16 Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông : "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."
Lời mời gọi ra đi rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu luôn vang vọng qua mọi thời đại. Và qua bài Tin Mừng ở trên, chúng ta thấy không những có tính cách khẩn thiết của việc làm chứng nhân cho Chúa Giêsu mà còn thấy tình yêu của Thiên Chúa được mặc khải qua mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Thật vậy, đã yêu thì phải có đối tượng. Qua bài chia sẻ Tin Mừng này, chúng ta không dừng lại để lý giải vấn đề tại sao lại có một Thiên Chúa mà Ba Ngôi ở đây, nhưng cùng tìm hiểu về hai khía cạnh trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Một là do đâu chúng ta biết có Một Chúa Ba Ngôi? Hai là mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống con người chúng ta như thế nào?
Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi
Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi là một trong những mầu nhiệm chính của đạo Công giáo và nếu chỉ dùng trí khôn của loài người thì thật khó hình dung và khó hiểu. Thật vậy, đã nói là mầu nhiệm thì lý trí của con người không thể lý giải theo một lý luận thông thường của con người. Có một giai thoại kể rằng: Thánh Augustino một nhà thần học nổi tiếng và cũng là một vị Giám Mục luôn suy tư về Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi và không thể giải thích được bằng lý luận suy tư của mình. Quá thất vọng và nản lòng, thì bỗng, một hôm thánh nhân đang dạo chơi trên bờ biển, người rất ngạc nhiên khi thấy một em bé đang cặm cụi, chăm chỉ ngồi xuống trên cát dọc bờ biển, em đang dùng một vỏ sò để múc nước biển đổ vào trong những vũng nước mà tự tay em làm. Làm sao em có thể múc cạn nước biển mênh mông rộng lớn bằng chính cái vũng nước này, và câu hỏi đã nảy ra trong đầu óc thánh Augustino: “này con, làm sao con có thể múc hết nước biển đổ vào cái vũng nhỏ xíu kia?”. Cậu bé liền trả lời: “Việc múc cạn nước biển bao la này bằng những vỏ sò thật là khó, nhưng con còn thấy dễ hơn là với một trí óc nhỏ bé bằng cái gáo dừa của con người thì làm sao hiểu được mầu nhiệm của Đấng Tuyệt Đối Cao Siêu. Với giai thoại này, chúng ta thấy rằng con người là một thực thể hữu hạn khi đứng trước những mầu nhiệm về Thiên Chúa - Đấng toàn năng.
Với những gì được Chúa Giêsu mạc khải và qua suy tư của của các nhà thần học và diễn đạt bằng ngôn ngữ của loài người, chúng ta có thể nói mầu nhiệm Một Chúa có Ba Ngôi là một thực tại được Chúa Giêsu mạc khải: Hãy ra đi và rao giảng tin mừng và phép rửa cho họ Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần”. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu nói với các môn đệ Người phải trở cùng với Cha, có đi như vậy, Ngài mới phái Thánh Thần Đến (Ga 14, 26 ). Theo lời ấy, chúng ta tin và tuyên xưng có Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi bằng nhau, không Ngôi nào hơn Ngôi nào. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn mặc khải thêm “Chúa Cha và Tôi là một” (Ga 10,20) nghĩa là Chúa Cha và Chúa Con đồng một bản thể, rồi trong buổi tiệc ly, để an ủi các môn đệ hứa sẽ ban Thánh Thần. Người nói: “Thầy xin Chúa Cha sẽ ban cho anh em một Đấng phù trợ khác”. Như vậy, chính Chúa Thánh Thần là Đấng bầu chữa ngang hàng với Đức Giêsu và do đó, cũng ngang hàng với Chúa Cha vì cùng một bản thể.
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống
Người Kitô hữu biết và sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong đời sống hàng ngày, tức là đã biết lý do, biết cùng đích của cuộc đời. Đó là lý do tương xứng tại sao phải sống dũng cảm để làm chứng và rao giảng Tin Mừng cứu độ cho tha nhân. Phải sống dũng cảm, vì Thiên Chúa Ba Ngôi là phần thưởng chung cuộc dành cho họ. Hơn nữa, trong Tin Mừng, Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn đề người ta đề cập như kiểu trình bày lý thuyết và trừu tượng. Mầu nhiệm này là một thực tại của tình yêu, mỗi người chúng ta phải sống thực tại ấy, bằng chính cuộc sống tình yêu ngay từ hôm nay bởi đức tin trong Đức Giêsu.
Thiên Chúa Ba Ngôi là lò lửa tình yêu lúc nào cũng ngùn ngụt cháy. Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch tình yêu không bao giờ vơi cạn. Cuộc trao đổi cho đi và nhận lãnh làm cho tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa ngày càng sung mãn dồi dào. Tất cả mọi tình yêu đều bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi. Tất cả mọi tình yêu muốn trung thực và bền vững đều phải học theo khuôn mẫu tình yêu Chúa Ba Ngôi. Hạnh phúc là chúng ta được tham dự vào bầu khí yêu đương của Chúa Ba Ngôi. Hạnh phúc sẽ đến khi mọi người biết yêu thương nhau trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi.
Hôm nay, khi truyền cho chúng ta đi rửa tội cho mọi người nhân danh Chúa Ba Ngôi, Đức Giêsu muốn chúng ta đem tình yêu rửa sạch những oán ghét hận thù đang tàn phá thế giới. Người mong chúng ta đem ngọn lửa tình yêu thắp sáng những góc tối tăm chiến tranh, chia rẽ. Người mong ta đem mưa tình yêu tưới gội những vùng đất khô cằn vì thiếu vắng tình thương tha thứ. Người muốn cho tình yêu lên ngôi ngự trị trong hết mọi tâm hồn.
Phần chúng ta, những môn đệ của Chúa, mỗi khi chúng ta làm dấu Thánh giá nhân danh Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy xin Ba Ngôi Thiên Chúa in tình yêu thánh thiện của Người vào tâm hồn chúng ta. Xin cho chúng ta được tham dự vào tình yêu vô cùng sung mãn của Người. Xin cho chúng ta trở nên một đốm lửa trong lò lửa yêu thương của Người. Được cháy trong lò lửa tình yêu Chúa Ba Ngôi, chúng ta sẽ trở nên giống như Người, luôn biết cho đi, luôn biết dâng hiến, luôn mưu tìm hạnh phúc cho tha nhân.
Học viện Đa Minh