Đâu đó chúng ta vẫn nghe người ta nói rằng: “Đi tu là từ bỏ gia đình, từ bỏ của cải thế gian, để bước theo Chúa”, hay “Đi tu là chấp nhận sống đời khắc khổ, nhiệm nhặt trong Dòng, chứ không tự do, thoải mái.” Những cách nói này dường như hướng về phía con người nhiều hơn, nhấn mạnh đến quyết định lựa chọn của một cá nhân. Thiết nghĩ, điều đó chưa diễn tả đúng bản chất và đặc tính cốt yếu của đời tu. Bởi chưng, đời tu hay đời dâng hiến, đích thực khởi đi từ Thiên Chúa. Đấy là sáng kiến tuyệt vời, là tiếng gọi tình thương và là hồng ân cao quý Thiên Chúa dành cho con người.
1. Sáng kiến tuyệt vời của Thiên Chúa
Lật lại những trang lịch sử của Giáo hội, người ta có thể xác định thời điểm xuất hiện của các Dòng tu với những các vị Tổ phụ sáng lập khác nhau. Tuy thế, đời tu không phải là ý tưởng sáng tạo của con người, mà là sáng kiến của Thiên Chúa, còn các vị Tổ phụ chỉ thành lập Dòng tu sau khi nhận ra thánh ý Chúa qua nhu cầu của đời sống và của Giáo hội. Chính Thiên Chúa, như Kinh Thánh mặc khải, mới là Đấng có ý tưởng tuyển lựa một số thành phần nào đó, để thánh hiến và dành riêng cho việc phụng thờ Người.
Những chương đầu tiên của Sáng Thế Ký cho thấy, giữa muôn vàn thụ tạo, Thiên Chúa ưu tuyển con người, cho con người được mang hình ảnh Chúa, được chung hưởng hạnh phúc bên Chúa trong vườn địa đàng. Sách thánh mô tả hình ảnh rất đẹp: “Chiều chiều Thiên Chúa hiện ra đi dạo với con người (x. St 3,8) và Thiên Chúa cho con người được quyền cai quản các sinh vật (x. St 2,19-20). Do đó, có thể nói, ngay từ thuở ban đầu, con người đã có mối tương quan khăng khít với Thiên Chúa. Con người là loài thụ tạo duy nhất trên cõi đất này được ở gần, đối thoại và trò chuyện thân mật với Đấng Tạo Hoá.
Cựu ước cho biết: Trong số các dân tộc trên mặt đất, Thiên Chúa đã tuyển chọn một dân tộc đặc biệt và xem là dân riêng của Người: dân Israel, con cháu của Tổ phụ Apraham, chính là dân tộc diễm phúc đó. Và trong số các chi tộc Israel, con cái thuộc chi tộc Lêvi được Thiên Chúa chọn làm tư tế, để chuyên lo việc tế tự và dâng tiến lễ vật trên bàn thờ kính Đức Chúa thay mặt cho toàn dân.
Tân ước mặc khải thêm: Hội Thánh chính là dân Israel mới, là cộng đoàn những người lãnh nhận Phép Rửa trong Đức Kitô, để làm thành một dân chuyên lo việc tế tự, tôn kính và phụng thờ một Thiên Chúa duy nhất, Đấng là Cha của Đức Giêsu Kitô. Trong lòng Hội Thánh, lại có những người nam nữ được ưu tuyển hơn. Họ được Thiên Chúa thánh hiến để trở nên như của lễ thiêng liêng thuộc trọn về Chúa, chỉ lo thờ phượng và thi hành ý Chúa mà thôi.
Như vậy, trong ý định thánh thiêng của Người, Thiên Chúa đã muốn dành riêng một số người để họ chuyên lo việc thờ phượng và làm chứng cho sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trên trần gian. Đấy chính là khởi nguồn của đời sống tu trì trong Giáo hội. Nói khác đi, đời tu đích thực là một sáng kiến của Thiên Chúa, do ý Chúa muốn, và Người đã thực hiện điều đó nơi con người.
2. Lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa
Thiên Chúa ban cho con người có tự do. Vì thế, Người không cưỡng bức hay ép buộc ai sống đời tu và dâng mình cho Chúa trong nhà Dòng. Trái lại, Thiên Chúa chỉ chủ động lên tiếng mời gọi, rồi chờ đợi sự đáp trả của con người. Thực thế, các sách Tin mừng đã thuật lại nhiều lần Đức Giêsu lên tiếng mời gọi một số người cộng tác với Người rao giảng Tin mừng. Khởi đầu sứ vụ tại Galilê, Đức Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên là Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan. Rồi khi đi ngang qua trạm thu thuế, Đức Giêsu nhìn thấy Lêvi đang ngồi đó, Người cũng mời gọi ông làm môn đệ. Tất cả các ông khi nghe lời Chúa mời gọi, đều lập tức từ bỏ mọi sự để bước đi theo Người.
