NGUỒN GỐC CỦA CÁI CHẾT VÀ SỰ SỐNG
“Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy trỗi dậy”
(Mc 5,42)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – Kn 1,13-15; 2,23-24
Cái chết vẫn luôn là một điều hết sức khó hiểu cho con người mọi thời
đại, bởi vì mãi cho đến ngày hôm nay vẫn chưa một người nào có thể
cưỡng lại nổi sức mạnh vũ bão của cái chết. Ngay từ thế kỷ I trước công
nguyện, khi suy tư về cái chết đầy nghiệt ngã, tác giả sách Khôn ngoan
đã không uổng công để thử đưa ra một định nghĩa chỉ mang tính lý thuyết
về cái chết, nhưng đặt nó trong thế đối lập với sự sống đến từ Thiên
Chúa.
Tác giả này khẳng định: sự chết không thể có ở nơi Thiên Chúa, vì
Thiên Chúa chỉ tạo nên sự sống để mang lại hạnh phúc cho con người.
Nhưng chính vì sự ganh tị của quỷ dữ mà cái chết đã xâm nhập vào thế
gian, và điều quan trọng là ‘những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái
chết’.
2. Bài đoc II – 2Cor 8,7.9.13-15
Trong một nỗ lực không mệt mỏi nhằm quyên góp để cứu trợ giáo đoàn
tại Giêrusalem đang lâm cơn đói kém do mất mùa, Thánh Phaolô đã kêu gọi
lòng bác ái của giáo đoàn tại Côrintô khi chỉ ra cho họ thấy nét độc đáo
của lòng bác ái nơi chính Đức Giêsu Kitô: ‘Người đã nên thân phận nghèo
khó, để nhờ việc nghèo khó của Người, anh em nên giàu có.’ Nói cách
khác, sự giàu có mà cộng đoàn Côrintô đang có được chính là do việc tự
nguyện chấp nhận trở nên nghèo khó của Đức Kitô.
Trên nền tảng đó, thánh Phaolô còn cho thấy rằng: thực thi việc bác
ái không phải chỉ vì muốn nên giống Đức Kitô, nhưng còn là một bổn phận
nhằm tái lập thế quân bình cần thiết cho đời sống cộng đoàn của các Kitô
hữu: ‘Sự dư giả của anh em bù đắp lại chỗ thiếu thốn của họ, để sự dư
giả của họ bù đắp lại chỗ thiếu thốn của anh em.’ Như vậy, ‘kẻ dược
nhiều, thì cũng không dư, mà kẻ có ít, cũng không thiếu.’
3. Bài Phúc âm – Mc 5,21-43
Qua hai phép lạ chữa lành mà Chúa Giêsu đã làm cho người đàn bà bị
xuất huyết và con gái ông Giairô, thánh Marcô muốn chứng tỏ rằng: bệnh
tật và cái chết đang thực sự thống trị trên đời sống con người, hơn nữa
những nỗ lực yếu ớt từ phía con người nhằm thoát ra khỏi sự phong tỏa
của bệnh tật và cái chết như đang đi vào ngõ cụt.
Máu vốn là nguyên lý của sự sống, mà ‘người đàn bà bị bệnh xuất huyết
mười hai năm’ nghĩa là sự sống đang từng bước giảm sút nghiêm trọng nơi
bà để nhường chỗ cho sự thống trị của cái chết. Và hình ảnh cơn hấp hối
đang hoành hành trên đứa bé gái con của ông Giairô càng làm rõ nét hơn
thế lực của sự chết mà không ai có thể cưỡng lại được.
