Tìm Kiếm

3 tháng 12, 2014

Năm “Đời Sống Thánh Hiến”: Nhập Hội Hoa Đăng

Lm. Đa Minh Đinh Viết Tiên, OP.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn năm 2015 là năm Đời Sống Thánh Hiến (khai mạc 30/11/2014 và bế mạc ngày 02/02/2016). Giáo Hội muốn toàn thể các tín hữu suy tư và cầu nguyện cho các tu sĩ. Ngài nhắn nhủ anh chị em sống đời sống thánh hiến hãy nỗ lực tìm lại căn tính của đời tu. Khủng hoảng của đời tu hiện nay bắt nguồn từ việc thiếu cầu nguyện và sa sút về đời sống tâm linh.

Trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 78: 3 lý do giải thích về việc khan hiếm ơn gọi đời sống thánh hiến:


- Sự gia tăng chủ nghĩa cá nhân

- Sự khủng hoảng căn tính

- Giảm sút lòng nhiệt thành tông đồ
I. Ý NGHĨA CỦA NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

1. Khám phá nét đẹp của đời tu

Mỗi cuộc đời tín hữu là ngọn đèn nhỏ bé được thắp sáng từ ánh lửa Phục Sinh. Đó là một cuộc đời tin yêu và hy vọng. Chúng ta có thể thực hiện cuộc đời mình trong đời sống gia đình hay bằng cuộc dâng hiến giữa lòng đời hôm nay.

Bước vào năm Đời Sống Thánh Hiến, tôi nghĩ đến hình ảnh người trinh nữ cầm đèn sáng trong bài thơ “nhập hội hoa đăng” của thi hào Tagore:

“Này cô em, em đi đâu?”
Mà lại lấy tà áo che ngọn đèn dầu như thế?
Mắt nhìn xa xăm, nàng trả lời:
Em ra bờ sông thả đèn trong dòng nước.
Tôi lại lên tiếng hỏi:
“Này cô em, đèn của cô đã thắp sáng cả rồi, 
Vậy còn mang đèn của cô đi đâu nữa ?”
Nàng dừng chân giây lát, trầm tư, rồi nhìn tôi qua màn đêm mà nói: 
“Em mang đèn này đi dự hội hoa đăng.”
“Tôi dừng lại đó, ngắm ánh đèn đang toả sáng giữa những đốm lửa chập chờn” (Tagore – Gitanjali, 64). 

Dòng sông rực sáng, lung linh sắc màu. Dòng sông hát, nghe như có tiếng gió hiu hiu đùa mơn trớn ánh lửa chập chờn.

Đối với người Ấn Độ, sông Hằng là phúc thần không những nó nuôi sống bao sinh vật dưới nước làm tốt tươi các cây cối trên bờ, làm cho hệ sinh thái được dịu mát. Sông Hằng còn là dòng sông Thánh, có sức thanh tẩy nội tâm con người bị ô nhiễm, uế tạp. Người ta gọi sông Hằng là cảnh vực thần linh, nơi mà Thượng Đế hiện diện. Nó có tính cách linh thánh và giúp cho người ta gần gũi với Thượng Đế.

Hình ảnh cô trinh nữ cầm đèn đi dự đại hội hoa đăng khiến chúng ta liên tưởng đến các cô trinh nữ cầm đèn chờ đợi đón đức lang quân đi vào dự tiệc cưới, hình ảnh đám rước ngày cánh chung trong sách Khải Huyền họ mặc áo trắng và cầm ngành thiên tuế. Họ từ đau khổ lớn lao mà đến. Họ đã giặt áo mình trong máu Con Chiên trong ngày Đại Hội Cánh Chung. (Kh 7,2-14)

Năm đời sống thánh hiến đang mở ra trên khắp năm châu và đặc biệt tại giáo đô Roma. Đây là đại hội của những người môn đệ Chúa từ khắp bốn phương trở về, thắp sáng niềm tin yêu hy vọng phải tạo thành một hội hoa đăng.

2. Suy nghĩ và cầu nguyện, gặp gỡ và học hỏi

Để chuẩn bị cho ngày khai mạc của năm Đời Sống Thánh Hiến, buổi chiều ngày 29/11/2014 có buổi canh thức cầu nguyện tại đền thờ Đức Bà Cả ở Roma. Nhiều cộng đoàn tu trì đã tổ chức hai ngày sa mạc (từ chiều thứ sáu đến chiều chúa nhật). Tổ chức canh thức Thánh Thể suốt đêm thứ bảy và ngày chúa nhật.