Lời mời gọi của Thiên Chúa là lời yêu thương. Lời ấy có sức lôi kéo, dẫn dắt con người đến với Chúa và theo chân Chúa suốt cuộc đời. Xưa kia, cảm nhận lời mời gọi yêu thương của Chúa, ngôn sứ Giêrêmia đã phải thốt lên những lời chân thành tự đáy lòng: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con và Ngài đã thắng” (Gr 20,7). Dẫu biết rằng, thi hành ý Chúa không phải là dễ, chắc chắn sẽ gặp nhiều gian khổ, nhưng vị ngôn sứ không thể cưỡng lại sức lôi kéo mãnh liệt của lời mời gọi yêu thương, nên đã quyết dâng hiến cả đời mình để thi hành Thánh ý Chúa.
Đời tu là như thế, khởi đi từ lời mời gọi yêu thương của Chúa, nhiều người nam nữ đã đáp trả và hiến dâng cuộc đời theo Chúa để trở nên môn đệ đích thực của Người. Nếu Thiên Chúa không ngỏ lời trước, làm sao nhân loại có thể nhận ra ý định tốt lành của Người. Sự thực, chính Chúa đã chủ động lên tiếng mời gọi, và có những người nghe tiếng Chúa, rồi đáp lại một cách tự nguyện, dứt khoát.
3. Hồng ân cho nhân loại
Như vậy, đời sống thánh hiến là một ân ban trọng đại của Thiên Chúa. Ân ban đó tiên vàn dành cho những người sống đời dâng hiến, bởi họ đã được Thiên Chúa chọn gọi. Không những vậy, họ còn được Thiên Chúa thánh hoá và nâng lên hàng nghĩa thiết, cho làm bạn tâm phúc của Chúa và được chia sẻ sự sống thần linh với Người.
Đồng thời, qua những ai sống đời thánh hiến, Thiên Chúa không ngừng tuôn đổ muôn vàn ơn phúc cho Giáo hội và toàn thể nhân loại. Đúng như tên gọi “đời dâng hiến”, người tu sĩ, linh mục đã tiến dâng đời mình làm của lễ “góp về từ trần thế” để làm đẹp lòng Chúa, và kéo ơn thiêng của Chúa xuống cho mọi người. Thêm vào đó, qua các Tu viện, các cộng đoàn Tu trì, Thiên Chúa biểu lộ dấu chỉ rõ ràng cho thấy Người vẫn hiện diện sống động trên trần gian. Người luôn đồng hành với nhân loại trong dòng lịch sử, để ban ơn trợ lực, dẫn dắt con người trong cuộc lữ hành đức tin và đưa họ về chung hưởng hạnh phúc muôn đời.
Nói tóm lại, đời sống thánh hiến là quà tặng cao quý Thiên Chúa dành cho con người. Con người vốn dĩ chỉ là thụ tạo thấp hèn, nhưng được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn, thánh hiến, dành riêng để ở bên Chúa và phụng sự Chúa. Đấy là đặc ân vô cùng cao cả. Thế nhưng, xu thế thực dụng và tục hoá của thời đại hôm nay đang làm cho nhiều người không còn chú trọng hay quý mến đời sống thánh hiến, và xem thường ân ban của Chúa. Là những Kitô hữu, thiết nghĩ chúng ta cần đi ngược với xu thế đó. Chúng ta được mời gọi lắng nghe và quảng đại đáp trả tiếng gọi tình thương của Chúa. Tuỳ theo điều kiện riêng của mình, có thể sống ở bậc giáo sĩ, tu sĩ, hay giáo dân. Nhưng, theo một nghĩa rộng, dù ở bậc sống nào chúng ta cũng được mời gọi hiến dâng đời mình cho Chúa, sống hoàn trọn ơn gọi và sứ mạng của Bí tích Rửa tội mà mỗi người đã lãnh nhận. Nhờ đó, chính chúng ta được hưởng muôn vàn ân phúc của Chúa và trao chuyển ân phúc ấy cho tất cả mọi người.
JC Nguyễn (daminhvn.net)