Sứ Điệp Mùa Chay năm nay có chủ đề là xóa bỏ sự “thờ ơ toàn cầu hóa”.
Đức Thánh Cha Phanxicô viết sứ điệp với niềm thao thức: “Mong mỏi lớn lao của tôi là tất cả nơi nào có sự hiện diện của Giáo hội, đặc biệt là nơi những giáo xứ và cộng đoàn, sẽ trở nên những hòn đảo lòng thương xót giữa biển cả thờ ơ”.
Ngày nay, lối sống ích kỷ đã lan rộng khắp mọi nơi đến nỗi Đức Thánh Cha gọi đó là sự “thờ ơ toàn cầu hóa”. Thế giới này đang muốn thu nhỏ lại và đóng cánh cửa liên lạc giữa Thiên Chúa và loài người “Dửng dưng với đồng loại và với Thiên Chúa cũng là một sự cám dỗ đối với Kitô hữu chúng ta”.
“Giáo hội phải là cánh tay của Thiên Chúa”. Đức Thánh Cha mong muốn: “Dân Chúa cần canh tân để không trở nên dửng dưng và không khép kín vào mình”. Ngài dựa trên ba trích đoạn Kinh thánh và đề nghị mỗi tín hữu, mỗi giáo xứ và giáo hội suy niệm để canh tân.
1. Giáo Hội
“Nếu một chi thể đau, thì tất cả các chi thể khác cũng đau” (1 Cr 12,26). Nếu một người chịu đau khổ, tất cả mọi người đều chịu đau khổ. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “Chúng ta chỉ có thể làm chứng cho những gì chúng ta trải qua”; “Mùa chay là thời điểm thích hợp để Thiên Chúa hoạt động nơi chúng ta, để chúng ta có thể trở nên giống như Ngài hơn nữa”.
Người tín hữu nhớ rằng chúng ta là một phần của “thân thể Chúa Kitô”, nói cách khác, Giáo hội và mỗi tín hữu cần tái khám phá “trong cùng một thân thể, không có chỗ cho sự dửng dưng, thứ thường hay chế ngự trong tim chúng ta”.
2. Các giáo xứ và các cộng đoàn
Câu hỏi nêu lên trong sách Sáng thế “Em ngươi đâu?” là một khởi điểm. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Tất cả những gì chúng ta đang nói về Giáo hội hoàn vũ bây giờ phải được áp dụng trong đời sống cộng đoàn và giáo xứ. Mỗi người tự hỏi mình có phải là những chi thể của Chúa Kitô không? Một thân thể có là nơi tiếp nhận và chia sẻ những gì Thiên Chúa mong đợi nơi chúng ta không? Một thân thể có đón nhận và quan tâm đến những thành viên đau yếu, nghèo đói và nhỏ bé nhất không? Hay chúng ta lẩn tránh thể hiện tình yêu, thứ tình yêu sẽ mở ra ôm lấy toàn thế giới, khi không thấy người anh em Lazarô ngồi đó trước cửa nhà chúng ta”. Ngài nhắn nhủ: “mỗi cộng đoàn tín hữu phải đi ra và hòa mình vào cuộc sống của xã hội, đặc biệt nơi những người nghèo và những vùng ngoại biên xa xôi. Tự bản chất Giáo hội là truyền giáo; Giáo hội không tự đóng mình lại nhưng đi đến mọi miền đất nước và mọi dân tộc”.
3. Mỗi tín hữu
“Anh chị em hãy cũng cố tâm hồn!” (Gc 5,8). Đoạn trích thư thánh Giacôbê là nguồn cảm hứng cho chủ đề năm nay. “Anh chị em thân mến, mong mỏi lớn lao của tôi là tất cả nơi nào có sự hiện diện của Giáo hội, đặc biệt là những giáo xứ và cộng đoàn, sẽ trở nên những hòn đảo lòng thương xót giữa biển cả thờ ơ”.
Đức Thánh Cha nhận xét: “Là những cá nhân, chúng ta bị cám dỗ bởi sự dửng dưng. Nhìn thấy những tin tức ngập tràn những hình ảnh đau khổ nơi nhân loại, chúng ta cảm thấy bất lực trong việc giúp đỡ họ. Chúng ta có thể làm gì để tránh cảm giác bất lực này?”.