Trong năm Đời Sống Thánh Hiến sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ quốc tế ở Roma và nhiều nước khác.

Nhân dịp tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất, từ ngày 22-25/01/2015 sẽ có cuộc hội thảo đại kết giữa những người thánh hiến thuộc các giáo hội Kitô khác.

Ngày 08/12/2014, sẽ bắt đầu một buổi cầu nguyện trong các đan viện trên toàn thế giới: để đền tạ hồng ân Chúa về món quà quý giá: đời sống thánh hiến cho Giáo Hội. Xin Chúa gìn giữ Hội Thánh và bảo vệ những tâm hồn dâng hiến.

Ngoài ra có một cuộc gặp gỡ dành cho các nhà đào tạo nam và nữ về đời sống thánh hiến từ ngày 08-11/4/2015, và sau đó có cuộc gặp gỡ dành cho các tu sĩ trẻ từ ngày 23-25/9/2015, hy vọng có nhiều tu sĩ trẻ (từ các hội dòng) hẹn họp mặt tại Roma.

Ngày 26/9/2015, sẽ là ngày tưởng niệm các Thánh, các vị tử đạo của đời sống thánh hiến.

Từ ngày 24/01–02/02/2016 sẽ có tuần lễ thế giới về đời sống thánh hiến trong sự hiệp nhất.

Riêng tại Việt Nam, Uỷ ban tu sĩ thuộc HĐGMVN có tổ chức đại hội liên tu sĩ toàn quốc vào ngày 07-08/11/2015. Mỗi giáo phận và mỗi hội dòng phát huy lòng sốt sắng và tổ chức các buổi học hỏi, cầu nguyện, canh thức Thánh Thể, Thánh Lễ trọng thể để năm thánh hiến đạt được thành quả tốt đẹp.

3. Ý nghĩa của logo năm Đời Sống Thánh Hiến

Tác giả của logo năm Đời Sống Thánh Hiến là hoạ sĩ Carmela Boccasile, cho chủ đề: Đời Sống Thánh Hiến trong Giáo Hội ngày nay: Tin Mừng, Ngôn Sứ và Hy Vọng. Logo năm Đời Sống Thánh Hiến qua những biểu tượng, diễn tả những giá trị nền tảng của đời sống thánh hiến. Người ta nhận ra ở đó “công trình liên lỉ của Chúa Thánh Thần mà trong một dòng thời gian thể hiện sự phong phú của việc thực hành các lời khuyên phúc âm qua những đặc sủng đa dạng và do đó làm cho mầu nhiệm Chúa Kitô luôn hiện diện trong Giáo Hội và trong thế giới, trong thời gian và không gian.” (ĐSTH, 5)

a/ Những biểu tượng trong logo

Một chim bồ câu dùng một cánh để nâng đỡ quả địa cầu, đang khi cánh kia bao bọc dòng nước, trổ lên ba ngôi sao.

Chim bồ câu bay trên mặt nước: Biểu hiệu Thánh Linh, nguồn sự sống và sự sáng tạo. 

Chim bồ câu cũng là biểu hiệu của hoà bình (x.St 8,8-14): Các tu sĩ được mời gọi làm dấu chỉ hoà giải phổ quát trong Đức Kitô.

Chim bồ câu cũng gợi lên sự thánh hiến của Đức Giêsu tại sông Giordan.

Nước: tượng trưng cho vũ trụ, nơi mà con người sinh sống. Các tu sĩ sống ở giữa đời như nhứng người phục vụ trong tinh thần của Đức Kitô, ôm ấp và yêu thương nhân loại cũng như sẵn sàng đổ máu để làm chứng cho tin mừng.

Ba ngôi sao nhắc đến ba triều kích của đời sống thánh hiến: thánh hiến, hiệp thông và sứ vụ.

Quả địa cầu: tượng trưng cho nhân loại với nhiều nền văn hoá khác nhau. Các tu sĩ được Thánh Linh sai vào thế giới để mang sức sống thần linh đến cho họ.

b/ Khẩu hiệu

“Đời sống thánh hiến hôm nay - Tin mừng, Ngôn sứ và Hy vọng”

Tin mừng (Evangelium): tiêu chuẩn căn bản của đời sống thánh hiến là đi theo Đức Kitô dựa trên giáo huấn của Tin mừng (Dt 2a). Tin mừng mang lại sự khôn ngoan hướng dẫn cuộc đời, nhờ những lời khuyên mà Thầy đã dạy các môn đệ (x.GH 42).

