Có lẽ ở bất cứ quốc gia hay dân tộc nào trên thế giới, con người đều có những tín ngưỡng riêng của mình. Họ thường đặt niềm tin của mình vào một hoặc nhiều vị thần mà họ nghĩ rằng, vị thần đó có thể bảo vệ họ và ban cho họ những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Cho nên mỗi khi có khó khăn, họ liền chạy đến cùng vị thần đó và khẩn nài xin ơn. Đó cũng là điều mà họ đã học được từ tôn giáo của mình. Sự thật thì bất cứ tôn giáo nào cũng dạy cho tín đồ của mình cách thức để nguyện xin. Nhờ đó, tôn giáo đó mới có thể phát triển và tồn tại lâu dài, bằng không tôn giáo đó chỉ là một tôn giáo chết mà thôi.
Ai cũng có khả năng thực hành việc cầu nguyện, nhưng không phải bất cứ ai cũng biết cách cầu nguyện thật xứng hợp. Theo các nhà chuyên gia về tâm lý học, hai con người không bao giờ có tư duy và nhận thức giống nhau hoàn toàn. Vì thế trong việc cầu nguyện, mỗi người đều có cách thức thực hiện khác nhau. Phần đông tín đồ thường “cầu xin” hơn là “cầu nguyện” - đó là một thực tế trong cuộc sống ngày nay. Cuộc sống thường có nhiều khó khăn, thử thách, gian truân, nên con người thường có xu hướng chạy đến với “vị thần” của mình và nài xin được giúp đỡ. Họ chỉ xin những gì có ích cho chính họ mà thôi.
Theo truyền thống của người Kitô giáo, cầu nguyện không chỉ là nhu cầu tình cảm bộc phát, cũng không chỉ là những kiến thức trừu tượng, nhưng cần phải có ý thức, phải được học hỏi và đem ra thực hành. Tuy nhiên, ít có Kitô hữu nào làm được điều ấy. Chẳng hạn, khi nghe nói ở đâu có phép lạ xảy ra, người hành hương thường tìm đến ngay nơi ấy với mục đích cá nhân, đồng thời cũng hy vọng mình cũng sẽ nhận được ơn như ý muốn. Đây vốn dĩ là một hiện tượng của thời đại.
Người viết nêu lên vấn đề trên đây là để mỗi người tự ý thức hơn về việc cầu nguyện của mình. Cầu nguyện không chỉ để xin ơn, để đem lại lợi ích cho mình, mà còn là sống kết hợp với Đấng mà chúng ta tin thờ nữa. Ân sủng và tình yêu Chúa dành cho mỗi người là giúp con người biết đáp trả lại với Thiên Chúa bằng một Đức Tin trung kiên. Vì thế, khi cầu nguyện với Chúa, chúng ta phải đặt mình vào bàn tay của Người, tin tưởng và phó thác cho Người tất cả mọi sự của cuộc đời ta.
Nhìn vào đời sống các bậc thánh nhân, chúng ta nhận ra rằng, các ngài đã phải sống một đời cầu nguyện thật gắn bó và mật thiết với Chúa nhiều lắm, thì các ngài mới có đủ can đảm mà thể hiện đức tin của bản thân. Chẳng hạn, thánh Đaminh, một con người luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa qua kinh nguyện và giảng thuyết, đã “luôn nói với Chúa và nói về Chúa”. Thánh nhân cho rằng: “Cầu nguyện là đáp trả một sự thúc bách”, nên ngài rất hăng say trong việc cầu nguyện; còn thánh Gioan Kim Khẩu thì nghĩ rằng: “Cầu nguyện là cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa”, và còn nhiều vị thánh khác nữa. Đó là suy nghĩ mà các thánh đã sống, đã cảm nghiệm và đã tìm thấy Chúa trong cuộc đời của mình. Về đời sống cầu nguyện, chúng ta không thể sánh được như các ngài, nhưng dù sao chúng ta cũng có những cảm nghiệm của riêng mình và cố gắng tập sống từng ngày với Chúa.
