Được xây dựng
năm 1877, Nhà thờ Đức Bà trở thành biểu tượng của TP HCM, gắn với chợ
Bến Thành, Bưu điện thành phố. Gần 140 năm tồn tại, nhà thờ sắp được
trùng tu lần đầu tiên.
Vương cung thánh đường Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn, người dân còn gọi là
Nhà thờ Đức Bà, được xây dựng vào ngày 7/10/1877. Giám mục Isodore
Comlombert là người đặt viên gạch đầu tiên xây nhà thờ tại khu đất cao
nhất của Sài Gòn khi ấy. Phương án thiết kế của KTS Bourard, chuyên gia
về công trình tôn giáo, được chọn để thi công và hoàn thành sau 3 năm
xây dựng. Hầu hết nguyên vật liệu từ gạch, ngói, sắt, thép đến ốc vít,
kính màu trang trí đều được chuyển từ Pháp sang nhằm đảm bảo mô phỏng
đúng nguyên tác nhà thờ Notre Dame của Paris.
Đây là ảnh nhà thờ Đức Bà lúc mới hoàn thành, năm 1882 chưa có
tháp chuông. Hai tháp chuông nhọn cao hơn 57 m được bổ sung vào năm
1895, trong một thời gian dài trở thành điểm cao nhất thành phố. Những
du khách đến Sài Gòn bằng đường biển, từ xa đều trông thấy nóc nhà thờ
trước tiên.
Nhà thờ dài 93 m, rộng 35 m và cao 75 m được xây dựng trên vùng đất rộng. Ludovic
Crespin chụp mặt sau nhà thờ Đức Bà những năm 1920 với những phương
tiện đặc trưng thời bấy giờ như xe ngựa kéo, xe kéo và ôtô của người
Pháp có mặt ở Sài Gòn.
Nhà thờ Đức Bà năm 1922, tọa lạc giữa quảng trường rộng lớn, rợp bóng
cây, là nơi diễn ra những hoạt động lớn như diễu binh, mít tinh thời bấy
giờ. Ảnh: L' Indochine Coloniale Sommaire.
Bức ảnh nhà thờ nhìn từ đường Tự Do, nay là Đồng Khởi, năm 1956. Lúc
này mặt đồng hồ nhà thờ còn mang số La Mã. Đến những năm 60 đồng hồ được
thay mới, mấy con số là những nét gạch giống hiện tại. Năm 1959, trung
tâm của công viên trước nhà thờ được xây dựng thêm bức tượng Đức Mẹ Hòa
Bình hay còn gọi là Nữ vương Hòa Bình do nhà điêu khắc G. Ciocchetti
thực hiện. Ảnh: Life.
Nhà thờ Đức Bà bị sét đánh gãy một cây thánh giá vào mùa mưa năm 1964. Kích
thước của cây thánh giá trên hai tháp chuông cao 3,5 m, chiều ngang 2
m, nặng 600 kg. Do đó việc gắn hai cây thánh giá lên tháp chuông là rất
kỳ công. Tháp chuông bị sét đánh được sửa chữa vào năm 1965.
Sài Gòn năm 1967, góc đường Tự Do nay là Đồng Khởi rợp bóng cây xanh.
Người Sài Gòn xưa luôn hoài niệm hình ảnh những tà áo dài tỏa xuống phố
sau giờ đi lễ nhà thờ.
Wayne Trucke chụp cảnh taxi, ôtô đa dạng chủng loại, mẫu mã đậu san sát
trước nhà thờ năm 1969. Thời điểm này Sài Gòn được mệnh danh là Hòn
ngọc Viễn đông với hệ thống đường sá, nhà cao tầng, nơi vui chơi giải
trí phong phú, mở rộng. Móng của thánh đường được thiết kế đặc
biệt, chịu được tải trọng gấp 10 lần toàn bộ kiến trúc nhà thờ bên trên
nên vẫn đứng vững chãi dù chịu áp lực lưu lượng xe cộ lưu thông nườm
nượp xung quanh.
Những người lớn tuổi ở Sài Gòn còn nhớ hình ảnh nhà thờ gắn với bức
tượng Trương Vĩnh Ký, tức Petrus Ký, học giả người Việt thời Pháp thuộc.
Ông có nhiều công lao trong việc phát triển chữ quốc ngữ trên sách báo
vào giai đoạn chữ quốc ngữ mới thịnh hành. Bức tượng nằm ở góc phải phía
sau Nhà thờ Đức Bà, được chụp năm 1969.
Công trình nhìn từ xa, hài hòa với không gian cây xanh xung quanh và
đẹp từ mọi góc nhìn. Nhà thờ là một công trình đặc biệt về quy hoạch ở
trung tâm thành phố, không có hàng rào hay khuôn viên bao quanh, tạo một
không gian mở nên dễ dàng cho mọi người dân tiếp cận. Từ xa, màu gạch
sáng của nhà thờ nổi bật giữa nền trời. Màu sắc ấy đến từ loại
gạch đặc biệt được đặt riêng, chuyển từ Pháp sang, có màu sắc hồng tươi
để trần, không tô trát, không bám bụi rêu theo thời gian.
Sài Gòn năm 1971 được chụp bởi Richard E. Wood. Công trình kiến trúc tọa
lạc ngay giữa trung tâm thành phố ở số 1 Quảng trường Công xã Paris,
đứng sừng sững qua bão táp lịch sử, chính trị hơn một thế kỷ qua.
Hơn 40 năm sau ngày thống nhất, nhà thờ
trở thành công trình biểu tượng, điểm đến ưa thích của khách du lịch và
người dân, những cặp đôi chụp ảnh cưới. Sau gần 140 năm tồn tại cùng
những biến động lịch sử, chính trị, nhà thờ vẫn chứng tỏ vị trí là một
tuyệt tác không thể thay thế trong kiến trúc đô thị Sài Gòn. Sắp tới
công trình sẽ được trùng tu một số hạng mục như 2 ngọn tháp, kính, cột
và xóa sạch vết bẩn ở các bức tường bị viết lên bằng bút xóa. Ảnh: Diego Delso.
Ảnh: Tư liệu