Nhiều thói quen khi nấu cơm tưởng như vô hại đã vô tình làm mất đi dinh dưỡng quan trọng của hạt gạo.
Vo gạo quá kỹ là sai
Thầy thuốc ưu tú, thạc sĩ, bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi (nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, bệnh viện 198) cho biết cơm (gạo) không chỉ cung cấp chất bột đường để bổ sung năng lượng cho cơ thể mà còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất khác. Trong đó phải kể đến vitamin nhóm B (B1, B3, B6) và chất xơ. Ngoài ra gạo còn có vitamin E, magiê, mangan, sắt, kẽm. Những dưỡng chất này có nhiều nhất ở lớp ngoài của hạt gạo (trong lớp vỏ cám).
“Tạo hóa rất kỳ diệu khi trong mỗi một thực phẩm khó chuyển hóa luôn bao hàm một chất giúp quá trình tiêu hóa được dễ dàng hơn. Chẳng hạn để chuyển hóa chất bột đường trong cơm, vai trò của chất xơ bên ngoài hạt gạo rất quan trọng. Đáng tiếc trong quá trình nấu, nhiều người đã làm hao hụt mất dưỡng chất này”, bà Tường Vi nói:
Chất xơ trong hạt gạo có tác dụng chống táo bón, nhuận tràng, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và giúp làm chậm quá trình đường chuyển vào máu, giảm đường huyết, ngăn ngừa bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa.
Vitamin B1 có nhiều trong gạo cũng rất tốt cho cơ thể. Thiếu vitamin này sẽ gây ra hiện tượng ăn không ngon, buồn nôn, tê bì ở ngoài da, giảm trương lực cơ, giảm sút trí nhớ, thậm chí có thể dẫn tới phù ở chân, teo cơ, rối loạn tinh thần,…
Theo bà Tường Vi, người Việt có thói quen không tốt là vo gạo quá kỹ trước khi nấu, nhất là ở các vùng quê, nhiều nhà còn dùng cách vò, đãi gạo nhiều lần trong chậu nước to đến khi nào gạo thật trắng mới thôi. Nghiên cứu của Viện dinh dưỡng từng phát hiện lượng sắt, kẽm mất đi trung bình trong quá trình vo gạo, nấu cơm dao động từ 79,9% - 96,5%. Vitamin nhóm B cũng bị mất đi tới 70% - 95% trong quá trình xay xát và vo gạo.
“Nếu mất đi những dưỡng chất bên ngoài hạt gạo, cơm sẽ còn lại phần lõi là tinh bột. Tiêu thụ quá nhiều tinh bột sẽ khiến bạn có nguy cơ bị béo phì, tiểu đường, các bệnh phù thũng, tăng huyết áp…”, bà Tường Vi cho biết.
Bản chất của các dưỡng chất dinh có trong lớp ngoài của hạt gạo là dễ hòa tan trong nước, dễ bay hơi nếu mở vung khi nấu. Do đó, vị chuyên gia dinh dưỡng đưa ra lời khuyên là nên vo gạo ngay trong nồi cơm, tức là đổ nước và khoắng nhẹ, chắt bụi bẩn và vỏ trấu, không nên chà xát gạo mạnh. Ngoài ra, nấu cơm bằng nồi cơm điện hạn chế quá trình bay hơi nên ít làm hao hụt dưỡng chất so với nấu bằng nồi gang. Chị em cũng nên dùng nước sôi để nấu cơm, bởi nếu nấu cơm bằng nước lạnh, hạt gạo sẽ trương nở ra, các chất dinh dưỡng cũng theo đó tan ra trong nước rồi bốc hơi.
Chớ ham gạo trắng
“Nhiều người nghĩ gạo càng trắng càng sạch mà không nghĩ rằng gạo được xát quá kỹ bản thân nó đã mất đi những dưỡng chất quan trọng của hạt gạo. Vì vậy người ta mới nói gạo lứt (gạo chưa bị xát mất phần vỏ cám bên ngoài hạt gạo) tốt hơn gạo trắng”, chuyên gia dinh dưỡng Tường Vi nhấn mạnh.
Theo đó, gạo càng trắng, càng ít dưỡng chất và càng nhiều chất đường bột. Đó là chưa kể đến việc nhiều cơ sở sản xuất gạo hiện nay dùng hóa chất để làm hạt gạo trắng, bóng hơn. Thậm chí những hóa chất này còn có thể "phù phép" gạo ẩm mốc thành những loại gạo trắng, thơm. Những hóa chất này đi vào cơ thể sẽ nguy hại khôn lường.
Anh Quốc Bảo - người làm nghề xay xát gạo lâu năm ở Quảng Xương, Thanh Hóa cho hay gạo xay xong có màu trắng đục chứ không thể trắng tinh và bóng như trên thị trường. Lúa càng để lâu, gạo càng khó trắng.
(st)