Tìm Kiếm

6 tháng 6, 2015

Bí mật Thâm sâu nhất của Khôn ngoan

Tất cả mọi người đều khao khát muốn biết một chuyện bí mật, một chuyện mà người khác không biết nhưng bạn lại biết, và chuyện này sẽ cho bạn một thấu suốt và lợi thế hơn người khác, những người không nằm trong nhóm nội bộ biết được bí mật này. Luôn là thế.  Chiếu theo dòng lịch sử, có thể gọi đây là ‘Ngộ đạo thuyết,’ với những vẻ ngoài khác nhau.
tissot-jesus-discourses-with-his-disciples-e1391323844636

Ngày nay, chúng ta thấy điều này trong một xã hội rộng lớn với vô số những quyển sách nổi tiếng như Mật mã Da Vinci, và Lời tiên tri Celestine. Sức hút của những quyển sách là những ra dấu rằng có một số bí mật mà chỉ một số ít những người ưu tú mới biết, và chúng chứa đựng những thông tin quan trọng có thể đổi đời, mà chúng ta vì chưa được khai sáng, nên chẳng biết gì. Và tất nhiên, mong ước của chúng ta là muốn được ở trong những nhóm đặc biệt này. Có khi chúng ta cũng thấy chuyện tương tự trong các nhóm tôn giáo, nơi những người quá ảo tưởng mình có mặc khải riêng về nhiều thần nghiệm tự nhận, hay nơi những quyển sách tuyên bố những mặc khải mới từ Đức Trinh nữ Maria, và cả nơi những chuyện quá hấp dẫn như Ba bí mật Fatima chẳng hạn. Ngộ đạo thuyết có nhiều vỏ bọc.


Trong Tin mừng theo thánh Máccô, nhìn thoáng qua, có vẻ như chính Chúa Giêsu cũng đã ra dấu về kiểu bí mật này. Ngài nói rằng có một bí mật mở ra cho chúng ta, và nếu biết được, thì sẽ cho chúng ta được vào nhóm khai sáng đặc biệt. Trong tin mừng Máccô 4, 11, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: Thầy nói cho các con biết bí mật Nước Trời, nhưng chỉ dùng dụ ngôn mà nói với những người ngoài. Rõ ràng Chúa Giêsu phân biệt ra hai nhóm, một nắm bắt được bí mật và ‘ở trong’ còn nhóm kia không nắm được bí mật và ‘ở ngoài.’  Dường như Chúa Giêsu nói rằng, khi theo Ngài, chúng ta sẽ hoặc ‘ở trong’ hoặc ‘ở ngoài’ tùy vào việc chúng ta có nắm bắt được một bí mật nào đó hay không. Các môn đệ đích thực là những người ‘có được điều đó’ còn những người ‘không có’ thì vẫn cứ ở ngoài mà thôi. Nhưng chúng ta ở trong hay ở ngoài cương vị môn đệ này? Và quan trọng hơn nữa, bí mật đó là gì?

Với Chúa Giêsu, bí mật là thập giá, là sự khôn ngoan thâm sâu mà chúng ta cần hiểu được. Nếu chúng ta hiểu được thập giá, thì mới hiểu được tất cả những lời Chúa Giêsu dạy. Ngược lại, nếu chúng ta không hiểu được thập giá, thì tất cả những lời Chúa Giêsu dạy đều vô nghĩa với chúng ta. Năm bắt được ý nghĩa của thập giá là bí mật tiết lộ mọi sự. Nhưng cụ thể hơn, làm sao, để hiểu được thập giá? Bí mật thâm sâu nào nơi thập giá Chúa Giêsu? Về căn bản, chúng ta cần hiểu sự gì đây?

Nhiều nhà chú giải kinh thánh đã trả lời câu hỏi này theo những cách khác nhau và bổ trợ cho nhau. Với một số người, thì đây nghĩa là nắm bắt sự khôn ngoan được bày tỏ nơi thập giá. Người khác thì cho rằng, phải hiểu được sự đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá. Và với người khác nữa, thì nghĩa là hiểu được lời mời gọi bên trong thập giá đang kêu mời chúng ta sống các đòi hỏi của thập giá. Mỗi một chú giải này, theo cách riêng của mình, đều chỉ ra bí mật thâm sâu nhất cả mọi nhận thức nhân loại, cụ thể là, khi trao ban tình yêu bằng sự tự hiến hoàn toàn, bằng cái giá của sỉ nhục, tan nát, và cái chết, chúng ta đạt đến những gì thâm sâu nhất và trọn vẹn nhất trong đời.

Nhưng, không như các bí mật ngộ đạo thuyết thời xưa hay thời nay, bí mật này là một bí mật mở, cho tất cả mọi người, và ngược đời thay, lại mở ra cho những ‘người nhỏ bé’ người nghèo và giấu kín với ‘những người khôn ngoan tài giỏi.’  Chúa Giêsu đã làm rõ rằng, Ngài không có bí mật giấu kín nào cả, khi nhiều lần nhấn mạnh rằng Ngài chỉ nói công khai nơi công cộng, không bao giờ giấu giếm, nhưng lên tiếng nơi hội đường và phố thị. Chúa Giêsu không có bí mật giấu kín nào cả, chỉ có những bí mật mở nhưng chúng ta không nắm bắt được mà thôi,

Và một điều đáng chú ý là, trong Tin mừng cho thấy, bí mật của thập giá không phải là chuyện hiểu hết một lần được. Có lúc chúng ta nắm bắt được, và đi vào nhóm hiểu biết, có lúc chúng ta không nắm bắt được và ra khỏi nhóm.  Ví dụ như, sau khi thánh Phêrô chối Chúa Giêsu trong cuộc thương khó, Tin mừng bảo chúng ta rằng ‘Phêrô đi ra ngoài’ và đây không chỉ đơn thuần là bước ra khỏi cánh cửa sân thôi đâu. Khi chối về việc mình biết Chúa Giêsu, và không dấn tới mà nhận lấy gánh nặng trung tín, Phêrô đã bước ra khỏi nhóm môn đệ đích thực và ra khỏi nhận thức đích thực về sự sống. Việc chối Chúa Giêsu đã khiến Phêrô ‘ở ngoài.’ Cả chúng ta nữa, khi theo Chúa Giêsu, có lúc chúng ta ‘bước ra ngoài’ khi chiều theo cám dỗ và nghịch cảnh. Nhưng rồi, nếu chúng ta hối hận vì đã phản bội, như Phêrô thưở xưa, thì chúng ta có thể bước lại ‘vào trong.’

Có nhiều cách khác nhau để chúng ta có thể nhận thức được thông điệp của Chúa Giêsu và tương hợp ý Chúa với đời mình, nhưng có lẽ ít, hoặc không có điều gì, cho chúng ta ngay lập tức đi vào trọng tâm cho bằng lời mời của Chúa Giêsu trong Tin mừng theo thánh Máccô, muốn chúng ta nắm bắt và đón nhận sự khôn ngoan của Thập giá.

jesus-discipleship 
J.B. Thái Hòa chuyển dịch (phanxico.vn)