Tìm Kiếm

11 tháng 12, 2014

Đời Sống Tâm Linh: Những Hình Thức Tu Trì Kitô Giáo

LTS: Nhân dịp Đức Thánh Cha Phanxicô mở năm "Đời Sống Thánh Hiến", được bắt đầu bằng giờ canh thức tối 29/11/2014 và kết thúc bằng cử hành Thánh lễ "ngày Đời Sống Thánh Hiến" tại đền thờ Thánh Phêrô sáng 02/02/2016. Được sự đồng ý của Cha Giuse Phan Tấn Thành, OP., tác giả bộ sách "Đời Sống Tâm Linh", chúng tôi xin gửi đến quý vị những bài viết được trích trong Tập sách Đời Sống Tâm Linh VI, nói về "Những Hình Thức Tu Trì Kitô Giáo". Những bài trích này sẽ được gửi đến quý vị trong suốt năm "Đời Sống Thánh Hiến" này.

***
Dẫn nhập

Khi Chúng ta cùng nhau khảo sát những hình thức tu trì trong Hội thánh, điều này không chỉ có nghĩa là đi tìm hiểu lịch sử của các Dòng tu, nhưng còn muốn nghiên cứu các trường phái tâm linh của Kitô giáo. Thực vậy, khi nói đến các Dòng tu, chúng ta đừng nên giới hạn vào các cơ chế quản trị điều hành, nhưng chúng ta hãy cố gắng đi xa hơn nữa, để khám phá ra một “trường phái tâm linh”, nghĩa là một đường hướng nên thánh nhờ việc đi theo Chúa Kitô dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh.
Trong đề tài này, Chúng tôi sẽ tìm hiểu nguồn gốc phát sinh, lý tưởng và linh đạo của mỗi hình thức, đồng thời với những thời sa sút và cải cách. Thoạt nghe nói sự sa sút và cải cách các dòng tu, có lẽ không ít người sẽ bàng hoàng, nhưng nếu bình tĩnh suy nghĩ lại thì cũng dễ chấp nhận thôi. Giáo hội của Chúa Kitô vẫn còn bao gồm nhiều phần tử tội lỗi mặc dầu đã được trang bị với đủ mọi phương thế nên thánh. Các dòng tu nằm trong lòng Giáo hội và cũng không thoát được điều kiện mỏng dòn của con người. Vào lúc khởi đầu của mỗi dòng tu, những vị khai sáng đầy nhiệt huyết muốn sống triệt để Tin mừng; nhưng theo dòng thời gian, ngọn lửa nhiệt thành nguộâi dần và thậm chí có lúc tàn lụi ra đống tro! Vì thế, các tu sĩ tuy đã tuyên khấn bước vào đường trọn lành, nhưng họ cần phải nỗ lực không ngừng thì mới khỏi mất lý tưởng. Những trào lưu cải cách xuất hiện trong bối cảnh đó, và phần nào trở thành động lực phát sinh các hình thức tu trì qua dòng lịch sử.

I. BỐ CỤC

Tập sách này được phân chia làm hai phần chính: Lịch sử và Thần học. Trong phần thứ nhất chúng tôi sẽ trình bày sự tiến triển của các hình thức tu trì qua lịch sử. Sang phần thứ hai, chúng tôi sẽ nghiên cứu thần học về đời thánh hiến, dựa theo các văn kiện của Giáo hội từ công đồng Vaticanô II đến nay.

Phần thứ nhất được chia làm ba giai đoạn: thời các giáo phụ; thời Trung cổ; thời cận đại.

I. Trong thời giáo phụ, sau khi điểm qua vài ý kiến liên quan đến nguồn gốc đời sống tu trì Kitô giáo, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu các hình thức sơ thuỷ nơi các nhà khổ hạnh và các trinh nữ; tiếp đến là sự phát triển của đời sống đan tu, từ nếp sống ẩn sĩ cho đến nếp sống cộng đoàn.

Đây là một giai đoạn quan trọng trong lịch sử đời tu trì Kitô giáo, bởi vì tuy xét về hình thức, đời tu sẽ còn tiến triển nhiều, nhưng những động lực chủ yếu đã được khai triển nơi các tác phẩm của các giáo phụ rồi, chẳng hạn qua những khảo luận về lý tưởng khiết tịnh vì Nước Trời, về các hình thức cầu nguyện và khổ chế, về con đường dẫn đến sự kết hiệp với Thiên Chúa. Những điểm này đã được đề cập trong tập V, khi bàn đến truyền thống đời đan tu bên Đông Phương, và sẽ được bổ túc thêm truyền thống Tây phương, với các tác phẩm của thánh Âu-tinh và luật Biển-đức.