Từ thao thức đó, Ngài đề xuất 3 phương thức.
a. Cầu nguyện là phương thức chủ yếu (Cẩm nang “24 giờ cùng Thiên Chúa” mà tôi hi vọng sẽ phát hành rộng rãi khắp nơi trên Giáo hội, khắp các Giáo phận vào ngày 13-14 tháng 3 tới, sẽ nhắc nhở về ý nghĩa của cầu nguyện”).
b. Giúp đỡ bằng những việc bác ái “Mùa chay là thời điểm thích hợp để thể hiện sự quan tâm đến tha nhân bằng những hành động nhỏ nhưng cụ thể cho thấy chúng ta thuộc về một gia đình”.
c. Hoán cải, vì “nỗi đau của người khác là lời kêu gọi hãy ăn năn sám hối, vì những thiếu thốn của họ nhắc chúng ta về sự không chắc chắn của cuộc sống của chính chúng ta, về sự phụ thuộc vào Thiên Chúa và anh chị em” và biểu lộ “một trái tim mạnh mẽ và nhân từ, ân cần và rộng lượng, một trái tim không đóng lại, không dửng dưng hoặc là nạn nhân của nạn thờ ơ toàn cầu hóa”.
Thái độ thờ ơ đến lối sống vô cảm
Triệu chứng sự thờ ơ là gặp người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn mà không thấy xót xa, thương cảm, không muốn ra tay giúp đỡ dù có điều kiện; đứng trước sự bất công, xấu xa, gian dối mà không thấy phẫn nộ, nhức nhối; thấy những điều tốt đẹp, cao thượng mà không ngưỡng mộ, cảm phục. Sự thờ ơ, dửng dưng, hay mặc kệ, bất cần đều là một sự vô cảm. Có ba cấp độ vô cảm khác nhau trong đời sống hàng ngày.Thứ nhất, vô cảm trước người khác hiểu theo nghĩa là một hay nhiều người cụ thể, ở ngay trước mặt, như người thân trong gia đình, hàng xóm hay bất cứ ai đó gặp tai nạn ngoài đường.Thứ hai là vô cảm trước đất nước hiểu theo nghĩa một cộng đồng mà mỗi người là một thành viên.Thứ ba là vô cảm trước đồng loại, bao gồm cả những người ở xa, xa xôi và xa lạ, thuộc một đất nước khác hay một lục địa khác.
Nhận định về sự thờ ơ dửng dưng, tác giả Nguyễn Thế Bài nói về sự vô cảm ngày nay:Trong các nguyên nhân gây vô cảm, đáng sợ nhất vẫn là từ sự thiếu ý thức, kém đạo đức, thiếu nhiệt tâm từ tập thể xã hội, được hiểu như là gia đình, gia tộc, đoàn thể, tổ chức, quốc gia. Về mặt tôn giáo tín ngưỡng, đó là những tổ chức, những giáo xứ, giáo phận và Giáo Hội địa phương. Tội ác là biểu hiện bằng hành động của vô cảm biến hoá theo năm tháng. Không ai sinh ra đã là sát nhân. Với Công giáo, sau khi nhận lãnh Bí Tích Thánh Tẩy, con người nên tinh tuyền, hình ảnh của Thiên Chúa. Hư hao, thoái hoá, sai trái, tội lỗi, đều khởi từ vô cảm với bản thân và với tha nhân, ban đầu mặc nhiên chấp nhận sự hiện diện và tình trạng ngược với đức tin, giáo lý, Phúc Âm, dần dần coi đó là tất nhiên. Hai thẻ vàng thành một thẻ đỏ. Hai tội nhẹ lại không cấu thành một tội nặng. Muôn tội nhẹ theo Giáo lý, vẫn không thành một tội nặng, nhưng hai hay nhiều tội nhẹ phạm có chủ tâm mà không được nhận thức sai lầm và sửa đổi, sẽ làm con người trở nên vô cảm và không khó dẫn đến phạm tội trọng. Sau kính thờ Chúa, thì Giới răn yêu người là quan trọng nhất: vô cảm là chướng ngại vật, khiến con người không muốn và không thể sống tinh thần bác ái thật sự. Vô cảm làm cho ta không thể nối kết hai giới răn này nên một, điều mà Chúa Giêsu đòi buộc hết thảy các môn đệ của Người.Vô cảm tột cùng là “tội phạm đến Chúa Thánh Thần”, tội mà Chúa nhân từ đến mấy cũng không thể tha thứ cho được, vì là tội con người không muốn tha cho chính mình, không muốn mình được tha. Phá hoại hôn nhân và gia đình, xúi giục con người tôn thờ xác thịt, sống ích kỷ, hận thù bạo lực, chống lại Thiên Chúa là Đấng duy nhất làm chủ sự sống bằng những tội ác kinh tởm như ngừa tránh thai, nạo phá thai, an tử, kết hợp đồng tính, dùng phôi người để thí nghiệm, nhân bản vô tính người, tạo nên phôi lai người và động vật: Tất cả những nỗ lực, những hành động, những chiến dịch hoả ngục, chống báng Chúa và Giáo Hội ấy, đều được Xatan dùng một chiến lược duy nhất: gây ra vô cảm!