Là một tu sĩ, chúng ta phải nuôi dưỡng và sống thật tốt đời sống cầu nguyện. Vì “cầu nguyện làm cho trái tim chúng ta lớn lên cho đến lúc nó có thể chứa đựng được cả chính Thiên Chúa” (thánh Têrêsa Calculta). Ai sống đời tu mà không cầu nguyện hay không tìm được con đường nội tâm, thì chẳng có ý nghĩa gì và chẳng bao giờ đạt được mục đích. Vì thế, chúng ta tham dự vào đời sống Phụng vụ của cộng đoàn; và cùng với cộng đoàn, chúng ta dâng những lời kinh, tiếng hát để chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa. Đối với chúng ta, cầu nguyện là được sống trong những giây phút bên Chúa, giây phút được Chúa thương yêu và vỗ về. Chúng ta cảm nhận được những giây phút kỳ diệu ấy: được nâng đỡ, ủi an, và được tăng thêm nghị lực khi ta chán nản, buồn sầu vì bất cứ chuyện gì trong cuộc sống. Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, để chúng ta hiểu rằng chính chúng ta cũng đang hiện diện trong Chúa.
Nói đến đây, người viết phải thú nhận rằng “việc theo Chúa”, nghĩa là sống và làm như Chúa, thật khó biết bao! Tôi hiểu để họa lại hình ảnh của Chúa không phải là chuyện đơn giản như chuyện một họa sĩ vẽ một bức chân dung. Nhưng nếu Chúa đã kêu mời tôi theo Người, chắc hẳn Người sẽ có cách giúp tôi họa lại nguyên vẹn hình ảnh của Người. Đặt tâm hồn mình trước Chúa, tôi ý thức thân phận bé nhỏ của mình và khiêm tốn xin Người thương xót và nâng đỡ thêm sức cho tôi.
Nếu như trước kia, tôi đến với Chúa vì những lợi ích của cá nhân tôi, thì giờ đây tôi đến với Người bằng cả niềm tin và tâm hồn. Tôi có thể cảm nhận được sự hiện diện sống động của Chúa nơi toàn bộ nhân sinh quan, nơi cộng đoàn, đặc biệt nơi những người anh em mà tôi đang sống chung. Nhiều lúc, trong giờ kinh của cộng đoàn hay ngay trong chính giờ kinh riêng của mình, tôi cũng cảm thấy uể oải, chán chường khi cứ phải đọc đi đọc lại từng ấy kinh. Nhưng nhờ có ý thức vào sự hiện diện của Chúa, tôi vui vẻ làm mà không chút than phiền.
Từ nhận thức trên, tôi nghiệm thấy rằng để có đời sống cầu nguyện tốt, tôi cần phải có sự quyết tâm muốn cầu nguyện. Cuộc đời tôi sẽ chẳng ra gì, nếu tôi không ý thức được cầu nguyện chính là bổn phận và trách nhiệm. Cầu nguyện phải là hơi thở trong đời tu của tôi. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Không cầu nguyện, đời tu không có ý nghĩa và không thể đạt được mục đích của mình.” Chính vì thế, Đức Giêsu mời gọi chúng ta cầu nguyện không nản chí: “Người kể cho các môn đệ dụ ngôn để các ông phải cầu nguyện luôn, không nản chí” (Lc 18,1).
Như vậy, đời tu thực sự chỉ có ý nghĩa khi được gắn liền với đời sống cầu nguyện. Điều này cũng nói lên căn tính của đời tu: đời tu là đời cầu nguyện (GL 607). Chúa ơi, con muốn được ở lại trong Chúa, để được lắng nghe, nhiều khi chỉ để chiêm ngắm và cảm nhận hạnh phúc được ở bên Ngài. Chính lúc đó, con được Chúa thương yêu và chỉ dạy nhiều điều. Chúa là tất cả con người của con: thân xác, trí khôn, tinh thần, suy nghĩ, tình cảm và hành động. Con muốn được ở với Ngài luôn mãi.
Nhìn lên thánh giá, tôi vẫn tự hỏi mình rằng, đây có phải là tình yêu thứ nhất và cuối cùng như tôi đã khấn ? Câu hỏi ấy cứ đánh động tâm trí và thôi thúc tôi phải cầu nguyện để xác định lại tình yêu mà mình dành cho Chúa thế nào. Với Chúa Giêsu, tôi đã làm được gì cho Người ? Với Dòng, tôi đã và sẽ làm gì cho Dòng sau giai đoạn Đào tạo Hiến định này ? Với anh em, tôi đã sống trọn vẹn con người mình với anh em chưa hay vẫn còn những ganh ghét, đố kỵ
JMH - Học Viện Đa Minh