Khi dịch MERS đang lan rộng tại Hàn Quốc, công chúng quốc tế nhìn chung vẫn rất mù mờ về loại virút nguy hiểm này. Các nhà khoa học vừa cung cấp những thông tin cơ bản về dịch.
Học sinh Hàn Quốc ở Seoul đeo khẩu trang để đề phòng MERS Ảnh: Reuters |
Bệnh nhân MERS đầu tiên tại Hàn Quốc là một doanh nhân từng đến Saudi Arabia, nơi dịch MERS hoành hành dữ dội nhất. Đến nay ở Saudi Arabia đã có hơn 1.000 trường hợp nhiễm bệnh kể từ khi giới khoa học phát hiện ra vi rút này hồi năm 2012.
Hiện khoa học vẫn chưa hiểu rõ về MERS, nhưng mới đây tạp chí y học The Lancet đăng tải một nghiên cứu của hai chuyên gia Stanley Pearlman thuộc ĐH Iowa (Mỹ) và Alimuddin Zumla từ ĐH College London (Anh). Họ thu thập các tài liệu đã kiểm chứng để giải thích hoạt động của MERS.
MERS xuất hiện ở đâu?
Trường hợp nhiễm MERS đầu tiên là một bệnh nhân thiệt mạng ở Jeddah, Saudi Arabia hồi năm 2012. Kể từ đó đến ngày 31-5-2015, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định đã có 1.149 người nhiễm MERS với tỷ lệ tử vong là 40%. Phần lớn các vụ nhiễm MERS xảy ra ở Saudi Arabia, tuy nhiên một số bệnh nhân ở các vùng khác trên thế giới cũng nhiễm vi rút sau khi tiếp xúc với người đã mắc bệnh.
Các nhà nghiên cứu tìm thấy kháng thể chống MERS trong một số loài dơi, cũng như trong mẫu máu của lạc đà ở châu Phi và Saudi Arabia từ năm 1992 và 1993. Do đó, giới khoa học cho rằng vi rút MERS đã tồn tại trong lạc đà từ nhiều năm trước khi lây lan sang con người vào năm 2012.
MERS lây lan như thế nào?
Các nhà khoa học xác định vi rút MERS lây từ lạc đà sang người qua đường tiếp xúc với dịch cơ thể lạc đà như nước bọt, nước tiểu, phân, sữa lạc đà không tiệt trùng (một loại đồ uống truyền thống ở Saudi Arabia). Vi rút này lây từ người sang người qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh.
Tuy nhiên giới chuyên gia không loại trừ khả năng MERS có thể lây lan qua đường không khí hoặc qua đồ vật, nghĩa là một người có thể nhiễm bệnh khi sờ vào đồ vật mà bệnh nhân MERS từng chạm vào. MERS cũng giống như “anh họ” SARS thuộc dòng vi rút corona, có khả năng đột biến cao. Ở thời điểm hiện tại, MERS chưa đạt khả năng lây lan nhanh để biến thành đại dịch.
Đối với các nhân viên y tế chữa trị bệnh nhân MERS, cơ quan y tế các nước khuyến cáo họ phải đeo khẩu trang, mặc áo choàng, đeo găng tay, đeo kính bảo vệ mắt, thậm chí phải sử dụng đồ bảo hộ kín mít. Bệnh nhân MERS phải được điều trị cách ly trong các phòng có hệ thống thông gió chuyên dụng, có khả năng ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm qua đường không khí.
MERS ủ bệnh như thế nào?
Vi rút MERS có thể ủ bệnh trong cơ thể bệnh nhân từ 5 ngày đến 2 tuần trước khi các triệu chứng bệnh xuất hiện. Thường sau 4 ngày người bệnh suy kiệt và phải nhập viện và có thể qua đời sau 11,5 ngày. Những người bị tiểu đường, tim mạch, bệnh phổi, rối loạn miễn dịch... dễ phát triển các triệu chứng MERS sớm và nghiêm trọng.
Lúc ban đầu, các triệu chứng phát ra bao gồm sốt, ho, lạnh người, tiêu chảy, nôn mửa.... Sau đó người bệnh có thể bị viêm phổi và suy giảm chức năng các bộ phận trong cơ thể.
Chữa trị MERS như thế nào?
Hiện tại giới y học vẫn chưa phát triển được một loại vác xin nào để chống MERS, dù Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đang xem xét khả năng nghiên cứu chế tạo vác xin. Cũng không có loại thuốc đặc trị chống MERS nào. Tuy nhiên giới y tế các nước đã chữa trị được cho nhiều bệnh nhân bằng liệu pháp hỗ trợ chống lại các triệu chứng bệnh.
Hai chuyên gia Pearlman và Zumla cho biết đã có một số nghiên cứu cho thấy kháng thể từ máu người khỏi bệnh MERS có thể giúp chữa trị các bệnh nhân khác. Đây là một trong những phương pháp mà giới khoa học sử dụng để chống vi rút tử thần Ebola.
Phòng chống MERS như thế nào?
Do khoa học chưa tìm ra thuốc chữa MERS, các biện pháp phòng chống đóng vai trò hết sức quan trọng để ngăn chặn dịch lây lan. Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo người dân nên rửa tay thường xuyên bằng xà bông trong 20 giây, và khuyến khích trẻ em làm tương tự. Khi bị ho hoặc hắt xì, mọi người cần lấy giấy ăn che miệng và mũi, rồi vứt giấy vào sọt rác.
Cần phải tránh chạm tay chưa rửa vào mắt, mũi và miệng. Phải tránh tuyệt đối những tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh như hôn, uống chung ly. Và mọi người cũng cần liên tục làm sạch và tẩy trùng các đồ vật và bề mặt hay được chạm vào, ví dụ như nắm cửa.
(TTO)