Mỗi khi rảnh rỗi hay căng thẳng, nhiều người có thói quen bẻ khớp ngón tay, chân. Hành động này khiến người ta cảm thấy khoan khoái nhưng cũng tiềm ẩn một số nguy hiểm.
Tờ Health Me Up đã chỉ ra vì sao bẻ khớp ngón tay phát ra tiếng kêu và ảnh hưởng của thói quen này đối với sức khỏe.
Túi khí, khoảng trống giữa các khớp giãn nở tạo ra tiếng rắc rắc khi bạn bẻ ngón tay. Ảnh: ©Shutterstock |
Tại sao bạn bẻ khớp ngón tay tạo ra tiếng rắc rắc?
Hầu hết khớp xương đều bao gồm các túi nhỏ hoặc khoảng trống chứa chất hoạt dịch khớp. Chất lỏng này có tác dụng bôi trơn và giảm sự va chạm của các đoạn xương khi bạn vận động.
Khi bạn bẻ khớp ngón tay hoặc mọi bộ phận khác trong cơ thể để “giãn gân giãn cốt”, không gian trống giữa các khớp xương giãn ra, áp suất giảm khiến chất hoạt dịch bị hút vào các khoảng trống gây ra tiếng rắc rắc mà chúng ta thường nghe.
Bẻ khớp ngón tay có lợi hay có hại?
Sau khi bẻ ngón tay, các khớp của bạn có xu hướng hoạt động nhanh nhẹn hơn trong thời gian ngắn. Vì thế, một số người dần hìn thành thói quen này. Nhiều người còn cho rằng bẻ khớp ngón tay là một liều thuốc giảm stress, tương tự như thói quen cắn móng tay.
Nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ 200 người ở độ tuổi 45 cho thấy, nguy cơ mắc chứng viêm khớp chia đều cho người có thói quen bẻ ngón tay và bộ phận còn lại. Khớp của những người mắc bệnh này giảm chất hoạt dịch khiến sụn thoái hóa theo thời gian gây đau và cứng, nhất là khi vận động cơ thể.
Nghiên cứu đối với 300 người cho thấy, thói quen bẻ ngón tay có thể làm suy giảm chức năng của bộ phận này. Về lâu dài, thói quen này có thể gây ảnh hưởng đến sự hình thành miếng đệm khớp. Sau thời gian dài, chúng khiến khớp tay to lên, hạn chế khả năng cầm nắm và tính thẩm mỹ của bàn tay. Tuy vậy, các nhà khoa học vẫn chưa có bằng chứng cụ thể khẳng định điều này.
(st)