Vào cuối thời giáo phụ, luật thánh Âu-tinh được sử dụng như quy chuẩn trong kế hoạch cải tổ các giáo sĩ. Một cách tương tự như vậy, luật thánh Biển-đức được áp đặt cho tất cả các đan sĩ. Tuy nhiên, sang thời Trung cổ, chúng ta sẽ thấy nhiều cuộc cải tổ diễn ra ngay trong dòng Biển Đức, điển hình là sự ra đời của dòng Xi-tô.

II. Qua thời Trung cổ, chúng ta sẽ thấy xuất hiện một hình thức tu trì mới nơi các Dòng hành khất. Phần lớn các tu sĩ thuộc hàng giáo sĩ, và tham gia vào công cuộc rao giảng Tin mừng. Các tu viện được cất ở giữa các thành thị hoặc làng mạc, chứ không phải là nơi sa mạc hoặc núi rừng. Bốn dòng hành khất lớn đều đã đặt chân đến Việt Nam, đó là: Dòng Đa-minh, dòng Phan-sinh, dòng Âu-tinh, dòng Cát-minh.

Đây cũng là thời phát triển thần học kinh viện. Lý tưởng tu trì được thánh Tôma Aquinô phát biểu như là “hàng ngũ trọn lành” với ba lời khấn. Tiếc rằng không phải hết mọi người tuyên khấn bước vào hàng ngũ trọn lành thì đều nên trọn lành! Trên thực tế, các Dòng hành khất đã nếm mùi sa sút, và yêu sách cải tổ đã đưa tới sự phân hoá giữa các nhánh “cải cách” và “bảo thủ” trong cùng một Dòng tu.

Cũng trong chiều hướng cải tổ mà giáo luật đã áp đặt chế độ “nội vi chặt chẽ” cho các nữ tu, đến nỗi hai từ ngữ “nữ tu” và “nội vi” ra như đồng nghĩa với nhau.

III. Bước sang thời cận đại, hầu hết các Dòng tu ra đời từ thế kỷ XVI (nổi bật nhất là Dòng Tên) đều hướng về hoạt động tông đồ. Thêm vào đó, đa số các “Hội Dòng” được thiết lập từ thế kỷ XIX thuộc nữ giới. Vào hậu bán thế kỷ XX, giáo luật nhìn nhận thêm một hình thức tu trì mới, đó là các “Tu Hội Đời”. Đa số các Dòng tu hoạt động ở Việt Nam (dù là Dòng thuộc Toà Thánh hay Dòng thuộc Giáo phận) thuộc về thế hệ này.

Phần thứ Hai mang tính cách tổng hợp, trình bày thần học về đời tu trì dựa theo các văn kiện Giáo hội kể từ công đồng Vaticanô II cho đến tông huấn “Đời sống thánh hiến” của đức thánh cha Gioan Phaolô II, đúc kết thành quả của thượng hội đồng giám mục họp năm 1994. Chúng ta sẽ chú ý cách riêng đến những khái niệm căn bản của đời sống thánh hiến, đó là: thánh hiến, ba lời khuyên Phúc âm và tình huynh đệ, chiêm niệm và hoạt động.

Trước khi đi sâu vào vấn đề, thiết tưởng cần nói đôi lời về vấn đề từ ngữ.

II. TỪ NGỮ      

Tại Việt nam, một từ ngữ phổ thông để gọi những người dâng mình cho Chúa là “các tu sĩ”. Từ ngữ này đã có trước khi Tin mừng được rao giảng ở Việt Nam, và không chỉ dành riêng cho Kitô giáo. Văn hoá cổ điển đã sử dụng từ “tu” (tu hành, tu trì) trong nhiều bối cảnh khác nhau, phản ánh qua các ngạn ngữ như là: “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, hoặc như: “thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Ngày nay, thể chế tu trì cũng hiện hữu bên Phật giáo nữa. Một câu hỏi đương nhiên được đặt ra là: có gì khác biệt giữa đời sống tu trì bên Phật giáo và Kitô giáo không? Chúng tôi sẽ tìm câu trả lời trong chương Một, khi nêu lên vấn đề: “hiện tượng tu trì Kitô giáo có chịu ảnh hưởng của các tôn giáo khác hay không?” Ở đây, chúng tôi chỉ bàn đến vấn đề từ ngữ.

