Đau thắt lưng là một hiện tượng thường gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu ở người trưởng thành, đặc biệt là người lớn tuổi.
Nhiều người khi bị đau lưng là nghĩ ngay đến bệnh đường tiết niệu. Tuy nhiên, đau thắt lưng còn có thể là biểu hiện của thoái hóa cột sống lưng, chấn thương...
Vì sao đau thắt lưng?
Mọi người có thể mắc triệu chứng đau thắt lưng (ĐTL) ngay cả tuổi còn rất trẻ. Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau, có nguyên nhân xảy ra ngay tại cột sống thắt lưng nhưng có thể do tổn thương ở một vị trí khác hoặc cơ quan khác trong cơ thể gây nên. ĐTL có thể do tác động cơ học hoặc do viêm nhiễm. ĐTL do tác động cơ học gặp chủ yếu ở lứa tuổi đã trưởng thành và người cao niên như thoái hóa cột sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm, gai đôi cột sống (cột sống thắt lưng, cùng cụt)...
Thoái hóa cột sống thắt lưng thường hay xảy ra ở vị trí sụn khớp và đĩa đệm bởi do trọng lực của cơ thể quá nặng tác động hàng ngày lên toàn bộ cột sống, trong đó cột sống thắt lưng chịu áp lực nhiều nhất (đứng hoặc ngồi làm việc nhiều giờ).
Triệu chứng ĐTL được thể hiện khá sớm gây khó chịu và ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động, sức khỏe, buộc người bệnh phải đi gặp thầy thuốc. Ngoài do thoái hóa cột sống thắt lưng, mang vác nặng, thay đổi tư thế đột ngột hoặc bưng, bê vật nặng không cân xứng làm thoát vị đĩa đệm cũng là một nguyên nhân gây ĐTL.
Người bệnh có biểu hiện ĐTL dữ dội, nằm bất động, không cử động được phải cấp cứu. ĐTL còn có thể do viêm dây chằng, đĩa đệm, lao cột sống, ung thư cột sống, viêm khớp cùng chậu hoặc do viêm nhiễm ở một cơ quan lân cận khác như viêm phần phụ (nữ giới), viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm đường niết niệu hoặc sỏi đường tiết niệu (sỏi thận, niệu quản, bàng quang). Khi mắc các bệnh này, người bệnh thường ĐTL âm ỉ đồng thời với các triệu chứng chính của bệnh (đau dạ dày, sỏi tiết niệu, viêm phần phụ ở nữ giới).
Người cao tuổi bị đau lưng nên định kỳ khám bệnh để được theo dõi điều trị tránh tái phát.
|
Để xác định nguyên nhân đau thắt lưng cần chụp X-quang cột sống thắt lưng, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm nước tiểu. Nếu có điều kiện cần chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Ngoài ra, để loại trừ các bệnh có liên quan, các xét nghiệm cận lâm sàng là rất cần thiết (kiểm tra dạ dày, kiểm tra phần phụ ở nữ giới).
Điều trị đau thắt lưng, cách nào?
Khi biết rõ nguyên nhân gây ĐTL, thầy thuốc sẽ có chỉ định điều trị cụ thể. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp mặc dù biết rõ căn nguyên gây ĐTL nhưng giải quyết triệt để căn nguyên đó không phải đơn giản trong ngày một, ngày hai hay trong vài ba tuần (ví dụ do thoái hóa cột sống, lồi đĩa đệm, gai cột sống).
Vì vậy, người bệnh cần kiên trì chữa trị, không nên quá nôn nóng hoặc dùng nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị. Bên cạnh đó, sau khi đã điều trị khỏi, cần tránh để tái phát, vì nếu để tái phát, ĐTL còn tăng hơn nhiều lần so với đau lần trước đó.
Thoát vị đĩa đệm cột sống là một nguyên nhân gây đau thắt lưng.
|
Ngoài điều trị căn nguyên, người bệnh nên thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác cũng rất cần thiết như tập thể dục nhẹ nhàng tùy theo sức và mức độ bệnh của mình. Người bị thoái hóa cột sống thắt lưng hoặc bị thoát vị đĩa đệm không thể tập thể dục như các bệnh nhân khác mà cần phải tuân thủ lời dặn, tư vấn của bác sĩ điều trị. Ví dụ như bị thoát vị đĩa đệm đi bộ trên nền phẳng, không đi xe đạp, xe máy, ôtô ở những nơi gây xóc nhiều, mấp mô, nhiều ổ gà...
Lời khuyên của thầy thuốc
Người bệnh không được tùy tiện dùng thuốc điều trị ĐTL mà cần tuân thủ một cách tuyệt đối y lệnh của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự mua thuốc để điều trị hoặc cùng một lúc cả thuốc Tây y cả thuốc Đông y.
Trong điều kiện cho phép có thể điều trị Đông Tây y kết hợp (uống thuốc Tây y kết hợp xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt hoặc lý liệu pháp). Người cao tuổi cần phải đi khám bệnh định kỳ để được theo dõi bệnh một cách liên tục đề phòng bệnh tái phát.
(st)