Ngôn sứ (Prophetia): Đời sống thánh hiến là một hình thức thông dự vào tác vụ ngôn sứ của Đức Kitô, được Thần Khí thông ban cho Hội Thánh. (ĐSTH 84).

Hy vọng (Spes): Đời sống thánh hiến làm chứng cho niềm hy vọng qua đời sống gần gũi và mang tình thương đến cho người đồng loại.
Được thúc đẩy nhờ tình yêu mà Thánh Linh đổ xuống tâm hồn (Rm5,5), những người thánh hiến ôm ấp toàn thể vũ trụ, là sứ giả của hiệp thông và hiệp nhất.
 
II. CƠ HỘI ĐỂ ĐÀO SÂU CĂN TÍNH

Thư chung của HĐGMVN đề ngày 01/11/2014 đã nhắn gởi chúng ta: 

Với anh chị em sống đời thánh hiến, xin chia sẻ niềm vui với anh chị em vì Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định chọn năm 2015 là năm của Đời Sống Thánh Hiến.

“Chúng tôi tin rằng đây sẽ là cơ hội thuận lợi để anh chị em đào sâu căn tính của mình, để “trải nghiệm” không ngừng được đổi mới về sự nếm cảm tình bạn và sứ điệp của Đức Kitô” (NVTM 264).

Chính trải nghiệm này thúc giục chúng ta ngày càng yêu mến Đức Kitô nhiều hơn và chia sẻ tình yêu ấy cho người khác, nghĩa là dấn thân cho sứ vụ Phúc-Âm-Hoá cách mạnh mẽ hơn, trong sự hợp tác chặt chẽ với Giáo Hội địa phương. (Thư chung HĐGMVN, số 7)

1. Xác tín vào tình thương của Chúa

- Sách Diễm Ca đã mô tả Thiên Chúa như một gã si tình: “Tiết đông đã qua rồi, sơn hà nở rộ hoa tươi và mùa ca hát vang trời về đây, bồ câu của ta ơi” (Dc 2,11-12,14)

- Ta sẽ đưa con vào sa mạc, lòng bên lòng ta tâm sự với con (Os. 2,16). Ta đã ôm ấp nâng niu ngươi trên đầu gối của ta, ta đã dẫn bước ngươi từng bước (Ed 11,3-4). Bức họa của Van Goh đã mô tả hình ảnh này: bà mẹ tập đi cho con từng bước chập chững đầu đời, phía đằng trước người cha đang khuyến khích bé bước đi trong tay mẹ.

- “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16). “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban chính Con Một của Ngài” (Ga 3,16).

- “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, đang khi chúng ta còn là những người tội lỗi: Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5,8).

- Bao giờ chúng ta mới có thể nói được như thánh Phaolô: “Ai có thể tách lìa chúng ta ra khỏi tình yêu Chúa Kitô”. (Rm 8,35).

2. Xây dựng tình bạn với Chúa Giêsu trong đời sống thiêng liêng

- Chúa đã đưa ta vào huyền diệu với những trải nghiệm đang ùa vào hồn ta. Mình đã nếm cảm những dấu ấn yêu thương của Chúa. Chúa đã chạm vào cuộc đời ta và chính bàn tay Ngài dẫn đưa chúng ta trên mọi nẻo đường: quanh co khúc khuỷu gồ ghề… Vì thế, đời sống thánh hiến là một cuộc đời đã được dành riêng cho Thiên Chúa. Chúa là của ta và ta thuộc về Ngài.

- Chúa Giêsu đã gọi chúng ta là bạn hữu (Ga 15,14) và chỉ trong mối tương quan bằng hữu này, chúng ta mới có thể “ở lại” nơi cung lòng của Ngài và Người có thể “ở lại” nơi sâu thẳm cuộc đời ta. Càng thăng tiến mối tương quan bạn hữu, chúng ta càng cảm nhận được sự tự do hào hùng của người con cái Chúa, sự tự do vượt mọi sợ hãi, vượt mọi rào cản và cấm kỵ.

- Sẽ không có sự thăng tiến đời sống tâm linh đích thực, nếu mối tương quan giữa ta với Chúa vẫn chỉ là một mối tương quan nô lệ, đầy sợ hãi và tính toán.

