Giáo hoàng Phanxicô sẽ là giáo hoàng thứ 3 đến thăm Bosnia-Herzegovina, khi ngài đặt chân đến Sarajevo vào ngày 06 tháng 6 này.
Hồng y Vinko Puljic của Sarajevo nói rằng, chuyến viếng thăm của giáo hoàng sẽ đem lại hi vọng, vui mừng, và thêm một chút ‘hồn’ cho đất nước Balkan đang còn phân rẽ sắc tộc với thiểu số Công giáo này.
Hồng y cho biết, khi Giáo hoàng Phanxicô tuyên bố hồi tháng 2 là sẽ viếng thăm Sarajevo, chuyện này đã chiếm trang nhất của mọi tờ báo trong nước, và ‘một làn sóng lạc quan đang tràn khắp nước. Chúng tôi một lần nữa cảm thấy: mình không bị lãng quên.’
Trong lá thư trả lời các câu hỏi của CNS, hồng y Puljic nói rằng các lãnh đạo Hồi giáo và Chính thống đã đón nhận tin này với ‘tấm lòng mở rộng’ và đang mong chờ ngày gặp giáo hoàng.
Chuyến công du sẽ diễn ra vào ngày 06 tháng 6, và là lần thứ ba một giáo hoàng đến thăm quốc gia này, vốn còn đang phải đương cự với các vấn đề kinh tế nghiêm trọng, cả sự kỳ thị tôn giáo và căng thẳng sắc tộc sau cuộc chiến 1992-1995.
Thánh Gioan Phaolô II đã đến thăm Bosnia-Herzegovina 2 lần, hồi 2003 và 1997 khi ngài cử hành thánh lễ trong cơn mưa tuyết ở thủ đô Sarajevo còn đang hằn dấu tàn phá của chiến tranh.
Hồng y Puljic nói rằng chuyến viếng thăm 1997 là một ‘điểm sáng cho đất nước này. Đức Gioan Phaolô đã động viên và củng cố hi vọng cho chúng tôi. Ngài cho chúng tôi một thông điệp tuyệt vời để chúng tôi có thể cậy dựa.’
Sau chuyến viếng thăm của thánh Gioan Phaolô, nhiều người ‘cảm thấy nhẹ lòng. Trong suốt chuyến công du của ngài một sự tốt lành đã đi vào Bosnia’
Đức cố giáo hoàng đã kêu gọi chấm dứt sự thiếu thông hiểu, và mở ra một bình minh mới của đối thoại xây dựng và chung sống hòa bình trên khắp nước, vốn lúc đó, và đến tận bây giờ, vẫn đang còn chia rẽ sâu về sắc tộc.
‘Giáo hoàng không thể thiết lập các chính sách, nhưng ngài có thể đem lại phần hồn cho chính sách, ngài có thể nêu bật tầm quan trọng của con người trong thế giới toàn cầu hóa này.’
Năm 1992, khi Bosnia-Herzegovina với hầu hết là người Hồi giáo tuyên bố độc lập khỏi Yugoslavia, người Serbi đã mở một chiến dịch thanh trừng sắc tộc muốn tẩy sạch người Bosnia Hồi giáo khỏi đất nước.
Dù Hiệp ước Hòa bình Dayton năm 1995, đã chấm dứt cuộc chiến, nhưng vẫn không tạo được một nền dân chủ trọn vẹn và các quyền bình đẳng.
Thỏa ước hòa bình ưu ái cho nhóm đa số, những người ‘không quan tâm đến quyền bình đẳng cho tất cả mọi người’ và lại làm suy yếu nhóm thiểu số.
‘Cần phải tạo dựng một hệ thống luật sao cho tất cả mọi người đều bình đẳng. Cần phải tạo công ăn việc làm cho mọi người có thể cùng nhau làm việc’ và kiếm sống, chỉ khi đó mới có được sự tin tưởng nơi chính quyền.
Theo lời hồng y, thì ngay lúc này, Giáo hội Công giáo vẫn đang phải đấu tranh. Một phần lớn tài sản của Giáo hội đã bị chính quyền Cộng sản sung công, và vẫn chưa được trả lại. Con số người Công giáo đã giảm mất một nửa trong chiến tranh, và tiếp tục suy giảm do bởi di cư và giảm tỷ suất sinh.
Cộng hòa Srpska của người Serbi, không giúp cho người Croatia và các dân tị nạn Công giáo được hồi hương.
Nhiều người Công giáo không trở lại quê hương nữa, bởi quyền của họ không được đảm bảo, đặc biệt là lo ngại về sự an toàn, cũng như thiếu hoàn toàn cơ sở hạ tầng. ‘Không có nước, điện thoại, đường xá, … Chính quyền chủ tâm không muốn xây dựng những điều này.’
Hồng y Puljic nói rằng khi Giáo hoàng Phanxicô tuyên bố kế hoạch công du này, ‘các lãnh đạo thế giới bắt đầu chú ý đến đến Bosnia-Herzegovina một lần nữa, và tìm kiếm các giải pháp cho đất nước này.’
Khi được hỏi về vai trò của giáo hội và tôn giáo trong việc xây dựng Bosnia tương lai, hồng y nói rằng, ‘Tương lai của đất nước này, tương lai xây dựng một nhà nước bình thường, cần đến các lãnh đạo thế giới.’
Bosnia-Herzegovina ‘không bao giờ tự mình thiết lập được một nhà nước. Các cường quốc thế giới đã luôn luôn hỗ trợ cho việc này.’
Hồng y Luljic khẳng định rằng, sứ mạng của Giáo hội không phải là xây dựng một nhà nước quốc gia, nhưng ‘Giáo hội có thể góp phần thiết lập một xã hội công bằng và hòa bình nơi tất cả mọi người đều có quyền bình đẳng.’
(phanxico.vn)