháp ngữ cổ giải thích nonne là mẹ. Thực ra, cần phải lần lên tiếng La-tinh nonnus, nonna. Tiếng nonnus dùng để gọi các tu sĩ lão thành, đáng kính như cha; và một cách tương tự, nonna ám chỉ các nữ tu đáng kính như mẹ. Dần dần, cái nghĩa tuổi tác biến đi, mà chỉ còn lại cái nghĩa âu yếm là mẹ. (Ở Italia thì khác, người ta gọi bà nội hay bà ngoại là nonna). Theo tôi nghĩ, các Cha Cố Tây cũng muốn du nhập tục đó vào Việt Nam, muốn gọi các nữ tu âu yếm như người mẹ. Ta đã thấy tiếng “dì” khá gần với mẹ rồi; có lẽ tiếng “mụ” thì cũng muốn bộc lộ ý nghĩa đó: mụ để nói lên người gần với mẹ (đại khái cũng như mợ) chứ không có ý gợi lên khuôn mặt của một bà già hay bà đỡ đẻ.
Mặt khác, tiếc rằng vì thời giờ eo hẹp nên tôi không thể khai triển thêm tư tưởng phong phú gói ghém trong hình ảnh của bà đỡ đẻ. Theo thần thoại cổ truyền, thì bà mẹ đẻ đứa con, nhưng chính bà mụ là người nặn ra hình hài đứa trẻ. Nếu gán vai trò uốn nắn nhi đồng cho các nữ tu thì chắc chắn là đề cao chứ không phải là khinh bỉ họ!
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP. (daminhvn.net)