- Hãy khởi đầu đời sống tâm linh, bằng việc xây dựng một mối tương quan ngôi vị, cá vị với Ngài. Mọi tương quan tình bạn với Đấng “trở nên người phàm” và đang ở giữa chúng ta sẽ giúp chúng ta có cảm nghiệm sâu sắc về tình yêu của Ngài. 

- Tình bạn sẽ là chất men làm tăng thêm lửa nhiệt tình nơi tâm hồn, ngọn lửa sẽ bùng lên thiêu đốt những gì là ích kỷ, và sẽ giúp nhau sống quảng đại hơn.

- Tình bạn phát triển điều thiện hảo đòi chúng ta phải thành thật và trung tín, dám chấp nhận con người thật của nhau (Ngài đã yêu chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân…).

- Tình bạn dám dành thời gian cho nhau, gặp gỡ và trao đổi tâm sự, chúng mình là của nhau.

“Từ đây Chúa ơi! Chúa chính là gia nghiệp của con. Chúa chính là tất cả đời con. Mọi sự con thuộc về Chúa. Vĩnh viễn con thuộc về Chúa.” (Ngọc Linh, Ngài yêu Con).
 
3. Nếm cảm và trải nghiệm về tình bạn với Đức Giêsu

- Với hai mươi bốn năm cuộc đời, chín năm trong đời dâng hiến của chị Thánh Têrêsa, chúng ta cứ nghĩ đó là một cuộc đời thật đẹp, mộc mạc như hoa đồng nội. Sống trong gia đình đạo đức thánh thiện, có năm người con gái đều dâng mình cho Chúa, riêng Têrêsa mới ba tuổi đã có ước nguyện dâng mình trong nhà Chúa. (Một Tâm Hồn, tr.112). Hành trình ơn gọi của chị cũng gặp nhiều khó khăn trắc trở. Năm mười lăm tuổi, chị đã khát khao trở thành thành viên của đan viện Lisiơ. Theo giáo luật thì không được, gia đình chị đã phải nại đến Toà Giám Mục (tr.113) và cuối cùng phải sang tận Rôma gặp Đức Giáo Hoàng xin ơn chuẩn chước tuổi để có thể gia nhập đan viện. (tr.132).

- Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu: Ơn gọi của tôi là tình yêu. Bà đã cảm nghiệm về tình yêu Thiên Chúa qua việc đọc và suy niệm Kinh lạy Cha trong liên tưởng tình phụ tử nơi người cha ruột của mình. (tr.232). Cảm nghiệm từ những biến cố của cá nhân cũng như của cộng đoàn. (một phép lạ nhỏ trong ngày lãnh tu phục: tuyết rơi, tr.153). Ngày chị mới chập chững bước vào cửa đan viện, rồi những năm tháng trong nhà Chúa từ những ngày của thời gian nhà thử, nhà tập… và làm phụ tá giáo tập. Đó hẳn là những thời gian quý giá. Mỗi biến cố trong đời sống là lời vẫy gọi của Thiên Chúa tình yêu, là lời thì thầm của vị tình quân yêu dấu. Têrêsa đã hát lên bài tình ca tạ ơn:

“Chúa ghi vào hồn con dấu ấn của Ngài, Chúa đi vào đời con êm ái tuyệt vời. Khúc ca đời con thơm ngát hương trời.” (Dấu ấn tình yêu).
 
Thay lời kết: biến cố hồng ân

Lạy Chúa, với nến sáng trong tay,
chúng con đã bước vào năm Đời Sống Thánh Hiến, 
chúng con muốn tái khẳng định lời cam kết trong giao ước tình yêu.

Chúa đã đi vào hành trình đời dâng hiến của con. 
Chúa đã ghi vào đời con những dấu ấn tuyệt vời. 
Ân tình Chúa thật bao la.

Xin đổ muôn vàn bông hồng tình yêu xuống nơi mỗi tâm hồn chúng con.
Xin cho ngọn nến đời con vẫn toả sáng lung linh cả trong gió bão của cuộc đời.
Xin cho con được hiện diện cùng với tất cả những tâm hồn dâng hiến trong ngày đại hội cánh chung.
Xin Chúa ân tha những bất trung bội nghĩa của chúng con. 

Chúng con muốn xuất phát lại từ Đức Kitô, 
vị lang quân yêu dấu của chúng con.
Chúng con xin phó thác cả đời con cho Chúa.