Trong bối cảnh ấy, Chúa Giêsu đã xuất hiện như Đấng là Sự Sống và
cũng là Đấng mang lại sự sống. Sự xuất hiện của Ngài đồng nghĩa với sự
biến mất của bệnh tật và sự chết. Nói cách cụ thể hơn, duy chỉ mình Ngài
mới có thể giúp con người phục hồi được thể trạng từ những căn bệnh nan
y và nhất là dành lại sự sống từ trong cõi chết.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Lời khẳng định của tác giả
sách Khôn ngoan như muốn làm mới lại một chân lý dường như đã trở nên cũ
kỹ: ‘Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh
viễn… Ngài chẳng vui mừng khi người sống phải chết.’ Theo quan điểm đó,
đúng là Thiên Chúa có thể cho phép sự dữ xảy ra, nhưng sự dữ không bao
giờ có nguồn gốc từ Thiên Chúa. Vì thế, xác tín này phải là nền tảng
vững chắc để củng cố niềm tin cho người tín hữu khi phải đối diện với
những khó khăn, thử thách trong cuộc sống hằng ngày.
2. Dư giả và thiếu thốn là một
kiểu nói khác để phản ánh thân phận của con người khi phải đối diện với
sự sống và cái chết: dư giả thì sống còn thiếu thốn thì chết. Đang khi
theo khuynh hướng tự nhiên, con người luôn bị cám dỗ để làm cho sự chênh
lệch ‘dư giả - thiếu thốn’ (giàu nghèo) này càng trở nên nghiêm trọng,
thì người Kitô hữu lại được thánh Phaolô mời gọi để nỗ lực góp phần làm
giảm bớt đi sự chênh lệch này bao nhiêu có thể, khi cùng nhau xây dựng
một thế giới ‘đồng đều’ hơn, bình đẳng hơn trên nền tảng của đức ái Kitô
giáo.
3. Cái chết đã trở thành một qui
luật, khi mạnh lúc yếu, luôn chi phối trên cuộc sống của kiếp nhân sinh.
Và con người, chỉ với những nỗ lực trong khả năng của mình, không bao
giờ có thể cưỡng lại nổi sức mạnh của cái chết. Nhưng nhờ sự phục sinh
của Đức Kitô, sự chết đã nhường chỗ sự sống, và như thế con người có cơ
hội để đặt chân vào ngưỡng cửa của cõi phúc trường sinh với một điều
kiện là tin vào Đức Giêsu Kitô. Do vậy, kiên vững trong niềm tin là điều
kiện tiên quyết giúp người tín hữu có thể, cùng với Đức Kitô, chiến
thắng sự chết để khải hoàn bước vào sự sống đời đời bên Thiên Chúa.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh
chị em thân mến! Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống, Người không ngừng
ban sự sống và hạnh phúc cho con người. Trong tâm tình ngợi khen và cảm
tạ, chúng ta cùng tha thiết dâng lời cầu xin:
1. Hội Thánh có sứ mạng loan báo
tin mừng sự sống cho mọi người. Xin cho các thành phần trong Hội Thánh
được dồi dào sức sống của Chúa Phục Sinh, và luôn nhiệt tâm chu toàn sứ
mạng Chúa trao bằng đời sống cầu nguyện và dấn thân phục vụ.
2. “Thiên Chúa đã tạo dựng con
người giống hình ảnh Chúa, để họ sống vĩnh viễn.” Chúng ta cùng cầu xin
cho con người trong thế giới tục hóa và hưởng thụ hôm nay, nhận biết
rằng chỉ có Chúa mới đem cho họ sự sống và hạnh phúc đích thực.
3. Ðức Kitô đã mang lấy thân phận
nghèo khó, để chúng ta nên giàu có. Xin cho mọi kitô hữu luôn ý thức
trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong tinh thần nghèo khó và
đời sống thực thi bác ái, hầu đem lại hạnh phúc cho mọi người chung
quanh.
4. Đức Giêsu nói với ông trưởng
hội đường: “Ðừng sợ, hãy cứ tin.” Xin cho từng người trong cộng đoàn
chúng ta biết tin tưởng chạy đến với Chúa mỗi khi gặp gian nan thử
thách, để được Người chữa lành mọi bệnh tật xác hồn, và ban muôn ân huệ
trong cuộc sống.
Chủ tế: Lạy
Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và
giúp chúng con luôn kiên vững trong niềm tin, để mai sau được cùng với
Đức Kitô chiến thắng sự chết và khải hoàn bước vào cõi sống đời đời ở
bên Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
(tgpsaigon.net)