1/ Danh từ “tu sĩ” được dùng để dịch từ “religiosi” trong tiếng Latinh (Pháp religieux; Anh religious) mang ý nghĩa hoàn toàn khác biệt. Tiếng “tu” hàm ngụ công tác sửa chữa, chỉnh đốn (tu chính, tu sửa); còn “religiosus” nguyên gốc là một tính từ bắt nguồn bởi danh từ “religio”, hàm ngụ ý tưởng “ràng buộc” (re-ligare), “nghiền ngẫm” (re-legere), và đặc biệt là sự phụng thờ. Theo sự giải thích của thánh Tôma Aquinô, những người dâng mình cho Chúa được gọi là “religiosi” bởi vì họ đã hiến trót cuộc đời để phụng sự Thiên Chúa.

2/ Thực ra, trải qua lịch sử Kitô giáo, những người dâng mình cho Chúa đã được gọi bằng nhiều từ ngữ khác nhau: monachi, regulares, vita consecrata.

- Monachi (Pháp: moines; Anh: monks, quen dịch là “đan sĩ”) theo nguyên ngữ Hy-lạp (monachos) chỉ có nghĩa là “một, đơn, nhất” (monos), và được giải thích theo nhiều nghĩa: “kẻ độc thân” (không lập gia đình); kẻ “sống một mình” (lìa xa đời); kẻ “chỉ chuyên lo việc của Chúa”; kẻ duy trì sự thống nhất nội tâm; những người sống “đồng tâm nhất trí” trong một nhà. Nên biết là danh từ “monachi” không xuất hiện trong các bản luật của Pacomiô, Basiliô, Augustinô, có lẽ bởi vì nó gắn với nếp sống ẩn sĩ. Các phần tử của cộng đoàn được gọi là fratres (anh em).

- Regulares: theo nguyên ngữ Latinh là một tính từ gốc bởi regula (khuôn thước, luật lệ): ám chỉ những người khấn tuân giữ một bản luật. Đối với hàng giáo sĩ, từ “regularis” được dùng như đối nghịch với “saeculares” (quen dịch là “triều”, nhưng không đúng).

- Vita consecrata (quen dịch là “tận hiến” hay “thánh hiến”). Đây là từ ngữ chính thức của bộ giáo luật được ban hành năm 1983, nhưng không được tất cả mọi người tán thành vì hai lý do chính. Thứ nhất, phải hiểu “consecratio” như thế nào: đó là hành động về phía con người (tận hiến cho Thiên Chúa), hay là hành động về phía Thiên Chúa (Ngài thánh hiến con người)? Thứ hai, tất cả các Kitô hữu đều được thánh hiến (hoặc tận hiến) nhờ bí tích Thánh tẩy, chứ đâu riêng gì các “tu sĩ” mới được thánh hiến? Đây là một vấn đề thần học khá quan trọng mà chúng ta sẽ tìm hiểu khi phân tích các văn kiện Giáo hội trong chương 12. Tạm thời chúng tôi xin dịch là “thánh hiến” bởi vì muốn đề cao tác động của Thiên Chúa, đồng thời với lý tưởng nên thánh (thánh hóa).

- Ordo; Congregatio. Trong bộ giáo luật 1917, các dòng tu được phân chia thành “Ordo” (nếu có lời khấn trọng) và “Congregatio” (nếu là lời khấn đơn). Bộ giáo luật 1983 du nhập thêm nhiều từ ngữ khác:institutum vitae consecratae, institutum religiosum, institutum saeculare, societas vitae apostolicae (được sách Giáo lý Hội thánh Công giáo lấy lại ở các số 914-930). Việc dịch các từ ngữ này không đơn giản, xét vì mỗi từ mang nhiều ý nghĩa trải qua dòng thời gian. Khi dịch sang tiếng Việt là “dòng tu”, “hội dòng”, “tu hội”, và “tu đoàn”, chúng ta nên lưu ý đến hai từ được lặp lại nhiều hơn cả, đó là “tu” và “dòng”. Tất cả đều là những đoàn “tu trì”, (khác với những hiệp hội đạo đức, tông đồ, xã hội); đàng khác, họ là các “dòng”, một từ ngữ đã được sử dụng nơi nhiều tông phái Phật giáo (chẳng hạn như các “dòng Thiền tông”: dòng Lâm tế, dòng Trúc lâm, dòng Tào động), ra như muốn nêu bật tính cách gia tộc (dòng dõi).

Nhiều từ ngữ chuyên môn khác chúng tôi sẽ giải thích khi có dịp đề cập đến trong tập sách này.

 
***
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP. (daminhvn.net)