Thực thi đức ái
Thánh Phaolô đề cao đức ái : “Vì vậy, giờ đây còn lại ba điều là đức tin, đức cậy và đức ái. Nhưng lớn hơn cả là đức ái” (1 Cr 13,13). Trong Tự sắc Intima Ecclesia Natura (Bản chất thâm sâu của Giáo Hội), ĐTC Bênêđictô XVI viết: “Bản chất thâm sâu của Hội Thánh được thể hiện trong trách nhiệm ba mặt là: rao giảng lời Chúa, cử hành bí tích, và thực thi sứ mệnh bác ái. Các trách nhiệm này bao hàm lẫn nhau và không thể tách rời”. Và “Việc phục vụ bác ái còn là yếu tố cấu thành nên sứ mệnh của Hội Thánh và là cách biểu lộ thiết yếu sự hiện hữu của Hội Thánh”. Đức cha Michel Roy, Tổng thư ký Caritas quốc tế đã lập lại tư tưởng của ĐTC Bênêđictô: “Thực thi bác ái là một yếu tố cấu thành bản chất của Giáo Hội. Không thể có loan báo Tin Mừng mà không có bác ái. Đó là một trong những dấu chỉ cho tính khả tín của Giáo Hội” (Phát biểu tại Thượng Hội Đồng về tân Phúc Âm hóa - Rôma, ngày 17/10/2012). Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mời gọi: “Hãy lợi dụng rất nhiều cơ hội để làm việc bác ái, để loan truyền Phúc Âm, để thực hiện việc giáo dục Kitô giáo, thực hiện những nỗ lực về văn hoá Kitô giáo và thực hiện tình đoàn kết Kitô giáo với người nghèo khổ và những người bị kỳ thị, bỏ rơi và đàn áp”. (Redemptoris Missio 69b). Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, ĐTC Phanxicô nói đến sự cấp thiết trong việc phục vụ bác ái ngày hôm nay không chỉ vật chất mà còn là sự chăm sóc tinh thần cho người nghèo, quyền lợi và tôn giáo của họ: “Tôi đau lòng mà nói rằng việc kỳ thị tồi tệ nhất mà những người nghèo đang phải chịu là thiếu sự chăm sóc tinh thần. Đại đa số người nghèo có một lòng cởi mở đặc biệt với đức tin; họ cần Thiên Chúa, và chúng ta không thể không cung cấp cho họ tình bằng hữu của Ngài, phúc lành của Ngài, Lời của Ngài, việc cử hành các Bí Tích và đề nghị một con đường tăng trưởng và trưởng thành trong đức tin. Sự lựa chọn ưu tiên cho người nghèo cần phải được phản ảnh chủ yếu trong việc quan tâm đến đặc quyền và ưu tiên về tôn giáo của họ” (Niềm Vui Tin Mừng, số 200).
Để sống đức ái trọn vẹn, mọi thành phần dân Chúa cần thực hành theo 3 phương thức mà Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay. Từ trong gia đình trong giáo xứ và trong những mối quan hệ đời thường, mỗi người biết tôn trọng phẩm giá, tôn trọng thân xác và tinh thần con người hơn các giá trị vật chất khác. Cần một nền giáo dục mang tính nhân bản toàn diện, khơi gợi nơi con người những giá trị yêu thương, sống quảng đại, và có tinh thần sống liên đới với tha nhân. Mỗi người biết rung động trước những nghĩa cử đẹp, và biết xót xa trước những bất hạnh trái ngang, tất sẽ biết sống cho đi và hy sinh cho người khác. Các Giáo xứ, các Dòng tu đều có những hoạt động bác ái đa dạng phong phú. Rất nhiều các nhóm, đoàn thể đã có những sáng kiến thực thi bác ái, tạo nên những sắc màu tuyệt đẹp của đức ái Công giáo.
Tâm niệm bài Tin Mừng:“Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giêsu một kẻ tê liệt, có bốn người khiêng. Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ phải dỡ mái nhà, ngay chỗ trên Người ngồi, dỡ xong, họ thả người tê liệt đang nằm trên chõng xuống.” (Mc 2,1-12). “Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo …: ‘Này con, con đã được tha tội rồi’ .”;“Hãy đứng dậy, vác chõng đi về nhà”. Nếu không có ai cố gắng để nâng đỡ kẻ tê liệt, hỏi kẻ tê liệt có được tha tội không ? Có được cứu chữa không?
Mùa Chay là thời gian đặc biệt như lời Thánh Phaolô nói: “Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ” (2 Cr 6,2). Đây là thời gian thuận tiện để mỗi người quyết tâm hoán cải, tăng cường việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, thống hối, mở rộng tâm hồn đón nhận thánh ý Chúa, quảng đại giúp đỡ tha nhân.
Mùa Chay là lúc thuận tiện để khích lệ mọi thành phần Dân Chúa gia tăng sức lực thực hiện công việc bác ái nhiều hơn nữa. Giữa biển cả thờ ơ của xã hội hôm nay, mỗi người, mỗi giáo xứ và cộng đoàn thực thi đức ái, nhất định Giáo hội sẽ trở nên những hòn đảo lòng thương xót.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An